>> PHẠM THU NGÂN

Dưới mùi thơm thoang thoảng của hàng trúc đào vàng đang trổ bông cặp bờ sông trước cổng, căn nhà mà chị Sơn Thị Chằm Pa (30 tuổi, tên thường gọi là Thái, Thơ, dân tộc Khmer) vừa đoàn tụ cùng gia đình sau 16 năm thất lạc, liên tục có người đến hỏi thăm, chia vui.

Ông Sơn Sanh (61 tuổi, tên thường gọi là Út, cha ruột chị Pa) và bà Đỗ Thị Bạch Xuân (59 tuổi, mẹ ruột chị Pa) vui không để đâu cho hết. Bà Xuân cứ đi đi lại lại trong nhà, tay bắt mặt mừng, rót nước mời bà con lối xóm… Người mẹ có lẽ sợ rằng chỉ cần bà dừng lại một chốc, mọi thứ sẽ tan biến, như đang trong một giấc mơ đẹp thì choàng tỉnh.

Buổi sáng cách đây 16 năm, Pa đạp xe đạp rời khỏi nhà, ai cũng tưởng Pa đi nghe hát dù kê (kịch hát truyền thống của dân tộc Khmer - PV), vì Pa rất thích xem dù kê.  Đến chiều, không thấy Pa về. “Tôi tìm mãi mà không thấy con đâu”, ông Sanh nghẹn ngào.

Gia đình ông Sanh mất ăn mất ngủ. Rồi vài hôm sau nghe trên truyền hình có một cô gái lạc ở Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), nghi là con mình, vợ chồng ông Sanh lặn lội lên Cần Thơ tìm. Đến nơi, người ta bảo rằng thiếu nữ “đi rồi”, và họ bảo cô gái bị tâm thần. Hết nửa tháng ở Cần Thơ, không có tung tích gì, vợ chồng ông Sanh đành về nhà.

Tấm ảnh mà gia đình đã lấy để làm bàn thờ cho chị Pa vì tưởng chị đã mất.

Cứ như thế, ròng rã hết 3 năm trời, ông Sanh kể cứ nghe loáng thoáng thông tin chùa chiền nhận nuôi người, thì chạy đến tìm.

Tôi tìm cũng hơn 100 chùa rồi. Con đi mất hồi năm 2003, lúc đi thì 14 tuổi, tìm mãi không thấy, tưởng rằng con đã chết, gia đình mới lập bàn thờ”, ông Sanh nhớ lại.

Khi được hỏi tại sao không báo với chính quyền địa phương để tìm con, ông Sanh bảo vì lúc đấy gia đình còn nghèo khổ lắm, khu ấp Rạch Sên chỉ lác đác vài hộ, không có điện thoại hay phương tiện liên lạc gì khác.

“Không biết làm gì, chỉ cứ đi kiếm thế thôi. Sau thì nghĩ con đã chết rồi, nên thôi, không trình báo gì. Lúc con đi nó có lấy theo hai, ba bộ đồ. Chỉ thấy tìm thấy chiếc xe đạp bị đứt dây sên bỏ trước nhà”, ông Sanh thở dài.

Bà Xuân kể: “Pa nói với tôi rằng mẹ ơi có một ý (dì, cách xưng hô của người Tây Nam bộ - PV) rủ con đi làm ăn, nên con xin mẹ đi. Tôi mới nói là mẹ không cho mày đi, đừng đi theo người ta, đi làm tùm bậy tùm bạ, mày đi là mẹ đánh mày chết. Xong thì con Pa mới vâng dạ, bảo con chỉ nói chơi thôi. Lúc đó nó còn nhỏ xíu à. Tôi không biết có phải vì điều này không, nhưng 3, 4 hôm sau thì nó đi luôn”.

