>> PHONG AN
Cái chum men xanh trắng cao sáu tấc, niên đại hơn 300 năm, đường hoàng lên máy bay từ TP.HCM sang Singapore mà không gặp bất kỳ trở ngại gì. Một tay buôn trên phố Lê Công Kiều tiết lộ: “Bao nhiêu chả chuyển được, chỉ sợ không có người mua thôi”.
Nhiều món cổ vật, thậm chí cả container gốm Chu Đậu hơn 500 năm tuổi, từ thời Lê Sơ (1427 - 1527) chỉ cần có khách hàng, việc vận chuyển không gì phức tạp.
Hai tuyến đường bộ phổ biến nhất được giới vận chuyển đồ cổ ra nước ngoài sử dụng là Mộc Bài (phía nam) và Móng Cái (phía bắc).
Cổ vật khi theo cửa ngõ Mộc Bài sẽ đến thị trường Campuchia, nhưng đây chỉ là nơi trung chuyển. Điểm đến trọng yếu hơn là Thái Lan, nơi có trung tâm đấu giá của nhà Christie’s, nhà đấu giá ở RCB (River City Bangkok), cùng vô số cửa hàng, chợ đồ cổ cuối tuần như Chatuchak… Thái Lan từ lâu là một trong những địa chỉ gần nhất đưa cổ vật đến từ VN lên tầm cao mới, giá trị hơn, đẹp hơn khi tiếp cận được những nhà sưu tập đa quốc gia.
Lợi thế khi đi bằng cửa khẩu Mộc Bài là người buôn trong vai khách du lịch, theo các hãng xe buýt khởi hành TP.HCM - Phnom Penh. Hành lý trên xe, khi qua cửa khẩu, không phải khệ nệ lôi xuống, kiểm tra cũng qua loa nên đây là cung đường vận chuyển an tâm nhất. Từ Campuchia, đồ cổ an vị thời gian ngắn tại các tiệm lớn bên hông chợ Nga, đường 450, hoặc tiếp tục lên cửa khẩu Poipet sang đất Thái.
Vali chứa đồ cổ di chuyển theo xe kéo từ cửa khẩu Poi Pet sang chợ trời Roeng Klaue, Thái Lan
Chúng tôi từng theo chân T.L, lái buôn đồ cổ từ Campuchia sang VN và ngược lại, trong một chuyến xuất ngoại cùng lô đĩa da đá (đĩa vẽ tranh trắng, cốt đanh, trên 100 năm, xuất xứ Trung Quốc (TQ), có nhiều ở Phú Yên, Bình Định) và hơn chục đĩa gốm cổ Chu Đậu. Đồ được gói trong va li du lịch, thong thả đến Pnom Penh, đi tiếp taxi lên Poipet. Sớm hôm sau, mớ đồ cổ vẫn nguyên đai nguyên kiện lên các xe đẩy tự chế, thuê người đẩy từ Poipet sang chợ trời Roeng Kluea nổi tiếng trên đất Thái. Trong chợ có các tiệm đồ cổ với chủ tiệm là người Việt, nguồn hàng cũng chủ yếu nhập từ VN.
Còn cửa ngõ Móng Cái, thị trường khổng lồ đương nhiên là TQ. Từng có thời, đồ sứ xanh trắng có nguồn gốc TQ, niên đại từ 300 năm trở lại thuộc các thời Minh - Thanh như lục bình, đồ trà, đôn, chậu, thống… được thương lái TQ lặn lội đến tận miệt quê vùng ĐBSCL, gom hàng và xuất đi theo đường Móng Cái.
Mã Gia, một tay buôn cổ vật người TQ đến từ Hải Nam, đã gom lượng lớn đồ đồng với lư, các thể loại tượng thờ, binh khí. Trong số những cổ vật chuyển ra nước ngoài, đồ đồng cổ có vẻ khó khăn và dễ bị “làm luật” hơn bởi chỉ nhìn qua đã thấy cổ kính, hoen gỉ, lên ten xanh lét, nên khi qua hải quan rất dễ bị nhòm ngó, kiểm tra đủ điều.
