Hoạt động chuyên sâu hơn 20 năm ở lĩnh vực thiết kế nội thất và thành danh tại Đức, châu Âu, khi về lại Việt Nam, hẳn anh ấp ủ nhiều dự tính?

Từ hơn 20 - 30 năm trước, khi về Việt Nam, tôi thường ở các khách sạn Majestic, Caravelle (Sài Gòn), Metropole (Hà Nội)... lưu trú trong khách sạn hầu hết là người nước ngoài, rất hiếm gặp người Việt. Nhưng bây giờ thì khác, Việt Nam chúng ta trong những năm gần đây kinh tế phát triển, nhà cửa xây mới, mức sống thay đổi, tôi muốn trở về để làm một điều gì đó khác biệt trong lĩnh vực thiết kế nội thất. Tôi trở về với mục đích đánh thức những vẻ đẹp, giá trị, định hình một phong cách sống tinh tế hơn, và thoải mái tận hưởng, trải nghiệm những gì giá trị nhất của ngành thiết kế nội thất tôi tuyển chọn từ khắp thế giới, dành cho giới thượng lưu tại quê hương mình.

Tại Đức, anh đã thiết kế nhiều công trình đắt giá, phong cách Âu, đồ nội thất Âu; vậy còn khi hoạt động ở Việt Nam thì thế nào?

Tôi sang Đức từ năm 10 tuổi, từ nhỏ đã thích cái đẹp, mê nội thất, học nghề thiết kế thời trang, bạn bè nhiều người trong giới doanh nhân, nghệ sĩ, nghệ thuật... họ cũng có nhà đẹp, có cuộc sống lộng lẫy, điều đó tạo nên nền văn hóa nhiều ảnh hưởng đến gu thẩm mỹ và phong cách sống và phong cách thiết kế của tôi. Trở về Việt Nam, tôi thấy có nhiều thuận lợi, khi mà những ngôi nhà đúng nghĩa sang trọng với những gì cao cấp, thượng lưu nhất của ngành thiết kế nội thất quốc tế chưa có nhiều. Nên trong hầu hết các thiết kế của tôi dành cho khách hàng, tôi là người giúp khơi gợi, nâng tầm phong cách sống, tạo nhiều cảm hứng sống cho mỗi khách hàng của mình.

Là nhà thiết kế nội thất, nếu được hỏi về nghề, anh sẽ giải thích thế nào?

Nhiều người còn hiểu sai công việc của nghề thiết kế nội thất. Nội thất người ta hiểu là bàn ghế, không gian trong nhà người Việt cũng gọi là nội thất. Bởi vậy nhà thiết kế nội thất, không phải là người thiết kế sản phẩm nội thất như bàn, ghế, tủ mà là người thiết kế một không gian. Đó là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Như đầu bếp không phải là người nuôi bò, bắt cá hoặc trồng rau, mà là người dùng nguyên liệu để nấu ra một món ăn.

Ai cũng có thể tự mua nguyên liệu để nấu một món ăn, nhưng muốn trở thành một đầu bếp có 3 sao Michelin, thì phải có từ kiến thức, kỹ thuật đến tài năng sáng tạo.

Bởi vậy nhà thiết kế nội thất không chỉ phối hợp những bàn, ghế với nhau, mà là người đưa ra phong cách tổng thể và là người thiết kế trần, tường, sàn, phân bổ mặt bằng, bố trí nội thất và chọn tất cả vật liệu và màu sắc cho cả ngôi nhà.

Nên khi một người không chỉ muốn có ngôi nhà sang trọng, có văn hóa mà còn phải tiện nghi, thì phải cần đến bàn tay của nhà chuyên nghiệp thiết kế không gian nội thất. Riêng với Thái Công, tôi còn là người tư vấn và đem đến một phong cách sống phù hợp với từng khách hàng, làm sao để khách hàng có thể tận hưởng một cuộc sống thượng lưu đúng nghĩa.

Thông thường khách hàng là người có quyền được lựa chọn nhà thiết kế nội thất, nhưng anh luôn nhấn mạnh mình là người chọn khách hàng, vì sao?

Điều đó thể hiện trong công việc, tôi phải tự tin vào khả năng của mình, và cũng thật can đảm, dũng cảm mới đưa ra điều kiện như vậy được. Nếu bạn không có năng lực thực sự, không ai đến với bạn để phung phí lượng tiền không nhỏ mời bạn thiết kế nội thất.

