Cuộn để xem tiếp

Tác giả: Vũ Phượng

8 năm ở nhờ trong nghĩa trang giáo xứ, bà Vũ Thị Thanh Nga (52 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) làm từ phụ hồ đến vác đá chăm con trai bệnh down. Những lúc tủi cực, tâm sự với con, bà lại rơi nước mắt vì cậu bé cứ ngơ ngác nhìn mẹ, không hay biết gì…

Ước mơ làm mẹ thành hiện thực ở tuổi 40. Ngày con chào đời, bà Vũ Thị Thanh Nga chưa kịp mừng vui thì bác sĩ báo bé có dấu hiệu Hội chứng down. Đưa con đi Bệnh viện Nhi đồng 1 kiểm tra, kết luận sau cùng vẫn là như vậy, bà Nga suy sụp, thất thần ngồi nhìn con, nghĩ đến tương lai mờ mịt phía trước.

Chọn chương để xem
  • 1
    Số phận an bài
  • 2
    Người mẹ kiên cường
  • 3
    Con là tất cả
  • 4
    Ước mơ của mẹ
Cuộn để xem tiếp

Chương 1
Số phận an bài

1/4

Hơn 30 tuổi, bà Nga nên duyên cùng ông Nguyễn Văn Tiến (quê Phan Rí). Nhìn mọi người có con quây quần cùng sự động viên sinh con có người hủ hỉ, bà Nga cũng quyết định sinh con ở tuổi 40.

Khi ấy bà kết cườm gia công, chồng làm thợ sửa gia dụng, không có điều kiện nên chỉ đi siêu âm thai kỳ, không chọc nước ối hay kiểm tra độ mờ da gáy của thai nhi. Ngày sinh con, bác sĩ báo tình trạng bệnh, bà ngã quỵ, nhưng biết số phận đã an bài. “Thôi ông trời cho mình quả nào thì mình chịu quả đấy thôi. Nay nuôi cháu cũng được 11 năm rồi đấy”, bà nói.

Chương 1
Số phận an bài

2/4

Dù lý trí chấp nhận sự thật, nhưng tận sâu trong trái tim người mẹ, bà vẫn rất đau buồn, cứ ngồi thẫn thờ nhìn con. Bà tự hỏi tại sao bao nhiêu người sinh con bình thường, đến con mình thì lại như thế này; trách phận. Rồi bà lại tự động viên mình con không phát triển bình thường như con người ta, nhưng rồi cũng như đứa trẻ lên 2, lên 5, lên 8… vậy mà tới nay 11 năm, bé Vũ Hoàng Gia Anh vẫn như đứa trẻ 2 tuổi.

Trong dãy trọ ẩm thấp, oi ả, bé Gia Anh liên tục phát bệnh, đập đầu vào các vật cứng. Bà Nga được hàng xóm chỉ đến xin cha xứ nhà thờ cho ở nhờ trong nhà mái ấm, không gian rộng rãi, thoáng mát, tốt hơn cho con.

Chương 1
Số phận an bài

3/4

Bà đánh liều chở con đến gặp cha xứ, nhìn bà còn sức khỏe, cha xứ nói hãy nhường cơ hội này cho những người khác khó khăn hơn. Nhưng thấy Gia Anh lững thững chạy đến ôm cha xứ, ông thốt lên: “Con chị đây hả? Vậy là chị phải nuôi cả đời rồi. Thôi dọn qua ở đi”.

Chương 1
Số phận an bài

4/4

Bà ôm đồ đạc cùng con dọn qua nơi ở mới, sau này cha xứ chuyển đi giáo phận khác, hai mẹ con được người quản trang tiếp tục cho ở nhờ lại trên đất nghĩa trang của giáo xứ. Về phần ba của Gia Anh, vì cuộc sống khó khăn nên có thời gian ông chuyển về quê làm việc, sau đó vô lại Sài Gòn mướn nhà trọ, một – hai tuần đến thăm con một lần. Suốt 8 năm như thế, hai mẹ con, những hy sinh thầm lặng, những nỗi vất vả cùng tình yêu thương của chị dành cho con khiến ai nấy đều cảm phục.

