Điều hành một trong những thương hiệu có thể nói là đầu tiên của làng Edtech Việt, ông nhận định thế nào về tiềm năng của giáo dục trực tuyến Việt Nam hiện nay?

Ở thời điểm này, với cú hích vô tình có được từ dịch bệnh thì Công nghê giáo dục hay còn gọi là Edtech Việt Nam có thể nói là lột xác ngoạn mục. Sự thay đổi ấy hội tụ cả từ nguồn lực, công nghệ đến nhận thức của người dùng. Do vậy, hoàn toàn có thể nói đây là một lĩnh vực thực sự tiềm năng. Đó là xét ở khía cạnh kinh tế.

Còn về mặt xã hội giáo dục trực tuyến là lĩnh vực mà tất cả doanh nghiệp số đều muốn tham gia và tham gia từ đầu. Bởi, đây là cách tiếp cận mới để mang lại giá trị cho cộng đồng.

Thế nhưng, nếu đối chiếu với các lĩnh vực nội dung số khác thì con đường của Edtech Việt có vẻ nhọc nhằn hơn. Khá nhiều thương hiệu được xây dựng, từ những startup trẻ, đến các ông lớn trong công nghệ nhưng không phải thương hiệu nào cũng gặt được thành quả. Với những start up thì tỷ lệ rơi rụng không ít.

Sự đào thải của ngành đến từ đâu thưa ông?

Tôi vẫn tin là thị trường những năm qua rộng lớn, đủ chỗ cho tất cả mọi người. Những Edtech bị đào thải thường chỉ có mấy nguyên nhân:

Một là những doanh nghiệp hướng tới kinh doanh giáo dục, coi giáo dục là một sản phẩm như bao sản phẩm khác để kinh doanh thay vì làm giáo dục thực sự. Mục tiêu ấy sẽ khiến doanh nghiệp sớm rời cuộc chơi vì vỡ mộng trong bài toán kinh tế và không đáp ứng được thị trường sản phẩm giáo dục trực tuyến.

Hoặc là những doanh nghiệp làm Edtech để phục vụ mục đích khác, thì khó bền do không có đầu tư tương xứng. Và một phần nhỏ khác, là các Edtech có ý định nghiêm túc nhưng lại thiếu kiên nhẫn và không đủ nguồn lực để theo đuổi ước mơ.

15 năm của Edtech thì là ngần ấy năm HOCMAI gắn bó với ngành. Điều gì khiến HOCMAI có thể vững vàng và gần như “thống trị” K-12 (Từ cấp tiểu học đến THPT) trong lĩnh vực Edtech Việt sau nhiều biến động?

Edtech thế giới đã phát triển trước đó, công nghệ hay hạ tầng là chuyện có thể đầu tư được. Để tồn tại với ngành, như đã nói, cần có sự kiên nhẫn và cái nhìn rộng hơn, vượt qua mục tiêu kinh tế trước mắt.

Tháng 3.2007, HOCMAI chính thức tham gia khi thị trường mới manh nha hình thành, những người sáng lập HOCMAI cũng như đi đào vàng, tin là có “vàng” ở phía trước nhưng phải tự gầy dựng mọi thứ, từ việc thu hút người dùng để hình thành cộng đồng, đầu tư xây dựng nội dung lẫn đội ngũ. Có những giai đoạn, HOCMAI phải thuyết phục giáo viên và đến lớp luyện thi để ghi lại hình buổi học để làm giàu kho nội dung của mình. Nếu không kiên nhẫn và tâm huyết với việc dùng công nghệ đổi mới giáo dục, có lẽ, những người sáng lập đã không thể trụ vững để bước qua được những thử thách của ngành vì cả một thời gian dài không có nguồn thu mà chỉ có đầu tư.

Tuy nhiên với con số 6 triệu thành viên như hiện tại, cũng có thể xem đây là một thành quả đáng ghi nhận của HOCMAI sau 15 năm kiên định trên con đường của mình.

