Trong tháng 8, nhạc sĩ Phó Đức Hoàng tiếp tục hành trình tới nước Mỹ, bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh sáng tác âm nhạc, hệ tiến sĩ tại Trường đại học Florida cùng hướng đi đã lựa chọn từ nhiều năm trước với âm nhạc đương đại, con đường hoàn toàn khác biệt với con đường của cha anh - cố nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Âm nhạc thế kỷ 20 hay âm nhạc đương đại cho thấy sự phá bỏ những quy tắc của truyền thống, đạt tới sự tự do hoàn toàn trong sáng tạo. Thể loại nhạc mới này đòi hỏi người nhạc sĩ cũng như nghệ sĩ biểu diễn những yếu tố nào?
Về bản chất, âm nhạc thế kỷ 20 mang sự bứt phá mạnh mẽ trong tư duy âm nhạc, thiên về tính cá nhân hóa. Trước đó, âm nhạc đi chung với tư duy cộng đồng và xã hội, nên hình thái thẩm mỹ thịnh hành của thời đại và xã hội ra sao thì người nghệ sĩ và nhạc sĩ dựa vào đó mà phát triển. Còn sang thế kỷ 20, do có những biến động lớn về xã hội, chính trị, kéo theo sự thay đổi đột phá về nghệ thuật nên mỗi cá nhân luôn tự tìm tòi con đường tư duy riêng. Vì mỗi tư duy cá nhân có tính đặc thù, không phải ai cũng giống ai, nên khi sáng tạo, người nghe lẫn người biểu diễn phải mất công tìm hiểu xem tư duy của người nhạc sĩ là gì. Để có thể tìm hiểu được thì họ phải có tinh thần cởi mở, bởi việc tiếp xúc với những điều mới lạ trong ngôn ngữ cá nhân của mỗi nhạc sĩ là điều không dễ dàng và thường dẫn tới những phản ứng cảm xúc tiêu cực.
Điều này cũng không loại trừ đối với bản thân người nhạc sĩ, khi cũng phải dũng cảm bỏ lại định kiến âm nhạc truyền thống lâu đời để đi theo con đường riêng. Tựu trung lại, với nhạc sĩ, nghệ sĩ và người nghe, đã đi vào thế giới âm nhạc mới thì phải chấp nhận mình sẽ mong manh và phải sẵn sàng đương đầu. Đây vừa là thách thức, lại vừa là sự thú vị trong âm nhạc từ thế kỷ 20 cho đến đương đại đối với các nghệ sĩ.
Tại VN, âm nhạc thế kỷ 20 vẫn còn rất ít phổ biến. Còn trên thế giới thì sao?
Âm nhạc thế kỷ 20 phát triển mạnh tại châu Âu cũng như châu Mỹ, nhất là bắt đầu từ những năm 40 - 50 của thế kỷ trước - thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2. Từ những thời điểm đó, âm nhạc mới hay âm nhạc đương đại bắt đầu công cuộc quảng bá trong cộng đồng rồi. Mặc dù bản chất thể loại âm nhạc này kén khán giả, nhưng trải qua thời gian 70 năm nó cũng đã có một chỗ đứng trong cộng đồng âm nhạc và được chào đón cởi mở nhất định. Còn ở châu Á nói chung và cụ thể là VN, do ta phải thu nạp âm nhạc hàn lâm từ phương Tây nên tiến độ hiển nhiên sẽ chậm hơn và sẽ cần nhiều thời gian để có thể bắt kịp Mỹ và châu Âu về vấn đề phát triển âm nhạc đương đại.
Theo anh, việc phổ biến nhạc mới ở VN còn hiếm hoi vì thiếu nghệ sĩ biểu diễn hay do không ít nhạc sĩ vẫn còn định kiến với thể loại âm nhạc “phá bỏ nguyên tắc” này?
Việc thiếu hụt cả về nghệ sĩ biểu diễn lẫn nhạc sĩ cho dòng nhạc mới này có rất nhiều nguyên nhân. Bộ phận nhạc sĩ viết nhạc mới không có điều kiện tiếp cận với những tư liệu và giáo dục có tính nền tảng nên các sản phẩm âm nhạc của họ chưa thể thuyết phục được nghệ sĩ biểu diễn cùng đồng hành. Với nghệ sĩ biểu diễn, họ ít nhiều dám đương đầu, bứt phá với âm nhạc mới. Còn khán giả thì thường chạy theo thị hiếu chung của xã hội, lại càng gây khó khăn cho việc quảng bá.
Ngoài ra, thu nhập kiếm sống và làm nghề trong loại hình âm nhạc này cũng là một vấn đề nan giải. Thị hiếu âm nhạc của cộng đồng xã hội bây giờ là âm nhạc thị trường, hoặc là nhạc phim. Các lĩnh vực này lại luôn sẵn sàng đem về thu nhập tốt cho các nghệ sĩ nên tội gì mà họ phải mất công tốn sức cho một dòng nhạc vừa khó chơi, vừa kén người nghe lại vừa nghèo? Có một thực tế là “chơi” nhạc mới là rất tốn kém, cả tinh thần và vật chất. Đã theo thì phải sẵn sàng hy sinh trí tuệ và tài chính để đổi lấy sự tiên phong đổi mới sáng tạo nghệ thuật.
Vậy vì sao anh chấp nhận hy sinh, chọn nhạc mới làm con đường chủ đạo?
Tôi được đào tạo về thể loại này từ khi bắt đầu học đại học tại Mỹ năm 2011. Từ đây, tôi đã hình thành tư duy muốn viết những tác phẩm có sự mới mẻ, tìm tòi và khác biệt chưa được khai thác.
