Khi những ca bệnh Covid-19 đầu tiên được xác nhận, khuyến cáo phòng bệnh được Bộ Y tế đưa ra, nhiều người ùn ùn đi mua khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn đến… cháy hàng.

Ngay từ ngày đầu năm mở hàng sau Tết 2020, khu chuyên kinh doanh thuốc, thiết bị y tế lớn nhất TP.HCM, trên đường Nguyễn Giản Thanh (Q.10, TP.HCM) đã tấp nập người đến mua hàng từ sáng sớm. Đặc biệt, chỉ hai mặt hàng được hỏi mua: nhiều nhất là khẩu trang y tế, kế đến là nước rửa tay diệt khuẩn. Chỉ trong buổi sáng, khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khuẩn tại khu chuyên kinh doanh thuốc, thiết bị y tế lớn nhất TP.HCM này đã hết hàng.

Thường ngày, khu kinh doanh thuốc, thiết bị y tế trên đường Nguyễn Giản Thanh là nơi bán sỉ, đầu mối của các nhà thuốc. Tuy nhiên, khi có dịch Covid-19, nhiều người mua là khách lẻ vãng lai cũng đến hỏi mua hàng… thùng và mua ít nhất là 5 hộp.

“Chưa năm nào khai trương sau Tết mà khách mua nườm nượp, lại “cháy hàng” khẩu trang y tế, nước rửa tay như thế. Cửa hàng không kịp nhập hàng mới nên khẩu trang và nước rửa tay còn bao nhiêu là bán hết. Trong khi bình thường hai mặt hàng này có ai quan tâm đâu”, chủ một cửa hàng bán thuốc, dụng cụ y tế tại khu Nguyễn Giản Thanh (Q.10, TP.HCM) cho biết.

Người dân chen nhau mua khẩu trang tại khu bán thuốc, thiết bị y tế tại đường Nguyễn Giản Thanh (Q10, TPHCM) khi dịch bùng phát
Ảnh: Nguyên Mi, Khả Hoà

Trong khi đó, chị Ngô Kim Mai (38 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) lại khá thản nhiên với “cơn sốt” mua hàng khẩu trang, nước diệt khuẩn đang diễn ra. “Nhà chị lúc nào cũng có sẵn khẩu trang cả vải lẫn y tế và nước rửa tay khô diệt khuẩn. Đó là thói quen giữ vệ sinh thường ngày của nhà chị khi ra đường, về đến nhà từ trước đến giờ rồi nên những sản phẩm đó đều mua để sẵn ở nhà, khi có dịch, chẳng việc gì phải cuống cuồng lên vì nó nữa”, chị Kim Mai nói.

Có những thói quen vệ sinh cá nhân cơ bản, lẽ ra phải thực hiện hằng ngày nhưng hầu như mọi người lại quên, không thực hiện. Đến khi Covid-19 xuất hiện, mọi thứ mới “phát sốt” lên, hình thành và thay đổi.

Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: Các mầm bệnh được lây truyền qua 3 đường chính: động vật trung gian, đường thở và tiếp xúc. Đặc biệt, qua tiếp xúc thì bàn tay cũng là đường truyền bệnh chủ yếu.

Rửa tay thường xuyên là biện pháp quan trọng được Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện nhằm phòng bệnh Covid-19
Ảnh: Nguyên Mi

Covid-19 cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định lây nhiễm ở người qua giọt bắn dịch tiết của đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, hoặc gián tiếp qua bàn tay chạm vào dịch tiết, hoặc các vật dụng, bề mặt bị dính dịch tiết nhiễm mầm bệnh. Từ bàn tay, virus được lây lan từ người này sang người khác và gây bệnh.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc với nước rửa tay diệt khuẩn là biện pháp hàng đầu được WHO, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người thực hiện nhằm phòng dịch Covid-19.

Không chỉ Covid-19 mà có rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác có đường lây nhiễm qua bàn tay. Trong các đợt dịch tay chân miệng, hô hấp, sởi, tiêu chảy,… rửa tay là biện pháp phòng bệnh thường xuyên được các chuyên gia y tế, y bác sĩ khuyến cáo mọi người thực hiện. Tuy nhiên, chỉ đến dịch Covid-19, rửa tay mới được người dân quan tâm và trở thành thói quen. Rửa tay đã thật sự trở thành một cơn sốt toàn cầu với cả bài hit “Ghen Cô Vy” dạy cách rửa tay, đồng thời đó nhắc nhở mọi người “đừng cho tay lên mắt, mũi miệng”.


Trong mùa dịch Covid-19, khẩu trang đã lên ngôi “nữ hoàng”. Những cuộc săn lùng và đội giá khẩu trang bắt đầu khi có ca bệnh và dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Một hộp khẩu trang y tế (50 cái) bình thường có giá 30.000 - 40.000 đồng/hộp thì đã được bán lên đến hơn 100.000 đồng/hộp tùy loại. Tiếp đến là sự “kế ngôi” của khẩn trang vải kháng khuẩn.

Tuy nhiên, khi vào đầu mùa dịch, hầu như mọi người đeo khẩu trang lại không biết đeo đúng cách. Dịch Covid-19 xuất hiện cũng là lúc các cơ quan y tế, bác sĩ đưa ra những hướng dẫn liên tục về cách đeo khẩu trang, phân biệt các loại khẩu trang.

