Chị có thể chia sẻ “thời gian biểu” của mình hiện nay?

Thời gian biểu là... luôn kín mít (cười). Tôi được mời thỉnh giảng ở nhiều trường ĐH với nhiều nội dung khác nhau có liên quan và không liên quan tới âm nhạc. Do từng theo học nghiên cứu sinh tại Khoa Văn hóa học của Trường ĐH KHXH - NV TP.HCM (dù không kịp lấy bằng tiến sĩ vì tôi bị tai nạn) nhưng tôi vẫn được mời dạy “6 kỹ năng mềm cơ bản” tại các trường ĐH trong và ngoài công lập. Song song với việc dạy thỉnh giảng tại Nhạc viện TP.HCM và Trường VHNT Quân đội - Cơ sở 2 như lâu nay, tôi đang là trưởng khoa kiến thức âm nhạc tổng hợp của Trường nhạc MPU - TP.HCM với nhiều lớp dành cho nhiều độ tuổi khác nhau.

Ngoài ra, tôi được mời dạy các khóa cảm thụ âm nhạc tại ĐH Hoa Sen, ĐH Hồng Bàng, hệ thống Trường Tuệ Đức (TP.HCM, Hà Nội) và nhiều nơi khác trong cả nước. Còn âm nhạc trị liệu thì tôi được mời dạy tại các cơ sở chuyên biệt như Hệ thống Phoenix Hà Nội, Trung tâm Hy vọng Xanh TP.HCM và các khóa học ngắn ngày tại MPU TP.HCM.

Chị bắt đầu với bộ môn cảm thụ âm nhạc và âm nhạc trị liệu như thế nào? Hình như tại VN chị là một trong số ít những chuyên gia được đào tạo bài bản để giảng dạy bộ môn này?

Vào những năm 1980, khi tôi quyết định theo học và nhận bằng cấp về Chỉ huy hợp xướng và Giáo dục âm nhạc của Trường Gnessin (Moscow, Nga), ngoài phần lý thuyết được học ở trường, từ năm thứ 3 trở đi, tôi phải đi thực tập ở các trường dạy nhạc cho trẻ em ở 3 đối tượng: trẻ bình thường, trẻ em có năng khiếu đặc biệt và trẻ đặc biệt/VIP dưới sự giám sát rất khắt khe của các giáo sư hướng dẫn. Sau các đợt thực tập với những lần đứng lớp và xử lý tình huống, các giáo sư phải nhận xét đạt yêu cầu thì tôi mới được bảo vệ luận văn về Giáo dục âm nhạc trước Hội đồng quốc gia.

Những năm 1980 - 1990, ở nước Nga làm gì có internet phổ cập để học online nên chúng tôi phải “học thật và tương tác thật” với 3 đối tượng trẻ em trên. Trong bằng cấp của cả 2 trường Gnessin (1984) và Nhạc viện Tchaikovsky (1990) đều xác nhận rất kỹ “người sở hữu bằng cấp” được phép dạy các môn kiến thức âm nhạc dành cho đối tượng nào... chứ không chỉ là cấp giấy chứng nhận/chứng chỉ/certificate và được hành nghề như hiện nay ở VN. Đó cũng là lý do khiến tôi có thể “làm nghề” bất kỳ thời điểm nào và được mời dạy ở nhiều nơi như hiện nay.

NSƯT Hoàng Điệp trong các lớp Cảm thụ âm nhạc cho giáo viên

Theo chị, từ khi nào cảm thụ âm nhạc và đặc biệt là âm nhạc trị liệu bắt đầu được quan tâm, phổ biến trong giảng dạy (các trường công lẫn tư) tại VN?

Nếu lướt trên internet và một vài trang mạng xã hội sẽ thấy rất nhiều khóa học về âm nhạc/nghệ thuật trị liệu, chữa lành... quảng cáo chiêu sinh dưới các hình thức. Theo khảo sát của tôi và các học viên, nhiều trung tâm dạy nhạc đang sai lầm khi nghĩ môn cảm thụ âm nhạc là dạy về “trò chơi âm nhạc” hoặc quá chú trọng tới “body percussion/tiết tấu cơ thể” mà quên rằng 2 yếu tố đó chỉ là 2 phần nhỏ trong “cảm thụ âm nhạc”, khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng con em mình đi học nhạc “toàn chơi” nên không muốn cho con em mình theo học môn này. Trong khi, cảm thụ âm nhạc chính là tiền đề giúp cho mọi người (không phân biệt tuổi tác) đến với âm nhạc một cách đơn giản và tích cực nhất.