“Tôi nghĩ ba nó cũng chẳng trông được nên tôi cứ trông, dù có thời gian tôi nghĩ chắc tôi cũng trông không nổi đâu, vậy mà giờ cũng 11 năm rồi đó, chắc là sức mạnh khi làm mẹ. Chứ ngày trước tôi chỉ làm may, kết cườm, chân yếu tay mềm thôi”, bà bộc bạch.

Cuộn để xem tiếp

Chương 2
Người mẹ kiên cường

1/5

Trong căn phòng 2 vách tường, 2 vách tôn chừng 15m2 nằm trong khuôn viên nghĩa trang, bà Nga treo ảnh mẹ Maria, kế bên là bàn thờ cha mẹ ruột. Căn phòng nhỏ chỉ vừa đủ kê tấm nệm, chiếc kệ 3 tầng bỏ vài món linh tinh cùng 3 chiếc quạt bật liên tục để Gia Anh không bị nóng người, hạn chế tối đa phát bệnh.

Chương 2
Người mẹ kiên cường

2/5

Hằng ngày, bà Nga bắt đầu công việc chở đá giao đến các cửa hàng cà phê, người bán cá từ 4 giờ 30 phút sáng. Vừa đi làm, bà lại thấp thỏm, canh có chuyến ngang qua nghĩa trang thì tạt về xem con dậy chưa. Nếu dậy thì bà tranh thủ đút cho con ăn sáng, rồi tiếp tục công việc. Thỉnh thoảng, công việc của bà cũng bị gián đoạn khi người trông coi nghĩa trang gọi điện báo Gia Anh vừa đại tiện trét ra khắp cả nhà. May là chủ cơ sở nước đá thương tình, đồng ý cho bà linh động thời gian.

Chương 2
Người mẹ kiên cường

3/5

Trước đó, có thời gian bà làm phụ hồ cho công trình. “Toàn là việc của đàn ông đấy”, người phụ nữ U.60 giọng trầm ấm cười. Nhưng bà vẫn chọn công việc này vì có thể chạy tới chạy lui trông chừng đứa con khờ khạo.

Bà tâm sự: “Tôi không vác trên vai được nên ôm đá vào ngực, tì vào bụng, mà vác nặng quá nhiều quá đâm ra bị đau thận. Đợt vừa rồi tôi đi nằm viện hết nửa tháng rồi về lại thêm nửa tháng nữa, vừa xuất viện hôm qua. Tôi làm mấy năm rồi, nước ngấm vào người rất lạnh, nhưng nghĩ là con ở nhà có sữa uống, có cơm ăn, có quần áo mặc, tôi cứ thế làm thôi”.

Chương 2
Người mẹ kiên cường

4/5

11 năm đằng đẵng chăm chút từ miếng ăn, cái mặc đến cả vệ sinh cá nhân cho con, bà Nga vẫn cứ cặm cụi như vậy. Mỗi khi trời nắng nóng, Gia Anh lên cơn, bà phải chườm lạnh hoặc lau người để con không tăng động cao nữa.

Nhiều ngày đi làm về, thấy con đã dậy từ khi nào nhưng đang ngồi tự chơi mấy chiếc bao tay của mẹ, bà Nga thở phào. Nhưng cũng không ít ngày, làm công việc nặng đến tái xanh mặt, mồ hôi ròng ròng về nhà, bà thấy con đang ngồi chơi giữa một “bãi chiến trường” sau khi vệ sinh ra khắp nhà.

Chương 2
Người mẹ kiên cường

5/5

Người mẹ 52 tuổi vẫn điềm tĩnh chia sẻ: “Tôi lại phải đưa bé đi tắm rửa, dọn dẹp giặt drap, chiếu, nệm. Những lúc ấy là buồn lắm, rất buồn nhưng cố gắng vì con, cố gắng, cứ lầm lũi làm vậy thôi. Xong xuôi công việc vô nấu cơm cho con ăn”.

Cũng không ít lần, bà Nga bị con tát kêu tiếng “bốp” thẳng vào mặt hay đấm vào lưng. Dù điếng người không chịu nổi nhưng bà lại hít một hơi tự an ủi vì con đang lên cơn không biết gì. Điều lo lắng của bà là vài năm nữa, con lớn hơn một chút, bà thì già đi một chút, không biết khi đó bà có thể còn chăm cho con hay chịu những cú đánh “trời giáng” như vậy hay không. “Thôi thì phó thác cho ông trời vậy”, những câu kết thúc khi không có lối ra đều như vậy.

