Trần Lê Bảo Quyên, tiếng dương cầm dạt dào cảm xúc như biển. Trần Lê Quang Tiến, tiếng vĩ cầm đĩnh đạc, vững chãi như núi. Chị và em, mỗi người đi theo một con đường, nhưng cùng mang theo hành trang là sự nghiêm túc khổ luyện, đam mê và khát khao được cống hiến cho âm nhạc cổ điển VN.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh âm nhạc, hành trình trưởng thành, lòng tự hào về truyền thống gia đình và cả nỗi khắc khoải xa xứ.

Quyên đến với cây đàn piano như thế nào?

Mẹ đã nhận ra tôi có năng khiếu âm nhạc ngay từ lúc tôi còn nhỏ. Mẹ kể, tôi thường chăm chú theo dõi và lắng nghe những video ca nhạc rồi đánh nhịp hay nhún nhảy theo đến mức không thiết tha điều gì. Còn ba tôi là một tiến sĩ chuyên ngành vật lý, nhưng ngay từ khi tôi chưa sinh ra ông đã nói, nếu vợ ông sinh đứa con đầu lòng là một cô con gái, ông nhất định sẽ đi sắm một cây đàn organ.

Cả ba và mẹ tôi đều không hành nghề liên quan đến âm nhạc nhưng thật may mắn rằng họ luôn có ý thức tìm hiểu và yêu quý nghệ thuật. Bởi vậy, họ tuyệt đối trân trọng và ủng hộ con cái đi theo con đường này một cách vô điều kiện. Tôi bắt đầu học đàn từ khi lên 5 tuổi.

Còn Tiến từ học piano đã chuyển sang violon, có khoảng thời gian ngừng lại để học múa, vẽ, rồi lại quay về với violon. Điều gì khiến cậu bé Tiến khi đó quyết định gắn bó với cây đàn violon?

Thường thì mỗi người đều phải trải nghiệm qua nhiều thứ để xem mình tốt với cái gì. Với tôi, khó mà chỉ thử một thứ rồi khẳng định “tôi sẽ làm cái này cả đời”. Việc thử đó của tôi hóa ra lại rất có ích cho hiện tại. Trong ngôi trường mà tôi đang theo học, sinh viên được yêu cầu phải đánh được một nhạc cụ khác nên tôi cảm thấy rất may mắn khi mình đã học piano.

Còn nói về quyết định chọn violon, có một lý do nhỏ là chị gái tôi đã học piano rồi, nhưng lý do quan trọng hơn là tôi thấy gắn bó và kết nối với cây đàn violon. Tôi có thể nói ra những ý nghĩ, cảm xúc của mình qua tiếng đàn của loại nhạc cụ này.

Quyên gọi quá trình học tập của mình là sự tu luyện gian khổ. Vì sao vậy?

Tôi không biết mình đã từng muốn bỏ cuộc biết bao nhiêu lần rồi. Có lúc, tôi chỉ có thể gào lên, có lúc nghiến răng mà khóc, có lúc ngậm ngùi cay đắng và vô cùng tủi thân. Tôi nghĩ rằng mình có duyên nợ, có phận với âm nhạc để bước đi được tới ngày hôm nay.

Học đàn đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có cả sự tự rèn luyện, rèn luyện về kỹ năng, về thể lực, về ngón đàn và cả thần kinh nữa. Khi đi thi, lúc lên sân khấu đều có những áp lực, bởi vậy mình phải rèn luyện trong suốt quãng đường dài và càng sớm càng tốt. Tôi thấy mình là đứa tương đối mạnh mẽ vì năm 18 - 19 tuổi tôi sang Đức khi mà chưa chuẩn bị bất cứ điều gì. Trước đó, tôi như con ngựa bất kham, có quá nhiều cảm xúc, năng lượng, nhưng lại không biết cách làm sao để đi đúng đường, luyện tập đúng cách thức, đặt những năng lượng đó vào đúng chỗ.

Giành nhiều giải thưởng danh tiếng trong nước và quốc tế, Tiến thấy mình có phải đánh đổi điều gì?

 Đi theo con đường này là phải đánh đổi, hy sinh rồi, nhưng tôi nghĩ mình không phải đánh đổi hay hy sinh quá nhiều. Tôi không bị mất đi tuổi thơ. Lúc những bạn khác được đi chơi, đi du lịch, thì có thể tôi phải ở nhà tập đàn. Dù vậy, bố mẹ vẫn đưa tôi đi chơi trong thời gian có thể, cố gắng để tôi có được tuổi thơ như bao đứa trẻ khác.

Việc đi thi, đi biểu diễn ở nhiều nơi khác nhau khiến tôi có lúc thấy căng thẳng, nhưng khi lên sân khấu, tôi lại thấy những khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa với cuộc đời mình. Đó là cảm giác rất đặc biệt khi mình đã bỏ ra bao mồ hôi, thời gian, công sức, tập luyện, để rồi được thăng hoa. Tôi thực sự thấy biết ơn vì đã được chơi đàn.

Tiến và Quyên xuất hiện tại nhiều buổi biểu diễn trong và ngoài nước là một cặp song tấu. Đây là hình ảnh và con đường mà hai chị em muốn xây dựng?

