Chào Phương Thanh, cảm xúc của chị sau khi giành được chức vô địch thế giới triathlon?

Có thể nói đây là một trong những cuộc đua đáng nhớ đối với tôi, vì được có mặt tại đây là niềm vui và vinh dự của riêng tôi. Chặng đua có rất nhiều thử thách và bản thân tôi đã từng có khoảng thời gian khó khăn, tưởng chừng sẽ từ bỏ. Nhưng khi nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người, tôi đã có thêm sức mạnh để tiếp tục chinh phục thử thách.

SwissUltra vốn là giải siêu cự ly 3 môn khắc nghiệt nhất thế giới, chị đã chinh phục nó như thế nào?

Điều quan trọng là bạn đừng để khoảng cách của triathlon khiến mình sợ hãi. Những điều khó khăn nên được coi là khó khăn chứ không phải hơn thế. Tôi có kế hoạch rõ ràng, với 38 km bơi lội, tôi đặt ra là hoàn thành nó trong khoảng 21 - 24 tiếng và kết quả là 23 tiếng. Trong 3 môn, đạp xe không phải thế mạnh của tôi. Tôi đặt mục tiêu 270 km/ngày (tức 30 vòng của 9 km). Như vậy, tôi sẽ mất 6,67 ngày để chạy hết 1.800 km. Tuy nhiên, thời tiết Thụy Sĩ mưa lớn kéo dài khiến tôi không thể đạp đúng kế hoạch, mất tổng cộng 7,5 ngày cho xe đạp.

Chuyển qua chinh phục 422 km chạy bộ, kế hoạch ban đầu tôi sẽ chạy 85 - 105 km/ngày. Thực tế, tôi chỉ chạy được 85 km, xấp xỉ gấp đôi cự ly marathon/ngày. Thời gian thi đấu trung bình một ngày của tôi rơi vào khoảng 18 - 20 giờ.

Các con số, cự ly chị vừa kể, ai nghe cũng có thể thấy “choáng”. Có phải chị đặt bản thân vào nguy hiểm khi tham gia cuộc đua này?

Giải này rất khó nhưng không đồng nghĩa với nguy hiểm tới tính mạng. Mỗi vận động viên (VĐV) tham gia đều phải chứng minh được việc tập luyện và thi đấu của mình trước đây, cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại. Bên cạnh đó, VĐV phải hiểu rõ chính mình, giới hạn nào có thể phá vỡ, giới hạn nào không.

Bản thân cuộc đua là một thử thách, nhưng đó chỉ là một nửa của rào cản. Rào cản lớn nhất nằm ở chính chúng ta. Bạn có sẵn sàng ưu tiên tập luyện, dành tất cả những ngày nghỉ của mình cho cuộc đua này? Bạn có sẵn sàng thông báo với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của bạn rằng điều này quan trọng đối với bạn và cần sự thông cảm cũng như ủng hộ từ họ? Nếu muốn, bạn sẽ phải tìm cách.

Chị đã sắp xếp cuộc sống và công việc, kế hoạch luyện tập ra sao?

Trong cuộc sống, không phải chúng ta có tất cả cùng một lúc. Đó là lý do mình cần có sự ưu tiên. Từ tháng 11.2021, công việc và luyện tập là hai mảng tôi ưu tiên nhất. Một tuần tôi tập luyện 17 tiếng, thường tập vào sáng sớm để sau đó đi làm, thỉnh thoảng tập buổi tối. Nhìn lịch tập của tôi thật sự không phải quá khác biệt, so với VĐV chuyên nghiệp thì nó rất nhỏ bé. Ở giải đấu, tôi thấy có nhiều VĐV là các bậc phụ huynh, những người làm việc toàn thời gian. Nếu họ muốn chinh phục thử thách thì sẽ sắp xếp được thời gian và mức độ ưu tiên cho nó. Bất cứ ai nghĩ rằng mình có thể làm được điều đó thì nó luôn đúng. Nhưng nếu bạn gắn cho mục tiêu những lý do (tiền đâu mua vé, ăn ở khách sạn…) thì tốt hơn bạn không nên nghĩ về nó. Muốn làm thì bạn phải tìm ra cách, và phụ thuộc hoàn toàn việc bạn sẵn sàng theo đuổi điều đó hay không.

Thể thao có ý nghĩa gì với chị?

Thú thật tôi không phải là người có năng khiếu thể thao. Tôi không nghĩ bản thân là người mạnh hay có năng khiếu. Nó tình cờ đến và trở thành một phần của cuộc sống vì tôi có mong muốn, có tò mò, có khát khao chinh phục thử thách mới lạ.

Thể thao nói chung, những giải đấu khắc nghiệt nói riêng đem đến cho tôi những trải nghiệm. Mỗi thử thách khó nhằn sẽ cho chúng ta nhiều bài học giá trị cho cuộc sống. Nó sẽ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực thể thao, mà tôi nghĩ những bài học này sẽ truyền tải đến cộng đồng những thông điệp tích cực, để họ tìm ra thách thức của riêng bản thân. Tôi hy vọng qua những trải nghiệm này có thể động viên và khích lệ mọi người để họ cảm thấy thực sự không điều gì là không thể.

Khi chinh phục một thử thách mới, chị có suy nghĩ như thế nào?

