Ứng viên trẻ nhất được Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư năm 2019 là Sĩ Đức Quang, Khoa Toán - tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trong cuộc trò chuyện với anh Quang về hành trình học hành và nghiên cứu của anh, thỉnh thoảng câu chuyện của chúng tôi lại có quãng lặng vì nghẹn lời…

>> QUÝ HIÊN (thực hiện)

"Tôi quê ở H.Thuận Thành, Bắc Ninh, nhưng từ năm lớp 7 thì theo gia đình lên sống ở Hòa Bình, học tại Trường THCS Sông Đà (TP.Hòa Bình, khi đó mới chỉ là thị xã). Cấp 3 thì học trường chuyên Hoàng Văn Thụ. Tôi vốn có sự yêu thích việc học hành một cách tự nhiên, đặc biệt là môn toán. Mà hoàn cảnh của tôi dường như hơi đặc biệt so với bạn bè, khiến cho tôi ngay từ nhỏ đã cảm nhận, được đi học thôi đã là hạnh phúc", anh Quang chia sẻ.

Anh có thể chia sẻ về hoàn cảnh “hơi đặc biệt” đó của mình?

Tôi là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Tôi là người duy nhất được học đến nơi đến chốn. Phần lớn các anh chị tôi đều phải bỏ học giữa chừng (trừ chị gái lớn nhất được học hết cấp 3 khi gia đình tôi còn ở Thuận Thành và chưa khó khăn lắm), thậm chí 2 anh chị trên tôi còn chưa học hết cấp 2. Mặc dù các anh chị tôi ai cũng đều học giỏi (một chị gái hồi đi học còn được xem là học sinh giỏi nhất H.Thuận Thành). Vì thế, tôi sớm ý thức được sự ưu ái của cả nhà dành cho mình khi trong những năm tháng tuổi thơ đó gia đình tôi chưa bao giờ hết khó khăn cả.

Yêu thích học toán từ nhỏ, nên hành trình học chuyên toán, rồi sau này là sư phạm toán…, hẳn diễn ra rất tự nhiên?

Không hẳn thế! Hồi ở Thuận Thành, tôi được gọi vào lớp chuyên toán trường chuyên của huyện (khi đó còn có mô hình trường chuyên THCS cấp huyện - PV). Nhưng tôi chưa kịp nhập học thì gia đình chuyển lên Hòa Bình. Lên đó, tôi học trong một lớp thường, trường thường.

Hồi ấy tôi học giỏi toàn diện, môn nào cũng nhất trong cái lớp thường đó, nên cả cô giáo văn và toán đều muốn cử tôi đi thi học sinh giỏi (HSG) trường. Tôi muốn thi toán, nhưng hôm đến trường để thi, đang lúc chưa tìm ra phòng thi toán thì cô giáo văn gọi tôi vào thi văn. Sau kỳ thi đó, tôi được chọn vào đội tuyển của trường đi thi ở cấp thị xã. Vậy là từ năm lớp 7 đến lớp 9, năm nào tôi cũng được gọi vào đội tuyển của trường đi thi văn. Chắc khả năng học văn của tôi cũng vừa phải nên chẳng bao giờ có giải.

Anh Sĩ Đức Quang (thứ 3 từ phải sang) trong ngày bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Đại học Tây Bretagne, Pháp

Hoặc sau này, khi làm hồ sơ thi đại học, tôi đăng ký vào Học viện Kỹ thuật quân sự, đơn giản là sẽ được “nhà nước nuôi”. Nhưng những tháng cuối cùng ở cấp 3, lúc nào tôi cũng cứ rơi vào một cảm giác rất bần thần, thấy nuối tiếc, cảm giác như mình sắp có một mất mát lớn. Rồi một hôm bạn tôi cho biết là từ vài năm nay nhà nước có chính sách miễn học phí cho sinh viên vào học sư phạm. Thế là tự nhiên trong tôi lóe lên tia hy vọng, vì tôi được vào thẳng đại học (nhờ đoạt giải quốc gia) nên tôi có thể chọn lại. Vậy là tôi chọn sư phạm toán.

