Năm 1996, VinaPhone - mạng di động thuần Việt đầu tiên đã chính thức ra đời, viết nên những câu chuyện đột phá cho ngành Viễn thông của Việt Nam bấy giờ.

Mạng di động VinaPhone ra đời với một sứ mệnh lớn lao, như lời củanguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính viễn thông Mai Liêm Trực: “Ngay từ lúc đó, quan điểm của lãnh đạo ngành và VNPT là cần có mạng di động thứ 2 để giành thế chủ động và không thể duy trì độc quyền trong kinh doanh ở một thị trường dự đoán là bùng nổ”…

Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực và Phó chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Bằng Việt cắt băng khai trương dịch vụ Di động Việt Nam VinaPhone (26/6/1996).

Logo mạng di động VinaPhone thời kỳ đầu tiên 1996 - 1997

Ý tưởng là vậy, song việc cho ra đời VinaPhone cũng vướng phải không ít khó khăn. Ở thời điểm đó, ông Đặng Đình Lâm, Phó tổng giám đốc VNPT (trước đây là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam), sau này giữ chức Thứ trưởng Bộ BCVT: “Công nghệ GSM hiện đại nhưng khá đắt, nếu triển khai sẽ phải đầu tư lớn, trong khi vốn liếng tích lũy của VNPT qua giai đoạn đầu tăng tốc cũng chưa có là bao”. Dù vậy, lãnh đạo ngành và VNPT đều thống nhất thông tin di động sẽ là dịch vụ thiết yếu của mỗi người dân và cả quốc gia, không thể chỉ dựa vào 1 mạng di động hợp tác với nước ngoài. VNPT với vai trò là doanh nghiệp bưu chính viễn thông chủ lực của đất nước, càng không thể đứng ngoài cuộc.

Thực tế 25 năm đã chứng minh quyết định táo bạo ngày đó hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Việc lựa chọn cái tên VinaPhone cũng mang theo hoài bão và kỳ vọng, thể hiện rõ quyết tâm về một mạng di động của Việt Nam, do chính người Việt Nam xây dựng và phát triển. Logo đầu tiên của VinaPhone với hình ảnh chim Việt trên trống đồng Ngọc Lũ, cũng gửi gắm rất nhiều ước mơ và tự hào về đất nước của người VNPT.

Và để có được câu chuyện “cổ tích” 25 năm với mạng thuần Việt đầu tiên ấy, là hằng trăm, hàng nghìn câu chuyện nhỏ, có những bỡ ngỡ ban đầu của những kỹ sư trẻ lần đầu tiếp cận, làm chủ công nghệ, mạng lưới, của những tổng đài viên, nhân viên bán hàng vốn xuất thân từ ngành bưu điện… Những người “không ai nhớ mặt đặt tên”, song công sức và tâm huyết của họ đã góp phần đưa VinaPhone lớn mạnh và không ngừng vươn xa.

Năm 1996, cậu sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Đinh Văn Hà ra trường, vào Ban Quản lý dự án các dịch vụ mới toàn quốc GPC. Trước đó, với định hướng tự lực tự cường, lãnh đạo VNPT đã quyết định tập trung huy động tối đa vốn của toàn ngành, cộng vốn vay ưu đãi của các ngân hàng để đầu tư nhanh. Trong thời gian ngắn, từ 25 triệu USD huy động từ nguồn vốn trong nước, VNPT đã mua sắm thiết bị vật tư, thiết kế thi công pha 1 hoàn thành với quy mô 53 trạm vô tuyến BTS, 2 tổng đài MSC dung lượng 70.000 số, phủ sóng 18 tỉnh, thành phố.

