Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thông nhấp chuột vào bức thư từ Ban tổ chức cuộc thi ảnh Smithsonian (Mỹ). Đây là cuộc thi anh đã gửi bức ảnh Bữa sáng ở chợ phiên mà anh chụp tại một quán phở trong chợ phiên Hà Giang. Thư không dài, cảm ơn Thông vì đã tham gia cuộc thi. Ban tổ chức cũng tiết lộ “hậu trường” chấm giải. “Chúng tôi không mất nhiều thời gian để quyết định. Đây là giải đặc biệt vì nó thật sự xuất sắc, đem đến một góc nhìn rất tươi vui và ấm áp, ánh sáng như nhảy múa”, bức thư viết. Smithsonian thu hút nhiều tác giả từ hơn 172 quốc gia và 47.000 bức ảnh dự thi, và Thông đã được trao giải thưởng cao nhất.

Bức ảnh Bữa sáng ở chợ phiên của anh, ánh sáng như đang múa. Nhưng những khuôn mặt người, nói thế nào nhỉ, lại không nhìn rõ. Vì sao anh đã không chọn việc nhấn vào mắt, vào khuôn mặt của các nhân vật trong ảnh?

Thực ra, thời điểm đó tôi không chọn đâu, nó diễn ra rất nhanh. Buổi sáng hôm đấy, tôi định dậy sớm vào bản chụp, nhưng do say rượu dậy muộn nên bảo thôi ghé qua chợ ăn sáng. Qua hàng phở thấy cảnh đẹp quá, ánh sáng chiếu ngược về, khói bốc lên thì mình không kịp suy nghĩ đâu, chụp vội. Tôi chụp được 5 tấm thôi.

Tôi muốn thể hiện sự ấm áp của bữa sáng chứ không phải sự vui tươi của nhân vật. Nếu muốn thu vào nhân vật, tôi đã chọn chân dung đặc tả, vào một người, nhưng tôi muốn không khí buổi chợ. Khi nhìn bức ảnh người ta thấy không khí quán phở đấy thật. Người ta thấy ấm cúng. Tôi thích nhịp điệu trong đấy, một nhân vật chưa tạo thành nhịp điệu, 2 nhân vật cũng chưa tạo thành nhịp điệu, nhưng từ 3 trở lên thì tạo thành nhịp điệu rồi. Bức ảnh có nhịp điệu đấy từ ánh sáng và cử chỉ đời thường của nhân vật.

Tác phẩm Bữa sáng ở chợ phiên

Khi khoảnh khắc đẹp ấy đã được chụp lại rồi, tại sao anh không chụp tiếp để phát triển thành phóng sự ảnh chẳng hạn, mà dừng lại?

Chuyện này thực ra có 2 lý do. Lúc đó, năm 2017, tôi mới chơi ảnh, hoàn toàn chưa có khái niệm về phóng sự ảnh. Thứ hai là cảm giác đã nhặt được viên kim cương rồi thì không muốn nhặt vàng nữa. Khi chụp xong bức đó tôi thấy mãn nguyện rồi, tôi nói với bạn tôi ôi đẹp quá, tôi chụp được bức ảnh đẹp quá.

Rồi bạn bè, người trong giới ảnh có thích bức ảnh đó như anh không?

Ban đầu tôi đưa lên Facebook, nhiều người không thích đâu, chỉ rất ít người bấm like. Tôi có gửi dự thi ảnh miền núi phía Bắc, bị loại luôn. Tôi nghĩ bụng không có lý do gì bị loại, bức ảnh này đẹp vậy cơ mà, thậm chí mỗi lần xem lại, tôi xúc động nổi da gà lên. Chả hiểu sao gửi dự thi ảnh 16 tỉnh miền núi phía Bắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN lại bị loại. Lúc đó, tôi gửi đi 8 bức, thì 5 bức triển lãm, 1 bức được huy chương. Riêng bức này trượt. Nó trượt ở mức không cả được treo nữa.Tôi nghĩ, vậy có lẽ mình thử gửi đi nước ngoài xem vì có thể góc nhìn của mình khác. Sau đó, tôi gửi Bữa sáng ở chợ phiên đi thi ở nước ngoài, nó được giải đặc biệt. Tôi quay lại gửi cuộc thi của Hội cấp T.Ư thì được huy chương bạc. Cũng bức đó, gửi một số cuộc thi ở nước ngoài thì được toàn vàng.

Tôi có cảm giác ảnh trong các triển lãm ảnh của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, ảnh miền núi phía Bắc rất nhiều, ảnh người dân tộc thiểu số cũng nhiều, ảnh đường phố lại ít. Đó có phải là mốt không?

Không phải Hội khuyến khích như vậy đâu, mà do ảnh miền núi phía Bắc có nhiều chất liệu. Giống như người thợ xây, người ta sẽ chọn những chất liệu tốt để xây, tạo ra tác phẩm.

Nguyễn Hữu Thông muốn chụp để giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Các ông bà già người dân tộc là đối tượng được chụp nhiều. Có người tóm lại thành công thức “người già nhăn nheo, em bé bẩn thỉu”. Là người làm trong các tổ chức phi chính phủ về phát triển cộng đồng, anh đánh giá thế nào về cách nhìn đó, cách thể hiện ấy?