Lớp 9 còn đi thi học sinh giỏi văn mà lớp 10 bỗng thành học sinh chuyên toán! Điều lạ lùng nào xảy ra vậy?

Không có gì lạ cả, vì như tôi nói, hồi bé tôi thuộc diện học sinh giỏi toàn diện. Môn nào tôi cũng học hành chăm chỉ, nghiêm túc, học do sự ham hiểu biết thôi thúc, nhưng vẫn hào hứng hơn cả với môn toán, và mơ ước được đỗ vào chuyên toán. Với lại, năm đó tôi là người đỗ tốt nghiệp THCS cao nhất trường, 36/40 điểm, nên được vào thẳng lớp 10 (trường thường). Vì thế, việc thi vào chuyên là một thử nghiệm không làm tôi mất đi cái gì, mà nếu may mắn thì sẽ là “được”.

Năm đó tôi dự thi 2 chuyên, sinh và toán. Môn sinh, tôi là 1 trong 3 bạn đỗ đầu. Môn toán, tôi đỗ nhờ có 5 chỉ tiêu dự khuyết (chỉ dành cho chuyên toán, để sau một quá trình học trường sẽ lọc ra 5 học sinh đuối nhất lớp chuyển sang học các chuyên khác còn thiếu chỉ tiêu). Đương nhiên tôi chọn lớp chuyên toán.

Như vậy là anh bị “lạc”mất mấy năm trên hành trình học toán?

Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã có mấy năm “lạc” sang văn đó. Thậm chí với tôi, đó là một trải nghiệm quý giá nhất trong đời đi học. Nhờ có những năm học văn ấy mà trong tôi được hình thành những tính cách cơ bản mà tôi nghĩ là con người mình cần, chẳng hạn như phẩm tính lương thiện, rồi cái khí khái mà tôi học được ở các tác giả, hoặc ở những nhân vật văn học chúng tôi được học.

Đỗ vào lớp chuyên toán nhờ suất dự khuyết, việc học sau đó để trụ lại được lớp chuyên toán có chật vật lắm không? Có lúc nào anh thấy nản không?

Tôi có một học kỳ đầu tiên vô cùng căng thẳng. Mọi người nói chưa có tiền lệ học sinh lớp thường, lại trường thường có thể đỗ được lớp toán Trường chuyên Hoàng Văn Thụ. Mà đúng là các bạn cùng lớp với tôi đều ở trường chuyên các huyện lên, nên nhiều cái các bạn biết hết rồi mà mình không biết. Thấy giáo lại dạy theo phong cách cho học sinh chuyên, yêu cầu rất cao về khả năng tự học của học sinh, nên lướt nhanh lắm. Nhưng đến học kỳ thứ 2 thì tôi bắt đầu đuổi kịp được các bạn. Hết lớp 10 thì tôi đã tự đọc xong sách giáo khoa lớp 12, đã có thể thử giải đề thi đại học. Lên lớp 11 thì thầy giáo gợi ý tôi thử sức dự cuộc thi chọn đội tuyển quốc gia cùng các anh chị lớp 12, nhưng tôi không tự tin nên không dám. Vì hồi đó, tôi là người duy nhất trong lớp không đi học thêm lớp bồi dưỡng học sinh giỏi (trường tổ chức cho các bạn diện “nguồn đội tuyển”, ngoài diện này mà muốn học thì phải mất phí).

Tuy hồi đầu vất vả thế nhưng tôi chưa bao giờ thấy nản, vì toán chưa đuổi kịp các bạn nhưng các môn khác tôi vẫn giỏi, thành thử điểm bình quân tôi vẫn thuộc diện cao nhất lớp.

Anh Sĩ Đức Quang với sinh viên lớp chất lượng cao K62 Khoa Toán - tin Trường đại học sư phạm Hà Nội

Nghĩa là anh đang ở vị trí “vé vớt” thì nhảy lên tốp đầu?

