Đêm 28.3.2019 - đêm định mệnh không thể nào quên trong cuộc đời. Người chồng khi ấy đang bị bệnh lao nặng, lại thua cá độ bóng đá nên tôi giận. Rồi anh nghĩ tôi không còn thương, mua can xăng về để sẵn trong nhà, châm lửa quyên sinh cùng cả nhà.

Cơ thể bị thiêu sống, cháy đen, nhưng một sức mạnh vô hình nào đó khiến tôi không cảm thấy đau đớn, mà tìm ngay chùm chìa khóa mở cửa, kéo 2 con chạy thoát thân. Giao con cho hàng xóm an toàn, tôi được đưa đi cấp cứu. Lúc này, tôi mới biết cả cơ thể đã bị cháy gần hết, vừa bỏng rát toàn cơ thể, nhưng lại lạnh thấu xương.

3 năm qua, nhiều khi tôi vẫn nhớ về đêm định mệnh, nhớ về chặng đường đã qua nhưng không còn khóc. Tôi nhớ lại để thấy đớn đau đến chết đi sống còn vượt qua được, huống gì những mệt mỏi, áp lực hay bế tắc hiện nay.

Đêm đó, hình hài cháy đen thui, quần áo rách rưới bám chặt vào những mảng da thịt cháy khét, nhưng tôi vẫn chạy đi gõ cửa hàng xóm cầu cứu. Nhà đầu tiên tôi gõ cửa lúc 12 giờ đêm, mở cửa nhìn thấy tôi cháy đen đã hoảng quá đóng cửa lại; không có nhiều thời gian để giải thích, tôi chạy tiếp đến nhà khác và may mắn được sự giúp đỡ.

Xuống đến trạm xá, tôi vẫn còn tỉnh, người ta nói để đỡ tôi vào nhưng tôi nói tôi tự đi được. Nằm trên băng ca một hồi, tôi còn nghe tiếng người nhà lên khóc, nhưng sau đó thì rơi vào hôn mê. Khi tỉnh dậy tôi thấy toàn thân đau đớn, cảm giác cả cơ thể bắt đầu bị co giật, sốc, không còn da để bảo vệ, nóng, rát ở bên ngoài nhưng trong xương thì lạnh như sốt rét. Cả người tôi quấn băng trắng, không ngồi được, cứ nằm đó nhìn lên trần nhà.

Tôi ám ảnh nhất là quãng thời gian đó, nằm một mình trong phòng chăm sóc đặc biệt với đủ tiếng máy móc, ngày nào cũng có người chết. Người nhà không được vào, nhưng ca nào cấp cứu thì 4 - 5 bác sĩ vào đo tim, máy đập bịch bịch. Nhiều người nằm hôn mê, nhưng tôi thì vẫn tỉnh, nghe tiếng vẫn biết hết. Ký ức kinh hoàng khi tiếng bật lửa kêu “tách” là đám cháy cũng bùng lên, thiêu rụi quán internet mà tôi gầy dựng lại hiện lên rõ mồn một.

92% cơ thể bị cháy, bác sĩ khó khăn lắm mới lấy được ven ở bẹn cho tôi để truyền dịch. Sau 1,5 tháng, ven bị bể, bác sĩ cho về. Tôi vẫn tưởng rằng bác sĩ cho về là mình đã khỏe, mà đâu biết là bác sĩ dặn người nhà nếu không may mắn để nhiễm trùng thì tôi sẽ không thoát được cửa tử.

Xuất viện về nhà tôi ở cùng ba mẹ, gặp lại 2 con, mừng muốn chết. Trong bệnh viện tôi dị ứng kháng sinh, truyền dịch duy trì sự sống. May mắn về nhà tôi ăn uống được, thèm gì ăn đó, sức khỏe cải thiện. Trải qua chục cuộc phẫu thuật, sẹo tự xẹp, nhưng nhiều chỗ bị bỏng nặng, da mất sắc tố đến giờ vẫn loang lổ trắng khắp cơ thể.

