Hơn một thập kỷ Đom Đóm được thành lập, không ít người từng hồ nghi về sự thành công của Đom Đóm cũng như sự phát triển của dòng nhạc này tại VN. Đến giờ, Kim Ngọc cùng những gì Đom Đóm đã làm được trong việc tạo dựng và mở rộng cộng đồng nghệ sĩ - khán giả cho âm nhạc đương đại và thể nghiệm khiến người ta hiểu rằng: dũng cảm bước đi sẽ thành đường!
Ở thời điểm hiện tại, nghệ sĩ VN đang kết nối thế nào với dòng chảy của âm nhạc đương đại và thể nghiệm thế giới, thưa chị?
Cơ hội kết nối bây giờ không thiếu, thậm chí còn đang là trào lưu. Nghệ sĩ ở các nước phát triển cũng có nhu cầu kết nối với nghệ sĩ ở những quốc gia còn ít được biết đến. Nhưng với tôi, việc kết nối ấy chưa quan trọng bằng việc mình lớn lên như thế nào trong chính khung cảnh, không gian nghệ thuật - văn hóa, hay hệ sinh thái đất đai và thổ nhưỡng đất nước mình.
Bất cứ cá nhân nghệ sĩ nào cũng giống như một thực thể vật chất sinh học, đều phải hấp thụ dinh dưỡng để lớn lên từ một mảnh đất cụ thể. Chẳng hạn, một cái cây hình thành bắt đầu từ việc nảy mầm, rồi hút chất dinh dưỡng từ lòng đất, tắm ánh nắng mặt trời để tổng hợp diệp lục, trao đổi chất từ môi trường sinh quyển, từ đó cái cây mới dần lớn lên và trưởng thành. Khi cái cây vẫn còn non nớt, chưa thực sự bắt rễ sâu vào mảnh đất, chưa đủ sự trưởng thành thì khó vươn đi đâu được. Trong nghệ thuật cũng như vậy, việc kết nối, giao lưu với bên ngoài khi các bạn trẻ chưa biết mình là ai, hoặc là họ có trạng thái tâm lý kiểu vong thân: không biết nguồn gốc, cội rễ của mình là gì thì cũng vô ích. Mình còn chưa có một bản dạng, chưa có một tiếng nói độc lập thì lấy gì để giao lưu hay trao đổi. Mà muốn trưởng thành thì không thể bắt rễ chỗ này một lát rồi chuyển sang bắt rễ chỗ khác cho phong phú được. Ngược lại, cần phải bắt rễ thật sâu vào một mảnh đất cho thân cành vươn xa trong một sinh quyển văn hoá cụ thể để có thể trở thành một cá thể độc lập, trưởng thành trước khi cất lên tiếng nói của riêng mình.
Công việc của Đom Đóm đã và đang làm cũng là để tạo ra môi trường cho chính tôi cũng những bạn trẻ khác để có thể cùng nhau sinh sống, sinh dưỡng trong đó.
Khi tạo dựng Đom Đóm, chị gọi đó là ngôi nhà của mình. Sau hơn một thập kỷ, ngôi nhà ấy như thế nào, chị có còn cảm thấy cô đơn khi ở trong đó?
Khi nói về sự cô đơn, thường người ta nói về cảm giác có vẻ không được dễ chịu lắm; cảm giác đấy tôi không có, còn sự đơn độc thì có.
Đối với công việc phát triển xã hội, tạo môi trường hoạt động, phát triển cho âm nhạc đương đại và thể nghiệm, càng có nhiều người chung tay thì công việc sẽ càng nhẹ nhàng hơn. Còn nếu làm một mình, gánh nặng chỉ trút lên mỗi đôi vai của mình thôi, thì đương nhiên không tránh được lúc này lúc kia mình cảm thấy mệt mỏi.
Ngày xưa, bao nhiêu năm cũng chỉ có mỗi mấy nghệ sĩ với nhau. Sau một thập kỷ, đã có thêm nhiều đồng nghiệp trẻ. Thông qua những chương trình của Đom Đóm, tôi nhìn thấy về mặt số lượng nghệ sĩ đã đông hơn thời điểm tôi bắt đầu rất nhiều. Đó là sự phát triển, là kết quả để tôi nhìn vào để cảm thấy rằng là những việc mình làm không vô nghĩa. Nhưng cảm giác đơn độc vẫn y nguyên.