Anh có thể chia sẻ bí quyết lựa chọn khách hàng cho mình?

Khách hàng nên có gu thẩm mỹ tương đồng và phải có niềm tin vào nhà thiết kế. Nếu chỉ có tiền, thiếu thẩm mỹ và sự tin tưởng, tôi từ chối ngay. Để tôi bắt tay thực hiện thiết kế nội thất và kiến trúc, khách hàng nên ít nhất đầu tư tối thiểu 500.000 USD cho mỗi công trình. Với những công trình lớn, mức tối thiểu còn cao hơn.

Khách hàng nên có gu thẩm mỹ tương đồng và phải có niềm tin vào nhà thiết kế. Nếu chỉ có tiền, thiếu thẩm mỹ và sự tin tưởng, tôi từ chối ngay. Để tôi bắt tay thực hiện thiết kế nội thất và kiến trúc, khách hàng nên ít nhất đầu tư tối thiểu 500.000 USD cho mỗi công trình. Với những công trình lớn, mức tối thiểu còn cao hơn.

Mệnh danh là nhà thiết kế triệu đô, các công trình anh thực hiện rất đắt giá so với mặt bằng chung thị trường. Tiêu chí của anh trong việc thiết kế một ngôi nhà sẽ thế nào, ngoài tiền?

Gồm ba điểm chính: Ấm cúng, sang trọng và vượt thời gian. Trong đó tôi đề cao sự sang trọng, bởi nó thể hiện sự tinh tế, văn hóa, không phô trương lộ liễu ra ngoài. Một ngôi nhà đẹp mà không ấm cúng thì không sống được, yếu tố đẹp tạo nên ngôi nhà, còn ấm cúng là tạo nên tổ ấm. Sang trọng, khác với đắt tiền. Nhiều người mua đồ rất đắt, bày trong nhà, nhưng không thể sang trọng. Cũng giống quần áo đắt tiền, ai cũng có thể mua mặc, nhưng cử chỉ, phong cách không có, thì không thể sang được.

Cuối cùng giá trị tôi muốn mang đến là vẻ đẹp vượt thời gian. Nội thất khác thời trang, thời trang có xu hướng, còn ngôi nhà tôi thực hiện không theo lối đó, chủ nhà ở càng lâu, càng thích hơn, và càng yêu ngôi nhà hơn.

Đặt trường hợp là khách hàng đi chọn nhà thiết kế nội thất để làm nhà cho mình, anh có kinh nghiệm, lời khuyên gì?

Khi muốn xây nhà, nên chọn đơn vị thiết kế, không chỉ xem trên sản phẩm đã hoàn thiện của họ, vì có thể khách hàng chưa đủ kinh nghiệm và kiến thức để nhìn ra cái xấu, cái đẹp. Bởi vậy khách hàng nên tìm hiểu cuộc sống của nhà thiết kế, xem cái tầm của họ như thế nào, đẳng cấp và sự tinh tế đến đâu. Nếu muốn thiết kế không gian sống thượng lưu, nhưng nhà thiết kế không có trải nghiệm và kinh nghiệm lâu năm trong xã hội thượng lưu, thì không thể tư vấn và tạo dựng ngôi nhà sang trọng cho giới thượng lưu được.

Một công trình, đẹp, sang trọng, gây ngạc nhiên từ cái nhìn đầu tiên, đó có phải là điều mong muốn của anh khi bắt tay thiết kế?

Tôi không thích mang lại cho chủ nhân sự ngạc nhiên lập tức, bởi điều đó rất dễ. Điều khác biệt tôi mang lại, đó là các sản phẩm đều hoàn hảo từng chi tiết nhỏ, chỉ khi sử dụng mới hiểu giá trị thực của nó. Thế nên cái ngạc nhiên không xuất hiện ngay, mà phải sau vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng, khi chủ nhân đã lần lượt trải nghiệm, cảm nhận chất lượng những gì tôi mang lại cho cuộc sống của họ, đặc biệt phù hợp với họ. Cái ngạc nhiên khi ấy xuất hiện, và tồn tại mãi.

Các thiết kế nội thất của anh mang một phong cách khác lạ so với mặt bằng chung của thị trường, ở khía cạnh thẩm mỹ, hẳn cũng nghe khen chê nhiều chiều, anh nghĩ gì về những nhận xét như thế?

