>> Thu Thủy

LTS: Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp - Chuyên viên khoa học về ô nhiễm môi trường ở Bộ Môi trường và Bảo tồn New South Wales (Department of Environment and Conservation, NSW Australia), tác giả của công trình biên khảo Sài Gòn - Chợ Lớn, chia sẻ về Tết xưa, Tết nay với những phong tục đón Tết của người Việt.

Múa lân dịp Tết ở quảng trường Eugene Cuniac (Quách Thị Trang ngày nay) - đằng sau là tòa nhà Hỏa xa (thập niên 1950)

Cách đây hơn 80 năm của thế kỷ trước, tờ Công Luận báo số ra ngày 17.11.1936, xuất bản ở Sài Gòn, có bài xã luận về người Việt ăn Tết, mua sắm xài tiền cho những ngày Tết mừng xuân, bắt đầu với những “giai đoạn”: Lo Tết, chạy Tết, trả Nợ, sắm Tết, tiêu Tết, ăn Tết, lễ Tết, chúc Tết, hết Tết.

Bài viết của tác giả V.H. cho thấy một bức tranh xã hội về không khí Tết, tập quán của người Việt trong những ngày Tết trong thập niên 1930 ở Sài Gòn. Thời này là giai đoạn kinh tế khó khăn do khủng hoảng kinh tế nhưng người Việt vẫn coi những ngày Tết là sinh hoạt vui xuân quan trọng nhất. Tác giả cũng vì thế đã phê bình sự lãng phí và có chút châm biếm như nhà thơ Tú Xương (Trần Tế Xương) đã từng mô tả trong bài thơ chúc tụng Tết: “Chớ Tết, thì người ta có nhiều tiền người ta xài-phí nhiều, mình có ít mình xài-phí ít, có sao nên vây. Có chi mà phải lo! Lạ thật!”

Ngày nay cũng như ngày xưa, những ngày Tết là quan trọng trong tâm khảm người Việt nên ai dù giàu hay nghèo cũng đều lo Tết, mua sắm cho ngày Tết. Sắm Tết thì nhiều nhà đều cố gắng mua mai, thủy tiên, cúc, đào, tranh, pháo, rượu ngon, bánh chưng, bánh tét, mứt… Ngày nay thì cũng như vậy chỉ có ít hơn Thủy Tiên, tranh và không còn pháo.

Phụ nữ Nam Kỳ sum họp nhân dịp Tết (thập niên 1930)

Đoạn trích từ Công Luận báo (năm 1936) cho thấy người Việt ở thế kỷ trước mua sắm ăn Tết không khác nhiều với ngày nay. Ngày nay dịp Tết là dịp chi tiêu lớn, kích thích cung cầu và sự tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp đều thu lợi nhuận cao trong thời điểm trước Tết.

Tết trước kia cho đến thập niên 1980 vẫn còn có tiếng pháo nổ đêm giao thừa đón mừng năm mới, ngày nay thì không còn.

Còn tiền để tiêu mấy ngày Tết thì theo tờ Công Luận báo gồm có có tiền “mở hàng” cho trẻ con (lì xì) và tiền chơi cờ bạc. Và muốn có phong vị ngày Tết thì trên bàn ăn, bàn tiệc phải có các món thịt heo “nấu đông”, những cá kho, những bánh chưng, những dưa hành. Tất cả đều phong phú, làm đủ những món ăn ngon để “nhấm rượu”, đúng như câu nói “đói cho chết, Tết cũng no”.

Đội múa lân ngày Tết (thập niên 1930)

Và theo tục lệ lễ Tết là đi thăm anh em, bà con, họ hàng chúc tụng: “Đến cửa ngõ, nói vài câu chúc mừng, vào tới sân chào hỏi, vô trong nhà, lễ trước bàn thờ theo lề lối nhứt định, ăn miếng trầu, hút điếu thuốc, uống chén trà, nói vài câu truyện, chào hỏi nhau rồi khách đi nhà khác”.

Chúc Tết thì “Thăng quan tiến chức, nhứt bán vạn lợi, thi đổ, đẻ con trai...