Cùng khoảng 20 kỹ sư trẻ bây giờ, anh Hà là những người đầu tiên học hỏi công nghệ xây dựng, lắp đặt, di chuyển trạm BTS từ đối tác nước ngoài là Motorola. “Không như trạm BTS bây giờ rất nhỏ gọn, chỉ bằng 1 cái khay thì trạm BTS ngày xưa rất lớn, to bằng cả cánh cửa và rất nặng. Với đặc thù người VNPT luôn tự tìm hiểu, tự làm, anh em chúng tôi những kỹ sư viễn thông mới ra trường đã tự mày mò từ cách để di chuyển trạm BTS đến cả việc học lắp đặt ắc quy, lắp điều hoà để làm mát trạm…”, anh Hà kể.

Nếu như từ năm 1996 - 2003, trong suốt 7 năm phát triển, VinaPhone mới có trong tay vỏn vẹn chưa đầy 1.000 trạm BTS, thì tới năm 2008, mạng VinaPhone đã có 10.000 trạm, tăng gấp 10 lần so với 5 năm trước đây - Ảnh: TL

Trạm BTS trên cao độ 1.000 m tại Pó Mu, Cao Bằng năm 1998

Nhớ lại những lần đi lắp trạm ở cột Đèo Nai (mỏ than Đèo Nai, Cẩm Phả, Quảng Ninh), anh Hà và đồng nghiệp vẫn ấn tượng với chiều cao của cột gần 100 m. Trạm phát sóng được đối tác dựng gần 2 năm, nhưng do ảnh hưởng của gió biển nên bị rỉ một số chi tiết phải thay thế. “Hai kỹ sư leo lên cột cao cả trăm mét, trời thì mùa đông, thò mặt ra lạnh buốt nhưng mồ hôi ròng ròng chảy trong áo bông. Cột dây co, gió to nên cột rung lắc dữ dội, xuống rồi lại leo lên thì rất mệt nên anh em phải kéo đồ ăn từ dưới đất lên cột, ăn vội rồi lắp tiếp”, anh Hà nhớ lại.

Hay những lần đi ứng cứu khi trạm trục trặc, tối 29 tết đi, sáng 30 tết về, hàng quán 2 bên đường đóng cửa hết không còn gì để mua, anh em trên xe bật Xuân này con không về, tâm trạng vừa vui vừa buồn. Dù khó khan là vậy, song “Chúng tôi luôn ở trạng thái sẵn sàng, không để trạm mất sóng, mất liên lạc. Ngay cả việc đầu tư mạng lưới trạm cũng được lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty quán triệt luôn có 30% dự phòng công suất, đảm bảo không bị thiếu hụt”, anh Hà nói.

VinaPhone tự hào lắp đặt trạm BTS đầu tiên trên đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương

Những kỹ sư như anh Hà, gắn bó, trưởng thành cùng sự lớn mạnh của VNPT - VinaPhone từ những thuở ban đầu, sau 25 năm vẫn cảm giác như mới ngày hôm qua. Từ vài chục trạm BTS ban đầu, tới năm 2004, VinaPhone đã quyết định đầu tư xây dựng thêm 3.000 trạm BTS. Trong khi mạng di động khác chỉ chú trọng đầu tư vào những khu vực dễ sinh lời, thì VinaPhone lại âm thầm lắp đặt trạm BTS tại những nơi không ai dám tới như Lũng Cú - Hà Giang hay đất mũi Cà Mau, đảo Bạch Long Vĩ… Những trạm mà nếu tính bài toán kinh tế thì không biết bao giờ có thể bù đắp, nhưng nếu tính bằng giá trị an ninh quốc gia thì cũng không có gì so sánh được. Kết thúc giai đoạn 2003 - 2008, đã có hơn 10.000 trạm BTS, tạo tiền đề cho sự phát triển bùng nổ của VinaPhone.

Vì tò mò về chiếc máy nhắn tin rất khan hiếm những năm 90, anh Lê Quang Hiệp  thi vào ngành Bưu điện. Cuối năm 1995 bắt đầu thử nghiệm mạng di động VinaPhone để 1996 bắt đầu triển khai chính thức, anh Hiệp về làm tại Trung tâm kinh doanh tiếp thị (đơn vị kinh doanh dịch vụ di động VinaPhone).