Nhưng nay, sau 15 năm, nền tảng hạ tầng lẫn thói quen người dùng đã được hình thành rất nhanh để thích ứng với Covid-19, những người kinh doanh Edtech như HOCMAI đã có thể hưởng lợi?

Về lý thuyết là như vậy. Covid khiến giáo dục trực tuyến là lựa chọn duy nhất và phổ biến tất cả mọi cấp học, từ tiểu học đến đại học, từ các lớp kỹ năng đến cả các khóa đào tạo chuyên ngành.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế mà Việt Nam đang triển khai hiện nay, dễ thấy hiện trạng bê nguyên giáo dục truyền thống lên môi trường internet để thích ứng. Đây hoàn toàn chưa phải là giáo dục trực tuyến.

Giáo dục trực tuyến đòi hỏi người dạy lẫn người học đều phải có kỹ năng. Kỹ năng truyền thụ kiến thức qua môi trường internet và kỹ năng tự học. Đến việc tổ chức nội dung bài giảng cũng hoàn toàn khác. Thực tế là phụ huynh, đối tượng mà các công ty công nghệ giáo dục (Edtech) cần thuyết phục để trả tiền cho các khóa học, khi quan sát cách dạy và học online hiện nay, rất dễ… nản. Vô hình trung, người dùng thì nhiều nhưng cái nhìn về Edtech lại thiếu thuyết phục.

Ông Phạm Giang Linh trong chương trình thường niên Chào Tân Sinh Viên của HOCMAI

HOCMAI sẽ thích ứng thế nào với thách thức này?

Dẫu thách thức nhưng rõ ràng tới thời điểm này, việc mọi người đều quen với học online cũng đã giúp cho Edtech rút ngắn được khoảng cách lớn về mặt thời gian để người dùng làm quen. Dễ chừng phải mất 5 đến 10 năm làm quen, thì Giáo dục trực tuyến mới có được tỷ lệ người biết và trải nghiệm nhiều như hiện nay.

Tuy nhiên, người sử dụng dịch vụ giáo dục trực tuyến sẽ đòi hỏi nhiều hơn. Để phát triển, người làm nghề không có cách nào khác là phải gia tăng hàm lượng công nghệ để phục vụ người học. Vài năm trở lại đây, ngoài thế mạnh nội dung dạy và học online, HOCMAI đã rất chú trọng vào việc xây dựng nền tảng công nghệ. Đây là bước chuẩn bị có tính chiến lược dài hạn. Nay gặp được thời cơ tốt sẽ dễ dàng bứt phá hơn.

Tuy nhiên, chừng ấy sẽ không đủ. Chúng tôi đang mạnh tay đầu tư để hoàn thiện các mảnh ghép trong hệ sinh thái giáo dục trực tuyến tại Việt Nam để từ đó gia tăng trải nghiệm người dùng đa dạng và tiện lợi. Xét về mặt vị thế, HOCMAI là thương hiệu gắn liền với chiều dài phát triển của Edtech Việt Nam nên chúng tôi cũng tự thấy rằng, mình có trách nhiệm trong việc góp phần định hình chiến lược phát triển cho toàn ngành tại Việt Nam.

Đại dịch đã mang cơ hội bứt phá đến Edtech. Theo dự đoán của ông, hậu Covid, giáo dục trực tuyến Việt Nam sẽ phát triển thế nào?

Sau dịch, thị trường vận động sẽ rất nhanh, với cú hích từ Covid-19, bản thân cơ quan quản lý nhà nước và các nhà trường cũng sẽ có sự đầu tư nhiều hơn bởi họ nhận ra được một số lợi ích hoặc nhận thấy một số rủi ro cần phòng ngừa thông qua giai đoạn đóng cửa trường học.

Sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia hơn, thị trường sẽ mở rộng và nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhanh chóng vào cuộc, tranh thủ cơ hội này. Theo thống kê của Edtech Agency hiện có tới hơn 650 doanh nghiệp đang tham gia thị trường giáo dục trực tuyến.