Như vậy từ trước đến nay lệ thăm và chúc Tết cũng như nhau. Sự khác biệt là không còn ăn trầu, pháo đốt, tranh Tết.

Tôi vẫn còn nhớ, lúc còn học trung học trường Chu Văn An năm 1970 ở Sài Gòn, trước khi được nghỉ Tết, thầy giáo Việt văn có cho viết và học 2 bài thơ về Tết mà đã tạo trong tôi nhiều ấn tượng về ý nghĩa của ngày Tết.  Đó là bài “Chợ Tết” (1939) của Đoàn Văn Cừ và bài “Ông đồ” (1936) của Vũ Đình Liên. Theo tôi hai bài này đã trở thành cổ điển trong văn học Việt Nam về Tết nguyên đán.

Bán hoa dịp Tết ở chợ Sài Gòn (thập niên 1960)

Bài thơ “Chợ Tết” ở thôn quê của Đoàn Văn Cừ đã diễn tả được thần thái không khí chợ Tết của người Việt ngày xưa.

Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ (1939, báo Ngày Nay)

Ở nhiều nhà còn có các câu đối Tết chữ Nho mà cho đến thập niên 1940 vẫn còn. Nếu “cụ đồ nho” của Đoàn Văn Cừ ở thôn quê vẫn còn khi làm bài thơ này thì cụ đồ ở thành phố Hà Nội của Vũ Đình Liên “biến mất” ở phố Hàng Bồ

Nhà thơ Vũ Đình Liên với bài thơ hoài cổ bất hủ “Ông đồ” (1936) nói về sự biến mất của ông đồ già viết câu đối Tết vì người ta không còn quan tâm đến truyền thống treo câu đối Tết chữ Nho nữa.

Vào cuối thập niên 1990, trong một buổi viếng thăm vào dịp cận Tết, cụ Võ An Ninh, nhiếp ảnh gia lão thành, đã tặng tôi bức ảnh Ông đồ mà cụ đã chụp ở Hà Nội vào dịp xuân ở thời điểm mà tôi chưa sinh ra. Đây là bức ảnh mà tôi trân trọng mà vào mỗi dịp Tết khi tôi nghĩ đến bài thơ của Vũ Đình Liên là tôi nghĩ đến bức ảnh của Võ An Ninh.

Bán hoa Thủy Tiên dịp Tết (chợ Đồng Xuân 1929)

Ngày nay tại một số chợ Tết, “ông đồ” đã trở lại với nhiều thể loại hoa văn cả chữ nho và chữ quốc ngữ. Mặc dù chưa thông dụng lắm, nhưng đây cũng là điều hay trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam, có câu đối và vài hàng chữ nho trong nhà cho có không khí Tết xưa.

Cửa hàng bán tranh Tết (Hà Nội năm 1929)

Truyền thống Tết là vui đón xuân, tháng giêng là tháng ăn chơi. Xã hội vui mừng, mọi nhà đón xuân và chúc mừng bà con họ hàng, từ thành phố đến thôn quê.

Ông đồ viết câu đối ngày Tết, ở Hà Nội cuối thập niên 1940 - Ảnh: Võ An Ninh

Dưới thời Pháp thuộc, các công chức được nghỉ 3 ngày tết từ mùng 1 đến mùng 3. Ngay cả các phạm nhân trong tù cũng được hưởng khoan hồng như ở Bắc Kỳ, tết năm 1932, tội nhân được nghỉ tết.

“Nhân dịp Tết, quan Thống sứ Bắc kỳ ra lệnh cho ông chủ ngục Hà Nội và các quan Công sứ ở các tỉnh cho phép các tội nhân được nghỉ ba ngày Tết, không phải mó tay vào một việc nào. Các thức ăn cũng gia thêm nhiều món. Có thịt bò, thịt lợn, hành, kẹo, mứt. Những món tiêu ấy sẽ trích ở công quĩ ra”. ( Trích Hà Thành Ngọ báo, 12/2/1932)

Cộng đồng người Việt ở Úc tổ chức vui xuân dịp Tết

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Võ Anh Ninh

Báo Thanh Niên
04.02.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top