Mỗi tháng, One Mount xử lý hàng triệu giao dịch trên các nền tảng công nghệ họ đang quản lý. Trong đại bản doanh trên phố Minh Khai, các thành viên của One Mount mô tả tổ chức của mình là “tech-enable”, tức là thúc đẩy mọi giải pháp công nghệ khả dụng để nâng cao chất lượng sống của người Việt Nam. Trên website của họ, tầm nhìn được đưa ra là trở thành “Hệ sinh thái công nghệ tin cậy và lớn nhất Việt Nam”. Để hiểu về sứ mệnh này, có thể bắt đầu từ một cửa tiệm tạp hóa nằm sát mé sông.

Ở sát mé sông Chợ Đệm, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, có kiosk bán tạp hóa của cô Năm. Vì chợ đã hình thành từ lâu lắm, trước cả khi có tên đường phố, địa chỉ, ngay cả khúc sông chảy qua nơi này còn tên là “Sông Chợ Đệm”, nên trên các tờ giấy điền với “đối tác”, chủ tiệm viết: “Kiot 1 chợ Đệm, cuối mé sông, cô Năm bán khóm”.

Cách tiệm của cô Năm bán khóm vài cây số, là cô Năm bán dừa. Tiệm tạp hóa Cô Năm ở Láng Le Bàu Cò, trước đây có cái bảng tên nhỏ xíu viết “Cô 5 – Tạp hóa & Café Võng, Bia nước ngọt các loại”, cũng không ghi địa chỉ. Tiệm mang một bố cục kinh điển, với quầy tạp hóa, một cái sân mắc võng bên hông và mấy trái dừa bày trước cửa.

Những tiệm tạp hóa đó vốn chỉ thuộc về chính các cộng đồng, cái chợ, cái xóm nơi nó đang nằm. Địa điểm giao dịch hiển nhiên nằm trong trí nhớ xóm làng chứ không cần trên danh bạ nào. Những bà chủ, có lẽ cả đời cũng không nghĩ rằng một ngày mình phải dùng smartphone.

Hành trình chuyển đổi số của hơn 100.000 tiệm tạp hóa bắt đầu từ một tòa nhà màu trắng trên phố Minh Khai, Hà Nội. Trong đại bản doanh của One Mount, suốt 3 năm qua, các nhà phân tích dữ liệu và kỹ sư công nghệ hàng đầu thế giới đi tìm giải pháp cải thiện mọi khía cạnh cuộc sống của người Việt – không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ. Tầm nhìn của họ, là trở thành hệ sinh thái tin cậy và lớn nhất Việt Nam, có thể phục vụ cuộc sống của 75% hộ gia đình Việt Nam.

Trong hệ sinh thái của OneHousing lúc này, khách hàng đã có thể tìm thấy trọn vẹn các giải pháp trong hành trình của một người mua nhà: tìm kiếm dự án phù hợp với nhu cầu, nắm bắt trọn vẹn thông tin về căn nhà từ giá đến tiện ích và hạ tầng xung quanh, tìm kiếm tư vấn/môi giới chuyên nghiệp, tìm kiếm giải pháp tài chính, những gợi ý về lựa chọn phong cách, lối sống. Một số giải pháp do OneHousing tự phát triển, một số khác, mang đến bởi các định chế hàng đầu thị trường, đối tác của One Mount. Đó là lý do tập đoàn này tự gọi mình là một “hệ sinh thái mở”.

“Cuộc sống của một con người sẽ luôn luôn gắn với ngôi nhà của họ. Nó là một tổ ấm, một mái che mà mọi người từ lúc sinh ra cho đến lúc rời khỏi cuộc sống này sẽ luôn gắn bó”, bà Vân nói về tầm nhìn của tổ chức, “OneHousing sẽ đồng hành cùng với các bạn ngay từ khi giấc mơ về nhà bắt đầu được hình thành, là khi mua căn nhà đầu tiên. Nhưng sẽ chưa dừng lại ở đó, OneHousing sẽ luôn luôn mang đến những giải pháp: mình có thể dùng chính ngôi nhà đấy để đầu tư, tích sản hay chuyển đổi từ ngôi nhà nhỏ lên thành những cái giấc mơ lớn hơn”.

“Còn hơn cả như thế, OneHousing sẽ còn chăm sóc cả những tiện ích trong và ngoài ngôi nhà của bạn. Ví dụ, nội thất, thiết kế như thế nào để phù hợp với phong cách của bạn, bạn chọn căn hộ/ dự án nào để thực sự đẳng cấp và có cuộc sống chất lượng”.

Để làm được việc đó, ngoài đội ngũ tài năng là một hệ sinh thái mở gồm những đối tác lớn nhất thị trường.

Mặc dù là một tổ chức hướng dữ liệu, vẫn có những lúc các thành viên từ chối nói chuyện con số. “Mùa bán hàng Tết năm nay tôi không muốn nói đến con số”, bà Nguyễn Thị Hồng, người đứng đầu mảng phân phối của One Mount trả lời về mục tiêu kinh doanh.

One Mount tự nhận định sứ mệnh của hệ sinh thái này là thúc đẩy thêm nhiều người Việt Nam tiếp cận với các giải pháp công nghệ cho vấn đề cuộc sống của họ.

“Đối với chúng tôi, chuyển đổi số thực sự bắt đầu với việc am hiểu sâu sắc không chỉ thị trường, mà quan trọng hơn là am hiểu những đối tượng mà chúng tôi tiếp cận”, ông Đinh Việt Hưng nói trong một video được Google Cloud phát đi toàn cầu, trong tư cách đối tác tiêu biểu tại Việt Nam. “Hai năm trước, khi chúng tôi bắt đầu chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ, rất nhiều hộ kinh doanh và chủ tiệm tạp hóa không thể tiếp cận được các giải pháp công nghệ có thể giúp họ đạt được các mục tiêu kinh doanh”.

Tiệm tạp hóa của cô Năm giờ đã thay một biển hiệu mới, choán hết cả mặt tiền, với dòng chữ “VinShop” và tư cách “Đối tác V.I.P”. Chỉ một năm trước, cô vẫn phải gọi điện cho nhân viên của VinShop để nhờ hướng dẫn cách… thao tác trên điện thoại thông minh.

Trên website của VinShop, có cả một chuyên mục mang tên “Học viện tạp hóa”, trong đó chia sẻ những kiến thức kinh doanh cho các chủ tiệm, từ các mô hình tối ưu lợi nhuận cho đến chăm sóc trải nghiệm khách hàng. Trong chuyên mục đó, từ khóa “thấu hiểu khách hàng” được lặp lại nhiều lần.

“Trong tất cả mọi việc chúng tôi làm, cho dù có mang danh hướng dữ liệu, hướng công nghệ, đều chỉ hướng về một mục đích. Mục đích đó là gì? Đầu tiên là quan tâm đến khách hàng, đến đối tác. Chúng tôi sẽ luôn ở đó cùng họ. Covid đã kể câu chuyện đó, khi chúng tôi ở bên họ 24 giờ mỗi ngày”, bà Austria Jocelyn, giám đốc vận hành của One Mount nói. “Sau đó, là trách nhiệm với cộng đồng, với niềm tin không ai nên bị bỏ lại phía sau. Đó là lý do chúng tôi tồn tại”.

Đức Hoàng

Báo Thanh Niên
20.09.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.