Trần Lê Bảo Quyên: Không, tôi không nghĩ là phải xây dựng gì cả, mà điều đó giống như một bản năng tự nhiên, như một sự gắn kết tình cảm quý báu của anh chị em ruột thịt. Tình yêu thương của hai chị em tôi dành cho nhau rất đặc biệt mặc dù tính cách của chúng tôi hoàn toàn trái ngược. Tôi là người không giấu được cảm xúc, cực đoan trong thái độ yêu - ghét, đôi khi quá cả nể và thậm chí không thể từ chối.Còn em trai tôi thì ngược lại, rất biết kiềm chế và dung hòa tĩnh tại, mọi sự em đều giải quyết uyển chuyển khôn khéo. Cũng như khi chơi đàn, tôi luôn dư thừa năng lượng nhưng kém kiểm soát. Nhưng em trai (cũng có lẽ vì là đàn ông) nên cảm xúc thế nào vẫn giữ được sự điềm tĩnh.

Trần Lê Quang Tiến: Tôi nghĩ hai chị em chơi hai loại nhạc cụ có thể ghép với nhau thế này đã là định mệnh, là số phận được sinh ra để tương hỗ lẫn nhau, nên chắc cũng khó tìm ra được lý do gì để không tiếp tục tập luyện và kết hợp biểu diễn với nhau trong tương lai, dù hai chị em tôi vẫn làm những việc của riêng mình.

Truyền thống gia đình đã ảnh hưởng hay truyền động lực thế nào tới con đường mà Quyên và Tiến đã chọn?

Trần Lê Bảo Quyên: Cụ ngoại tôi (nhà văn Nguyễn Tuân) đã dặn lại con cháu nếu không thật sự có cái tài và cái tâm thì không được phép đi theo bất cứ ngành nghề nghệ thuật nào cả, bởi cụ đã quá thấu hiểu con đường này gian nan và cần thực tài, thực tâm thế nào. Lúc muốn để tôi đi theo học piano chuyên nghiệp, mẹ đã dắt tôi tới trước ban thờ cụ để xin phép. Tôi nghĩ là hai chị em tôi được cụ phù hộ, được hưởng gien từ cụ. Mẹ tôi thì bảo: “Mày có cái trán ngạnh và chất gàn giống cụ” (cười).

Trần Lê Quang Tiến: Tôi luôn cảm nhận được cụ ngoại, ông nội và Tổ đã bảo vệ, giúp mình bước những bước xa được như vậy trong nghệ thuật và phù hộ cho mình có được tầm nhìn trên con đường mình đi.

Vậy còn quan điểm về sứ mệnh của một người nghệ sĩ?

Trần Lê Bảo Quyên: Quá trình đi học này là quá trình tôi tích lũy kiến thức, kỹ năng biểu diễn. Tôi muốn dùng cái đẹp mà cảnh giới cao nhất với tôi là âm nhạc để làm được những việc tốt cho những người xung quanh mình, cho đất nước mình. Chỉ đơn giản thế thôi!

Trần Lê Quang Tiến: Là một nghệ sĩ violon thì bạn sẽ gắn bó với cây đàn, với một họa sĩ là màu vẽ, với một vũ công là sân khấu... Với tôi, cây đàn violon cũng giống như một người bạn ở bên mình suốt đời. Mình dù có phải hy sinh nhiều và phải luôn cố gắng mài dũa để đồng hành cùng người bạn đó.

Quyên và Tiến có dự định gì khi hoàn thành chương trình học tập tại Đức?

Trần Lê Bảo Quyên: Tôi chắc chắn sẽ trở về VN. Những người như tôi ở đây cũng không thiếu. Ở nơi đâu mà tôi có thể có ích thì tôi sẽ an cư ở đó. Tôi muốn ở đâu mà mình có thể làm những điều chưa tốt sẽ tốt hơn, điều chưa tích cực sẽ tích cực hơn. Tôi nghĩ những em nhỏ ở VN cần tôi hơn là ở đây. Tôi luôn thấm thía: không phải đơn giản mà tự nhiên mình sinh ra được là người VN. Mình chắc chắn có duyên có nợ với quê hương của mình, ở một nơi mà có thể luôn vun vén những điều từ nhỏ nhất để nơi ấy ngày càng trở nên đẹp đẽ.

Tôi mong có thể trở về nước vào dịp hè này. Thời gian qua, có lúc tôi cảm thấy khủng hoảng không hiểu điều gì đang xảy ra. Điều đầu tiên tôi muốn được làm khi trở về là nhìn thấy ba mẹ, được ôm lấy họ. Tôi thấy thật khủng khiếp khi không được chạm vào ba mẹ mình. Nếu điều kiện cho phép, tôi và em trai sẽ cùng tham gia biểu diễn với dàn nhạc, gây quỹ từ thiện, dùng chuyên môn của mình để làm được việc có ý nghĩa.

Trần Lê Quang Tiến: Đi học ở Đức là lần đầu tiên trong đời tôi sống tự lập, xa ba mẹ, xa gia đình, xa ngôi nhà thân thuộc đến nơi xa lạ cũng giống như bơi ra biển. Cũng có những vất vả, có những ngày mong chờ được về nhà ăn cơm, làm những điều mình thích như dạo phố cổ, đi ăn phở..., nhưng tới một đất nước xa lạ, tôi tìm ra được nhiều điều, hiểu thêm về bản thân mình, có thể suy nghĩ về giá trị cuộc đời, về cách sống, cách để mình khôn ngoan hơn, cách để mình trở thành một nghệ sĩ tốt hơn.

Hiện tại và sau này tôi mong muốn được quay trở về, góp ích những điều mình đã học tại đây cho nền âm nhạc cổ điển VN, với vai trò một nghệ sĩ hoặc một thầy dạy nhạc, hoặc cả hai. Nhưng, mọi thứ đều có thể thay đổi nên tôi chỉ biết nỗ lực từng ngày để thực hiện mong ước của mình.

Báo Thanh Niên
21.03.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.