Bà đã nhiều năm nghiên cứu để phục hồi và đưa vào sản xuất dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Cái khó nhất của quá trình đó là gì?

Đưa tranh vào phục hồi và sản xuất thì dễ, cái khó là phải sáng tác mẫu để thích ứng với nhu cầu của con người hiện tại. Việc sáng tác mẫu này tôi hợp tác với họa sĩ Nguyễn Đức Hòa. Trước đây, trong số các mẫu mới mỗi năm sản xuất, thường có con giáp của năm đó. Trong số các mẫu sản xuất từ trước tới nay, tranh nghê Kim Hoàng vẫn được đón nhận tốt nhất.

Năm nay chúng tôi sáng tác mẫu trâu, có nhiều đề tài về trâu. Ví dụ như tranh Cờ lau tập trận có Đinh Tiên Hoàng cưỡi trâu, nhưng tranh tôi mong đợi nhất là bức Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Tranh này vừa đề cao tình cảm vợ chồng, vừa đề cao công sức của con trâu trong việc nhà nông. Mình đưa ra nhiều phương án lựa chọn. Có 7 mẫu trâu đưa ra thử nghiệm bán. Rồi sau đó sẽ chốt sản xuất mẫu nào. Cũng giống năm mà chúng tôi giới thiệu tranh nghê, thoạt tiên chúng tôi có 5 mẫu, sau đó đọng lại mẫu nghê đối.

Bà Thu Hòa trong quá trình tìm lại sắc đỏ của tranh Kim Hoàng

Các tranh được đón nhận nhất có thường là tranh bộ không, thưa bà?

Thường là tranh bộ, phong cách chơi dân gian của các cụ là chơi tranh theo bộ. Mình vẫn muốn khôi phục và tạo mẫu tranh theo bộ đôi. Ví dụ, một bên vợ cấy thì bên kia là chồng đi cày cùng con trâu kéo. Có nghĩa là tranh mang tính âm dương để đối xứng và dễ treo. Tuy nhiên, cũng có một vấn đề là trong nhà hiện đại, việc treo tranh đôi tốn diện tích. Tranh đôi muốn đẹp phải tốn gấp đôi diện tích bình thường. Thường những ngôi nhà trang trí theo kiểu cổ truyền treo tốt, nhà kiểu hiện đại thì chỉ treo được tranh nhỏ, mà tranh nhỏ lại không đẹp bằng tranh lớn.

Để tạo một mẫu mới khiến người dân hồ hởi đón nhận, có rất nhiều vấn đề. Nó không chỉ để thỏa mãn về mặt mỹ thuật mà phải có những lớp văn hóa ở trong. Mình không thể sáng tạo ra mẫu nào đó không gắn liền với văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn, năm Tuất thì không thể lấy hình ảnh một con chó đá lên tranh, vì không đẹp. Chính vì thế, trong tranh dân gian, các cụ không sáng tác mẫu tranh riêng cho năm Tuất, mặc dù nó là người bạn trong nhà.

Sau này, ông Quả (nghệ nhân tranh Đông Hồ) có sáng tác mẫu tranh chó nhưng nó là dạng chó bông, chó cảnh. Khi nghiên cứu mẫu tranh cho năm Tuất rất đau đầu và sau đó chúng tôi quyết định chọn nghê. Anh Nguyễn Đức Hòa đưa ra 10 phác họa nghê. Cùng năm đó, tôi và anh Trần Hậu Yên Thế hợp tác ra cuốn sách về các mẫu nghê. Như thế, không chỉ sáng tác mẫu, mà còn phải có câu chuyện kể sau tranh của mình.

Vậy hiện tại, bà đã thu hồi được vốn đầu tư vào việc nghiên cứu, sản xuất tranh dân gian chưa?

Tôi không bao giờ nghĩ về việc có thu lại được vốn hay không. Mà khi đầu tư cho nghệ nhân, việc cần thiết là mỗi năm đều phải làm chương trình gì đó về tranh Kim Hoàng. Cũng phải làm những cuộc ứng dụng tranh dân gian, chẳng hạn, nhờ nghệ nhân nghề đậu bạc ở Định Công đậu bạc lên thành tranh lợn; hay nhờ bạn khác vẽ hình tượng tranh Kim Hoàng lên thớt vỏ cây. Có nghĩa là mình tự nghiên cứu để làm mẫu ứng dụng tranh dân gian lên trên sản phẩm. Lần đầu làm tốn công, mất thời gian vì không phải làm được luôn, mà vẫn phải chấp nhận có sản phẩm lỗi.

Những việc tôi làm chỉ là muốn xã hội chú ý thôi, còn việc đưa tranh dân gian lên sản phẩm ứng dụng đã có từ lâu. Ở Bát Tràng, Biên Hòa, các tích như em bé ôm gà vịt vẫn lên sản phẩm rồi,... tuy nhiên mọi người chưa chú ý nhiều. Vì thế, tôi muốn làm thế nào để mọi người thấy rằng những sản phẩm có tranh dân gian trên đó vừa có tính truyền thống vừa có tính hiện đại. Tất nhiên, màu sắc của tranh có thể thay đổi để hợp với hiện đại hơn, hợp với sản phẩm người ta định thiết kế.

Bà Thu Hòa trao tặng sách về tranh Hàng Trống cho đại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội

Có thể thấy những mẫu lợn, chuột cảm hứng từ tranh dân gian của nghệ nhân Biên Hòa bán khá tốt, điều đó chứng tỏ nghệ nhân vẫn sống được bằng nghề?

