Đồ từ khí (đồ sứ) có nguồn gốc Trung Quốc (TQ), dù ba chìm bảy nổi khắp các thị trường VN, đến Á qua Âu, cuối cùng cũng trở lại nơi xuất xứ của nó là TQ với giá cao nhất. Gốm Việt cổ cũng vậy, bao năm cứ lần lượt ra đi, nhưng từ hai, ba năm gần đây, những dòng gốm Việt từng bị xem nhẹ, giá bèo so với cổ vật cùng niên đại ở các nước lân cận, đã bắt đầu có số má trên thị trường quốc tế, và người mua cao nhất bây giờ là những nhà sưu tầm VN.

Trên thị trường, số lượng gốm Việt giá trị hiện tập trung nhiều tại các sưu tập tư nhân ở Singapore, Hàn Quốc, Nhật qua con đường mua bán trôi nổi trên thị trường; nhưng hiện vật giá trị, quý hiếm, chủ yếu là gốm hoa lam Chu Đậu niên đại hơn 500 năm trước, lại đang hiện hữu ở Indonesia.

Từ xa xưa gốm Việt đã cùng các tàu buôn theo con đường gốm sứ trên biển, xuất dương đến miền trung đông Java, vùng lãnh thổ thuộc vương triều Majapahit (1293 - 1500).

Cái nôi sản xuất đồ sứ của thế giới là Trung Hoa khi ấy đang bị chính sách hải cấm dưới triều Minh siết chặt. Các lò gốm bản địa khu vực Đông Nam Á như gốm Chu Đậu thuộc triều Lê Sơ (1428 - 1527) của Đại Việt, gốm men ngọc Sawankhalok của vương triều Sukhothai (Thái Lan, 1238 - 1438) có điều kiện lên ngôi, sản xuất và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Theo cổ văn vùng Java là Nagarakretagama do tu sĩ Mpu Prapanca viết năm 1365 ghi rõ mối quan hệ thương mại và văn hoá chặt chẽ giữa đế chế hàng hải hùng mạnh là vương triều Majapahit và Chămpa cùng Đại Việt nở rộ. Bằng chứng là các con tàu chở đầy gốm xuất xứ từ Chu Đậu, theo chuyến hải hành từ Biển Đông, vào dòng sông Brantas - dài nhất miền đông Java - rồi đến Trowulan, miền cố đô xưa nơi vương triều Majapahit tọa lạc.

Trowulan cách thành phố lớn thứ 2 của Indonesia là Surabaya khoảng hai giờ xe chạy, tôi đến trung tâm thông tin về vương triều Majapahit tại Bảo tàng khảo cổ học Sejarah, nhằm tìm hiểu câu chuyện bang giao ngày xưa. Cô nhân viên trực hướng dẫn đầy nhiệt tình khi biết tôi là khách hiếm hoi đến từ An Nam (cách dân khảo cổ Indonesia hay gọi người Việt và các hiện vật đồ gốm cổ xuất xứ từ VN). Không khó để nhận ra trong số các hiện vật khảo cổ vùng cố đô Trowulan hiện đang trưng bày ở bảo tàng, nhiều hiện vật là mảnh vỡ gốm hoa lam Chu Đậu, một số ít gốm cổ Gò Sành… minh chứng mối quan hệ giao thương ngày xưa, đồng thời chỉ ra rằng từ cách đây hơn 5 thế kỷ, Trowulan đã sử dụng gốm Việt cổ trong sinh hoạt thường ngày. Những hiện vật còn lưu lại từ thời kỳ giao thương ấy giờ trở thành những bảo vật trân ngoạn của giới sưu tầm Indonesia và VN.

Nhờ những giao thương quá khứ, gốm Việt trở nên thông dụng với người Indonesia, được nhiều nhà sưu tập săn tìm. Không chỉ hiện vật khai quật ở Indonesia, mà sau này một lượng lớn đồ được trục vớt vào thập niên 1990 từ con tàu cổ đắm ở Cù Lao Chàm cũng được các nhà sưu tập Indonesia thu gom, tạo thành các bộ sưu tập gốm Việt đa dạng.

