Có người ví Ksor H’bơ Khăp như là hạt mưa mát lành rơi xuống đồng đất cao nguyên khô khát ngày nắng hạn, gieo niềm tin, gieo khát vọng về mùa màng bội thu. Cũng chẳng sai! Bởi, như cô nói: “Mình đã nhận lòng tin của người dân thì phải cố gắng để không phụ lòng tin đó!”

Lên google gõ cái tên Ksor H’bơ Khăp, chỉ trong 0,5 giây đã có khoảng 28.900 kết quả tìm kiếm. Điều này chứng thực sự hiển nhiên về độ phổ quát thông tin của nữ Đại biểu Quốc hội (khóa 14) từng gây “nóng” nghị trường Quốc hội mới đây với những ý kiến, chất vấn thẳng thắn.

Sau khi thoát ra từ “núi công việc” của một trung tá – Phó Giám đốc công an tỉnh Gia Lai, cô gái “như đóa hoa rừng” đã giành cho PV Thanh Niên cuộc gặp để nói thẳng, kể hết trong Một nửa thế giới. Ngoài đời, người phụ nữ khả ái dịu dàng khác hẳn với vẻ nghiêm nghị, giọng nói rõ chắc trên nghị trường.

Ksor H’bơ Khăp cười phân bua vì quá bận để giải quyết rốt ráo công việc.

Tôi bắt đầu câu chuyện với nữ trung tá Ksor H’bơ Khăp, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai với câu hỏi:

Chị có nhớ nhiều về buôn làng trong ký ức tuổi thơ không?

Ơ, sao không anh! Tuổi thơ nơi làng buôn trong tôi vẫn rõ mồn một đấy nhé!

Từ nhỏ, tôi được ba cho về làng nhiều mà. Tôi còn nhớ rõ cứ 3 tháng hè là em được ba cho về quê bà nội ở xã Cà Lúi, H.Sơn Hòa (Phú Yên). Đó là một xã anh hùng ở vùng sâu vùng xa, hầu hết là người Jrai nghèo định cư. Cuộc sống nơi đây cũng còn rất nhiều khó khăn. Cuộc sống ở đó nghèo nhưng thật vui. Tôi được ra đồng chơi với bạn, được sống trong tình thương của cả cộng đồng. Họ nghèo nhưng thơm thảo, ăn món gì ngon cũng chia sẻ với nhau. Còn nhớ cứ sáng sớm là những đứa nhỏ cùng trang lứa đã thập thò ở cửa nhà bà. Cứ vậy, theo chúng bạn chân trần, đầu trần mà chạy chơi thỏa thích đến mệt, khát khô cả cổ thì tìm đến giọt nước uống. Đói thì tìm về nhà kiếm cái ăn rồi lại chạy chơi.

Rồi tôi về quê ông nội ở xã Ia Trok, huyện Ayun Pa (nay thuộc H.Ia Pa (Gia Lai). Ở đó, tôi cũng theo chúng bạn khi thì trèo cây hái quả, khi thì ra đồng cùng đi chăn bò, đi chơi khắp ấy chứ. Nhà tôi cũng vậy, luôn coi trọng văn hóa bản địa. Tôi cũng chịu lễ thổi tai, đeo cồng khi đủ tuổi. Đấy là tập tục đẹp của người bản địa, mong cho con cháu sức khỏe, siêng năng, giúp cho bản thân và cộng đồng.

Ấn tượng nhất với tôi đó là dù họ nghèo khó, thiếu thốn đủ thứ nhưng luôn rộng lòng, sẻ chia với nhau. Theo tôi, đó là điều lớn nhất làm nên sự bền vững trong những cộng đồng làng buôn.

Người phụ nữ ở bản làng có điều gì đặc biệt mà Ksor H’bơ Khăp cảm nhận?

Phụ nữ với chế độ mẫu hệ có những nét rất riêng trong cộng đồng, trong sinh hoạt gia đình. Người phụ nữ ở đây họ không đòi hỏi gì đến sự bình đẳng hay gì cả. Người ta luôn chủ động trong mọi việc, gánh vác gia đình một cách tự nguyện. Thời nay, phụ nữ nói chung có sự đổi khác nhiều rồi. Phụ nữ được quan tâm nhiều hơn đến nhiều thứ để mang lại lợi ích về sức khỏe, về trí tuệ…

Tôi không nói đến bình đẳng giới nữa bởi thời nay phụ nữ đã được tạo điều kiện rất nhiều. Đấy là xu thế chung của thế giới rồi! Nhưng mà cái lớn nhất là nhiều phụ nữ vẫn tự “trói” mình trong những khuôn khổ tự mặc định, mà không chia sẻ với người đàn ông chung sống với mình hoặc những người đàn ông xung quanh mình ở trong công việc, tiếp xúc hằng ngày. Mình tự “trói buộc” mình và sau đó mình tự thấy mệt mỏi, ức chế. Và cuối cùng là tự thấy mình không được bình đẳng.

Trong bình đẳng giới, theo Ksor H’bơ Khăp phụ nữ phải cần làm gì?

