Ngày lại ngày, giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn làm việc trong căn phòng trên gác tầng 2 tràn ngập nắng của Heritage Space (HS), phố Thợ Nhuộm (Hà Nội). Không gian này ông và một nhóm nghệ sĩ cùng thuê để chia sẻ kinh phí cho hợp lý. Cả hai nhóm đều cần địa điểm - điều rất bấp bênh, không có hỗ trợ với các không gian sáng tạo ở Hà Nội. Giờ đây, sau nhiều lần “chuyển nhà”, ông Tuấn và không gian sáng tạo HS của mình đã có thể tạm yên tâm để thực hiện các kế hoạch nghệ thuật.

HS thoạt tiên là một không gian văn hóa siêu rộng ở một tòa nhà lớn. Rồi sau đó chuyện thế nào mà HS chuyển qua một vài địa điểm rồi tới đây, thưa ông?

Heritage lúc mở ra là do một người yêu văn hóa nghệ thuật từng đi học ở Nga về. Chị ấy có sưu tập tranh. HS được sinh ra vì tình yêu văn hóa nghệ thuật, nhưng khi mở ra nữ chủ nhân mới thấy rằng nó không dễ. Phải có tư cách pháp nhân, vận hành sẽ tiêu tốn không gian, nhân sự con người, đầu tư. Vì thế, lúc đầu HS là một tổ chức thành viên của tập đoàn lớn, đây cũng là mô hình vận hành ở nước ngoài.

HS thời kỳ đó quả thực rất đẹp và cũng có nhiều hoạt động, còn doanh thu thì sao?

Chúng tôi có gallery 400 m2, một thư viện 290 m2. Tính thời giá cho thuê lúc đó khoảng 15 USD/m2 thì chỗ đó là số tiền khổng lồ tập đoàn thu được nếu không làm HS. Còn việc thu tổ chức sự kiện chỉ tạm đủ cho duy trì vận hành, có lương cho 1 - 2 bạn làm cùng. Chúng tôi có không gian thân thiện, với mức giá ổn định, thấp để có thể hỗ trợ nghệ sĩ, người làm văn hóa.

Cho tới khi rời đi, chúng tôi có hoạt động thường xuyên, mỗi năm gần 100 sự kiện. Tháng nào cũng có sự kiện. Cuối năm có thêm dự án thì nhiều hơn. Hồi đó chúng tôi rất bận, nhất là cuối tuần. Còn về đây thì tôi tính đến việc sẽ thay đổi định hướng hoạt động, mang tính học thuật hơn như mở các lớp học nghệ thuật…

Tác phẩm trong triển lãm của anh em Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải 2021 - Ảnh: NVCC

Địa điểm lúc nào cũng là vấn đề với các không gian sáng tạo khu vực tư nhân. Ông có so sánh gì giữa hoạt động của không gian sáng tạo hai khu vực tư nhân và nhà nước?

Trên mặt bằng thì các không gian sáng tạo tư nhân chiếm ít nhất là 60 - 70% hoạt động của các không gian sáng tạo. Phía không gian sáng tạo nhà nước thì quá có lợi vì được tạo điều kiện về văn hóa, hạ tầng, chính sách… Họ chủ động nguồn lực hơn, nhưng các giao lưu văn hóa do tư nhân làm là chính. Vấn đề do trình độ nhân sự thôi.

\Tôi vẫn nhớ sau năm 1990, mỹ thuật là nơi có giao lưu đầu tiên, có triển lãm ở Mỹ đầu tiên, ở châu Âu cũng đầu tiên. Những nghệ sĩ đầu tiên ra nước ngoài trao đổi văn hóa cũng là nghệ sĩ mỹ thuật. Nhiều lời đề nghị hợp tác, nhiều lời mời giảng viên tham gia các chương trình trao đổi lưu trú, giáo dục. Thậm chí, có một ký kết hợp tác mà phía Đức chi toàn bộ tiền trong 5 năm, để mỗi năm trường gửi mấy sinh viên, mấy giảng viên sang Đức và ngược lại. Thế thôi, mà Trường Mỹ thuật không làm. Sau 1 năm họ cắt chương trình vì phía VN không làm gì cả.

