Con số đầy ám ảnh này nằm ở xã Tiền Phong, nơi được mệnh danh là “tâm bão” của cơn bão “H” ở huyện biên giới rẻo cao Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Ngồi bó gối trên chiếc chiếu trải giữa sàn nhà, anh Lương Văn Nguyệt, Bí thư Chi bộ kiêm cán bộ phụ trách y tế bản Na Sành (xã Tiền Phong), nói nếu ma túy và HIV không giày xéo bản, thì dân bản đã không khổ thế này. Na Sành nằm biệt lập trong rừng, cách trung tâm xã gần 20 cây số. Đường vào bản đang là đường đất, chạy vắt vẻo quanh co men theo sườn núi. Na Sành chưa có điện, chưa có sóng điện thoại và hơn 60% gia đình vẫn đang sống trong nghèo khó. Bản có hơn 100 nóc nhà, nhưng có 58 người phát hiện đã bị lây nhiễm HIV, nhiều người đã chết vì căn bệnh này.

Một góc bản Na Sành

Trưởng bản Na Sành Vi Văn Lân kể, ma túy “lẻn” vào bản này từ khoảng năm 1996, do những tay đầu nậu lâm tặc gieo rắc. Chúng đến thuê những thanh niên trong bản vào rừng chặt gỗ, ngoài tiền công, chúng còn dùng ma túy để làm quà thưởng. Nhiều thanh niên dính ma túy kể từ đó. Sau đó không lâu, bản làng đang yên bình bắt đầu bị cuốn vào cơn lốc dịch bệnh. Do ở quá xa trung tâm xã, không hề được trang bị kỹ năng phòng chống HIV, những con nghiện dùng chung kim tiêm dài ngày và vô tình gieo rắc loại vi rút này cho nhiều người.

Năm 2007, sau một thời gian dính vào ma túy, Lương Văn S. có biểu hiện kỳ lạ: người teo tóp, rối loạn tiêu hóa nặng, khắp người lở loét rồi chết. Đó là nạn nhân đầu tiên của Na Sành chết vì AIDS khi chưa đến tuổi 30. Khi đó, ở bản này, không ai biết đến cái tên HIV là gì, cứ tưởng chết do nghiện ma túy. Hai năm 2007 và 2008, Na Sành phải tiễn gần 10 người trẻ khác ra đi với các triệu chứng tương tự khiến cả bản hoang mang. Cứ nghĩ con “ma rừng” về bắt người nên nhiều gia đình mời thầy mo, thầy cúng về làm vía giải hạn, đuổi ma, nhưng vẫn không đuổi được “con ma” này. “Cán bộ y tế ở huyện vào vận động những người thân của người đã chết đi xét nghiệm và phát hiện nhiều người đã bị nhiễm HIV. Từ đó, dân bản mới biết HIV là loại vi rút nguy hiểm chết người”, anh Lân kể.

Dẫn tôi đến căn nhà sàn trống hoác nằm lọt thỏm dưới sườn núi, anh Lân nói, đây là nhà của vợ chồng anh Lương Văn C., người đã chết ở tuổi 30 cách đây 6 năm vì nghiện ma túy và nhiễm HIV. Anh C. chết, vợ anh cũng bỏ đi biệt xứ từ đó. Hai đứa con trai khi đó đứa lớn mới 8 tuổi, đứa nhỏ lên 5 phải nương tựa vào ông bà nội nhà ở cách đó chừng trăm bước chân.

Bà Lương Thị Hoa, bà nội 2 đứa cháu mồ côi cha, thở dài nói hai đứa nhỏ về ở với ông bà được vài năm thì quay về nhà sống. Bây giờ, chúng đã tự lập được, bà chỉ sang hỗ trợ những việc cần thiết. Tài sản của 2 anh em mồ côi là căn nhà sàn cũ, trống trơ, hai phía không có bức vách che chắn. Bên trong nhà có 2 chiếc giường, cái bếp, xoong nồi và ít quần áo cũ. “Cả hai đứa đang đi học. Bữa mô trời rét quá thì chúng đốt lửa thêm để ngủ, chứ gió lùa cũng lạnh lắm!”, bà Hoa nói. Vợ chồng bà Hoa có 5 người con, một người đã chết, người con trai út năm nay 26 tuổi, đã có vợ, cũng phát hiện bị nhiễm “H”.

