Nhân dịp năm mới 2020, ông Phan Ngọc Thọ đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện, như một dịp để trải lòng về “Giấc mơ Huế” mà ông đang nhen nhóm.

Từ khi được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (tháng 6.2018), ông Phan Ngọc Thọ trở thành “hiện tượng” lãnh đạo có phong cách làm việc xông xáo, cởi mở, gần dân. Ông gần như trở thành người bận rộn nhất xứ Huế, với lịch làm việc dày đặc.

Đầu tiên là cuộc vận động phụ nữ Huế mặc áo dài ít nhất 1 buổi trong tuần làm việc. Những ngày nghỉ dịp Quốc tế phụ nữ 8.3, Phụ nữ VN 20.10, ông chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế miễn vé tham quan cho phụ nữ cả trong nước và quốc tế khi mặc áo dài truyền thống vào tham quan di tích. Ông còn dành 2 ngày nghỉ cuối tuần để tham gia phong trào Ngày chủ nhật xanh; thăm người dân sống “treo” trên Kinh thành Huế; gặp nữ công nhân vệ sinh môi trường, dự giờ trong lớp học tại ngôi trường thuộc Dự án trường học hạnh phúc; thay đổi giờ làm việc, buổi sáng từ 7 giờ 00 (cũ) thành 7 giờ 30’ đến 11h30’,  buổi chiều từ 13 giờ 30 (cũ) thành 13 giờ  đến 17 giờ, trong các đơn vị, cơ quan hành chính nhà nước để phù hợp điều kiện thực tế...

Bức ảnh ghi lại cảnh ông Thọ đưa người dân Thượng Thành, Eo Bầu đi xem nơi họ sẽ tái định cư trong cuộc đại di dân đã gây xúc động. “Hàng chục năm ở tạm bợ, giờ san đất, hỗ trợ, mời dân ra ở một nơi chả khác gì khu đô thị mới. Dân không chảy nước mắt mới lạ!”, nhà báo Lê Phương (Đài PT-TH Thừa Thiên-Huế) viết trên trang Facebook cá nhân về hình ảnh bà Trương Thị Huyền (67 tuổi), một hộ nghèo sống treo trên Kinh thành Huế bật khóc khi được xem nơi định cư mới...

Đầu năm học mới 2019-2020, ông Phan Ngọc Thọ đã có bức thư xúc động gửi thầy cô giáo phụ huynh và học sinh trong tỉnh, kêu gọi cùng bắt tay xây dựng “Giấc mơ Huế”.

Trải lòng về “Giấc mơ Huế”, ông chia sẻ: “Từ khi còn là học sinh rồi đến những ngày ra Hà Nội học tiếng Nga 1 năm để chuẩn bị cho du học ở Liên Xô, thời điểm đất nước còn khó khăn. Vào những ngày nghỉ, trên những chuyến tàu đêm từ Hà Nội để trở về Huế, phải ngồi trên những bao hàng hay đứng chen chúc suốt hành trình hơn 2 ngày liền. Khi tàu đến ga Huế đã là 3-4  giờ sáng. Bước chân xuống ga Huế, đi bộ dưới những hàng cây dọc theo đường Lê Lợi để về nhà (nhà cũ ông Thọ lúc ấy ở đường Lê Thánh Tôn, P.Thuận Lộc, TP.Huế-PV) nhìn dòng sông Hương yên bình, sâu lắng…tôi đã có những phút xao lòng kỳ lạ. Một cảm xúc lạ lùng nao nao mà đến giờ nhớ lại tôi vẫn thấy nao lòng. Huế của mình đẹp và yên bình chi lạ nhưng vẫn còn nghèo. Từ lúc ấy, tôi đã trăn trở khát khao cống hiến cho quê hương mình, làm sao cho Huế ngày một đẹp hơn, giàu hơn.  Tôi mơ đến một xứ Huế, nói rộng ra là Thừa Thiên- Huế giàu có…” Ông Phan Ngọc Thọ, trải lòng.

Ông bảo, người ta nói rằng Huế đã từng sang trọng trong dĩ vãng và phải giàu có trong hiện tại. Giấc mơ đó không có gì xa vời. Nhưng làm sao người dân Huế ít thất nghiệp nhất, để con em Huế có nhiều việc làm nhất, thu nhập bình quân đầu người phải cao hơn… “Vì vậy, Huế phải phát triển nhanh trên nền tảng của kinh tế trí thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa”, ông tâm sự.

Trong suy nghĩ của vị Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, xứ Huế không có điều kiện để phát triển công nghiệp như các địa phương ở 2 đầu đất nước, vì vậy phải định hướng phát triển theo kinh tế tri thức, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ kỹ thuật cao… Huế đang phấn đấu trong vài năm tới có khoảng 10.000 người làm việc trong lĩnh vực IT, để có tên trong “bản đồ” công viên phần mền quốc gia. Du lịch với Huế là ngành kinh tế mũi nhọn, lại cũng phải có nền nông nghiệp kỹ thuật cao, nền nông nghiệp sạch…

Ông thực sự đã “làm gương” trong câu chuyện gần dân, qua những ngày chủ nhật xanh và những điểm sáng khác của xứ Huế gần đây. Ông bảo, lăn vào đó mà làm, nhưng không hề hình thức, không để “phô diễn”. “Khi thực hiện mô hình Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, chúng tôi đã chọn “giải pháp may đo”. Thực tiễn nhu cầu của người dân đang cần cái gì thì chúng ta sẽ triển khai dịch vụ đó, đặt hàng “may” chiếc áo vừa vặn với nhu cầu và nguồn lực của mình”, ông nói.Chúng tôi đặt giả thiết với ông Thọ, rằng có lo nghĩ gì khi nhiệm kỳ công tác không còn dài, thế hệ lãnh đạo kế tiếp liệu có tiếp nối “Giấc mơ Huế”…

“Người ta hay nói tư duy nhiệm kỳ, nhưng tôi nghĩ khác. Các chương trình, dự án, giải pháp… được triển khai đều vì hạnh phúc của người dân. Tôi nghĩ bất cứ lãnh đạo nào sau này cũng đều phải lấy người dân làm trung tâm, nên những gì chúng tôi làm hôm nay đều chắc chắn sẽ được tiếp tục. Đó là xu thế không thể khác”- Ông Phan Ngọc Thọ bày tỏ miền tin lớn.

Bài: Bùi Ngọc Long

Ảnh: Bảo Minh -  Ngọc Minh

Báo Thanh Niên
01.01.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top