Theo một chuyến đi săn gốm Việt cổ ở thủ đô Jakarta cùng nhà sưu tập tại Hà Nội, tôi được giới thiệu đến tay cò lão luyện trong làng cổ ngoạn xứ vạn đảo là Rus. Với thâm niên hơn 20 năm trong nghề, nay Rus đề huề nhà biệt thự, xe sang và danh sách dài nhà sưu tập liên lục địa. Rus nắm trong tay những thân chủ sở hữu các bộ sưu tập gốm Việt khủng ở Indonesia. Là dân trong nghề, Rus biết rõ gốm An Nam ngày trước bán đi, nhưng bây giờ đang có phong trào người Việt mua lại rất mạnh, được giá hơn cả khách Singapore, Nhật và Hàn Quốc (những nước có nhiều nhà sưu tập gốm Việt).

Điểm đến đầu tiên là Willy Atma, một nhà nghiên cứu gốm cổ đã về hưu, ở trung tâm Jakarta. Trước khi vào nhà, Rus bỏ nhỏ: “Ông này chướng lắm, ai vào tỏ vẻ biết đồ, không bao giờ mua được, phải ngô nghê như không biết gì, ông sẽ giảng giải cho nghe, nói gì cũng gật thì mới có cửa mua được”. Mở cửa đón tôi là một ông lão khoảng gần 80 tuổi, mặt khó đăm đăm, chậm rãi đưa vào thư phòng với bốn bề mảnh gốm và rất nhiều cổ vật. Món đồ khiến tôi chú ý nhất là chiếc đĩa Chu Đậu, đẹp đến giựt mình tuy có một vết nứt nhỏ. Nhìn kỹ hóa ra chiếc đĩa ấy từng xuất hiện trên cuốn sách khảo cổ, với chú thích ghi rõ thuộc bảo tàng Adam Malik, Jakarta, xuất bản tại Singapore, không hiểu vì sao lại lọt vào bộ sưu tập này?

Nhớ bài giả ngơ, tôi hỏi về nguồn gốc cái đĩa: “Bác ơi, chắc là đồ đời Nguyên của TQ nhỉ?”. Ông già giãy nảy: “Cậu mới vào nghề sưu tầm hả? Đồ Nguyên làm gì có cái này, đồ An Nam đấy”. Thế rồi ông liên tu bất tận về vẻ đẹp của đồ An Nam ở Indonesia, từ câu chuyện giao thương hơn 500 năm trước cho đến những công trình nghiên cứu về hoa văn, màu men lam của gốm Chu Đậu khai quật từ Trowulan mà ông đang thực hiện là “Sưu tập hiện vật từ di chỉ khảo cổ vương quốc Wilwatikta” (Wilwatikta là tên gọi khác của vương triều Majapahit). Vòng vo một hồi, nhà nghiên cứu chốt giá cái đĩa thật chát là 22.000 USD.

Tìm đến nhà sưu tập tên tuổi khác là Pak Poly ở Jakarta, Rus bảo ông này có bà con với cựu tổng thống Suharto. Đến gặp ông Pak vào giấc nhá nhem, nơi ở là một khu biệt thự có người canh gác hai vòng cẩn mật, trong đó la liệt các hiện vật gốm hoa lam Chu Đậu. Đáng chú ý là bộ đĩa năm cái vẽ hình linh thú, một số phủ men tam thái nhưng đã ngả màu. Pak ra giá 91.000 USD cho năm chiếc đĩa, trong đó tính riêng chiếc đĩa xanh trắng vẽ lân vờn mây, viền cánh sen là 41.000 USD. Bộ bảy hũ nhỏ thủy trì, kích thước chưa đầy nắm tay, tróc men được định giá 6.500 USD.

Trong chuyến đi săn gốm Việt ấy, một bộ sưu tập đồ sộ khác chúng tôi được tiếp cận, chủ sở hữu là một bác sĩ (đã mất) nay vợ ông muốn sang nhượng lại, hầu hết đều là gốm men ngọc Sawankhalok vớt từ tàu đắm Hòn Dầm, Kiên Giang. Cũng trong bộ sưu tập ấy, có một số hiện vật gốm hoa lam Chu Đậu đẹp hoàn hảo là đôi nậm và cặp bầu vú (Kendi) với nét vẽ trau chuốt và kỹ thuật men diễn tả trọn vẹn gam màu xanh lam đặc trưng của gốm Chu Đậu. Đôi nậm ra giá 22.000 USD và cặp bầu vú là 25.000 USD. (còn tiếp)

Bài viết/Ảnh: Phong An
Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
06.05.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.