Ở VN, có thể cảm thụ âm nhạc và âm nhạc trị liệu còn mới lạ, nhưng ở các nước Âu Mỹ, 2 môn này đã hình thành và phát triển thành môn học chính quy tại các trường ĐH từ 1946 tới nay. Những năm gần đây, có nhiều nơi tại Hà Nội và TP.HCM đã mở lớp dạy về cảm thụ âm nhạc và khi hội chứng “Trẻ ASD/VIP” (trẻ tự kỷ) đang là nỗi đau của nhiều gia đình thì âm nhạc trị liệu bắt đầu được quan tâm và 2 môn này đang ngày càng “hot” (!). Tuy nhiên, cảm thụ âm nhạc và âm nhạc trị liệu phải được học thật, tương tác thật và trải nghiệm thật mới hiệu quả.

NSƯT Hoàng Điệp trong các lớp Cảm thụ âm nhạc cho trẻ

“Hot” theo chị, có phần nào mang nghĩa đó là “môn” đang bị lạm dụng trong trị liệu sức khỏe tâm thần?

Ở thời buổi “vàng thau lẫn lộn” này, do có nhiều thứ được quảng cáo tràn lan với những nội dung hấp dẫn khiến các bậc cha mẹ bị cuốn theo như “hiệu ứng đám đông” lâu nay ở VN mà không biết thật giả khôn lường, nên mới có nhiều “chuyên gia các loại” xuất hiện với những phát ngôn gây sốc và bị bóc phốt. Họ mở rất nhiều lớp can thiệp cho “Trẻ ASD/VIP” với giá trên trời (40 triệu đồng/tháng hay 4,5 triệu cho 1 khóa 2 - 3 ngày), và nhà nhà vẫn đổ xô đi học. Có những trung tâm chuyên biệt được mở ra do chính những phụ huynh có con là “Trẻ ASD/VIP”, cho thấy động lực mở trung tâm của họ là có cơ sở nhưng nội dung và kết quả đào tạo trẻ tại những trung tâm này đã gây nhiều luồng dư luận trái chiều. Điều đó cho thấy, hiện tượng “kinh doanh giáo dục”; “kinh doanh trẻ ASD/VIP” và phụ huynh mất phương hướng trong chuyện lựa chọn những phương pháp trị liệu cho con em họ là có thật và rất đáng lo.

Là chuyên gia về âm nhạc trị liệu, tôi muốn chia sẻ thêm rằng: Âm nhạc trị liệu rất khác với “dạy nhạc cho trẻ tự kỷ” mà lâu nay nhiều người nghĩ là giống nhau. Thậm chí, rất nhiều phụ huynh tin vào việc “mỗi trẻ ASD đều có yếu tố thiên tài” một cách huyễn hoặc nên những gia đình có điều kiện bằng mọi cách phải cho con em họ học cho mau biết đàn, biết hát… mà quên những điều liên quan tới yếu tố di truyền, môi trường, điều kiện gia đình, năng khiếu và những biện pháp can thiệp về hành vi, nhận thức... trước khi cho các bé học nhạc.

Một điều nữa tôi rất muốn chia sẻ tới các bậc phụ huynh ở VN là: trẻ đặc biệt không chỉ là trẻ ASD mà còn có trẻ khiếm thính, khiếm thị, down… Điều “trẻ đặc biệt” cần nhất là được thương yêu đúng cách, được bảo đảm sự an toàn, chúng cần sự chấp nhận thực tế và sự kiên nhẫn của người lớn.

“Trẻ đặc biệt” (ở bất kỳ dạng nào) hoàn toàn có thể tiếp cận với âm nhạc một cách nhẹ nhàng nhất nếu người lớn chúng ta đừng quá nóng vội trong việc kỳ vọng vào các con phải mau chóng biết đàn giỏi - hát hay trong khi mỗi trẻ là một cá thể độc lập và rất khác nhau, các con tương tác chưa tốt, chưa thể tập trung đâu phải các con muốn vậy. Chưa kể năng khiếu âm nhạc và sở thích âm nhạc thì đâu phải ai cũng giống ai, trẻ nhỏ cũng vậy! Dạy nhạc cho trẻ bình thường khó 1 thì cho “trẻ đặc biệt” khó 10.

Nhắc đến NSƯT Hoàng Điệp, không thể không nhắc đến vai trò nổi bật trong sự nghiệp của chị - chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng. Nhìn lại công việc thường gắn với phái mạnh này, chị thấy mình “đặc biệt” ra sao?