Tất nhiên, cũng có nơi này, nơi kia cách nhìn nhận về phụ nữ còn phiến diện, có tính ban phát. Chẳng hạn chỉ một ví dụ nhỏ thôi: Đó là có nhiều nơi nhà vệ sinh cho nam nhiều nhưng dành cho nữ lại quá ít. Những cái đó tưởng nhỏ thôi nhưng nó cũng thể hiện sự công bằng, bình đẳng trong đó! Còn giới nữ thì có khi cũng mặc định chỉ là thế thôi, không có ý kiến như xây thêm nhà vệ sinh cho phụ nữ chẳng hạn. Hay là cần những khu riêng để dành cho phụ nữ vì vấn đề này, phụ nữ thường phức tạp hơn đàn ông. Và còn nhiều vấn đề khác nữa cũng cần phải lưu tâm. Từ những việc nhỏ như thế nhưng có đơn vị phụ nữ là người lãnh đạo cao nhất họ cũng chưa nghĩ đến. Đó cũng là chưa đột phá để xây dựng bình đẳng giới, chưa mở ra những vùng cấm trong tư duy của họ. Cho nên, có nhiều trường hợp người phụ nữ vô tình đã “buộc đá” vào chân mình các mối quan hệ.

Quan điểm của tôi là mọi người cần phải “truyền lửa” cho nhau để có thể tự tin hơn. Cái tự tin của người phụ nữ nó thể hiện ở nhiều phương diện. Đấy là năng lực, bản lĩnh thẳm sâu trong con người họ mà chính họ phải khai thác, khám phá và thể hiện để xã hội thừa nhận, tôn trọng, trân trọng. Người phụ nữ phải tinh tế đối với bản thân họ đã.

Khi ở nghị trường Quốc hội, với những phát biểu thẳng thắn như thế, chị có gặp phải những áp lực gì không?

Câu này tôi cũng đã bị hỏi nhiều năm qua (cười). Thực sự, tôi không có áp lực nào trong việc phát biểu trên nghị trường. Áp lực lớn nhất của tôi chính là việc mình phát biểu liệu có mang lại giá trị gì, có sự thay đổi gì trong cái hoạt động làm luật của Quốc hội và trong việc triển khai thực hiện các luật do Quốc hội ban hành. Và cái lợi ích lớn nhất là người dân được hưởng cái gì từ những vấn đề mình có ý kiến. Bởi, đại biểu Quốc hội là đại diện cho tiếng nói người dân. Còn đối với trách nhiệm của một đại biểu, tôi có áp lực nhất định!

Vậy, câu chuyện của một đại biểu Quốc hội được chị ý thức như thế nào?

Mình vinh dự được người dân tin tưởng bầu nên bởi vậy mình phải hiểu là cánh tay nối dài của người dân đến nghị trường. Những vấn đề người dân mong mỏi, bức xúc cần những người đại biểu như mình chuyển đến, kiến nghị với Quốc hội. Đại biểu Quốc hội đã được trao gửi, lắng nghe, ghi nhận ý kiến người dân thì mình phải chuyển tải đến nghị trường. Mình phải làm làm đúng chức trách của mình. Và lợi ích mà mình mong muốn phải là lợi ích của người dân, của toàn xã hội.

Còn nếu như anh/chị chỉ quan tâm đến lợi ích nhỏ của cá nhân anh, của đơn vị anh thì cái đó nó không có tính lâu dài và bền vững. Bởi, anh ứng cử ở một địa phương nhưng anh là đại biểu Quốc hội của dân. Dân đang đặt niềm tin ở anh, đặt cơ hội cho anh để nói tiếng nói chung về những vấn đề bức xúc của xã hội.

Chị đã làm quen với “ghế nóng” - Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai như thế nào?

Từ vị trí công tác cũ (Trưởng công an thị xã Ayun Pa), tôi nhận nhiệm vụ mới được gần hai tháng rồi. Nói là làm quen công việc mới cũng chả phải bởi nhận nhiệm vụ xong là Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai giao công việc trực tiếp luôn. Bây giờ, nhiệm vụ được giao bao quát hơn, rộng hơn. Mới tiếp cận vị trí công việc mới nên tôi phải cập nhật, dành nhiều thời gian cho nghiên cứu tài liệu, học hỏi để hoàn thành tốt công việc được giao. Các văn bản pháp quy phải nghiên cứu nhiều hơn để có cơ sở chắc chắn khi thực thi công việc, đảm bảo đúng trình tự thủ tục, đúng luật.

Ngày 20.10, chị có tâm sự gì cùng với những chị em của mình?

Phụ nữ VN có bản chất kiên cường, dũng cảm, trung hậu, đảm đang trong suốt chiều dài lịch sử. Điều đó đã được minh chứng. Nhưng trong thời đại mới, những giá trị tốt đẹp đó cần được phát huy theo những phương cách phù hợp.

Phụ nữ cần phải nỗ lực, mạnh mẽ vượt lên chính mình để được gia đình, xã hội, đồng nghiệp, cấp trên thừa nhận, tôn trọng. Đó mới là hướng đến những giá trị của bình đẳng giới. Tôi mong muốn phụ nữ thời đại mới cần quan tâm hơn đến sức khỏe của mình. Có sức khỏe mới làm được nhiều việc. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ cũng là cách để giúp cho xã hội, cho đất nước những công dân khỏe mạnh, thông minh. Bên cạnh đó cũng phải giữ được nét đẹp truyền thống; phải đẹp cả về hình thể lẫn nâng cao năng lực bản thân. Quan trọng nữa là tâm hồn người phụ nữ VN cần phải được giữ gìn, truyền đời!


Báo Thanh Niên
20.10.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top