Sở hữu gần 90 giải thưởng ảnh trong nước và quốc tế, nhưng nhiếp ảnh gia này lại cho rằng: “Giải thưởng là quan trọng, nhưng không phải quan trọng nhất”.
Đã có không ít nhiếp ảnh gia VN đoạt giải thưởng quốc tế. Theo anh, tiếng nói của nhiếp ảnh của VN đang được thế giới nhìn nhận ra sao?
Có rất nhiều nhiếp ảnh gia VN đã đoạt giải quốc tế, chỉ có điều tác phẩm của họ để lại với người xem ấn tượng và cảm xúc như thế nào mới là điều quan trọng.
Trên thế giới, tiếng nói nhiếp ảnh VN mới chỉ được nhìn nhận qua những cuộc thi quy mô, tầm cỡ khác nhau; nhưng ở nhiều liên hoan, sự kiện nhiếp ảnh lớn vẫn có rất ít nhà nhiếp ảnh VN. Có những liên hoan nghệ thuật uy tín như Arte Laguna Prize diễn ra hằng năm ở Venice (Ý) với nhiều loại hình nghệ thuật từ hội họa, điêu khắc - sắp đặt, nhiếp ảnh... thì nhiếp ảnh Việt vẫn hoàn toàn vắng bóng. Hay như ở giải thưởng nhiếp ảnh Sony (Anh), nhiếp ảnh Việt mới gặt hái thành công ở thể loại Open dành cho các nhiếp ảnh gia nghiệp dư, còn ở hạng mục Professional dành cho chuyên nghiệp thì chưa có tác giả Việt nào vào shortlist (danh sách rút gọn), chưa nói đến đoạt giải. Rồi những liên hoan ảnh nổi tiếng như Photo Espana (Tây Ban Nha), Les Rencontres d’Arles (Pháp), Belfast International Arts Festival (Bắc Ireland)... cũng không thấy xuất hiện tên các tác giả VN.
Nhìn lại trong nước, anh có thấy nhiếp ảnh đang rất phát triển với hàng loạt cuộc thi được tổ chức hằng năm?
Đúng là số lượng cuộc thi bây giờ rất nhiều, có năm lên tới cả trăm cuộc. Cũng vì có nhiều cuộc thi nên đã xuất hiện những tay máy quanh năm chỉ chuyên đi thi.
Với tôi, giải thưởng là quan trọng, nhưng không phải quan trọng nhất. Với một nghệ sĩ đúng nghĩa, sáng tạo là công việc cá nhân. Chỉ khi sáng tạo tốt, tạo ra tác phẩm tốt, nhà nhiếp ảnh thấy phù hợp với cuộc thi nào thì gửi đi, chứ không nên vì có cuộc thi nào đó mới lao đi chụp.
Thế còn dòng chảy nhiếp ảnh tại VN thì sao?
Hiện nay, có một số tác giả xuất sắc trong mảng ảnh báo chí như Maika Elan, Hải Thanh; trong mảng ảnh nghệ thuật, ý niệm có Phan Quang, Trần Duy Phương, Nguyễn Thế Sơn... Một số tác giả chụp tốt nhưng thiên về ảnh du lịch, thường là chụp phong cảnh, con người VN và sử dụng flycam rất giỏi. Mặt tích cực là những tác giả đó đã đưa hình ảnh quảng bá đất nước, con người VN ra thế giới, nhưng mặt hạn chế là nhiều bức ảnh trong số đó có tính lặp lại. Chẳng phải chúng ta đã được thấy quá nhiều hình ảnh thuyền ra khơi, tung lưới theo hình trái tim, hay những người phụ nữ rửa bông súng...
Nói thẳng ra thì nhiều ảnh trong đó không phải ảnh du lịch vì sự sắp đặt của nhà nhiếp ảnh hơi nhiều, trong khi bản chất của du lịch là khám phá, không phải dàn dựng.