“Khách hàng khi đó còn rất xa lạ, không biết chút gì về điện thoại di động. Điện thoại cũng rất đắt đỏ, mỗi chiếc điện thoại giá trị hơn 1 cây vàng, 1,5 triệu đồng tiền hòa mạng, thuê bao hằng tháng khoảng 300.000 đồng, trong khi vàng chỉ 5 triệu đồng/lượng”, anh Hiệp nhớ lại.

Anh Hiệp đứng thứ 2 từ trái qua

Anh Lê Quang Hiệp và những đồng nghiệp Trung tâm kinh doanh tiếp thị đầu tiên của VinaPhone tại Hà Nội năm 1996

“Anh em làm bán hàng khi đó không phải ai cũng có điện thoại, nhiều khi đi tiếp thị dặn anh em ở nhà đến giờ đó thì gọi điện để làm hình ảnh, “khoe” tính năng với khách hàng. Điện thoại khi đó toàn hàng nhập khẩu từ châu Âu, chúng tôi còn phải dịch ra ghi chú từng tính năng cho nhân viên bán hàng biết để giải thích với khách hàng. Có khách hàng mua điện thoại trúng được hợp đồng lớn thậm chí còn quay lại mời bia… khao nhân viên bán hàng”, anh Hiệp kể.

Những năm 1996 - 1997, điện thoại di động thực sự là một vật dụng xa xỉ, ai đeo lủng lẳng một chiếc điện thoại nơi thắt lưng được xem là những người rất đẳng cấp. Nhiều người không có điện thoại nhưng để oai, thậm chí đeo điện thoại kéo dài to như cục gạch để “giả” di động. Hay có khách hàng lần đầu tiên sử dụng điện thoại, gọi đến thuê bao khác có tiếng tổng đài viên nói “thuê bao quý khách vừa gọi không liên lạc được…”, vẫn cảm ơn rối rít.

Những chiếc điện thoại bàn và điện thoại di động đầu tiên được VinaPhone cung cấp hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng VNPT - Ảnh: TL

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau khi VinaPhone ra đời, cuộc cách mạng về di động tại Việt Nam thực sự bắt đầu, đối tượng sử dụng di động được mở rộng. Điểm đột phá do VinaPhone tạo ra chính là khiến khách hàng đại chúng biết đến di động nhiều hơn. Những năm 1998 - 1999 thậm chí còn tăng trưởng nóng về thuê bao, nhiều thời điểm “cháy số”.

Tới tháng 11.2002, tức chỉ sau 6 năm ra đời, VinaPhone đã đạt mốc 1 triệu thuê bao, trở thành mạng di động số 1 Việt Nam.

VinaPhone cán mốc 90.000 thuê bao và 1 triệu thuê bao

Sau gần 30 năm, ngành viễn thông di động đã tiến những bước rất dài, mà rất nhiều người trẻ ngày nay không thể hình dung được những bước đầu sơ khai và thủ công đến thế. Nếu mỗi chiếc di động ngày nay có thể thay thế cả chiếc laptop, thay thế tivi, máy nghe nhạc…, thì những năm 1990, điện thoại di động thậm chí còn chưa có chức năng… nhắn tin cho nhau.

Từng công tác tại Bưu điện Hà Nội rồi sau đó là Trung tâm nhắn tin Việt Nam, khi máy nhắn tin kết thúc sứ mệnh lịch sử, cô Nguyễn Thị Hồng Ngân, nguyên Tổng đài viên Đài khai thác, Trung tâm VinaPhone 1 chuyển sang làm dịch vụ tổng đài tại VinaPhone. Trước những năm 2000, vì cước gọi di động rất đắt nên người dân thường sử dụng dịch vụ gọi lên tổng đài để nhờ nhắn tin từ số cố định vào di động, hoặc thậm chí từ di động sang di động. Hàng chục năm làm tổng đài viên, cô Ngân đã chứng kiến rất nhiều chuyện bi hài.