Những ảnh người già nhăn nheo như vậy mang lại ấn tượng thị giác rất lớn. Tuy nhiên, nó không phải cái phổ biến, không mang tính đại diện cho toàn bộ cộng đồng đấy. Là một người làm về phát triển, tôi cũng không muốn hình ảnh nhân vật quá u uất, hoặc thể hiện bi thương hay khi nhìn thấy một nhân vật người dân tộc thiểu số bẩn thỉu, nheo nhóc thì lại nghĩ cả cộng đồng như thế. Tôi không thích thể hiện những hình ảnh như vậy.

Thực ra ở VN đã có lối mòn từ lâu rồi. Bà già nhăn nheo rồi cởi áo ra ngực trễ đến rốn, trước nó có thể tạo cảm xúc rất mạnh nhưng dần dà phải để vào dĩ vãng vì giờ nó không thế nữa. Bây giờ, chúng ta đi không đâu thấy cởi trần ngoài đường như thế cả. Các bác chỉ tái hiện lại như vậy, mà cũng lạ là có các bạn trẻ tái hiện lại kiểu hình ảnh đấy.

Trẻ em chờ nước ở vùng cao

Nó không phải câu chuyện kỹ thuật, chụp như vậy không phải kỹ thuật cao?

Đúng rồi, về kỹ thuật rất đơn giản. Chỉ vài cái kéo của photoshop là có thể làm ra hiệu ứng kinh khủng như thế rồi. Bản thân nhân vật cũng không đến mức như thế mà qua hậu kỳ người ta làm ra thành vậy để tạo cảm giác siêu thực. Thực sự là bản chất hình ảnh đấy đã hiếm rồi nhưng qua hậu kỳ nó càng kinh khủng. Tôi không thích như vậy, nó xa rời thực tế.

Tại sao không ai lên tiếng về cách chụp đó?

Cộng đồng ảnh ở VN cũng phức tạp như showbiz. Tôi quan sát là không ai sẵn sàng nói chuyện đó. Hai người chơi thân với nhau, ai lên tiếng chê ảnh một idol mạng là rất đông fan của idol đó vào “xử” luôn. Rất kinh khủng. Khen nhau giả tạo. Chê là đấu đá nhau. Họ thấy thầy này chụp hay là đi theo, thầy bảo chụp thế này để đi thi là chụp, vì thế ảnh đi vào lối mòn.

Anh còn nhớ chiếc máy ảnh đầu tiên, bức ảnh đầu tiên, giải thưởng ảnh đầu tiên của mình không?

Tốt nghiệp Trường ĐH Y tế công cộng, tôi đi làm dự án nước sạch Plan 3 năm ở Hà Giang. Tháng lương đầu tiên tôi mua cái máy ảnh Samsung 1,7 triệu. Sau này, tới 2013, tôi mua máy Canon 50D, hồi đó 22 triệu rưỡi. Xót ruột lắm đấy.

Ở Plan khi đó có chiếc Nikon, tôi được giao để chụp ảnh các hoạt động dự án. Tôi chụp xong gửi về phòng truyền thông, các anh chị khen đẹp thế. Rồi chị sếp trực tiếp người Indonesia bảo Thông ơi, tôi thấy cậu chụp được đấy, có cuộc thi bên Mỹ thế này, hay gửi đi. Tôi gửi 4 cái thì 1 cái được giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải khuyến khích. Đó là bức ảnh chụp 3 đứa trẻ đi lấy nước, cầm can nước đứng đợi ở đường nước sạch, tôi chụp khi đi ngang đường nhìn thấy. Lúc đấy, tôi làm dự án nước sạch, đi ngang đường qua bản thấy thì chụp. Sau đó, cuối 2012, Plan lại tổ chức cuộc thi ảnh 12 nước châu Á, sếp lại bảo gửi tiếp đi, lần này nước nào cũng phải tham gia. Tôi lại gửi, lại nhất tiếp…

Tác phẩm Rừng tre
Tác phẩm Trong lò gốm

Anh có đoán được vì sao mình hay có duyên với các giải thưởng ảnh không?

Tôi nghĩ vì chủ đề tôi chọn hay, nước sạch, người khuyết tật hòa nhập xã hội…

Anh có đang đeo đuổi đề tài gì dài hơi không?

Có chứ, nhưng tôi xin giữ bí mật. Tuy nhiên, đến bây giờ, tôi không chỉ theo đuổi những bức ảnh đẹp về thị giác nữa.

Ảnh của anh bán thế nào?

Tôi vẫn bán, có website bán cho nước ngoài là chính thôi. Bạn bè tôi không bán, ai rửa thì trả tiền công. Phần lớn ảnh đời thường, phong cảnh con người VN. Khách hàng nước ngoài nhiều lắm, tôi không quảng cáo đâu. Vẫn có tiền bù thiết bị không lỗ. Tôi bán rẻ để lan tỏa và vẫn có tiền bù vào khoản mua thiết bị. Tiền giải thưởng cũng có. Không phải xin tiền vợ, không phải ăn bớt lương.

Xin cảm ơn anh!

Báo Thanh Niên
24.07.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top