Với hiện trạng nguồn lực, nhân lực hai bên như vậy, thì khi có sự kiện lớn hai khối sáng tạo tư nhân và nhà nước sẽ làm sao, có ngồi lại được với nhau không?

Với mô hình như bây giờ chắc chắn phải ngồi lại với nhau. Đấy cũng là mô hình của Documenta ở Đức hay các sự kiện khu vực như Singapore Biennale, Bangkok Biennale, tất cả đều là kết hợp tư nhân - nhà nước. Nhà nước nắm nguồn lực về thẩm quyền, nguồn lực công. Như ở nước ngoài, các bộ văn hóa sẽ tổ chức một ủy ban quyết hết các hoạt động mang tính chính thống trong năm, các quỹ sẽ mở ra, cá nhân sẽ được nhận bao nhiêu phần trăm trong số tài trợ đó, tổ chức nhỏ và lớn được nhận thế nào. Biennale cũng mở thầu. Còn lại phải có chính sách để khối doanh nghiệp vào tài trợ nghệ thuật, có chính sách phúc lợi xã hội cho phát triển văn hóa…

THINH của nhà điêu khắc Đào Châu Hải, một triển lãm do ông Nguyễn Anh Tuấn làm giám tuyển - Ảnh: Hoàng Nguyễn

Hà Nội cách đây mấy năm có lợi thế là thành phố sáng tạo đầu tiên. Nhưng giờ đây, những thành phố khác đang làm hồ sơ thành phố sáng tạo đầu tiên cũng đã phát triển hoạt động sáng tạo lắm rồi.

Hà Nội là thành phố có tiềm lực. Nhưng các chuẩn bị khác cho phát triển công nghiệp sáng tạo là chính sách và cơ sở hạ tầng thì vẫn chưa thấy có gì. Không có một khoản đầu tư đáng kể thì sẽ vẫn giậm chân tại chỗ. Đến giờ cũng mới chỉ có Trung tâm văn hóa ở 22 Hàng Buồm là đáng kể, nhưng tiền cũng chỉ có mấy tỉ. Cần có những dự án, trong đó hoạch định rõ năm nay làm gì, sang năm sau, sau nữa làm gì để có một kết quả cụ thể, để Hà Nội có thể tự hào vì nó.

Tác phẩm trong triển lãm Khoảng cách trắng, Tháng thực hành nghệ thuật 2021 - Ảnh: NVCC

Ông khởi đầu là một nhà phê bình mỹ thuật, một người làm nghiên cứu. Còn bây giờ ông trở thành người kết nối các thực hành văn hóa. Chuyển đổi như thế có gì xáo trộn?

Khi làm trong Viện Mỹ thuật, chỉ sau mấy năm tôi đã thấy không có gì để làm rồi. Rồi tôi làm cùng thầy Phan Cẩm Thượng như trợ lý. Mình thấy ở VN không có điều kiện cho nghiên cứu. Nghiên cứu cần hệ thống dữ liệu, thư viện phải mang tính cập nhật. Ở Viện Mỹ thuật, tôi chắc là người đầu tiên đưa ra ý tưởng phải số hóa mọi tài liệu ở đấy từ 2004 - 2005. Lúc đó, số hóa rất thô sơ, chỉ là dùng máy scan để thành văn bản PDF, đánh mã số để có thể truy cập trên hệ thống. Trường sau đó triển khai thành dự án cấp bộ mà cuối cùng có chạy đâu, không ai truy cập được. Hồi đấy đã thấy cần tra cứu trên nền tảng điện tử, đi di tích cũng cần có quy trình thay đổi.

Nhưng khi ông sang kết nối thực hành văn hóa thì cũng đã có quy trình gì đâu?

Ừ, cái này bọn tôi cũng tự học. Ở VN, hoạt động tổ chức dự án nghệ thuật là hoàn toàn mới. Hồi ở viện, tôi bắt đầu làm ngoài, làm với nghệ sĩ, cùng họ để làm, vừa học vừa làm. Hồi đó là cùng làm với một nhóm nghệ sĩ điêu khắc. Nhóm New Form do nghệ sĩ điêu khắc Đào Châu Hải và nhóm học trò làm, nhóm học trò này sau đó đều trở thành những nghệ sĩ điêu khắc tốt như Khổng Đỗ Tuyền, Thái Nhật Minh. Tôi cùng họ phát triển dự án với hy vọng thay đổi nhận thức về điêu khắc, về tạo hình, về không gian. Đơn giản như vậy thôi, thay đổi định nghĩa về điêu khắc không phải cái tượng tròn, hay cái cục gì đó đặt ở cái bệ nào đó nữa. Nó là thành tố của không gian, nhiều loại chất liệu, khung cảnh khác nhau.