Ý niệm này vẫn giữ vững xuyên suốt quá trình đào tạo ở bên đó, mặc dù định hướng giáo dục của nhà trường là giúp tôi trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp toàn vẹn mà đầy đủ vốn liếng để có thể bắt tay vào mọi thể loại. Dĩ nhiên, để nuôi sức sáng tạo thì vẫn cần phải vững năng lực tài chính. Có nhiều cách để đảm bảo việc này, trong đó có việc bản thân tôi tham gia vào một số dự án âm nhạc thị trường, chẳng hạn như một vài tác phẩm ca khúc, để tạo nguồn thu nhập ổn định.
Để đi theo con đường này, anh nhận được sự hỗ trợ nào từ gia đình?
Bản thân tôi may mắn khi được gia đình và người thân ủng hộ con đường theo nghệ thuật, quan trọng nhất là bố tôi. Tuy nhiên, việc lựa chọn hướng đi theo âm nhạc mới dù có đôi chút mâu thuẫn trong tư tưởng thẩm mỹ với nhiều người, nhưng thật mừng là ai cũng dành sự tôn trọng cho tôi.
Bên cạnh đó, tôi cũng bảo thủ và lì lợm với quan điểm, quyết định của mình, mặc cho những khó khăn trong việc ổn định nghề nghiệp trong tương lai. Nhiều người khuyên tôi đi theo hướng âm nhạc thị trường cho phù hợp thị hiếu và dễ kiếm sống, nhưng tôi không mặn mà lắm vì tôi thích chơi sáng tạo và tự do đổi mới trong tư duy hơn là chạy theo khuôn mẫu nhất định.
Quay lại thời điểm bắt đầu đến với sáng tác, anh có chịu ảnh hưởng từ bố mình không?
Tôi bắt đầu yêu thích bộ môn sáng tác từ năm 2008 sau 10 năm được đào tạo piano tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Ở khởi điểm đó, tôi cảm thấy yêu thích các khía cạnh trọng tâm của sáng tác như phối khí, hòa thanh, lý thuyết và nghĩ đến việc sáng tạo qua các công cụ nền tảng này. Khi thấy tôi say đắm trong thế giới sáng tạo như vậy, bố tôi cũng đã rất mừng và sẵn sàng đồng hành với tôi. Ngoài vấn đề hỗ trợ đầu tư cho tôi về mặt giáo dục, việc chia sẻ những tư duy thẩm mỹ giữa hai bố con cũng có sự ảnh hưởng tích cực.
Giữa hai bố con tôi tồn tại hai thái cực thẩm mỹ hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có sự tương hỗ mạnh mẽ cho sự phát triển của tôi. Ông luôn đề cao giá trị cộng đồng, công chúng trong âm nhạc, cho rằng âm nhạc phải mang tiếng nói và hơi thở gần gũi với thiên nhiên, con người. Còn tôi thì lại tập trung đi vào các vấn đề học thuật, những đặc điểm chân lý tự nhiên của âm thanh để từ đó xây dựng thành một tác phẩm âm nhạc. Âm nhạc của ông theo tiếng nói của dân chúng, còn âm nhạc của tôi là đi sâu vào tìm sự vi tế của chân lý. Hai sự tương phản về tư duy này không có cái nào là sai, vì cuối cùng đích đến vẫn là thể hiện cá tính, nên giữa hai bố con vẫn giữ được sự tôn trọng lẫn nhau. Và với riêng tôi, chuyện này vẫn thật sự có ích cho sự học hỏi và phát triển trong tương lai.
Khi đã chọn lối tư duy phương Tây, anh có ngại sẽ khó khăn khi quay trở lại hòa nhập với môi trường âm nhạc trong nước?
Tôi chưa có kế hoạch cụ thể cho bài toán này trong tương lai nhưng tôi cũng mường tượng rằng sẽ có khó khăn trong việc quảng bá âm nhạc của mình. Như đã đề cập ở trên, khán giả nội địa chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc để thưởng thức âm nhạc mới nên sẽ không dễ để họ đón nhận. Tôi hiểu điều này và cũng chấp nhận mọi khả năng phản hồi từ khán giả, kể cả đó là những phản hồi không tích cực. Đây là lựa chọn định hướng nghề nghiệp của tôi, tôi sẵn sàng độc hành bằng triết lý riêng của mình.
Để giúp cho bản thân tôi khi trở về và hòa nhập hơn trong môi trường âm nhạc trong nước, sẽ cần phải có nhiều sự tương trợ từ nhiều phía. Hiệu quả sẽ đem đến cho toàn thể các cá nhân và cộng đồng.
Với tôi, ngoài hoạt động nghệ thuật của riêng mình thì sẽ còn phải tham gia hoạt động văn hóa từ các góc độ khác nhau để giúp loại hình âm nhạc mới/đương đại phổ cập hơn ở VN. Các nghệ sĩ có chung định hướng và tình yêu cho dòng nhạc này thì phải cùng chung tay và bản lĩnh đóng góp công sức nhằm xây dựng một môi trường triển vọng. Biết là khởi đầu sẽ là những thử thách lớn và khả năng thiệt thòi tài chính nhiều, nhưng về đường dài thì chắc chắn nhịp độ phát triển sẽ nhanh lên rất nhiều khi ý thức nghệ thuật trong cộng đồng mở rộng và đem đến nhiều hơn các cơ hội đầu tư cho dòng nhạc này.
Xin cảm ơn anh!