Chúng tôi dừng lại trước căn nhà sàn không đóng cửa, nhưng không có ai ở nhà. Anh Lân bảo, đây là nhà của ông Lương Văn T. Bi kịch “H” đã giáng xuống gia đình này khi cả hai đứa con trai của vợ chồng T. đều bị dính ma túy khi còn rất trẻ và đều đã chết vì AIDS. “Con trai đầu lấy vợ, sinh được đứa con thì con bị chết, vợ cũng bị dính HIV, đứa thứ hai chưa lấy vợ nhưng dính ma túy, bị “H” rồi chết”, trưởng bản Lân kể. Gia đình ông Lương Văn N. ở cách đó không xa cũng bị ma túy và “H” đẩy vào thảm kịch khi có 2 đứa con trai thì cả hai đã chết vì ma túy và HIV, 2 người con gái lấy chồng, một người bị lây nhiễm HIV từ chồng. Ông T. đã chết, bà vợ đang sống với con rể và cô con gái còn lại may mắn chưa bị nhiễm “H”.

May mắn không bị lây nhiễm “H” từ bố mẹ (đã mất), nhưng ước mơ tiếp tục đến trường của Lương Thị Mùi cũng không thể thực hiện vì hoàn cảnh quá khó khăn

Anh Lân dẫn tôi đến nhà bà Vi Thị Niên. Căn nhà nằm đối diện điểm trường tiểu học Na Sành thưng bằng ván, mái lợp thủng lỗ chỗ. Vợ chồng bà Niên có 5 người con. Đại dịch HIV đã cướp mất 2 người con, 1 trai, 1 gái khi cả hai đều đã có gia đình và bà Niên đang phải nuôi 2 đứa cháu mồ côi. 16 tuổi, Lương Thị Mùi dáng người nhỏ thó và có khuôn mặt rất buồn. Cha mẹ đã chết vì HIV cách đây 4 năm, Mùi sống với bà nội cùng với đứa em con cô ruột đang học lớp 7 cũng phận mồ côi mẹ vì AIDS. Học hết lớp 9, Mùi phải nghỉ học, không thể ra huyện học tiếp lớp 10. “Cháu có muốn đi học tiếp không?”, tôi hỏi. Mùi cúi xuống, mặt buồn rười rượi, đáp: “Dạ, có!”. Trưởng bản Lân nhìn lên mái nhà là những tấm fibro xi măng đã nứt nẻ, nói với tôi: “Mái nhà này cũng do chương trình xóa nhà tạm hỗ trợ để lợp, nay lại hỏng rồi, chắc cũng chưa biết lấy gì mà lợp lại!”.

Một góc ở bản Na Sành

Na Sành là nơi sinh sống của người Thái. Trưởng bản Lân nói, so với nhiều nơi khác, ở đây khá thuận lợi vì có nhiều măng, có cây lùng (một loại cây họ tre), nếu siêng năng bám rừng thì sẽ không đói. Nhưng ma túy và “H” tràn về đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn cùng, ly biệt. Ở Na Sành, có 10 cặp vợ chồng bị dính “H”, nhiều người đã chết. “Nhưng cũng còn may, nhiều đứa trẻ được sinh ra trong gia đình bố và mẹ bị “H”, khi xét nghiệm thì thoát. Ở đây, 1 cháu phát hiện bị nhiễm “H” do bố mẹ đều dính “H”, mẹ đã chết, các trường hợp khác không bị lây nhiễm, có một số trường hợp chưa phát hiện vì chưa đi xét nghiệm”, anh Lân nói. Những người bị nhiễm “H” ở Na Sành đều là người trẻ, chủ yếu dưới tuổi 35.

Căn nhà trống hoác ở bản Na Sành của hai anh em mồ côi cha vì AIDS, mẹ bỏ đi biệt xứ

Qua một con dốc khá cao, trưởng bản Lân chỉ vào căn nhà sàn cũ đóng cửa, nói với tôi, đó là nhà Lương Thị K. Chồng K. dính ma túy, lây nhiễm “H” từ bạn nghiện rồi lây nhiễm sang vợ. Chồng chết, K. nuôi 2 con nhỏ. Cuộc sống túng bấn, K. gửi con cho bố mẹ trông coi để đi xa làm thuê kiếm sống. 2 đứa trẻ mồ côi cha, xa mẹ, sống lắt lay vì ông bà ngoại cũng chẳng khấm khá gì. Anh Lân nhìn lên ngọn núi chót vót trước mặt, giọng chùng xuống: “Hoàn cảnh như thế này ở đây nhiều lắm. Người lớn đã đành, chỉ thương cho những đứa trẻ chưa biết gì đã phải sống trong cảnh mồ côi vì AIDS”. (còn tiếp)

Đồ họa: Lâm Nhựt |  Ảnh: Khánh Hoan

Báo Thanh Niên
05.04.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.