>> Nguyễn Phúc

Ông Hồ Ta Dóc thú vị ngay từ cái tên. Dân bản Vùng Kho ở xã Đakrông, H.Đakrông (Quảng Trị) bảo rằng nếu nói theo cách của người Kinh, ông ấy dù tên Dóc nhưng không bao giờ… nói dóc. Còn theo ngôn ngữ người Vân Kiều, “Ta Dóc” có nghĩa là “không thích”, nhưng những việc ông Dóc lại khiến dân bản mê tơi!

Trong mắt dân bản Vùng Kho, Hồ Ta Dóc là “dị nhân”. Lạ, bởi vóc dáng cao lớn, phương phi, khác hoàn toàn với thể hình thấp bé của phần đông người Vân Kiều. Và người đàn ông ngoài tuổi 60 này cũng “đi trước thời đại” nhiều chuyện, nếu so với cộng đồng vùng núi đồi phía tây Quảng Trị.

Khi nhiều dân bản mệt nhoài và than thở sau chiến tranh thì chàng thanh niên Dóc đã hì hục khai hoang mở đất. Khi dân bản còn “bắt chước” khai hoang theo thì ông nghĩ đến việc cải tạo đất, tìm hiểu cây con giống phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp… Chính tay Hồ Ta Dóc mang cây bời lời đỏ đầu tiên về trồng ở Vùng Kho. Ông cũng là người tiên phong của bản trồng cây sắn KM 94, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa.

Ông Hồ Ta Dóc thăm hỏi bà con trong bản Vùng Kho.

Nhưng Hồ Ta Dóc cũng đã “trầy vi tróc vảy”, lao động đến tứa cả móng tay mới có được thành quả đó ngay trên mảnh đất chó ăn đá, gà ăn sỏi. “Như bao người Vân Kiều khác, tôi đã có một tuổi thơ và thời thanh niên thực sự khó khăn”, vuốt mái tóc đã lấm tấm “muối tiêu”, Hồ Ta Dóc cảm thán. Rằng ông đã có một quãng thời gian dài cùng gia đình “chạy loạn” khỏi bom đạn chiến tranh từ năm 1966 đến năm 1976, rày đây mai đó ở Khe Sanh và bản Cốc (xã Hướng Linh, thuộc huyện vùng cao Hướng Hóa), thậm chí ngược về vùng Cùa (H.Cam Lộ).

Hòa bình lập lại không lâu, Hồ Ta Dóc vội quay lại Vùng Kho, khi đó chàng trai hơn 20 tuổi vừa mới lập gia đình. “Nhưng bản làng dạo đó cũng tan hoang sau chiến tranh, chẳng còn lại gì ngoài những hố bom sâu hoắm. Cực lắm, nên cả trăm người về bản thì chỉ gần một nửa trụ lại được”, Hồ Ta Dóc kể. Nhưng ông có một lựa chọn thông minh: dựng ngôi nhà sàn nhỏ ngay “mặt tiền”  đường 9, con đường được xây dựng từ thời Pháp lúc đó chỉ còn lại nền đường, và bắt đầu công cuộc khai hoang.

Hồ Ta Dóc vui vầy bên gia đình của mình.

Vóc người cao lớn, khỏe mạnh như con bò mộng cùng quyết tâm cháy bỏng đã giúp đã giúp Hồ Ta Dóc vượt qua những ngày đầu cơ cực. Bữa sắn bữa củ mài, nhưng không bụi cây tảng đá nào có thể cản bước Hồ Ta Dóc mở đất, làm nương rẫy. Vỡ đất đến đâu, ông cắm ngay những gốc bời lời, sắn, ngô… đến đấy. Ngôi nhà bằng tre nứa làm nơi tổ ấm gia đình quây quần cũng dần thay thế bằng ngôi nhà gỗ rộng rãi mát mẻ. Không tấc đất cắm dùi, “dị nhân” Vùng Kho đã dần sở hữu  nhiều bất động sản, từ xung quanh nhà kéo đến tận những quả đồi xa. Thậm chí, Hồ Ta Dóc đã là “triệu phú” khi gia nhập Câu lạc bộ “100 triệu” của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa. Câu lạc bộ này dành cho những nông dân bán cho nhà máy mỗi năm hơn 100 triệu tiền sắn tươi.

Khi cái ăn cái mặc đã tạm ổn, vào năm 1984, Hồ Ta Dóc tự tin ngồi vào “ghế” trưởng bản. Trong gần 3 nhiệm kỳ (13 năm) làm “người vác tù và hàng tổng”, với mức phụ cấp 120.000 đồng/tháng, người đàn ông rắn rỏi này đã theo đuổi “sự nghiệp” to lớn hơn: mang ấm no về cho dân bản Vùng Kho!

Hồ Ta Dóc mang tổng cộng 4.000 m2 đất mặt tiền QL9 “cho không” để vài hộ dân trong bản dựng nhà ở và xây dựng các công trình phục vụ dân sinh Vùng Kho. Danh xưng “đại gia bất động sản vùng cao” dành cho Hồ Ta Dóc thật xứng tầm, không phải là chuyện nói dóc.

Chuyện ông Dóc “phát chẩn đất” đã diễn ra lâu lắm, bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi nhiều người con Vùng Kho tha phương quay về quê cũ làm ăn nhưng không có khoảnh đất để dựng nhà. Cứ rỉ rả như thế, trong hơn 20 năm ông hào sảng cắt đất của mình cho những người xóm giềng, khi con cái của họ ra riêng cần túp lều tạm. Các nhà Pả Pênh, Pả Thủy, chị Hồ Thị Lù, Hồ Thị Xoang, Ngô Thị Tùng... giờ mang ơn Hồ Ta Dóc.

Giai đoạn 2014 - 2018, Hồ Ta Dóc còn “chơi lớn” khi hiến đất mặt tiền QL9 để chính quyền địa phương lần lượt xây dựng một điểm trường chính và một điểm lẻ của trường mầm non số 2 Đakrông. Nhà văn hóa cộng đồng bản Vùng Kho là công trình mới nhất xây dựng từ đất ông Dóc hiến tặng...

Có người nghĩ ông Dóc gàn dở. Người biết chuyện thì cứ bứt rứt hỏi: “Sao ngày trước khai hoang cực nhọc mà nay cho đi dễ dãi thế?”. Ông chỉ thủng thẳng cười: “Đất đai trữ cho lắm, khi chết thì cũng chỉ nằm ở mấy mét vuông thôi. Mình có mang theo được đâu?”.

Dẫn chúng tôi ngang qua ngôi trường mầm non khang trang đang vọng ra tiếng ê a của lũ trẻ, người con Vân Kiều nhân hậu Hồ Ta Dóc cười khoái chí:

Già làng Hồ Văn Đinh ở Vùng Kho quả quyết bảo, vùng núi rừng này không mấy ai rộng rãi như Hồ Ta Dóc. Già Đinh ví ông Dóc như con khỉ đầu đàn, luôn đi trước, khi tìm thấy thức ăn sẽ gọi đồng loại đến ăn cùng, khi gặp phải hiểm nguy sẽ đứng ra che chở...

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Thanh Lộc

Báo Thanh Niên
10.11.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top