Bây giờ có thể có nhiều người hiểu mình hơn, nhưng những người thực sự xắn tay áo lên để chung lưng đấu cật với mình thì vẫn chưa có. Cái đấy có thể hiểu được vì những bạn trẻ cũng vừa bắt đầu sự nghiệp, khó kêu gọi các bạn ấy làm những việc cho cộng đồng, phải cần thêm thời gian để các bạn khôn lớn vững vàng.
Vậy còn khán giả, đã có nhiều người đồng hành cùng chị?
Tôi đã nhìn thấy sự phát triển rõ ràng trong khán giả kể cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Năm 2009, khi tôi làm chương trình Hanoi New Music Meeting, hoạt động đánh dấu sự tồn tại của âm nhạc đương đại và thể nghiệm đầu tiên tại VN, hầu hết mọi người còn chưa biết âm nhạc thể nghiệm là gì, họ rất tò mò. Chương trình vào cửa tự do và chỉ có 4 đêm diễn ở Hà Nội và TP.HCM nên mọi người càng đến đông. Chương trình diễn ra ở Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) với khoảng 450 - 500 chỗ ngồi kín khán giả. Nhưng đến nửa buổi, khán giả về khoảng nửa rạp, đến cuối buổi thì chỉ còn 1/3.
Đến năm 2013, tôi tổ chức liên hoan ở những không gian nhỏ hơn như Nhà hát chèo Kim Mã, L’Espace - Trung tâm văn hoá Pháp... chỉ có khoảng hơn 200 ghế ngồi, nhưng lần này có bán vé và chương trình diễn ra liên tiếp trong 9 ngày với 7 buổi biểu diễn, 1 triển lãm và 1 buổi chiếu phim. Khi đó khán giả đến kín khán phòng mỗi chương trình và yên tĩnh lắng nghe. Chỉ có một vài khán giả bỏ về giữa chừng, còn ở lại đến tối muộn và chăm chú đặt câu hỏi trong cuộc thảo luận sau đêm diễn. Sau liên hoan, có nhiều những bài báo viết bình luận về đêm nhạc.
Nhạc sĩ Kim Ngọc cùng học viên lớp trình diễn ngẫu hứng I-1B của trung tâm Đom Đóm - Ảnh: Nguyễn Quốc Hoàng Anh
Năm 2018, quy mô của liên hoan đã nở ra gấp đôi với gần 20 buổi biểu diễn liên tiếp, mỗi ngày hai ca cộng thêm một hội thảo 4 ngày. Thế mà vé vẫn bán hết sạch và mỗi một sự kiện đều chật kín khán phòng như thể nghệ sĩ và khán giả đã hòa làm một, đang cùng nhau chia sẻ một “khí quyển” nghệ thuật chung. Tại kỳ liên hoan này, bên cạnh những cộng đồng khán giả có sẵn, tôi nhìn thấy còn có thêm một đối tượng khán giả mới là các bạn trẻ không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, hay âm nhạc chuyên nghiệp cùng những bạn sinh viên theo học loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, múa, sân khấu, nghệ thuật thị giác... Cái hiện thực này cho tôi thấy một sự tươi mới và tương lai của âm nhạc đương đại và thể nghiệm VN. Tôi nghĩ đó là dấu hiệu hết sức lành mạnh cho sự phát triển của cả nhóm nghệ sĩ lẫn khán giả cũng như cộng đồng nói chung.
Một nữ nghệ sĩ thường có những hạn chế nhất định về mặt thể lực, hay bận tâm với vai trò của người mẹ, người phụ nữ trong gia đình. Đã có khi nào chị cảm thấy mọi việc khó khăn đến mức muốn từ bỏ?
Tôi nghĩ là mình may mắn vì có hậu thuẫn gia đình rất mạnh. Gia đình rất hiểu, tạo điều kiện và có những đánh giá đúng về công việc của tôi, thậm chí còn động viên. Những lúc mệt quá rồi chả muốn làm gì nữa thì ông xã lại có những lời nói giúp mình nhìn thấy giá trị công việc đang làm.
