Những mẩu nhỏ của Quân khu Nam Đồng được nhà văn Bình Ca khởi đăng trên chính Facebook của mình. Tác phẩm dường như có hành trình giống nhiều tác phẩm văn học mạng nổi tiếng: chia sẻ chuyện của mình, đăng trên mạng, tương tác tốt, lan tỏa… rồi sau đó tác giả quyết định in thành sách. Tuy nhiên, cuốn sách thứ hai Đi trốn của ông được xây dựng kỹ lưỡng hơn và “ẩn thân” cho tới khi ra mắt. Cả hai đều bán rất chạy ngay từ khi trình làng.

Tác phẩm của ông có nhiều tư liệu về đời sống chiến tranh một thời, được viết khá dí dỏm, bằng một giọng văn phong rất phóng khoáng và cảm động. Người đọc cảm nhận được sự bộc lộ cảm xúc trung thực lẫn sự tiết chế khi tái hiện lại những hoàn cảnh sau độ lùi nhiều năm.

Nhà văn Bình Ca và những người của Quân khu Nam Đồng - Ảnh NVCC

Ông có hai cuốn sách bán rất chạy. Cuốn Quân khu Nam Đồng có thời điểm có giá gấp mấy lần giá bìa. Đi trốn cũng cháy hàng rất nhanh. Ông là con của nhà văn Hữu Mai, anh trai của nhà thơ Hữu Việt. Môi trường văn học đó giúp gì cho ông, ảnh hưởng gì tới ông?

Đây là một câu hỏi mà nhiều người sẽ bất ngờ khi tôi nói thật. Như tôi viết trong Quân khu Nam Đồng ấy, trong đó có một cậu bé từ chối theo nghiệp văn chương của cha vì thấy nhà văn Việt Nam quá nghèo. Có lẽ bạn không thể hình dung nó nghèo đến thế nào đâu. Ngày nhỏ tôi cũng chỉ có một cái quần lành thôi, còn lại thì toàn đồ cũ. Vào đại học, năm đầu tôi vẫn phải đi bộ từ khu Tập thể Nam Đồng đến Trường Kinh tế Quốc dân...

Ông Bình Ca bên tượng của nhà văn Hữu Mai - Ảnh NVCC

Khi tôi chuẩn bị vào đại học, bố tôi nói bố muốn con theo nghiệp văn chương. Tôi từ chối bố với lý do “có ai học Đại học Tổng hợp văn mà thành nhà văn đâu”. Tôi nói vậy để bố khỏi buồn thôi, chứ trong bụng tôi nghĩ làm nhà văn như bố nghèo lắm, con không muốn sau này cứ nghèo mãi thế này đâu.

Tôi không ở cùng bố mẹ nên không được sống trong bầu không khí văn chương như em trai Hữu Việt. Tôi không được bố dẫn tới các bậc thầy văn chương để tầm sư học đạo như Việt. Tất cả các nhà văn bạn bè của bố tôi không quen ai cả, chỉ biết thôi. Tôi thích đọc truyện trinh thám, cướp máy bay, cướp nhà băng và chưởng Kim Dung. Tôi đọc không sót bộ chưởng nào của Kim Dung.

Rồi ông chọn học gì?

Tôi học ĐH Kinh tế quốc dân. Học xong, tôi vào quân đội làm kinh doanh. Thời Đổi mới, mở cửa 1988 - 1989 tôi bắt đầu làm phó giám đốc, rồi giám đốc nhà máy xuất nhập khẩu trong quân đội. Sau hai mươi năm, tôi chuyển ngành, làm ở Sở Du lịch Hà Nội, làm đến giám đốc Sở thì được luân chuyển về Ninh Bình. Cuộc đời tôi chủ yếu làm kinh doanh và quản lý nhà nước. Vừa làm vừa học. Cuộc đời tôi không liên quan tới văn chương cho đến khi tôi viết Quân khu Nam Đồng.

Nói cách khác, ông đột nhiên trở thành “nhà văn trẻ” với Quân khu Nam Đồng?

Tôi làm sếp từ năm 30 tuổi. Làm sếp không phải viết, chỉ có ký thôi nên tôi chả viết cái gì quá một trang.

Quân khu Nam Đồng viết hoàn toàn theo bản năng. Vì cứ kể, sơ tán rồi về học thế nào, kể hết chuyện học đến chuyện yêu và... tắc tị. Ngồi ngẩn ra khoảng chục ngày lại hùng hục lao vào viết tiếp. Quân khu Nam Đồng từ lúc cầm bút đến lúc chấm dứt không đề cương, không dàn ý, không nhân vật, không bố cục, không gì hết. Tôi viết trong thời gian rảnh, nhiều lúc viết thâu đêm, viết khoảng 2 tháng.

Viết xong tôi đưa cho Hữu Việt, nhưng chàng có thèm đọc đâu. Tôi cũng không hỏi. Ý định của tôi là viết để đăng Facebook, cắt từng đoạn ra câu like... Toàn truyện cười, câu like dễ mà.

Một hôm Việt đi nhậu về, chợt thấy tập bản thảo Quân khu Nam Đồng ở đầu giường, bèn nhặt lên định đọc 2 - 3 trang trước khi ngủ. Thế là đọc một lèo tới 5 giờ sáng. Đọc xong, Việt gọi điện cho tôi bảo em in nhé. Tôi bảo in gì, vớ vẩn người ta cười cho. Nếu Việt không động viên tôi in chắc không bao giờ có “Quân khu Nam Đồng”.