Đến giờ, những bức ảnh chụp phong cảnh kiểu na ná như anh nói vẫn bán chạy hơn ảnh nghệ thuật. Đó có phải là lý do vẫn ít nhiếp ảnh gia chụp ảnh nghệ thuật?
Đúng, đó là một yếu tố. Những bức ảnh chụp đất nước, con người, cảnh đẹp thường dễ bán, dễ làm tác giả nổi tiếng. Nhiều người vừa muốn có tiền, vừa muốn có danh sẽ theo đuổi lĩnh vực này (dĩ nhiên vẫn có những nghệ sĩ đam mê phong cảnh chụp chỉ cho riêng mình, nhưng số này hiếm lắm). Còn nghệ sĩ đích thực thì sáng tạo luôn là điều thôi thúc, ám ảnh, trong khi nghệ thuật chưa chắc đã thuộc về số đông.
Theo quan điểm của anh, một bức ảnh đẹp là như thế nào?
Với tôi, khái niệm ảnh đẹp ngày nay không còn theo nghĩa đẹp một cách thuần túy. Bởi thực tế, có những bức ảnh rất nuông chiều thị giác nhưng nội dung thì chẳng có gì. Có những bức ảnh ban đầu xem thấy khó chịu, nhưng lại có những câu chuyện, mang ý nghĩa, hay sự ám ảnh. Ảnh đẹp không thể đẹp kiểu na ná, mà phải có sự độc đáo, thú vị, và đem lại cảm xúc.
Ảnh đẹp theo nghĩa hình thức, bây giờ ai cũng chụp được. Chỉ cần làm chủ chiếc điện thoại thông minh, quan sát tốt và dành thời gian, nhiều người còn chụp đẹp hơn cả nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Khái niệm chuyên nghiệp vì thế càng cần đòi hỏi cao hơn. Một người chụp ảnh chuyên nghiệp cần có tư duy sâu, cái nhìn tổng thể, có những ý tưởng riêng để thực hiện những dự án dài hơi.
Khi đưa tác phẩm ra nước ngoài tham dự triển lãm, cuộc thi, anh muốn mang theo những câu chuyện gì để kể?
Mỗi bộ ảnh đều mang ý nghĩa, câu chuyện riêng. Và khi bộ ảnh đó được lựa chọn có nghĩa là ý nghĩa hay câu chuyện đó vừa mang tính VN vừa mang tính toàn cầu. Chẳng hạn trong bộ ảnh Tướng trận thời bình của tôi (đoạt huy chương vàng thể loại chân dung cuộc thi nhiếp ảnh thuộc hàng lớn nhất châu Âu Prix de la Photographie Paris-Px3, Pháp năm 2014 - PV), có thể thấy những vị tướng dù trên ngực họ đeo bao huân, huy chương nhưng trong lòng họ vẫn nghĩ về các đồng đội.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, mỗi lần thăm nghĩa trang nơi có các đồng đội mình là lại khóc. Ông nghĩ có những trận đánh nếu mình chỉ huy tốt hơn thì có thể đồng đội đã không hy sinh. Một đồng đội của ông là đại úy Nguyễn Danh Ngọc đã hy sinh ở Lào. Khi về hưu, tướng Huy trở lại Lào, cuối cùng đã tìm thấy và đưa được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Danh Ngọc trở về. Tình đồng đội, nỗi ám ảnh chiến tranh đều có thể gây xúc động, chạm đến con người ở bất cứ đâu.
Anh có mất nhiều thời gian để đi tìm những câu chuyện như thế?
Tôi làm bộ ảnh Tướng trận thời bình chụp 12 vị tướng trận ở những binh chủng khác nhau như hải quân, không quân, bộ binh, tăng thiết giáp, trong nhiều năm. Tôi trở đi trở lại nhiều lần để chụp ảnh mỗi người. Và mỗi lần như thế thì mối quan hệ càng thân tình, mình chụp ảnh cũng dễ hơn.