Khác với gốm sứ, nhiều hiện vật được giữ gìn, nước men sáng trưng, mới không khác gì đồ hiện đại và cách chuyển qua biên giới thật đơn giản. Quen Mã một thời gian khá lâu, trở nên thân tình, Mã kể chuyện chuyển hàng: “Hàng gom ở Lê Công Kiều, đóng thùng xốp bay ra Hà Nội, từ đây thuê xe chở lên Móng Cái. Ghép vào các vựa hải sản là nhanh, rẻ và an toàn nhất, vì mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn thùng xốp chứa hải sản chuyển qua khẩu, kèm vài thùng đồ cổ mấy ai để ý đâu. Chỉ cần hẹn ngày giờ và địa chỉ nhận hàng ở bên kia biên giới, sang đến nơi là có sẵn, rất tiện”.
Một tay buôn thâm niên ở chợ đồ cổ Lê Công Kiều cười khì nói như thế về chuyện vận chuyển đồ cổ ra nước ngoài. Những dòng cổ vật cao cấp sẽ sử dụng đường bay (số lượng ít) và đường biển (số lượng nhiều). “Bây giờ đồ trong nước ít dần, dân mua cũng hạ nhiệt. Vài năm trước, lúc thị trường rộ hàng, đồ vớt biển lên từ các con tàu đắm, chuyển đi bằng đường tàu biển cả container còn được”, tay buôn nói.
Đường bay, tưởng là khó, nhưng lại được nhiều tay buôn lớn từ Singapore, Hàn Quốc, Indonesia dùng vận chuyển những hiện vật quý hiếm. Người viết mới đây chứng kiến một giao dịch về cái hũ đời Nguyên (1271 - 1368) được vớt lên khi hút cát trên sông Văn Úc (đoạn An Lão, Hải Phòng). Hũ men huyết đỉa, vẽ cúc hóa phụng. Ở thị trường cổ ngoạn thế giới, bất kỳ món đồ Nguyên nào xuất hiện cũng gây sốt bởi độ quý hiếm và vẻ đẹp tuyệt mỹ của nó. Giá mỗi món đồ Nguyên hoàn hảo đều triệu USD trở lên.
Thông thường đồ Nguyên khi phát hiện ở VN chủ yếu men xanh trắng, phần nhiều ở dạng tô, chậu, đĩa, bình. Món đồ đi từ Hải Phòng về Hà Nội, được tiết lộ đã hơn 250 triệu đồng, trong khi hiện trạng bể miệng, nứt đôi giữa thân, gần rời. Chỉ sau vài tin nhắn, giới buôn từ Thượng Hải, Quảng Châu, Singapore, Indonesia… sốt xình xịch, đùng đùng ra giá và lập tức bay sang VN.
Ngay trong đêm ấy, chiếc hũ được chuyển vào TP.HCM. Ba tay buôn đồ cổ lớn, thường xuất hiện trong các phiên giao dịch đồ Nguyên ở nhà đấu giá Christie’s Thượng Hải có mặt ngay sáng hôm sau. Đồ được mang lên phòng suite khách sạn Sheraton để các tay buôn kiểm định. Chốt hạ, cái hũ nứt bể được bán với giá trị quy đổi gần 1,5 tỉ đồng. Tiền đô xanh lè, từng xấp được cả ba tay buôn giấu trong thắt lưng lôi ra đếm đủ. Chuyện mua đồ cổ nhanh như mua mớ rau. Và cũng trong ngày, cái hũ theo đồ xách tay rời VN bằng đường hàng không, nhanh như đi chợ.
Thị trường cổ vật VN có rất nhiều món giá trị, quý hiếm, thuộc đồ đồng, gốm, sứ… không chỉ ở đẳng quốc gia mà cả những bảo tàng danh tiếng khác cũng chưa từng gặp. Thế nhưng những hiện vật càng đẹp, độc, quý, giá trị cao, lại rất nhanh đội nón ra đi. Bảo tàng trong nước vẫn mãi chậm chân, bởi nhiều rào cản: tiền, thủ tục, chuyên môn...
“Dính đến bảo tàng, thủ tục rất phức tạp, tiền có khi cả năm sau mới nhận được. Rồi phải họp hành, trình báo, đợi lập hội đồng kiểm định, chưa kể phải “kê” giá cao hơn tiền thực nhận, léng phéng lại bị tịch thu cả hiện vật. Bán cho nước ngoài trả giá nhanh gọn, tiền tươi, mua xong biến mất, thế cho nhẹ đầu. Đồ giá trị vốn lớn, ngâm mãi có mà đóng tiệm”, một tay buôn tiết lộ. (còn tiếp)
Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: P.A