6 - 7 tháng sau đó, người tôi từng gọi là chồng vẫn đang bị tạm giam, vết thương trên cơ thể tôi cũng chưa lành lặn, nhưng tôi lén gia đình thuê xe xuống công an tỉnh viết giấy xin giảm án cho chồng. Giờ mọi chuyện cũng đã lỡ rồi, có thù hận này kia thì cơ thể tôi cũng không thể quay lại như trước được, càng dằn vặt, càng nhớ đến người ta nên cứ tha thứ cho nhẹ nhàng.

Ngày ra tòa, thẩm phán đọc đơn của tôi, cả gia đình không đồng ý vì phẫn nộ. Một con người khỏe mạnh mà giờ thành bỏng 92% cơ thể, gia đình khổ cực chăm sóc, vậy mà tôi lại xin giảm án. Người từng đầu ấp tay gối bị tòa tuyên 16 năm tù, nếu không có đơn của tôi thì anh có thể bị 25 năm đến chung thân.

Ra khỏi phòng xử, dù mọi người vẫn còn oán trách nhưng tôi cảm thấy tâm lý thoải mái hơn vì quyết định buông bỏ thù hận ở trong lòng. Quanh quẩn ở quê nhìn các con, tôi nghĩ giờ hai con chỉ có mình tôi, nếu tôi cứ như vậy thì làm sao lo cho tương lai con, các con cũng bị ám ảnh bởi đêm kinh hoàng ấy. Tôi vào Sài Gòn, tìm thuê nhà, tìm việc làm trước, 27 Tết đón xe đò đưa 2 con đến mảnh đất mới với quyết tâm tự mình đứng lên để lo cho con, làm lại từ đầu.

Hôm nay (23.10) là ngày cưới của tôi và Minh - anh thua tôi 2 tuổi, cũng bị bỏng xăng biến dạng khuôn mặt, tay phải cong queo khó cầm nắm đồ vật. Bản thân là người từng trải, cưới hỏi đàng hoàng 2 lần rồi nhưng cuối cùng cũng đổ vỡ, không hạnh phúc. Nhưng Minh chưa lập gia đình lần nào, chúng tôi mới làm vài bàn tiệc nhỏ đãi bạn bè, họ hàng hai bên đến chung vui. Thấy Minh từ hôm được đi chụp ảnh cưới miễn phí về rất vui, dọn nhà cửa liên tục để chuẩn bị cho ngày hai đứa chính thức nương tựa nhau.

Ngày trước, tôi thấy tin nhắn kêu gọi giúp đỡ cho Minh trên mạng xã hội khi bị bỏng xăng, tôi cũng ủng hộ. Rồi có đợt đến bệnh viện lấy phiếu chuyển viện, tôi định ghé thăm Minh, mong rằng truyền chút nghị lực của mình cho chàng trai trẻ, nhưng đang dịch nên không được. Sau này, tôi về livestream bán hàng, Minh vô nói chuyện, làm quen. Khi ấy, tôi cũng không nghĩ gì vì đã trải qua những mệt mỏi của cuộc sống, chán nản, quá ngán cảnh lấy chồng rồi.

Năm dài tháng rộng, nhà Minh gần đây nên lễ gì cũng quây quần về đây chơi, nói chuyện. Có những lúc tôi bệnh đau hay phải đi phẫu thuật tiếp không có người chăm con thì Minh phụ. Nhìn lại mình, chỉ có một mình vừa chăm con, vừa kiếm tiền, nói chung là mệt mỏi nên tôi chọn cách mình mở lòng ra, đón nhận tình cảm của người đồng cảnh ngộ để có thể nương tựa nhau.