Gia đình ở Cần Thơ đến thăm chị Pa. Họ chia sẻ rằng rất vui mừng vì được gặp lại

Họ hàng lại thăm rất đông, ai đến chị Pa đều ra đón tiếp. Sau đó chị chỉ ngồi im trên bộ ván, nghe mọi người nói chuyện, ai có hỏi gì thì ấp úng trả lời. Nhưng đôi mắt rất đẹp của chị vẫn ánh lên một thứ ánh sáng hy vọng, dù đôi khi chị vẫn nảy người giật thót khi có ai đó chợt hỏi lớn tiếng.

“Còn chiếc xe đạp, là con Pa nó lấy của trẻ nhà hàng xóm về đạp luôn đó chứ”, bà Xuân vừa nói xong thì chị Pa cười, như ký ức tuổi thơ vừa trỗi về mạnh mẽ.

Họ hàng, bà con lối xóm đến thăm hỏi tình hình của chị Pa

Ngồi vuốt vai, tóc con, miệng lắp bắp những từ tiếng Việt xen lẫn tiếng Khmer, bà Xuân chia sẻ: “Tìm không thấy. Tội nghiệp nó, bây giờ nó vẫn chưa tỉnh nữa. Khi về đây trong người nó không có được đồng nào, không giấy tờ gì cả. Mai gia đình tôi đi đám cưới ở tuốt miệt Trà Vinh, dắt nó theo, tôi không để con nó ở nhà đâu”. Người mẹ cứ vuốt tóc con, bảo: “Sợ mất”.

Đến chiều 27.8, có một nhóm khoảng 7 người từ Cần Thơ vào đến tận nhà, tìm gặp Pa, hỏi: “Thái (tên gọi khác của chị Pa - PV), mày có nhớ tao không? Tao đi tìm mày mấy năm nay, nhớ muốn chết. Mày bảo con tao thôi nôi thì mày về thăm. Mà ai ngờ mày biệt tích tới khi con tao lớn.”. Chị Pa rạng rỡ khuôn mặt, cười tươi, chị nhớ đúng tên từng người trong nhóm, trò chuyện rất vui vẻ.

Hỏi ra, mới biết họ là một gia đình sống tại Cần Thơ, trước đây có quen thân với chị Pa, coi chị Pa như người một nhà.

Ông Sơn Sanh chợp mắt lúc mọi người đang trò chuyện rôm rả

Chị Hạnh - một người trong nhóm - cho biết trước đây, khi ở Cần Thơ, chị Pa làm thuê ở các hàng quán, trọ trong một căn hẻm, thường xuyên qua gia đình chơi. “Lúc này nói tiếng Việt còn lắp bắp, lợ lợ. Thái còn gọi mẹ chúng tôi là mẹ nuôi. Mẹ chúng tôi thương Thái lắm”.

Họ chia sẻ rằng chị Pa là người ít nói, hay cười, nấu ăn rất ngon. Chị Pa sống ở Cần Thơ cũng được 5, 6 năm. Trước đó có nghe chị Pa sống cùng một người phụ nữ nào đó gần một bến xe. Sau này được một người của gia đình dắt về, gia đình coi chị Pa như anh em ruột thịt.

Chị Pa sau đó có lên Sài Gòn rồi theo bạn bè ra tận Phú Quốc (Kiên Giang). Về Kiên Giang thì Pa còn liên lạc với mọi người vài lần, nhưng 2, 3 năm sau đó thì biệt tích, không ai liên lạc được. Khi hay tin trên báo đài thì mọi người mới “tá hỏa”, không ai biết Pa là người đã thất lạc gia đình, mà còn được lập bàn thờ nữa. Thế nên, gia đình mới tức tốc từ Cần Thơ chạy xuống đây thăm, dò hỏi thông tin mới tìm được nhà.

Chị Diễm, một người khác trong nhóm, nói: “Chúng tôi không ai biết Thái thất lạc gia đình, vì vẫn thấy Thái bảo có mẹ, ở Sóc Trăng. Lúc còn đói nghèo, chưa có đồng ra đồng vô, Thái nhất quyết không chịu bán đôi bông tay đeo từ nhỏ. Nó luôn miệng bảo ba nó rất thương nó. Có lần tôi còn nghe Thái điện thoại cho ai đó, bảo bà đừng có điện đòi tiền tôi nữa, tôi làm cực khổ không có tiền gửi hoài cho bà. Nhưng chúng tôi không biết bà đó là ai”.