Cuộn để xem tiếp

Chương 3
Con là tất cả

1/5

Cha xứ nhà thờ đồng ý cho mẹ con bà tá túc nay đã chuyển đi nơi khác, nhưng thỉnh thoảng vẫn gửi về giúp hai mẹ con chút chi phí trang trải. Những người đến thăm mộ ở nghĩa trang, ghé vào thăm biết hoàn cảnh cũng giúp mẹ con đôi ba đồng. Cộng với sự san sẻ từ hàng xóm, giáo xứ cùng 5 triệu tiền lương, gần 1 triệu hỗ trợ trẻ khuyết tật của địa phương và cả sự chia sẻ từ những người không quen biết, hai mẹ con đã vượt qua được thời gian dài tưởng chừng như bế tắc.

Chương 3
Con là tất cả

2/5

Thấy không gian sinh hoạt ọp ẹp, ông Nguyễn Đức Long (người phụ trách trông coi nghĩa trang) đã xây riêng nhà vệ sinh ở bên ngoài để căn phòng rộng rãi hơn. Ngoài ra, khu vực đất trống phía trước, chiều chiều bà Nga có thể đẩy con trên chiếc xe lăn ra ngoài để hít thở không khí.

Bàn chân cong, Gia Anh không thể tự đứng quá 5 phút nên mọi sinh hoạt của em đều phụ thuộc vào mẹ. 11 tuổi, em cũng chỉ ú ớ nói chuyện một mình, chơi với vài đôi bao tay, chiếc gối ôm và một chiếc áo thun. Cứ vậy, ngày này qua ngày khác.

Chương 3
Con là tất cả

3/5

Nhiều lần bà Nga cũng đưa con đi điều trị, với hy vọng mong manh ngày con được phần nào như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng uống thuốc vào là Gia Anh lại “dại” người, không còn biết gì nữa nên bà đành phải ngưng hẳn. Mỗi ngày chỉ cho con uống một viên bổ não, ăn uống ngày 3 bữa chính, 2 bữa phụ; được ai giúp gì bà lại mua sẵn đồ để bồi bổ cho con.

Người mẹ 52 tuổi kể lại: “Tôi cũng nhiều lần đưa con đi tìm các trường học nhưng vì bé bị down tăng động, không tự ăn, không tự đi vệ sinh, không nói chuyện nên không ai nhận. Nơi nhận thì học phí tới gần 10 triệu. Lương tôi lo không nổi. Mà sau khi mổ thận xong, bác sĩ nói tôi không làm việc nặng nữa vì không phù hợp sức. Tôi mới xin nghỉ chỗ vác đá, chờ ổn lại vài hôm tính đi xin phụ quán ăn”.

Chương 3
Con là tất cả

4/5

11 tuổi, Gia Anh vẫn cầm bình bú, không biết uống ly, núp sau lưng mẹ khi thấy có người lạ đến thăm, thỉnh thoảng la hét thất thanh hay đòi quăng hết đồ đạc trong nhà ra ngoài. Bà Nga lại phải cầm chiếc roi, làm mặt nghiêm; không biết nói nhưng Gia Anh hiểu chuyện, sẽ tiết chế lại cảm xúc khi đó. Bà Nga cười: “Cầm roi là hù vậy thôi, chứ nhìn con chịu thiệt thòi vậy là thấy thương không hết rồi, sao mà nỡ đánh”. Nói xong, bà quay qua ôm cậu con trai thơm vào má.

Chương 3
Con là tất cả

5/5

Đến bây giờ, bà Nga vẫn ám ảnh nhất với những khoảnh khắc Gia Anh bỗng dưng đổ bệnh, ngơ ngác nằm nhìn mẹ, đôi mắt dại đi. Vừa ngồi trông chừng con, bà lại sợ con ngủ rồi sẽ đi luôn nên chỉ biết nhìn con khóc. Cho tới khi con tỉnh giấc dậy, bà mới thở phào.