Người ta lấy vợ lấy chồng thì quan trọng hai bên gia đình, còn tôi thì quan trọng là 2 con. Nếu lựa chọn một con đường sướng thì mình hưởng, khổ thì chịu. Hai con tôi hòa hợp với Minh, gọi Minh là ba từ sau Tết. Còn bên ngoài, ai chấp nhận thì tôi thấy vui hơn chút nữa, không chấp nhận cũng đành chịu.

Hai lần trước xác định đám cưới để chính thức làm vợ chồng thì tôi suy nghĩ, tư duy khác lắm, trông mong nhiều thứ lắm, hy vọng cuộc sống vợ chồng, hy vọng nhiều thứ. Nhưng thời điểm hiện tại thì không trông mong gì nhiều, chỉ mong hòa hợp trong gia đình, sức khỏe, cả hai vợ chồng có tình yêu thương đủ lớn để che chở cho nhau. Dù biết sẽ khó khăn vì hai vợ chồng đều là người khuyết tật, còn có 2 con và cả thành viên mới sắp chào đời.

Tôi chỉ mong mỗi đứa cùng cố gắng một chút để vun đắp cho ngôi nhà bình yên, hạnh phúc, chỉ cần bình yên đừng sóng gió là đủ rồi. Có người nghe tôi cưới chồng có thể nói giờ hình hài như này rồi, 2 đời chồng rồi còn cưới nữa, nhưng người giàu, người nghèo, người trẻ, người già, người xấu, người đẹp ai cũng sợ sự cô đơn, cho dù mình không hoàn hảo nhưng có người bên cạnh mình lúc cần nhất như ốm đau bệnh tật có người hỏi han, nấu cho mình miếng cháo, đi mua thuốc.

3 năm qua, cuộc đời tôi trải qua quá nhiều điều phải ghi nhớ, nhiều cột mốc nên quyết định hai đứa đến với nhau là điều không hề dễ dàng. Cuộc sống đã qua quá nhiều biến cố rồi, giờ chọn tiếp một người đồng cảnh ngộ để đi suốt cuộc đời mình thì đúng là một bước ngoặt.

Nhưng nhìn đi nhìn lại, giờ tôi đã tổn thương như thế này rồi, 2 lần tan nát, đổ vỡ, bản thân bị như thế này rồi mà giờ không hạnh phúc, không bình yên nữa thì thôi, nói vậy cho mau. Nhìn lại, nếu không có những ngày đã qua chắc gì tôi đã mạnh mẽ, bản lĩnh được như hôm nay!

Lúc vừa vào Sài Gòn, tôi ở trọ cùng với một người cũng bị bỏng, hai chị em đi may gia công, nhận hàng thêm về nhà tối 3 mẹ con cùng cắt chỉ. Thấy có thể gắn bó với nơi này nên tôi gom góp bán đất ở quê, cộng với số tiền mạnh thường quân hỗ trợ ngày nằm viện, mua mảnh đất ở Củ Chi nằm trong con hẻm nhỏ này để bớt nỗi lo hằng tháng.

Sau này, biết đến một cô giáo ở Hà Nội nên tôi nhận một số sản phẩm về livestream bán hàng tại nhà. Lúc đầu cũng ngại lắm, vì nhìn hình hài đầy sẹo, không có một mảng da nào bình thường. Nhưng nếu không vượt qua được mặc cảm của bản thân thì tiền đâu lo cho con đến trường, có bữa ăn ngon nên tôi tập đối diện với chính mình.

Để gạt được tự ti rồi livestream bán hàng cũng là một hành trình vượt lên bản thân. Giờ thì ai cần hướng dẫn bán hàng tôi cũng đều sẵn sàng. Hay như chia sẻ kinh nghiệm điều trị bỏng, gặp bác sĩ nào, ở đâu mổ miễn phí, tôi đều chỉ hết để ai cũng có cơ hội như nhau.