Những tổng đài viên 141, 151 của VinaPhone - Ảnh: TL

“Khách hàng nhắn đủ mọi loại nội dung, từ công việc đến yêu đương, thậm chí cả mắng chửi nhau, hay cả tán tỉnh, quấy rối nhân viên tổng đài. Theo quy định không được nhắn những tin vi phạm thuần phong mỹ tục, nhưng rất nhiều khách hàng nói bậy bằng cách nói lái. Tất cả các cuộc gọi đều bị ghi âm, áp lực là rất lớn, phải nói sao cho khách hàng hiểu mà không bức xúc. Thậm chí có khách hàng chửi như liên thanh, tổng đài viên không gõ máy tính lại mà chỉ gõ phím cách cạch cạch. Có lần khách gọi nhắn với nội dung không dấu: “Co 2 nguoi bat o truong”, rồi dừng lại. Tôi đợi mãi không thấy nói tiếp thì ngạc nhiên hỏi, khách bảo chị cứ nhắn đi, mãi sau khách mới nói thêm là “bắt ở chuồng số mấy”, thì ra là nhân viên trại gà…”, cô Ngân kể. Có khách hàng là người nổi tiếng gọi lên tổng đài nhiều đến mức các tổng đài viên nhìn thấy số điện thoại rất sợ phải nghe… nhưng phải vẫn mềm mỏng tiếp chuyện, xử lý. Nhưng có những khách hàng khó tính, sau này chuyển vào TP.HCM sinh sống thậm chí còn xin số gọi ra tổng đài Hà Nội vì nhớ giọng và để cảm ơn cô.

Cô Ngân (hàng đầu từ phải sang) và đồng nghiệp tại Đài khai thác, Trung tâm VinaPhone 1

Áp lực từ khách hàng là một chuyện, nhưng áp lực âm thanh còn lớn hơn rất nhiều. Trung bình cô Ngân và đồng nghiệp phải trả lời 500 - 600 cuộc điện thoại mỗi ngày, vừa đặt máy xuống đã có 1 cuộc gọi khác, chỉ được phép trễ giữa 2 cuộc khoảng 3 giây. Mỗi khi hệ thống mạng gặp trục trặc hay mất sóng thì căng thẳng nữa, hàng nghìn cuộc điện thoại khách hàng phản ánh đổ về, tổng đài viên gần như không thở nổi. Như bài thơ cô viết vui:

Với đặc thù công việc, ngoài lương tổng đài viên còn được hưởng chế độ độc hại tiếng ồn. Nhưng theo cô Ngân, nếu không quen thì không thể chịu được vì tiếng ù ù suốt ngày như gió bão trong tai. Tai nghe có từ mức 1 đến mức 9, khi vào ca mọi người thường nghe mức 1, nhưng cuối ca phải bật lên mức rất cao. Có những tổng đài viên bật đến mức 9, người vào ca sau không điều chỉnh thì choáng váng, như búa đập vào tai.

Tưởng là công việc không nặng nhọc, nhưng sự hy sinh của những tổng đài viên là rất lớn. Với đặc thù đa phần là nữ, gia đình, chồng con luôn phải ở bên hỗ trợ họ rất nhiều. Khi con còn nhỏ, cô Ngân kể 3 ngày liền không gặp được con, vì lúc đi làm 5 giờ 30 phút thì con chưa dậy, khi về nhà thì con đã ngủ. “Bây giờ các em, các cháu tổng đài làm việc còn khổ hơn các cô ngày xưa rất nhiều, vì số lượng khách hàng lớn, nội dung thắc mắc nhiều đa dạng, không phải làm dâu trăm họ nữa mà là làm dâu tỉ họ”, cô Ngân chia sẻ.

Những người như cô Ngân, anh Hà, anh Kiên là một vài trong số hàng trăm nghìn cán bộ, nhân viên VinaPhone qua nhiều thế hệ, dù công việc của họ giản dị và thầm lặng, nhưng luôn mang trong mình sự tự hào và khát vọng, để tạo nên điều thần kỳ cho mạng di động thuần Việt đầu tiên của Việt Nam sau 25 năm...

Báo Thanh Niên
31.05.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.