>> Dạ Ly

Thời trẻ anh từng tham gia các ban nhạc đình đám như: Crazy Boys, Revolution, Strawberry Four… thập niên 1960-1970, những ban nhạc này thường dành cho con nhà giàu, học trường Tây. Giờ đây khi nhắc lại tuổi trẻ rực rỡ, điều gì làm anh nhớ nhất?

Tôi nhớ thập niên 1960, thời của nhạc trẻ, những người tham dự rất hiếm hoi, ban nhạc chỉ có thể đếm trên một bàn tay, và người nghe ít, chơi ít so với bây giờ. Lúc đó khởi sự là phong trào nhạc trẻ với những người có con em du học bên Pháp, cứ mỗi mùa hè về thường mang theo nhạc bên đó. Tôi lớn lên được nghe, ngấm và sau đó bắt đầu du nhập thêm nhạc Anh của Cliff Richard, The Shadows hay The Beatles... Rồi tới thời Elvis Presley (Mỹ)... VN ngày đó còn có những sự kiện âm nhạc đáng nhớ do dân học trường Tây tổ chức và tôi là người duy nhất học trường VN (Trường Đại học Văn khoa, Sài Gòn - NV) mà lọt vào đó. Thời đó tôi đã bắt đầu sáng tác và hát Cơn mưa phùn (1969) cùng Thanh Tuyền theo phong trào du ca, tự mình viết và hát bài của mình, không nhất thiết phải là ca sĩ.

Có khi nào anh lưu luyến hay hối hận điều gì ở thời tuổi trẻ huy hoàng?

Tôi rất trân quý những giây phút hiện tại và không vướng bận quá khứ. Tôi viết nhạc vì tôi thích, tôi cảm, cộng thêm tính ngang bướng thích gì làm đó. Tôi không thích đi theo cái gì nhiều người làm. Khi chúng ta thích và đam mê một cái gì đó nên đầu tư thời gian, tiền bạc vào và khi đó cả vũ trụ này sẽ mở ra cho ta một con đường thênh thang.

Âm nhạc của Đức Huy có những bài nghe day dứt, khổ đau như: Xin một ngày mai có nhau, Người tình trăm năm, Như đã dấu yêu… Phải chăng đó còn là nỗi lòng của chính anh khi “dấn thân” vào một cuộc tình?

Đúng là cảm xúc thật của tôi và tôi nghĩ rằng… hợp lý. Nếu như chúng ta có sự quân bình giữa con tim và khối óc thì cuộc sống ổn thỏa lắm, nhưng lại chẳng có gì thú vị. Nên nó phải lên đỉnh hoặc xuống đáy thì đó mới là đời, sống động, nhiều ý nghĩa. Mà trong âm nhạc cần lắm sự sống động. Y học chứng minh đừng nên vui quá, vui quá hại tim và buồn quá cũng không được vì sẽ hại… tùm lum hết (cười). Bạn mà lo lắng nhiều thì thường mang năng lượng tệ nhất. Như lúc này tình hình dịch Covid-19, tôi biết nhiều người lo lắng, ôm tâm lý mình sẽ bị bệnh. Lo sợ về bệnh quá nhiều đôi khi lại “giết” chúng ta nhiều hơn chính bệnh đó. Tôi hay bảo mình: “Cứ vui cho trọn đêm nay”.

Anh có thể tâm sự nhiều hơn về cảm xúc khi viết Như đã dấu yêu?

Tôi vẫn bảo không có cái khổ nào mà khi đã yên bề gia thất, con cái đàng hoàng đột nhiên rơi vào một cuộc tình tay ba, gặp một người mà phải thốt lên đây mới là tình yêu đích thực của đời mình. Và tâm trạng này trong cuộc sống có nhiều. Với cảm xúc đó, khi tôi viết xong bài hát, thử hát thì tất cả những người nghe tôi ai cũng “đổi sắc mặt”. Nhưng chung quy họ đều “hiểu được hoàn cảnh này”.