Người khen tôi cũng không vội mừng. Chê bai, phê bình tôi luôn sẵn sàng đón nhận, và tỉnh táo nhận định những khen - chê ấy đến từ đâu, cuộc sống người đó ra sao, kinh nghiệm sống đến đâu, chuyên ngành là gì... Chê bai lẫn khen, nếu không nền tảng, chỉ là nhận xét rất hời hợt kiểu: rối mắt, ngợp, đẹp hoặc xấu. Người có chuyên môn thiết kế nội thất cao cấp, nhìn không gian sống, có thể đoán biết gu thẩm mỹ, văn hóa, kiến thức, sự tinh tế và đẳng cấp của chủ nhà. Thí dụ, người sống thượng lưu, hiểu biết, chắc chắn không chọn mua chiếc ghế hàng nhái kiểu Baroque, mà sẽ chọn những nhà sản xuất có lịch sử hơn cả trăm năm. Thậm chí còn thấy được vẻ đẹp và sự tinh tế của phong cách hoàn toàn khác, hơn cả sở thích cá nhân của họ.

Những công trình tôi thiết kế và những ngôi nhà đẳng cấp thượng lưu trên thế giới, không thể diễn tả qua vài hình ảnh. Hình ảnh không thay thế đôi mắt thực tế, không tả được mùi thơm, càng không tả được cảm xúc lớp vải nệm và cảm nhận trọn vẹn tổng thể không gian. Chỉ có người sở hữu, sống, thấu hiểu giá trị sản phẩm nội thất cao cấp, mới có đủ kiến thức đưa ra những phê bình thú vị và chuẩn xác nhất.

Tiếp cận nhiều nền văn hóa, có lối sống hưởng thụ, thượng lưu, anh có ứng dụng vào thiết kế của mình những vốn sống ấy?

Tôi mang lại nhiều không gian sáng tạo, giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm nội thất cao cấp của thế giới, những lối hưởng thụ cuộc sống chưa bao giờ họ biết đến. Trong các thiết kế của tôi, tôi luôn muốn đánh thức yêu cầu của khách hàng và cung cấp cho họ đúng những thứ cần thiết, xứng tầm. Tôi lấy kinh nghiệm và vốn sống của mình để ứng dụng vào những thiết kế nội thất.

Lấy ví dụ thiết kế một phòng tắm, tôi quan niệm không phải đi tắm là dơ mới tắm, mà đó là không gian thư giãn, có thể nằm bồn tắm được đặt ngay giữa nhà, ngâm mình trong sữa, nhìn ra vườn, hoặc đọc sách, ngửi thơm sáp đèn cầy, thưởng thức một ly champagne... Không nhiều người có được trải nghiệm đó, tôi muốn mang lối sống hưởng thụ ấy đến khách hàng của mình. Tôi tự tin rằng, muốn nhà đẹp, muốn có cuộc sống hưởng thụ, thoải mái, sang trọng, khác biệt, Thái Công đủ khả năng đáp ứng tất cả.

Anh nhận định gì về nhu cầu khách hàng Việt hiện nay, và trong kinh doanh, việc lựa chọn giữa số lượng, chất lượng, anh cân đối thế nào?

Mức sống người Việt tốt lên rất nhiều, mọi người dễ dàng mặc áo của Chanel, sử dụng túi xách Hermes, đi Rolls-Royce, đeo đồng hồ Patek Philippe...; thế nên không gian sống của họ cũng nên được thiết kế xứng tầm, họ phải ngồi vào cái ghế nào, ai làm ra nó, uống một tách trà ngon, tận hưởng một tác phẩm nhiếp ảnh đẹp... Tất cả những vẻ đẹp nội thất cộng hưởng, giúp cuộc sống trở nên trọn vẹn hơn. Thái Công chỉ có một, mỗi công trình tôi làm cũng chỉ một, tôi đem vào không gian một cuộc sống thượng lưu từ trong ra ngoài cho người Việt thụ hưởng, không thua kém thế giới, và không có sự lặp lại. Tôi không thể chạy theo số lượng, bởi giới hạn thời gian, sức lực cũng có hạn nên không thể chiều hết mọi yêu cầu khách hàng.

Báo Thanh Niên
23.05.2021
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top