Chẳng hạn như với tướng Huy, một vị tướng đã tham gia 3 cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới, một con người giản dị, gần gũi, đã cho phép tôi vào chụp trong buồng ngủ của ông vốn là nơi không phải ai cũng được phép vào. Trong buồng ngủ, tôi được chụp ảnh ông cùng vợ bên tấm ảnh cưới của họ cách đây đã hàng chục năm... Hay như trung tướng Nguyễn Quốc Thước thật giản dị nằm trên giường đọc báo buổi sáng, thiếu tướng Đỗ Văn Phúc bình yên ngồi thổi kèn harmonica cho cháu gái nghe...
Vậy đã khi nào anh phải “đấu tranh” với chính mình, hay cân bằng giữa cảm xúc của mình và của nhân vật?
Với tôi, nhân vật bao giờ cũng quan trọng hơn bức ảnh. Lần gần đây nhất là lúc tôi chụp Lê Minh Châu, một nạn nhân chất độc da cam, gặp khó khăn trong mọi hoạt động, ngay cả cầm cốc nước với anh cũng rất khó khăn. Vậy mà Châu đã vượt qua bao trở ngại, cả sự hồ nghi của bạn bè và những người xung quanh, quyết tâm luyện tập dùng răng cắn bút để vẽ và trở thành một họa sĩ có tên. Trong những bức ảnh chụp Châu, tôi nhớ bức chụp anh trong nhà tắm. Đó là khoảng riêng tư của mỗi con người. Với sự thân thiết dành cho tôi mà Châu đã đồng ý để tôi chụp.
Với tôi, việc chụp Châu tắm rất khó. Bức ảnh đó phải thể hiện sự khâm phục mà tôi dành cho Châu chứ không phải thể hiện sự thương cảm, thương hại. Tôi chụp một vài bức chứ không chụp lâu, bởi mình không thể quá xâm phạm vào đời sống riêng tư của nhân vật. Trong số những bức đó, có bức Châu hơi cúi đầu, một hình ảnh không chỉ khiến tôi thấy xúc động về sự nỗ lực của một con người mà cả sự cô đơn của anh. Tôi vui vì Châu cũng thích bức ảnh đó...
Anh nghĩ nghiệp cầm máy mang lại cho mình những gì?
Khi bố tôi ra đi, tôi ân hận vì mình không có bức ảnh nào chụp ông một cách tử tế cả. Đến khi mẹ tôi ốm, tôi nghĩ cần giữ lại một cái gì đó. Và bức ảnh đầu tiên tôi chụp mẹ là khi bà đang nằm trên giường bệnh cho đến khi mẹ tôi bằng ý chí và nghị lực đã vượt lên chiến thắng bệnh tật, để đi lại bình thường. Chính nhờ chụp ảnh mà tôi có thể kết nối với mẹ mình thân thiết hơn, tình cảm giữa hai mẹ con tốt hơn. Tôi còn phát hiện nhiều điều về mẹ mà trước đây mình chưa từng biết, cả về những lá thư bố tôi viết cho mẹ thời trẻ và những năm chiến tranh mà bà vẫn giữ như kỷ vật...
Tôi đã in cuốn sách ảnh chụp mẹ. Bộ ảnh về mẹ tôi sau đó được triển lãm cá nhân ở Festival Nhiếp ảnh quốc tế Photometria, Hy Lạp. Ở đó, một nhà nhiếp ảnh đã bày tỏ sự xúc động với tôi và nói mẹ cô cũng giống mẹ tôi, bà cũng bị ốm và vươn lên như vậy, nhưng cô không chụp được vì mẹ cô không muốn. Sau đấy, cô mời mẹ mình đến triển lãm, ba chúng tôi đã cùng trò chuyện. Hình ảnh mẹ là những hình ảnh riêng tư nhưng đã vượt ra khỏi cái riêng tư trong một gia đình, một đất nước đến với thế giới, chạm đến sự đồng cảm của nhiều người.
Cầm máy giúp tôi cảm nhận cuộc sống quanh mình được nhiều chiều hơn, và nói lên tiếng nói cá nhân. Nhiếp ảnh là ngôn ngữ không biên giới.
Xin cảm ơn anh!