Cũng có thể hiểu như thế. Lớp 12 lớp tôi có 6 bạn đoạt giải quốc gia, thì 1 bạn giải nhất, tôi giải nhì, 2 bạn giải 3, 2 bạn giải khuyến khích. Nhưng cũng phải giải thích thêm là thành tích này cũng không có gì đáng nói lắm đâu, vì hồi đó giải quốc gia có 2 bảng, Hòa Bình thi ở bảng B. Được giải cao ở bảng A mới thực sự là những bạn giỏi xuất sắc.

Không học thêm tại lớp bồi dưỡng học sinh giỏi là vì hồi đó anh không có tiền đóng học phí?

Cũng không hẳn, chỉ đơn giản là tôi không nghĩ tới, chứ nếu tôi xin tiền đi học thì chắc bố mẹ cũng thu xếp thôi. Có thể là do cái ý thức cố gắng ít làm phiền gia đình nhất nó nằm sẵn trong con người mình nên tôi không nói gì với bố mẹ cả.

Anh có một tuổi thơ nghèo khổ. Vậy anh có thể chia sẻ một vài câu chuyện hồi đó mà vẫn ám ảnh anh?

Suốt 6 năm học phổ thông ở Hòa Bình (từ lớp 7 đến lớp 12), tôi chưa bao giờ có cho mình một góc học tập. Làng tôi ở Thuận Thành, Bắc Ninh là làng làm nghề đậu phụ. Bố mẹ mang nghề đó lên Hòa Bình để mưu sinh. Cả gia đình sống trong một cái nhà thuê khoảng 15 m2, tôi thường học trên một cái bàn mà mẹ kê cho ở ngoài lán… (nói đến đây, anh Quang nghẹn lời, cúi đầu im lặng không nói gì. Vài phút sau, chúng tôi mới có thể tiếp tục câu chuyện).

Lúc học đại học, anh có lo lắng là ra trường sẽ không có tiền “chạy” việc?

Tôi không nghĩ gì đến điều này, vì lúc vào đại học là tôi đã tự xác định cho mình một con đường: học giỏi để được ở lại trường giảng dạy và làm nghiên cứu toán. Muốn thế thì phải có học bổng ra nước ngoài học tiếp. Tôi may mắn được học cao học với thầy Thái (GS Đỗ Đức Thái, khoa Toán - tin Trường đại học sư phạm Hà Nội - PV). Thầy đã giới thiệu tôi với GS Noguchi Junjiro (Đại học Tokyo, Nhật Bản), người giỏi nhất thế giới về lý thuyết phân bố giá trị tại thời điểm đó. GS Noguchi đã đồng ý nhận tôi làm học trò.

Sang Nhật chắc học bổng khá lắm nhỉ? Có thể xem là sau đó anh được “đổi đời”?

Tôi không nghĩ là mình có “đổi đời” hay không! Học bổng cũng tốt, giúp mình đủ sống và tích cóp được một ít, nhưng cũng chẳng đáng là bao so với các bạn ở nhà mà đi dạy thêm nhiều. Trong khi cuộc sống của tôi vẫn thế, ở nhà thì nghiên cứu toán, sang đó vẫn nghiên cứu toán. Chỉ có điều là nhờ sang đó học với thầy Noguchi mà tôi đã trưởng thành, để khi về nước có thể tự làm một mình, dẫn đầu một nhóm nghiên cứu mới và hướng nghiên cứu mới ở VN.

Được biết, tuy còn trẻ nhưng số lượng công bố của anh khá nhiều. Vậy, anh có ước mơ sẽ làm được một công trình tầm cỡ?

Với ngành toán ở VN, hiện nay số lượng bài báo công bố là bao nhiêu không còn quan trọng, vì việc công bố quốc tế là một chuẩn mực rồi, mà quan trọng là phải hướng tới những nghiên cứu chất lượng. Tôi cũng như tất cả những người làm nghiên cứu nghiêm túc trong ngành toán, đều ước mơ được một lần có bài đăng các tạp chí tốp 4. Hiện nay, số nhà toán học VN được đăng bài trên các tạp chí này chỉ khoảng dăm ba người.

Cảm ơn anh!

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: NVCC

Báo Thanh Niên
17.11.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top