Ông viết Quân khu Nam Đồng, có những nhân vật là con của sĩ quan quân đội. Họ dù rất nghèo thì thời đó cũng có những ưu đãi riêng với con nhà lính, ngôn ngữ bây giờ là rich kid. Nói về cái hư hỏng của một đám rich kid như thế, nó nhạy cảm chứ. Ông cũng là người làm chính trị, làm đến phó chủ tịch tỉnh, khi viết ông có thấy khó khăn gì không, tự kiểm duyệt gì không?

Có thể do tôi làm chính trị, sống trong môi trường chính trị nên tôi cảm nhận được liều lượng. Đôi khi việc viết lách giống như làm xiếc trên dây, thêm một tí thì thừa mà bớt đi thì thiếu. Chủ yếu tôi viết theo bản năng. Đúng ra thì mình cũng đã giảm đi nhiều vì thực tế đôi khi nghiệt ngã hơn nhiều.

Có một đoạn biên tập yêu cầu cắt. Đó là đoạn về nhân vật Phúc “Bế”. Chuyện kể về một cậu bé tên Phúc, mỗi lần nghe tiếng chân bác đưa thư là nó chạy ra cầu thang ngóng. Nhưng bố Phúc không bao giờ trở về. Còn Bế là một bác cùng quê ở miền Nam với bố thường xuyên đến nhà chơi trong thời gian bố đi chiến trường. Trong truyện, tôi có giải thích “vì thế nó còn có tên là Phúc Bế”.

Nhà văn Bình Ca (hàng trên, bên phải) và các bạn quân khu Nam Đồng - Ảnh NVCC

Thời chiến tranh, có những người quân nhân miền Nam tập kết ra Bắc, vợ chồng xa cách 20 năm không gặp. Có không ít trường hợp biết vợ trong Nam đi lấy chồng rồi nhưng phải có xác nhận trong Nam thì mới được lấy vợ khác. Việc xin được giấy xác nhận như thế cực kỳ khó khăn nên cũng đành ở vậy. Ngược lại, có nhiều người phụ nữ chồng đi biền biệt hàng chục năm không về, thậm chí biết là chết rồi nhưng khi tổ chức chưa công bố thì cứ phải chờ đợi.

Biên tập viên đề nghị cắt đoạn “vì thế nó còn có tên là Phúc Bế” để giữ cho hình ảnh người phụ nữ trong chiến tranh đẹp hơn. Nhưng đấy là cuộc đời. Lúc đó không còn thời gian để tranh luận vì sách chuẩn bị in.

Ông nghĩ thế nào về làm phim Quân khu Nam ĐồngĐi trốn?

Quân khu Nam Đồng nếu làm truyền hình thì có thể “một đập ăn quan”, còn làm phim nhựa sẽ gặp khó khăn về chuyển thể kịch bản vì có quá nhiều tuyến nhân vật. Nếu chỉ dựng một tuyến thì mỏng, dùng cả hai, ba tuyến thì nhiều, gộp ba tuyến thành một thì khó.

Vì thế khi viết Đi trốn, tôi nghĩ mình cũng nên quan tâm đến việc nếu có ai đó muốn làm phim. Tôi cho rằng ai làm phim Đi trốn, họ cần cảnh nào tôi có thể dẫn họ đến đúng cảnh đấy ở ngoài đời, giống hệt trong truyện nhưng đẹp hơn nhiều.

Ông hình dung kỹ thế rồi ư?

Mọi người cứ bảo Đi trốn là hư cấu, là truyện bịa. 100% không có gì là hư cấu hết, là chuyện thật, được diễn đạt theo kiểu văn chương thôi. Muốn quay chim phượng hoàng đất, voọc quần đùi trắng, động người xưa, các dòng sông ngầm trong núi... tôi chỉ chỗ cho mà quay.

Quân khu Nam Đồng là một mạch hồi ức từ đầu đến cuối, còn Đi trốn có lớp có lang, nhưng đều là câu chuyện về những đứa trẻ con em cán bộ, bộ đội ở hậu phương miền Bắc trong chiến tranh chống Mỹ. Trong Đi trốn có những nốt trầm về những số phận, chẳng hạn những trang viết về các bạn học sinh miền Nam.

Đi trốn là cuốn sách gắn với sông nước Tràng An - Ảnh NVCC
Nhà văn Bình Ca, cũng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Hữu Bình, khi UNESCO thông qua việc Tràng An thành di sản - Ảnh NVCC

Họ rất yêu thương nhau, hết lòng bảo vệ nhau nhưng do xa bố mẹ, sống biệt lập nên khá phóng khoáng, tự do. Đó là thế hệ được Đảng và Bác Hồ đưa ra Bắc để sau này kế tục sự nghiệp của cha anh. Họ luôn tự hào về bản thân. Nhưng thế hệ đó không được như kỳ vọng, đó là nỗi buồn sâu thẳm không của riêng họ. Đó là một thế hệ rất đáng trân trọng, và tôi rất mong những câu chuyện về họ sẽ tiếp tục được kể.

Khi hai cuốn sách của ông được xuất bản, nhiều người nói đó là một giọng văn nam tính.

Khi viết đến cuốn thứ hai thì tôi hiểu, kỹ năng là cái có được do rèn luyện, còn “giọng văn” giống như giọng hát, là thứ trời cho. Nói thật, để viết được một cuốn sách vất vả phết.

Báo Thanh Niên
12.06.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.