Yếu tố thẩm mỹ của mẫu mới rất quan trọng. Thường những người đã dám thử mẫu mới đều là người tay nghề có bề dày rồi. Họ cũng đã có sẵn khách hàng và nắm chắc phần thắng trong tay. Họ sản xuất hàng nghìn sản phẩm như vậy, không chỉ cho một khách.

Cũng có nhiều người thành công khi đưa tranh dân gian vào tác phẩm. Chẳng hạn, họa sĩ Bùi Thanh Tâm đưa họa tiết tranh dân gian vào tranh mình, tạo ra một cách tiếp cận tranh dân gian theo kiểu khác. Tranh giao lưu không đi theo đường giao lưu văn hóa nữa. Từ tranh của Bùi Thanh Tâm, công chúng nước ngoài sẽ tìm hiểu tranh dân gian Việt Nam.

Hoặc họa sĩ Xuân Lam thì chung thủy với các họa tiết dân gian từ lúc bắt đầu sáng tác, thiết kế đến giờ. Ngũ hổ là tranh thờ, nhưng khi đưa lên trang phục thì không còn cảm giác thờ phụng nữa. Cộng với việc phối màu, trang phục trở nên có chất đương đại.

Bên cạnh tranh, được biết bà còn có Bảo tàng gốm sứ? Đây là một đam mê của bà?

Tôi sưu tập nhiều. Tôi có bộ sưu tập về gốm Nam bộ, gốm Bắc bộ, đồ tế khí (đồ cúng bái), tượng thờ. Bộ sưu tập gốm Nam bộ có đầy đủ hiện vật đại diện cho các dòng.

Vì sao bà lại chọn sưu tập gốm Nam bộ? Bà có thể cho biết thêm về vẻ đẹp và giá trị của dòng gốm này?

Gốm Bắc bộ truyền thống ít màu sắc, còn gốm Nam bộ cũng giống như con người Nam bộ: rất giàu màu sắc. Gốm Biên Hòa chẳng hạn, rất phù hợp để có thể trang trí trong ngôi nhà hiện đại. Nếu vào đình hay đền chùa, nhìn đồ sứ miền Bắc thì sẽ thấy hơi u buồn. Trong khi đó, tôi từng mua tại phố đồ cổ Lê Công Kiều (TP.HCM) món sưu tập đầu tiên là một chiếc đĩa Lái Thiêu với hình ảnh con gà, bụi chuối rất xinh, rất lạ. Chính vì thế, năm 2015, khi tổ chức triển lãm gốm Nam bộ và Lý, Trần, Lê, người đến xem chủ yếu xem gốm Nam bộ. Gốm Nam bộ đẹp, lại hợp không gian hiện đại.

Gốm Biên Hòa có nhiều nghệ nhân làm, trong đó có nhiều người đã từng được dạy làm gốm ở Trường Mỹ thuật Đồng Nai. Tiền thân của trường là một trường do người Pháp tổ chức, họ dạy làm nghề gốm, làm gốm và xuất đi Pháp. Đồng thời, sản phẩm của trường cũng cung cấp cho những gia đình giàu có ở Sài Gòn xưa. Gốm Lái Thiêu được người Việt gốc Hoa dùng nhiều. Gốm Cây Mai lại thường làm quần thể tượng gắn nóc đình đền chùa.

Bà Thu Hòa làm việc với nghệ nhân để khôi phục tranh Kim Hoàng

Như vậy, bà phải quán xuyến rất nhiều vấn đề liên quan trong việc phục hồi các dòng tranh dân gian?

Tôi dự định làm nhiều thứ và phải cân đối thời gian để làm. Ví dụ với nghệ nhân làm phỗng đất thì phải lưu ý hướng dẫn họ về việc đa dạng loại hình (như tò he, phải đủ 12 con giáp để người ta thích con giáp nào sẽ lấy con giáp đó). Đa dạng mẫu hơn thì sẽ bán tốt hơn. Tuy nhiên, nghề này chỉ để người già làm cho vui. Con cái của những người đó đều theo nghề làm hàng mã của Đông Hồ cả, và họ làm ăn phát đạt nên chưa chắc theo nghề làm phỗng của bố mẹ. Mình chỉ giúp họ đến thế thôi, chứ các nghề thủ công không được nhà nước hỗ trợ thì khó tồn tại.

Rồi việc đào tạo người làm tranh dân gian cũng vậy. Nhiều khi doanh thu đạt 10 triệu đồng/tháng họ thấy đã đủ rồi, không rèn luyện tay nghề nữa. Tôi không muốn họ bán sớm khi tranh chưa đảm bảo chất lượng và vì thế phải luyện vài năm.

Bà dự tính khi nào thì hoàn thành việc nghiên cứu và phục hồi, sản xuất tranh dân gian của mình?

Bao giờ tôi xong bộ sách tranh dân gian. Sau tranh Kim Hoàng, Hàng Trống thì bản thảo cuốn Tranh dân gian Huế cũng xong rồi. Nhưng tôi đang rất muốn viết về vàng mã. Với vàng mã, tôi cũng đã đủ dữ liệu, chỉ còn ngồi viết nữa thôi. Cũng giống như việc viết về tranh dân gian phải kèm theo sưu tập tranh dân gian, viết về vàng mã thì hiện giờ nhà tôi cũng đang tập hợp cả núi... vàng mã. Có những mã người ta không làm nữa, mình muốn chụp ảnh sản phẩm thì phải đặt mua, đưa vào studio để chụp cho đẹp... Thế mới mô tả được đầy đủ về nghệ thuật làm vàng mã.

Báo Thanh Niên
20.12.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.