Ly Hoàng Ly ân cần nói với người khách muốn thăm triển lãm nhiếp ảnh Người mơ của chị (đang diễn ra tại không gian sáng tạo Manzi, Hà Nội): “Nhớ nằm lên tấm gỗ nhé. Con gái tôi đã nằm trên đó và ngủ một giấc”. Người mơ là triển lãm ảnh mới nhất của Ly Hoàng Ly, cũng là một phần của dự án nghệ thuật 0395A.ĐC. Tên của tác phẩm đến với Ly Hoàng Ly rất tình cờ khi chị nhìn thấy số hiệu của một con tàu trên biển. Chị chọn nó cho dự án về những chuyến di cư, về những mẩu lịch sử phập phồng đâu đó, về văn hóa... “0395A.ĐC ra mắt lần đầu ở The Factory, TP.HCM năm 2017 và phải tới giờ mới tiếp tục được vì dịch và nhiều biến cố khác”, bà Vũ Ngọc Trâm, chủ của không gian sáng tạo Manzi, cho biết.
Giám tuyển Long Nguyễn của Manzi chia sẻ, với Người mơ, Ly Hoàng Ly đưa ra tới bốn khái niệm trong tiêu đề triển lãm: “Người mơ: nơi chốn khác, phiến trắng, im lặng, hùng tráng”. Điều đó có nghĩa là người xem được yêu cầu đóng vai những kỵ sĩ đang mơ, đoạn tuyệt toàn bộ ký ức và trải nghiệm để quay lại với phiến trắng là mình với không thành kiến. Sau đó, người xem được bước vào “nơi chốn khác” mà chị tạo dựng ra với các ý tưởng khái niệm liên tục nảy nở, liên đới với nhau xuyên thời gian và không gian vật chất.
Sau những trải nghiệm tự thanh tẩy như thế, không gian mới được mở ra trong chính người xem. Họ có thể có thể suy tư về sự ra đi, ở lại, về người còn sống và đã khuất. “Để rồi qua đó, dường như, câu chuyện của một người sẽ dần chuyển hoá thành câu chuyện của mọi người”, giám tuyển Long Nguyễn chia sẻ.
Triển lãm ảnh của Ly Hoàng Ly vì thế có nhiều “phụ kiện” để hỗ trợ người xem có thể ngắm tác phẩm của chị lâu hơn. Tấm gỗ mà Ly Hoàng Ly nhắc tới được đặt dưới đất, là đáy của một khung sắt dạng khung thuyền. Ở trên trần là một tấm gương để người xem nằm trên tấm gỗ mát như tấm phản ấy có thể soi mình. Điều này, cách nào đó cũng gợi cảm giác của tấm gương trong những chiếc máy ảnh.
Có những gia đình lại ngồi trong “chiếc thuyền” vốn là một thùng gỗ tái chế để ngắm triển lãm ảnh. Môt chuyến du hành như thế gợi nhớ việc luôn có những con người di cư ở đâu đó. Từ nông thôn ra thành thị, từ nước này sang nước khác. Điều đó giống như trải nghiệm của chính Ly Hoàng Ly. Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, rồi dời đến TP.HCM, sau đó chuyển sang Mỹ du học, triển lãm ở nhiều nơi… Đời sống, dường như là một cuộc di dân liên tiếp, trên quy mô khổng lồ như vậy.
Trên tường là những tác bức ảnh liên tiếp, được in với số lượng hạn chế với đề tài Tro. Mỗi tác phẩm lại là hình chụp của từ những xương bò được ninh lên, nghiền ra và sau đó nung tiếp rồi đổ khuôn, cuối cùng thừa lại. Đó là sự chuyển hóa hình ảnh của những gì còn lại sau hành trình trình diễn nấu phở của Ly Hoàng Ly. Nấu phở để thỏa nỗi nhớ quê, trình diễn nấu phở để tìm về văn hóa gốc của mình. Những mẩu xương còn lại cũng là bản dạng khác của nỗi nhớ. Rồi bột xương cũng được chuyển hóa lần nữa, để nỗi nhớ được chụp lại, in ra, treo lên tường.
Trong nỗi nhớ khắc khoải, ngắm những tác phẩm nhiếp ảnh của Người mơ, công chúng dần dần sẽ tìm thấy bình yên… “Những tác phẩm nhiếp ảnh này cũng được in ra giới hạn số lượng”, bà Vũ Ngọc Trâm nói.