Trong nhà, mẹ tôi là một người phụ nữ vừa truyền thống, vừa hiện đại. Cả đời bà sống với vai trò người phụ nữ truyền thống, không đặt nặng sự nghiệp riêng cá nhân. Nhưng cái hiện đại của bà là không yêu cầu tôi trở thành người phụ nữ giống như bà. Khi tôi không phải là người phụ nữ thông thường như vậy, bà hoàn toàn chấp nhận, thậm chí bà còn đứng ra gánh vác đỡ cho tôi những trách nhiệm của một người phụ nữ truyền thống để tôi có thời gian theo đuổi những công việc riêng của mình.
Trên con đường tiên phong đầy khó khăn của âm nhạc đương đại và thể nghiệm tại VN, với Đom Đóm, chị nghĩ mình mang một sứ mệnh hay đó là một sự khẳng định tên tuổi?
Tôi đâu cần khẳng định tên tuổi. Nếu vì danh vì tiền thì tôi đi làm nhạc pop dễ hơn và nhanh hơn rất nhiều. Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà... đều đã hát các ca khúc của tôi và Uyên Linh thì đã có bản hit đầu tiên cùng ca khúc Chỉ là giấc mơ của tôi. Rất nhiều các anh chị “sao số” trong ngành công nghiệp nhạc nhẹ hậu thuẫn và ủng hộ tôi. Mọi thứ dường như đã sẵn sàng cho con đường trải thảm đỏ của tôi vào lĩnh vực nhạc nhẹ. Nhưng tôi lại chọn con đường mà như các cụ hay nói “đường quang không đi lại đâm quàng vào bụi rậm” (cười). Trong lĩnh vực nhạc đương đại và thể nghiệm thì như bạn thấy đó, tôi cũng chẳng cần cố gắng lắm thì cũng khá “nổi tiếng” từ lúc bắt đầu sự nghiệp rồi. Bởi lúc đó ở VN có mấy ai làm âm nhạc đương đại và thể nghiệm đâu; mình lại là nữ, càng dễ nổi (cười). Tôi làm Đom Đóm không vì danh vọng, không vì tiền bạc - vì làm công việc này chả ra tiền, suốt ngày phải nghĩ xem là làm cái gì để sống. Còn sứ mệnh à? Tôi không phải là người sống to tát như thế. Câu trả lời đơn giản hơn nhiều: đó là nhu cầu của cá nhân tôi, một nhu cầu tinh thần khiến tôi thấy mình sống vui hơn, đầy đủ hơn. Tôi làm Đom Đóm cũng tương tự như tôi sáng tác vậy thôi. Sự sáng tạo này nó nuôi dưỡng con người tôi, nó thoả mãn được nhu cầu của tôi.
Nhạc sĩ Trần Kim Ngọc trình diễn cùng nhóm nhạc đương đại Musik Fabrik trong tác phẩm Thế giới Mỵ Châu - Ảnh: Goethe Institute
Nhạc sĩ Trần Kim Ngọc trình diễn cùng nhóm nhạc đương đại Musik Fabrik trong tác phẩm Thế giới Mỵ Châu - Ảnh: Goethe Institute
Nhu cầu của tôi là có môi trường sống cho chính mình, một môi trường sinh thái lành mạnh, ở đấy có thế hệ đi trước, thế hệ kế tiếp, có những tác phẩm mới, có những trao đổi nghệ thuật, có những con người sáng tạo hay ho, có cộng đồng lắng nghe mình... Đó là nhu cầu tự nhiên, như con cá không có sứ mệnh phải đào một cái ao, nhưng nó cần nước để sống, thì tìm nguồn, khơi dòng ra biển.
Chị hẳn là còn nhiều việc để làm, điều mà chị mong muốn nhất là gì?
Mong muốn nhất là Đom Đóm có một ngôi nhà thật sự, tức là có nơi có chốn và nơi đấy có một sân khấu và một studio để hỗ trợ cho các bạn trẻ nhiều hơn. Tôi cũng muốn có sự chung tay của nhiều bạn hơn nữa trong việc tổ chức, vận hành và kế thừa Đom Đóm.