Mức độ canh tranh sẽ ngày càng nhiều hơn. Quan trọng hơn nữa là Edtech sẽ đa dạng hơn từ nội dung cũng như các mô hình học tập thay vì như trước đây chỉ nổi bật ở các dịch vụ VOD (video on demand). Các công nghệ mới cho giáo dục sẽ được áp dụng mạnh mẽ hơn. Có thể kể ra đây như các hình thức học tập trực tuyến kết hợp trực tiếp, học tập thích ứng hay học tập cá nhân hóa.

Tuy vậy, ngành cũng sẽ phải đối diện với thách thức lớn khi hành lang pháp lý chưa tương ứng với  tốc độ phát triển của ngành. Vấn đề bản quyền nội dung giáo dục trực tuyến là ví dụ. Quan điểm cá nhân tôi là thuyền to thì sóng lớn, có thách thức thì mới có động lực phát triển. Doanh nghiệp Edtech thành công là doanh nghiệp sớm cho khách hàng nhận thấy học trực tuyến thực sự khác với cái mà họ được hoặc phải trải nghiệm trong 2 năm đại dịch. Bằng không, doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều nguồn lực, bao gồm cả thời gian để thuyết phục khách hàng.

Với nguồn vốn từ khối nội thì sao? Các nhà đầu tư trong nước có quan tâm đến Edtech, thưa ông?

Từ năm 2020, HOCMAI nhận được đầu tư từ Galaxy Entertainment & Education (GEE), tập đoàn quy tụ những người sáng lập nên các thương hiệu công nghệ “thuần Việt” trong lĩnh vực công nghệ, và đã rất thành công trên thị trường như nền tảng giải trí xem phim online Galaxy Play, công nghệ tài chính ví điện tử MoMo… Các nhà đầu tư trong nước thực sự rất quan tâm đến Edtech.

Khác với những thương vụ đầu tư tài chính, hợp tác HOCMAI – GEE có giá trị lớn về mặt đồng hành chiến lược. Các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm sản xuất nội dung số sẽ tư vấn dựa trên thế mạnh vốn có của HOCMAI để phát triển thương hiệu này thành một nền tảng giáo dục toàn diện trong hệ sinh thái của Galaxy Education, phục vụ số đông người Việt với dải sản phẩm đầy đủ, trải dài từ mầm non đến THPT.

Kết quả đầu tiên của chiến lược kiến tạo hệ sinh thái giáo dục Galaxy Education là ICAN, một thương hiệu tập trung vào đào tạo Tiếng Anh và Lập trình. Đây là hai kỹ năng mềm cần thiết cho học sinh trong thời đại số. Các chương trình đào tạo của ICAN đều được xây dựng hết sức linh hoạt để học sinh ở bất kỳ đâu đều có thể dễ dàng tiếp cận. Cùng với đó là ứng dụng ICANKid là ứng dụng giáo dục sớm cho trẻ mầm non với cách tiếp cận “Chơi mà học” đồng hành cùng với hàng loạt đối tác nổi tiếng trên thế giới như Pearson, Cocomelon…

HOCMAI kết hợp với Facebook triển khai chương trình “Tư duy thời đại số” trên Nền tảng Hocmai.vn

Từ bước chuyển mình khá thuận lợi này, chúng tôi tin, HOCMAI & Galaxy Education sẽ tạo nên bước nhảy vọt về người dùng cũng như tạo nên một hệ sinh thái giáo dục số hoàn chỉnh cho trẻ từ 2-18 tuổi.

Tham vọng đó, có bao gồm cả việc đưa thương hiệu HOCMAI “xuất ngoại”?

Trong 3 năm tới, HOCMAI vẫn sẽ chú trọng phục vụ người dùng trong nước. Chúng tôi tin, thị trường trong nước đủ lớn để chinh phục và tạo nên sứ mệnh của mình. Giáo dục là câu chuyện của mỗi quốc gia, mỗi địa phương vì đó không đơn thuần là kiến thức mà còn là vấn đề văn hóa, lịch sử của quốc gia.

Xin cảm ơn ông về những trao đổi.


Báo Thanh Niên
22.03.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.