Mỗi khi chinh phục một thử thách mới, tôi có cơ hội bứt phá giới hạn của bản thân, bước lên tầm cao mới, một yếu tố cần thiết trong cuộc sống. Khi sống, tôi luôn nỗ lực, phấn đấu để tiến lên. Thực ra, chỉ năm 2016 là tôi hoàn toàn tập trung cho cuộc đua chinh phục 4 hoang mạc. Từ năm 2017, tôi trở lại với công việc và đặt ra mục tiêu tiếp tục chinh phục những giải chạy khó, có nhiều thách thức để đem được dấu ấn VN ra thế giới. Đó không phải là 100% cuộc sống của tôi. Nó chỉ là những trải nghiệm để mình rút ra bài học cho cuộc sống, hiểu được bản thân và nhìn thấy rằng những quyết định đưa ra trong lúc bản thân sắp gục ngã, bế tắc quan trọng và ý nghĩa như thế nào.

Khi tôi thực hiện những điều khó và quay lại cuộc sống bình thường, rõ ràng những việc tưởng chừng như rất khó trước đây đã không còn khó nữa. Nó cho mình cơ hội rèn luyện những kỹ năng và đức tính tốt khi không có hỗ trợ. Mỗi lần như thế, một phiên bản tốt nhất của tôi ra đời. Đó chỉ là phiên bản tốt nhất ngay thời điểm ấy. Mỗi năm phiên bản tốt nhất của tôi đều có sự thay đổi, dần dần tôi sẽ phá bỏ những rào cản do chính mình đặt ra.

Chị là người đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ VN, nhất là nữ giới. Vậy ai là người đã truyền cảm hứng cho chị?

Khi tham gia các giải đua, tôi luôn cảm thấy rất vui vì biết sẽ gặp được rất nhiều người truyền cảm hứng cho mình. Trong giải này, những người phụ nữ tham gia khác đã cho tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ mới mẻ. Một nữ VĐV người Đức độ tuổi 50 nhưng có khả năng đạp xe rất tốt, thậm chí còn hơn cả đàn ông. Cô Nadine Zacharias (người Pháp) dù đã hơn 60 tuổi và từng là bệnh nhân ung thư vú cũng chinh phục được đường đua khắc nghiệt. Cô trở thành người đầu tiên thuộc nhóm trên 60 tuổi hoàn thành giải siêu cự ly 3 môn phối hợp. Ý chí, bản lĩnh và sự kiên cường của cô là những gì tôi đã tận mắt chứng kiến. Đối với người mới trên 30 tuổi, tôi rất khâm phục. Những VĐV nam khác cũng rất cừ khôi và tuyệt vời. Họ là nhân chứng sống cho thông điệp không gì là không thể và tuổi tác chỉ là con số mà thôi. Không ai là quá muộn hay quá già để chinh phục giấc mơ của mình.

Ở tuổi của chị, vẫn có rất nhiều phụ nữ hướng đến việc lui về hậu phương, xây dựng và chăm sóc gia đình. Chị thì thế nào?

Ai cũng sẽ có lựa chọn mà ở đó, họ thấy ý nghĩa và niềm vui của cuộc sống. Tôi vẫn mong muốn, ưu tiên những trải nghiệm mới mẻ để bứt phá bản thân ngày một xa hơn, để đưa dấu ấn của VN ngày một xa hơn. Và chia sẻ lại những trải nghiệm đó để khuyến khích, động viên mọi người cũng có những bứt phá, khát vọng của mình và quyết tâm theo đuổi.

Tôi nghĩ rằng, ai cũng có thể lựa chọn bứt phá giới hạn của chính mình. Mỗi ngày một chút, mỗi năm một chút. Từ những trải nghiệm của tôi ở cuộc đua này, tôi khẳng định tuổi tác chỉ là một con số mà thôi. Có rất nhiều người U.40, thậm chí trên 60 cũng chinh phục những cự ly cực kỳ khủng khiếp. Giấc mơ, hoài bão không bị giới hạn bởi hoàn cảnh, tuổi tác hay giới tính.

Điều quan trọng ở đây là nữ quyền không có nghĩa là không được lùi về phía sau, đóng vai trò hậu phương, chăm sóc gia đình. Nữ quyền ở đây là có quyền đưa ra lựa chọn cho cuộc sống của mình và được mọi người ủng hộ, hỗ trợ.

Nếu được lựa chọn một danh hiệu cho mình, chị muốn được mọi người nhớ đến thế nào?

Điều quan trọng với tôi không phải là có được danh hiệu hay được mọi người nhớ mặt, nhớ tên. Nếu có, tôi hy vọng mọi người có thể nhớ đến mình với những thông điệp và hành động truyền cảm hứng: Không bao giờ là quá muộn để thử, để bứt phá khỏi vòng an toàn và khám phá những điều mới mẻ. Tất nhiên, không phải tôi khuyến khích mọi người đi chạy sa mạc hay tham gia các cự ly khủng khiếp. Cuộc sống có những lựa chọn đưa ra sẽ giúp bản thân tiếp cận với phiên bản tốt nhất của chính mình. Làm một điều gì đó mới lạ hơn, theo đuổi một sở thích sâu sắc hơn hay dần dần nuôi dưỡng thách thức và tìm cách chinh phục nó. Điều đó sẽ đưa mọi người đến những chân trời mới và làm cuộc sống thú vị hơn.

Tôi luôn tự hỏi mình sẽ trở thành phiên bản tốt nhất của mình trong năm nay như thế nào. Khi làm được những điều nho nhỏ đó, tôi cảm thấy rất vui và hào hứng. Phương châm của tôi là mỗi năm đều thúc đẩy bản thân lên tầm cao mới, tiến xa hơn với một cuộc đua thách thức và mới lạ hơn để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, phiên bản số 1 của chính mình.

Do đó, SwissUltra 2022 không phải là giải đua cuối cùng của tôi!

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Báo Thanh Niên
04.09.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.