Trong tựa ca khúc Và tôi cũng yêu em sao lại có từ “cũng” mà không phải Và tôi yêu em hay một câu chắc chắn để yêu em, trong khi đoạn cuối là Yêu em nồng nàn, yêu em chứa chan… thưa nhạc sĩ?

Trong tiếng Mỹ khi kể chuyện vui thường có một chữ hay một câu để mọi người vỡ òa ra cười thì chữ “cũng” này là thế đó. Có thể tôi viết Và tôi cứ yêu em, hay sắp yêu em… chẳng hạn. Nhưng tôi muốn tạo nên một cái gì đó khác biệt của điều mình muốn nói phía sau. Ý nghĩa còn là cho dù tôi có… “nói hươu nói vượn” thì cuối cùng điều quan trọng nhất vẫn là yêu em. Ngoài ra, nếu hiểu rộng thêm điều Đức Huy muốn nói, “em” ở đây còn là đất nước, văn hóa, chất VN với những gì nuôi tôi lớn lên. Xin kể thêm, tôi còn mê chụp ảnh nên sưu tập bao năm qua, trong đó có tập ảnh mà tôi đặt tên là Và tôi mãi yêu em gồm những bức ảnh về Huế, Hà Nội, Sài Gòn… Tôi đang muốn xuất bản nhưng vẫn chưa xong (cười). Nhiều người bảo “tôi yêu em” là phải đặt đầu tiên. Nếu mà bây giờ đặt đầu tiên thì chúng ta sẽ lộ ngay “ý đồ”, còn gì… đố nữa (cười).

Và con tim đã vui trở lại là tựa bài hát được nhắc tới nhiều khi một người tìm lại được hạnh phúc sau những đổ vỡ, tổn thương trong tình yêu. Phải chăng khi sáng tác bài này anh cũng tìm được “người thương” sau khi tình yêu tan vỡ?

Vâng, sự thật là vậy. Bài này mới đầu là giai điệu thôi, tôi viết trên bãi biển ở Hawaii (Mỹ), và thoạt đầu bài hát là tiếng Anh, sau khi hoàn tất (khoảng năm 1987-1988) trước khi về đất liền, tôi mới viết sang lời Việt. Cuộc sống này ai cũng trải qua những bài học của cuộc đời lúc lên, lúc xuống, có lúc mất hy vọng. Nhưng tôi quan niệm, chúng ta có thể mất tất cả nhưng đừng mất hy vọng. Yêu quý, tôn trọng chính thân mình quan trọng lắm. Làm được vậy trái tim mình sẽ được bình an và vui trở lại.

Bài Đừng xa em đêm nay (1993) từng gây tiếng vang lớn khắp cộng đồng hải ngoại khi anh viết tặng vợ cũ Thảo My. Bài hát là một “gu” nhạc hoàn toàn khác của anh và được xem như bolero. Vì sao có sự khác biệt này thưa anh?

Tôi viết cho Thảo My lúc chưa lấy cô ấy. Lúc đó chúng tôi sắp cưới nhau nhưng vẫn phải ở xa nhau vì một người sống phía Bắc, một người ở miền Nam California (Mỹ). Đúng là bài hát không có gam trưởng (thường vui), mà là gam thứ (thường buồn) theo phong cách bolero. Từng có lời đề nghị tại sao tôi không viết bài nào cho lạ chút. Hồi đó tôi không nghĩ đó là bolero, nhưng bài này chính hiệu bolero như bạn nói. Đối với tôi, món quà lớn nhất dành cho nhau trong tình yêu là sự có mặt của người yêu, chứ đừng nói yêu em mà anh chỉ cần gửi quà đến, chẳng thấy anh đâu. Sự hiện diện từ tâm hồn đến thể xác là món quà lớn. Yêu nhau hãy luôn có mặt bên nhau và “gọi thầm tên em”, chứ “gọi nhầm… tên em” là chết ngay (cười lớn). Vì hậu quả sẽ là bay đi cánh chim biển ngay. Đến giờ, tôi và Thảo My vẫn là bạn tốt.