Người dân bắt đầu phân biệt khẩu trang y tế 3, 4 lớp, N95, khẩu trang vải kháng khuẩn,… và tác dụng của mỗi loại. Đồng thời, biết cách đeo khẩu trang và thực hiện đeo khẩu trang ở nơi công cộng, chỗ đông người.

Từ dịch Covid-19, hàng loạt thói quen vệ sinh cá nhân khác cũng đã được người dân hình thành và thực hiện nhằm đảm bảo phòng dịch, bao gồm:

Ho, hắt hơi phải che miệng bằng khuỷu tay, hoặc khăn giấy; thay cho trước kia là dùng bàn tay che miệng.

Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Thường xuyên lau chùi các bề mặt tiếp xúc như sàn nhà, mặt bàn, tay nắm cửa,… để diệt khuẩn, vệ sinh phòng dịch.

Thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng, đặc biệt là tại các bệnh viện
Ảnh: Nguyên Mi

Sau thời gian dịch Covid-19 diễn ra và hết giãn cách xã hội đợt 1, khi đi ăn ở nhà hàng, tôi bất ngờ khi thấy một số nơi đã xếp chén đũa trên bàn cho mỗi khách có đến… hai đôi đũa. Tôi nhanh chóng nhận ra, đó là chủ ý - để một đôi đũa cho thực khách dùng gắp thức ăn trong mâm đồ ăn chung vào chén của mình và một đôi để ăn. Nhiều người cũng đã bắt đầu dùng hai đôi đũa khi ăn như thế. Một sự thay đổi thú vị!

Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hiệp hội Dược liệu TP.HCM: Tập quán của người Việt, khi dọn bữa cơm thì đem tất cả các món ăn lên mâm cùng một lúc. Mỗi người được dọn chén đũa riêng, nhưng khi ăn thì cùng gắp chung các thức ăn có trong mâm, dùng chung một chén nước chấm.

Trong mùa dịch Covid-19, nhiều cửa hàng ăn uống đã thực hiện giãn cách đối với khách đến sử dụng dịch vụ nhằm phòng dịch
Ảnh: Nguyên Mi

“Cách ăn uống theo thói quen này đã biểu lộ một số điều ngày nay chúng ta thấy không còn phù hợp với các tiêu chí vệ sinh an toàn cho sức khỏe của từng cá nhân và cả cộng đồng. Những thói quen ăn uống đó đã đến lúc cần phải thay đổi, không chỉ để thể hiện lối sống văn minh mà còn giúp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm một số bệnh tiêu hóa và hô hấp”, lương y Bảy nhận xét.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, một trong những khuyến cáo phòng bệnh quan trọng là giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần, trong đó có giữ “khoảng cách” trong ăn uống. Từ đó, theo ông Bảy, có những thói quen người dân dần thay đổi là:

- Không ngồi quá sát mâm hay bàn ăn, nhưng cũng không ngồi xa quá. Khi đi ăn tiệc, tránh va chạm tay với người cùng ăn, nếu thuận tay trái thì nói trước để chọn chỗ cho thuận tiện.

- Không nói lớn tiếng hoặc cười đùa hoặc ho trong bữa ăn. Nếu bị cay muốn hắt hơi, thì ra xa để hắt hơi, hỉ mũi vào khăn sạch rồi bỏ vào thùng rác.

- Thay đổi thói quen cả nhà dùng chung một chén nước chấm, tốt nhất nên chia mỗi người một chén nhỏ.

- Không dùng đũa, thìa của mình ăn để gắp vào tô, đĩa thức ăn chung. Nên có một đôi đũa, thìa, muỗng hoặc kẹp riêng của từng món để lấy thức ăn.

- Không xới xáo vào đĩa thức ăn để chọn miếng mình thích.

- Nếu được, mỗi thành viên trong gia đình nên có bộ dụng cụ ăn uống riêng (đũa, chén, muỗng thìa, ly tách...), có dấu hiệu riêng để dễ tìm.

Đặc biệt, không dùng chung một ly uống rượu, bia cho tất cả người trong bàn - đây là điều rất phổ biến trong các cuộc nhậu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi có những nghi ngờ về nguồn gốc SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ loài dơi hay từ chợ buôn bán động vật hoang dã. Mọi người được khuyến cáo và cũng dấy lên phong trào không nên dùng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nhằm hạn chế khả năng nhiễm bệnh. Phải ăn uống thực phẩm, nước uống đã nấu chín.

Mặt khác, thời gian dịch Covid-19 diễn biến cũng là lúc mọi người dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, khi các cuộc vui, tụ tập nhậu nhẹt, cà phê sau giờ làm vơi dần; bữa cơm gia đình được chú trọng.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đánh giá: Qua đợt dịch Covid-19, người dân có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết về dịch tễ học, bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là hình thành những thói quen tốt trong phòng dịch. Đây cũng là những biện pháp vệ sinh cơ bản giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân và để có một cộng đồng khỏe mạnh. Hi vọng, những thói quen này được duy trì lâu dài, thực hiện thường ngày, chứ không phải chỉ làm theo “thời vụ”, kiểu dịch rộ lên thì chen nhau mua khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn để sử dụng, dịch hết thì lại vô tư quên.


Bài viết: Viên An
Đồ hoạ: Thiên Ý

Báo Thanh Niên
13.08.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top