Bây giờ những vết sẹo cũng đã lành, nhưng ra nắng thì rất ngứa và khó chịu vì không còn lỗ chân lông để thoát mồ hôi, trời lạnh thì co rút lại, đau nhức. Ra đường tôi cũng không còn phải bịt kín mít vì tự ti mà có thể mặc đồ như người bình thường.

Cũng có người hỏi tôi bị sao, tùy theo ánh mắt của họ, nhìn tôi bằng ánh mắt đồng cảm, cảm thông thì tôi chia sẻ thật, còn những người nhìn theo kiểu soi mói thì mình nói bị bỏng, lý do cháy nhà, xong. Nếu như ngày trước gặp những người kỳ cục vậy thì tôi còn tủi thân, tổn thương, còn giờ thì bình thường. Tôi nghĩ hình hài có xấu xí, nhưng tôi vẫn đủ bản lĩnh lo cho con, lo cho cuộc sống của mình là được.

Từ ngày người tôi từng gọi là chồng vô trại, cũng 1-2 lần tôi đi thăm, anh gục mặt xuống khóc, tôi cũng nhận quyết định ly hôn được gần 1 năm nay. Hai đứa nhỏ là con của tôi và người chồng đầu tiên, bao năm qua tôi vẫn một mình nuôi con. Cuộc sống đã dồn mình đến đường này rồi, bằng sức mạnh của tình mẫu tử tự mình đứng lên thôi.

Tôi thấy trên mạng xã hội đôi ba câu chuyện về cha mẹ, anh chị em ruột thịt đâm chém nhau, huống gì là vợ chồng - hai người dưng xa lạ về chung sống dưới một mái nhà, áp lực cuộc sống dẫn đến mâu thuẫn này kia. Đôi khi xem vài đoạn clip đau lòng, tôi hay bình luận: lòng người bây giờ lạnh lẽo quá.

Từng là nạn nhân, tôi nghĩ là phụ nữ không nhất thiết phải chịu đựng. Nhiều người sợ bị gièm pha, sợ lời ra tiếng vào mà chấp nhận chịu đựng do tâm lý xã hội, áp lực gièm pha, đôi khi họ đang sống trong cuộc sống bị bạo lực, nhiều người bị đánh đập, người thì bị bạo hành tinh thần.

Là phụ nữ, tôi cho rằng đừng vì quan niệm bảo vệ cái gì đó mà mình phải gánh chịu đòn roi, khủng bố. Mỗi người phụ nữ đều có giá trị riêng, đừng nghĩ vì con hy sinh để con được đầy đủ cha mẹ, nhưng trải qua rồi, tôi đã thấy, một đứa trẻ sống trong môi trường yêu thương sẽ phát triển tính cách yêu thương, biết quan tâm, lắng nghe chia sẻ; còn sống trong môi trường cha mẹ ruột mà tối ngày đánh đập, chửi bới, cờ bạc thì đứa trẻ sẽ phát triển theo môi trường như vậy.

Vậy nhưng ngày nay, một số người không cần biết đúng sai, cứ thấy ly hôn là đánh giá người phụ nữ không biết giữ mối quan hệ đó. Cuộc sống hôn nhân cần được vun đắp thì nó mới tồn tại, phụ nữ không nhất thiết phải chịu đựng, nếu sống bức bách thì hãy mạnh mẽ dứt khoát để giải thoát cho mình. Ly hôn không đáng sợ, sống một mình không đáng sợ, làm mẹ đơn thân không đáng sợ, đáng sợ là lựa chọn con đường quá u tối, quá mệt mỏi với mình.

Có thể nhiều người sợ khi không có chồng bên cạnh thì không đủ sức lo cho con, nhưng không phải vậy. Khi tình mẫu tử trỗi dậy rồi thì đi bán vé số cũng nuôi con được, người ta nuôi con được mình cũng nuôi con được.

Lê Thị Kim Ngân (35 tuổi, Củ Chi, TP.HCM)

Anh Nguyễn Văn Minh (33 tuổi)

Báo Thanh Niên
23.10.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.