Ngược lại, khi bà cảm, sốt, Gia Anh cũng ngồi ở bên, cầm tay mẹ vuốt. “Những lúc đấy là tôi ghi khắc ở trong lòng, bé không biết nói nên vuốt tay rồi nhìn mẹ vậy chứng tỏ bé thương mẹ, biết cách an ủi mẹ. Chỉ cần vậy là tôi cũng mừng rồi”.

Cuộn để xem tiếp

Chương 4
Ước mơ của mẹ

1/4

“Bé ơi, bé có thương mẹ không? Chứ mẹ nhìn bé là mẹ thương lắm. Mai mốt bé lớn lên rồi mẹ già thì bé có làm gì nuôi mẹ không? Bé có biết làm gì bé nuôi mẹ không? Chứ mẹ già rồi mẹ đâu còn sức làm nuôi bé nữa…”.

Cuộc sống cô quạnh, lầm lũi ở nghĩa trang nên ngày nào đi làm về mệt rã rời, sau giờ đọc kinh cầu nguyện, bà lại nhìn con tâm sự, chia sẻ. “Cháu ngơ ngác, ngơ ngác nhìn mẹ, rất là thương. Vừa nói chuyện với con, tôi lại vừa khóc, mà con mình thì cứ ngơ ngác như con nai ấy, chả biết gì cả. Cứ tâm sự với con để trải lòng mình, nhưng càng nói thì lại càng thương con vì con không biết gì cả”, bà Nga nức nở - nỗi tủi thân của người mẹ là 1, thì bà thương những thiệt thòi mà con đang phải chịu đến 10.

Chương 4
Ước mơ của mẹ

2/4

Nhiều khi đi ra đường, nhìn thấy những đứa trẻ đồng trang lứa với con tíu tít bên cha mẹ, được đi học, bà Nga lại ao ước - đó cũng là hình ảnh bà từng tưởng tượng ra ngày con còn ở trong bụng. “Nhìn lại con mình thấy bệnh đau theo cả đời như vậy, nhưng thôi cũng là niềm an ủi cho mình có mẹ có con tâm sự, là cũng vui rồi”, bà Nga không một phút giây nào cho phép bản thân được yếu lòng.

11 năm chăm sóc con, bà quên luôn ước mơ của bản thân mình là gì. Cả ngày sau khi bán sức lao động kiếm tiền trang trải, bà lại về nhà chăm sóc con, nói chuyện với con dù chưa một lần nhận được hồi đáp.

Chương 4
Ước mơ của mẹ

3/4

Bà bày tỏ: “Tôi thèm muốn một ngày được nghe con gọi hai tiếng “Mẹ ơi!”, nhưng cháu cứ hò hét hoài, chẳng thấy nói gì. Nghe được con gọi là tôi mãn nguyện. Chỉ sợ tới khi tôi già, tôi mất đi rồi cũng chưa kịp nghe được hai tiếng con gọi “Mẹ ơi”…”.

Chương 4
Ước mơ của mẹ

Lúc Nga đi làm thì chạy qua chạy lại thấy thằng nhỏ sao thì gọi liền, mẹ nó vất vả mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng vừa phải bưng nệm đi giặt, bưng con ra rửa ráy rồi đi làm tiếp, phải cố gắng lắm mới làm được đó, có mệt cách mấy cũng phải chăm con.
Theo tôi nhận xét ai cũng vậy thôi, bất kể người phụ nữ nào, đứa con bị down vậy thì nỗi khổ trong tâm hồn người mẹ hai nữa là vất vả hơn những người mẹ khác, làm lụng ngày 8 tiếng về còn nghỉ ngơi. Đây nó không tự chủ được, nhìn đồ bả phơi là biết rồi, khổ sở, vất vả.
Đứa con như vậy, bả thì vừa bệnh xong, hai nữa là công việc làm bây giờ không làm thì không có ăn, đi làm thì cứ phải chạy đi chạy về, con đâu có bình thường như người ta, ỉa đái, cơm nước, việc làm được đồng nào hay đồng đó thôi, đó là sự cố gắng, chứ như người ta là chịu thua.
Trang tiếp theo

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.