Cách đây 2 tháng, bà Bạc Thị Kim Phượng, 61 tuổi, dân tộc Thái, sống tại thôn 1, xã Hòa Phú, TP.Buôn Mê Thuột được mời tham gia buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện do Bưu điện TP.Buôn Mê Thuột phối hợp với xã Hòa Phú tổ chức. Nhận thấy lợi ích từ chính sách BHXH tự nguyện, bà Phượng và chồng đã đăng ký tham gia với mức đóng 138.000 đồng/người/tháng. Bà Bạc Thị Kim Phượng chia sẻ: “Hồi trẻ, vợ chồng tôi làm rẫy, lo tiền ăn, tiền học cho con đã đủ mệt. Thấy người ta đi làm công nhân có lương cũng thích lắm nhưng lực bất tòng tâm. Nay con cái đã trưởng thành, bạn bè về hưu có lương, còn mình thì sống dựa vào con. Tuổi già nhiều bệnh tật, có khi đi đám cưới, đám ma cũng ngại không muốn phiền hà con cháu. Tôi chỉ ước, giá như mình còn trẻ, tôi sẽ đăng ký tham gia BHXH tự nguyện sớm hơn”.
Theo bà Phượng, trong xã Hòa Phú rất ít người được nhận lương hưu, trừ những người là cán bộ, giáo viên về hưu. “Mình cũng cao tuổi rồi, mua bảo hiểm để bớt gánh nặng cho con cái. Hai vợ chồng cố gắng đóng 10 - 15 năm, sau đó đóng một lần để được hưởng lương hưu. Nếu mình có lương hưu thì mình sẽ chủ động hơn trong một số chi tiêu, không phải xin tiền con nữa. Sau này, mình có mất đi con cái cũng đỡ lo vì đã có bảo hiểm tử tuất”.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhận thức của nhiều nông dân, lao động tự do tại Đắk Lắk đã thay đổi và họ bắt đầu tìm hiểu, tham gia BHXH tự nguyện. Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Đắk Lắk cho biết tính đến cuối tháng 10.2020, toàn tỉnh phát triển được 11.984 người (tăng 5.593 cùng kỳ năm 2019, đạt 63,16% kế hoạch BHXH VN giao). Trong đó, những huyện đạt tỷ lệ cao là M’Drắk 86,59% (phát triển 678 người), Buôn Đôn 83,45% (phát triển 605 người), Cư M’gar đạt 76,25% (phát triển 1.419 người), Krông Pắc đạt trên 63% (phát triển 1.249 người)…
Theo ông Phạm Hùng Sơn, Phó giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk hiện nay trên địa bàn tỉnh, số người tham gia BHXH là 112.955 người, trong đó BHXH bắt buộc là 100.791 người, BHXH tự nguyện là 11.984 người, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 88.834 người; bảo hiểm y tế (BHYT) là hơn 1,6 triệu người…
Để đạt được những kết quả trên, trong 10 tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Trong đó, BHXH tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 2 đợt lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân; Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sau các lễ ra quân, BHYT hộ gia đình đã phát triển được 1.020 người; BHXH tự nguyện: 700 người.
Ngoài ra, BHXH tỉnh còn đôn đốc BHXH các huyện, thị xã tích cực phối hợp với cơ quan bưu điện rà soát, khai thác, phát triển số người tham gia BHXH thông qua dữ liệu cơ quan thuế cung cấp và thu BHXH, BHYT tự đóng qua đại lý thu; ký hợp đồng thu BHXH tự nguyện, BHYT với Viettel Đắk Lắk; thành lập tổ kiểm soát thực hiện quản lý cơ sở dữ liệu hộ gia đình và mã số của người tham gia BHXH, BHYT…
Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo chỉ tiêu giao ở các địa phương gặp nhiều trở ngại, song cơ quan BHXH và bưu điện đang nỗ lực để bảo đảm các mục tiêu về phát triển đối tượng BHXH tự nguyện trong năm 2020.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Đắk Lắk bày tỏ: “Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2020, BHXH tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã và đang phối hợp với ngành bưu điện tổ chức tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện tại các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, cử cán bộ xuống tận nơi tiếp cận với những đối tượng là nông dân và lao động phi chính thức, vận động họ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống khi về già”.
Để công tác phát triển BHXH tự nguyện đạt kết quả tốt, trong thời gian tới, hai đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền định kỳ trên địa bàn toàn tỉnh vào các ngày cuối tuần nhằm mục đích tư vấn cho mỗi người dân biết rõ về chính sách BHXH; tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện bằng nhiều hình thức như trực tiếp tư vấn, qua đài phát thanh địa phương, loa truyền thông của từng đơn vị tại các điểm giao dịch, để người dân nghe và hiểu trước khi tham gia hội nghị; mở rộng mô hình cấp sổ tại chỗ cho đối tượng để tăng độ tin cậy cho người dân…