Những bức ảnh ở Người mơ còn được sự hỗ trợ của nhiều ô cửa. Đó là những ô cửa sơn mài cốt kim loại có họa tiết chữ Thọ. Nó cũng cho thấy hình dung về văn hóa gốc mà Ly Hoàng Ly nương tựa vào qua những chuyến di chuyển, qua những lần nấu phở, ninh xương. Mẫu của những ô cửa lấy từ biệt thự ở số 14 Đường Thành, Hà Nội, là căn nhà cổ của gia đình Ly. Được xây dựng vào khoảng năm 1922, toà villa là sự tổng hoà của đa dạng các chất liệu và phong cách kiến trúc, lấy cảm hứng từ Trung Hoa, Pháp, VN cũng như sự dịch chuyển và tiếp biến văn hóa. “Xuyên suốt căn nhà là hàng trăm chi tiết trang trí; tất cả đều là cách điệu thị giác của cùng một chữ thọ. Hàng trăm, bởi có lẽ vào thời nào và ở đâu cũng vậy, người ta ai cũng ước vọng sự vĩnh cửu, để rồi sau cuối lại trở thành người thiên cổ”, giám tuyển Long Nguyễn cho biết.
Ly Hoàng Ly chia sẻ: “Đây! Đất nước tôi đây, là thứ tôi cầm được; truyền thống tôi đây, là thứ tôi giữ được... Di cư hay nhập cư, ta hấp thu những căn tính và văn hoá mới; đồng thời mang theo các tập tục và vốn sống, từ gốc này sang gốc nọ. Đây là một hành trình gãy rất nhiều, hỏng rất nhiều. Và trên chặng đường ấy, kể cả những yếu tố sinh học nhất, căn bản nhất trong cơ thể ta - như xương chẳng hạn - cũng sẽ tách rời và dịch chuyển, vì thế mà liên tục hình thành và biến đổi”.
Câu chuyện của Ly Hoàng Ly trong triển lãm nhiếp ảnh mới nhất của chị, vì thế, cho thấy sự linh hoạt trong chất liệu mà chị sử dụng để biểu đạt. Nó cũng cho thấy sự suy tư về đời sống, về văn hóa gốc, về số phận, về hành trình sống - hành trình chết.
Long Nguyễn kể lại: “Ngày 4.4.2021, Ly gửi cho tôi tin nhắn sau: “Ngày này, năm ngoái, giờ này Lolo đang run bần bật trong lòng Hoàng Ly. Ôm con trả lời từng câu hỏi của con. Lẽ ra bình thường Hoàng Ly sẽ ngất xỉu rồi, bình thường thấy máu là xỉu. Hoàng Ly dễ khóc mau nước mắt. Thương yêu, người ta trở nên dũng cảm sáng suốt bất ngờ, hơn 1.000 lần sức vóc ẻo lả của mình. Năm qua, đã làm được những gì, không biết nữa. Hình như mới là hôm qua, thời gian có trôi đi đâu. Chỉ như một giấc mơ. Ngủ đêm nay, sáng mai dậy sẽ cảm nhận thế nào. Cầu mong những người mình thương yêu đều được an lành. Hoàng Ly 3.4.2021”.
Anh cũng viết: “Tôi nghĩ là Ly viết cho bản thân chị trước, như một dạng nhật ký. Còn hành động gửi chữ đến người thân cận là để trị liệu cho những vết thương cũng như nỗi cô đơn - của chị, của Lolo, và của cả người nhận chữ. Bởi, ta sinh ra một mình, ta chết đi một mình. Vậy nên ta sống, thì có nghĩa là ta sống cùng người. Từ không cùng, tới khôn cùng; Ta tìm thấy sự an ủi, trong nỗi lòng của da thịt khác, cơ thể khác”.
Với triển lãm mới nhất Người mơ, Ly Hoàng Ly đã kể hoàn toàn một hành trình tự chữa lành của mình. Sự chữa lành đó không đến từ lảng tránh để lãng quên, mà từ đối diện, trải nghiệm rồi cùng văn hóa gốc hàn gắn. Với nghệ thuật, chị lại một lần nữa trở lại, xúc động.