Hỏi thật, một người đẹp trai, tài giỏi như Đức Huy có khi nào… thất tình và có bài hát nào ra đời trong hoàn cảnh ấy?

Thú thật là có (cười to). Nhưng cũng hơi… thất vọng một chút là khoảng thời gian thất tình rất ngắn. Sau khi viết bài hát vừa xong thì cũng hết… thất tình. Nếu mà nói viết trong tâm trạng thất tình thì có bài: Tình yêu vội đi. Đó là thời gian mới về VN, năm 2004, nhưng nó cũng… đi nhanh.

Việc quyết định về VN ở hẳn có quá khó khăn với anh? Bạn bè anh thường nói, nhạc sĩ Đức Huy luôn chọn cuộc sống bình dị, an yên?

Quyết định về VN rất quan trọng với cuộc đời tôi. Tôi không thích cảm giác lo sợ tương lai, sợ không thể vượt qua khó khăn này kia. Từ nhỏ đến lớn tôi không để cảm giác lo sợ xảy đến mà xem là một bài học. Tôi chưa bao giờ than phiền, trách móc những gì xảy ra trong quá khứ. Nghĩ lại tôi thấy mình may mắn vô cùng. Chưa bao giờ có nhiều tiền, nhưng khi gần hết lại có tiền ở đâu đến, không nhiều nhưng đủ xài. Nếu một người may mắn như thế thì lo lắng làm gì cho mệt cuộc đời.

Anh hay nói về 2 chữ “duyên - nợ”, và trong âm nhạc của Đức Huy cũng phảng phất điều ấy. Với bà xã hiện tại, cái “duyên” và “nợ” xảy ra như thế nào, thưa anh?

Tôi hay nói đùa với bà xã (bà xã kém nhạc sĩ Đức Huy 44 tuổi - NV) là chưa có một người phụ nữ nào mà anh phải đi tìm mấy chục năm như thế để “trả” món nợ (cười). Tôi về VN năm 2004 và 5-6 năm sau mới gặp được em. Ngay cả giờ đây, khi nghe lại các bài hát ngày xưa, tôi mới tự thấy có vẻ như mình toàn viết cho em. Viết trước hơn 30 năm, như bài Yêu em dài lâu, giờ nghĩ lại lời đúng là viết cho bà xã thật. Gần 40 năm trước mà viết như thế nghe hơi sáo: “Yêu em cho đến khi con tim ngừng đập…”. Có một câu giờ tôi hay hát cho cô ấy nghe: “Và bây giờ ngày buồn đã qua, nhiều lỗi lầm cũng được thứ tha” (Và con tim đã vui trở lại - NV). Tình yêu như ánh sáng đến giúp chúng ta nhìn thấy rõ mọi điều. Như Phật nói là “ngộ” ra. Em là tình yêu mà tôi mong đợi bao năm qua.

Một ca sĩ - nhạc sĩ hơn 50 năm trong nghề như anh cuộc sống hiện tại thế nào? Và “bí quyết” để một Đức Huy ở tuổi 73 vẫn trẻ trung, đủ sức khỏe chăm con thơ và tự làm mọi thứ?

10 năm nay tôi tạm ổn định, có tiền tác quyền 3 tháng nhận 1 lần. Tôi còn có tiền tác quyền bên Mỹ và tiền hưu trí… Dù không nhiều nhưng điều quan trọng là gia đình chúng tôi bằng lòng với những gì mình đang có. Chúng tôi “liệu cơm gắp mắm”. Tôi sống rất đơn giản, không lái ô tô, không mua nhà to mà vừa đủ. Sống vui vẻ, cho con học trường bình thường gần nhà. Còn “bí quyết” quan trọng nhất là bằng lòng và sống trọn từng giây phút hiện tại. Khi bằng lòng chúng ta sẽ không đứng núi này trông núi nọ. Không mất năng lượng, không tự làm mình khổ bằng những kỳ vọng. Hãy để cuộc sống tự nhiên xảy ra và mình vui vẻ đón nhận.

Báo Thanh Niên
15.03.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top