Nhắc đến đây, bà Xuân lắc đầu, hoàn toàn không biết gì, đã 16 năm qua bà chưa từng được nghe giọng con dù chỉ một lần.

Thấy hình xăm và vết cắt ở cổ tay của chị Pa, chị Diễm cùng mọi người chua xót, bảo là lúc ở Cần Thơ, Thái vẫn đẹp lắm, vui vẻ, đâu có vẻ gì như trầm cảm hiện giờ. Họ bảo Thái có hai ba người bạn ăn chơi lêu lổng, sau đó Thái đi theo nhóm đó đi ra Phú Quốc rồi biệt tích đến nay.

Khi ra về, ai cũng đều nhắc Pa hãy giữ sức khoẻ, giữ liên lạc. Đợi dịp khác họ sẽ xuống thăm.

Chúng tôi hỏi chị Pa: “Chị có thấy vui khi tìm gặp gia đình mình không?”. Chị im lặng, cười mỉm. Hỏi câu nào chị cũng chỉ im lặng, đôi lúc gãi đầu bảo “không nhớ”. Ký ức của chị Pa rất mơ hồ, lúc nhớ lúc không, lúc đáp lời rõ rành mạch, lúc im lặng gãi đầu. Bà Xuân bảo chị Pa dù đã yên ổn rồi, nhưng đêm vẫn chưa ngủ được. Chị Pa cũng đã quên tiếng Khmer nhiều, nên giao tiếp với họ hàng còn nhiều khó khăn.

Căn nhà nhỏ, phía trước hay sau nhà đều giáp sông, nắng chiếu bừng, gió thổi vào mát mẻ, nay như được tiếp thêm một luồng gió mới…

Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 25.8, ông Chung Hồng Sơn (46 tuổi, hành nghề xe ôm, ở khu phố Nam Cao, P.Vĩnh Quang, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) đưa chị Pa về Bạc Liêu để đi tìm người thân cho chị. Theo ông Sơn, trước Tết Nguyên đán năm 2019, một người dân ở Bến tàu Phú Quốc (Kiên Giang) tình cờ phát hiện chị Pa đi lang thang ở bến tàu có biểu hiện khù khờ, không nói chuyện gì với ai. Chị Pa được nhiều người cưu mang, cho đến một ngày chợt nhớ lại những hình ảnh, câu chuyện cũ.

Căn nhà của ông Sanh luôn có người đến thăm từ hôm chị Pa về nhà

Chị Pa nhớ mình đi bộ từ nhà ra Bến xe Bạc Liêu rồi đi thẳng lên Cần Thơ, từ đó thì không nhớ gì hết. Chị Pa cũng nhớ mang máng có một thời gian đi làm tiếp viên ở một quán karaoke tại Phú Quốc. Sau đó, chị được ông Sơn chở từ Kiên Giang đến Bạc Liêu để tìm gia đình thất lạc, với một hy vọng mong manh…

Chị Châu Thị Hồng Hoa (28 tuổi, chị dâu của Pa), cho biết chiều tối ngày 25.8, chị tình cờ đọc bài viết trên Báo Thanh Niên đề cập trường hợp chị Pa thất lạc gia đình nhiều năm, đang đi tìm người thân. Chị Hoa đưa thông tin, ảnh chị Pa cho chồng là anh Sơn Hoàng Hậu (anh ruột chị Pa) xem, anh Hậu xác định chính xác là em ruột của mình. Sau đó chị Hoa chủ động liên lạc với PV Thanh Niên để nhờ giúp đỡ đưa chị Pa về đoàn tụ với gia đình.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Thu Ngân

Báo Thanh Niên
29.08.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top