Dự án có nhiều cái được, cũng nhiều điểm yếu. Cái đó cũng là một chặng đường, khi VN chưa có chương trình đào tạo. Thế hệ anh Trần Lương, Như Huy cũng vừa học vừa làm, họ đi nước ngoài làm việc, quan sát và áp dụng ở VN. Nhưng từ thời Đỗ Tường Linh, Ace Lê, họ có cơ hội học ở nước ngoài và có người học thẳng về giám tuyển.

Trẻ em vui chơi ở Bờ Vở sông Hồng, một dự án của Vì một Hà Nội đáng sống - Ảnh: NVCC

Ông đang làm dự án về dữ liệu nghệ thuật. Hiện nay dự án thế nào rồi?

Dự án dữ liệu nghệ thuật này tập trung vào nghệ thuật đương đại thôi, được phát triển từ cuối 2019. Các dữ liệu sẽ được cập nhật và đưa lên mạng để mọi người có thể truy cập miễn phí. Chúng tôi cũng đã xây dựng được trang web và đưa lên được những nghệ sĩ đầu tiên, khoảng 21 nghệ sĩ.

Tại workshop về không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh: NVCC
Ông Nguyễn Anh Tuấn trong một hội thảo liên quan đến công nghiệp sáng tạo - Ảnh: NVCC

Ông lấy nguồn lực ở đâu để làm dự án như vậy?

Tôi có một chương trình trao đổi văn hóa ở Anh do Hội đồng Anh tài trợ. Nhưng do dịch Covid-19 nên không đi lại được và tôi xin chuyển tiền đó sang làm dự án này. Sau đó, Viện Goethe giới thiệu một quỹ cứu trợ văn hóa quốc tế của Văn phòng ngoại giao Đức hỗ trợ các tổ chức văn hóa toàn cầu. Tôi nhận được cái đó trong 2 năm và hiện tại chưa có phần tiếp theo.

Ông Nguyễn Anh Tuấn là một trong những trụ cột của Vì một Hà Nội đáng sống, một dự án tạo lập không gian công cộng xanh và văn hóa cho người dân - Ảnh: NVCC

Trong quá trình làm dự án tư liệu nghệ thuật, có câu chuyện nghệ thuật nào làm ông xúc động hay bất ngờ không?

Để bất ngờ hẳn thì không, vì tôi cũng đã làm việc với nghệ sĩ nhiều, định vị được ai ở đâu. Nhưng cũng có những tác phẩm qua thời gian vẫn làm xúc động. Chẳng hạn, chuỗi tác phẩm của anh Nguyễn Minh Phước làm với người lao động. Anh ấy mời họ đến, viết lên áo, viết lên lưng nhau, viết lên tường. Anh ấy nói về số phận, nhìn lại khó khăn thế nào.

Hoặc có trình diễn tác phẩm Cây cầu của hai anh em sinh đôi Lê Brothes trên cầu Hiền Lương. Họ làm tác phẩm ở 3 nơi, đầu tiên là cầu Hiền Lương, sau này ở Hàn Quốc, Đức - những đất nước tạm thời bị chia cắt bởi chiến tranh. Họ ở Quảng Trị và gắn bó với cầu Hiền Lương, chứng kiến sự đổ vỡ của vùng chiến sự đó, nhiều năm sau vẫn chưa phục hồi được hoàn toàn. Trong trình diễn trực tiếp hai người chạy từ hai đầu cầu lại và tương tác, bản thân là hai anh em song sinh, hai như một người, bản thân họ cũng như một quốc gia có hai phần.

Nhìn lại, có những tác phẩm như vậy và cũng có những người khi còn hoạt động rất nổi nhưng giờ đã dừng lại hoàn toàn.

Xin cảm ơn ông!

Báo Thanh Niên
28.08.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top