Đó là một thời hoàng kim đã qua! Con đường nghệ thuật của tôi không bằng phẳng như mọi người nghĩ và tôi không bao giờ hối tiếc khi đã luôn “cháy hết mình” trên sân khấu của các chương trình lớn nhỏ ở TP.HCM và các nơi khác, cũng như đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò tại Nhạc viện TP.HCM. Với tôi, có được sự thành công trong cả hai lĩnh vực biểu diễn và đào tạo là một hạnh phúc dù tôi đã phải đánh đổi nhiều thứ cho niềm đam mê với âm nhạc của mình.

Chương trình Giai điệu Nga - Live concert thứ 2 của NSƯT Hoàng Điệp tại Nhạc viện TP.HCM năm 2002

Việc theo học “nhạc trưởng” hẳn là hành trình “cha truyền con nối” khi ba của chị - cố GS-TS-NSND Quang Hải (nguyên Giám đốc Nhạc viện TP.HCM) từng là một trong những sinh viên đầu tiên của VN được cử sang Liên Xô học chuyên ngành này?

Khi còn sống, ba tôi luôn tự hào là dù không có con trai nối dõi nhưng lại có con gái nối nghiệp. Trong gia đình, ba có ảnh hưởng tới tôi rất nhiều dù cho hơn 10 năm đầu đời tôi luôn phải sống xa ba mẹ vì chiến tranh. Cái cách ba tôi truyền dạy tình yêu âm nhạc, tri thức, kỹ năng âm nhạc cho tôi không phải là cách lên lớp. Bất cứ lúc nào ông cũng có thể chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời, đặc biệt ba thường xuyên dẫn tôi theo khi ông dàn dựng chương trình ở các nơi... Tôi cứ đi theo ba, quan sát, lắng nghe và cảm nhận được âm nhạc từ khi còn nhỏ và nó ngấm dần vào máu huyết hồi nào không hay. Cha con tôi là bạn trà, là “đồng nghiệp”.

Còn nhớ năm 1990, khi tôi mới về nước, “cái bóng” quá lớn của cha trong âm nhạc luôn là áp lực nặng nề cho tôi trong hoạt động nghệ thuật. Hai cha con đã phải “thỏa thuận ngầm” với nhau là trước khi thành công, tôi sẽ không cho giới truyền thông biết về mối quan hệ cha con vì tôi muốn được “đi bằng đôi chân của chính mình” và sau hơn 10 năm, khi ba tôi nghỉ hưu, giới truyền thông mới biết tôi là “con nhà nòi” (cười). Tôi cũng luôn thầm cảm ơn mẹ là điểm trụ và là “người đồng hành lặng lẽ” nhưng rất quan trọng trong sự nghiệp của hai cha con chúng tôi. Cuối tuần được quây quần bên mẹ, với chị em chúng tôi là một hạnh phúc.

Tính chất công việc có ảnh hưởng đến quyết định làm mẹ đơn thân của chị lúc bấy giờ - khi mà xã hội vẫn chưa có cái nhìn thoáng về vấn đề single-mom? Nếu không ngại, chị có thể chia sẻ về cuộc sống của nhạc trưởng Hoàng Điệp ngoài công việc, cũng như “bí kíp” để chị luôn trông trẻ hơn độ tuổi của mình?

Đúng là do tính chất nghề nghiệp đã ảnh hưởng tới sự lựa chọn và quyết định cuộc sống của tôi. Với tôi, đó là chặng đường “chông gai trong sung sướng”! Tôi luôn chủ động trong cuộc sống và công việc. Chớp mắt đã 23 năm và tôi không bao giờ hối hận về quyết định của mình. Là single-mom chủ động, đã vượt qua mọi “sóng gió cuộc đời”, tôi luôn tự hào đã nuôi dạy con trai nên người bằng chính sức lao động và kỹ năng sống của bản thân. Dù không theo nghề nhạc nhưng con tôi rất có năng khiếu và có giọng hát hay từ bé, thẩm mỹ âm nhạc của cậu ấy khá ổn (cười hạnh phúc).

Giờ đây con tôi đã trưởng thành, là kỹ sư an ninh mạng quốc tế và đã đi làm, chúng tôi có thể chia sẻ với nhau nhiều việc, nhiều chuyện hơn trong cuộc sống. Tôi luôn lạc quan, tư duy theo hướng tích cực và biết cách tự chăm sóc bản thân nên mới luôn giữ được “thần thái” như bạn thấy đấy! (Cười tươi).

Báo Thanh Niên
28.03.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.