>>Nguyên Vân

Song điều mà cả Việt Hoàng và Tuấn Phi đồng quan điểm là không có gì muộn nếu bản thân thực sự muốn thay đổi.

Là một trong những “siêu trí tuệ VN”, tết vừa qua có phải là cái tết đặc biệt của hai bạn?

Tuấn Phi: Đây là cái tết đặc biệt nhất khi em đã hoàn thành mục tiêu “được đại diện VN tham dự thi đấu siêu trí tuệ ở quốc tế” của hơn 2 năm trước. Sau chương trình em còn may mắn được anh Dương Anh Vũ - Trưởng ban cố vấn khoa học Siêu trí tuệ VN, giảng dạy những kinh nghiệm sống và phương pháp học tập, xây dựng lộ trình du học.

Sự lan tỏa của Siêu trí tuệ thế giới cũng như mùa 1 của Siêu trí tuệ VN đã mang đến nhiều cảm hứng, động lực để phấn đấu trong giới trẻ, trong đó có em - từng là một học sinh rớt các nguyện vọng đại học với một trí nhớ bình thường, đã cố gắng rèn luyện để sở hữu khả năng ghi nhớ vượt trội. Em tin rằng chỉ cần cố gắng thay đổi thì sẽ không bao giờ là muộn.

Việt Hoàng: Tết nay cũng khá đặc biệt với em, khi chặng đường của em tại Siêu trí tuệ VN vừa mới kết thúc và dư âm của nó vẫn còn rất sâu đậm. Sức lan tỏa của chương trình rất rộng, điều đó làm em cũng như gia đình được chú ý nhiều hơn (cười).

“Mắt thần” Tuấn Phi, “Bách khoa sống” Việt Hoàng - hai bạn nghĩ sao về nickname (biệt danh) người hâm mộ dành cho mình?

Tuấn Phi: Em cảm ơn mọi người vì đã dành biệt danh đó cho em, nhưng thực sự đôi mắt của em chưa được như “mắt thần” mà mọi người kỳ vọng. Thực ra đôi mắt của em cũng bình thường giống mọi người, ngoài ra em còn bị cận thị nữa (cười).

Việt Hoàng: Em thấy đây là một nickname rất thú vị. Tuy nhiên em vẫn thấy bản thân chưa thực sự xứng đáng với từ “bách khoa”, vì vẫn còn phải học hỏi nhiều lắm. Mọi người cứ gọi em là cậu Kit được rồi (cười).

Hai bạn nghĩ gì về đối thủ của mình ở Siêu trí tuệ VN vòng giao hữu quốc tế?

Tuấn Phi: Em từng biết đến anh Takeru Aoki qua một phần thi Siêu trí tuệ phiên bản Trung Quốc năm 2016. Lúc ấy em rất kinh ngạc với khả năng siêu phàm của anh Aoki. Được đứng cùng anh ấy - cao thủ trí nhớ số 1 Nhật Bản, vừa là huấn luyện viên đội tuyển siêu trí nhớ Nhật Bản cùng với 9 năm rèn luyện trí nhớ và tham gia hơn 20 cuộc thi siêu trí nhớ trên quốc tế - là điều mà em không thể ngờ tới, vừa may mắn và vinh dự.

Việt Hoàng: Em may mắn được gặp và giao lưu với một “tượng đài” của làng trí nhớ thế giới là Simon Reinhard (Đức), đồng thời cũng được tiếp xúc với 5 người còn lại trong biệt đội Siêu trí tuệ quốc tế. Em học được rất nhiều điều từ họ, đặc biệt là khả năng tập trung, sự chính trực cũng như tôn trọng luật chơi và đối thủ. Tuy nhiên, ở phần giao hữu quốc tế vừa qua mọi người đều thấy rằng các “siêu trí tuệ VN” không thua kém gì bạn bè quốc tế, và em nghĩ điểm mạnh của chúng ta chính là tâm lý vững vàng cùng tinh thần chiến đấu mãnh liệt.

Người hâm mộ/người có năng lực đặc biệt có kết bạn, liên lạc để xin được các bạn tư vấn, chia sẻ…bí kíp rèn luyện siêu trí tuệ?

Tuấn Phi: Lượt theo dõi trên trang Facebook của em tăng nhiều. Có rất nhiều người hâm mộ gửi lời quan tâm đến em, liên lạc để nhờ tư vấn… Em cũng có một fanpage, trên đó em chia sẻ một số phương pháp ghi nhớ cùng với những bài viết truyền động lực cho mọi người.

Việt Hoàng: Bạn bè thì không tăng nhiều vì em chỉ kết bạn với những người quen biết, nhưng lượng người theo dõi tăng gấp hơn 10 lần. Tuy nhiên em cần dành thời gian cho việc học và những mục tiêu khác nên ít khi kiểm tra tin nhắn từ người lạ.

Dương Anh Vũ nhìn nhận: “Phần lớn các thần đồng bị trầm cảm vì những tác động tiêu cực từ môi trường sống và giáo dục không phù hợp, rào cản được tạo ra từ sự mất cân đối giữa tài năng và tâm sinh lý”. Hai bạn thấy thế nào?

Tuấn Phi: Từ sau vòng thi quốc tế vừa qua, em cũng theo dõi nhiều bình luận cũng như những bài phân tích về em, có lẽ vì mọi người đặt quá nhiều kỳ vọng nên đã thất vọng về phần thi của em. Điều đó khiến em cảm thấy có phần buồn và rất áp lực. Dù vậy em nghĩ mình đã cố gắng hết sức để vượt thử thách và bình tĩnh trước một đối thủ dày dặn kinh nghiệm cũng như tài năng vượt trội hơn, đó cũng là điều rất may mắn rồi (cười).

Việt Hoàng: Cá nhân em khi còn bé cũng bị gắn mác “thần đồng”, tuy nhiên, em rất may mắn khi bố mẹ đã không để em bị cuốn vào guồng quay của hai chữ “thần đồng” đó. Em nghĩ rằng trí tuệ là điều kiện cần để một con người có thể thành công, tuy nhiên kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp với xã hội mới là điều kiện đủ.

Khi giao lưu cùng sinh viên, các thí sinh Siêu trí tuệ VN đều cho rằng năng lực trời phú chỉ là 1%, còn lại phải do rèn luyện. Hai bạn đã rèn luyện trí tuệ của mình thế nào?

Tuấn Phi: Về khả năng ghi nhớ, một người bình thường có thể nỗ lực rèn luyện được. Bí kíp luyện siêu trí nhớ có rất nhiều và cần một thời gian dài để luyện tập, bởi vì rất khó truyền tải trên những dòng chia sẻ… Còn về năng lực tưởng tượng chân thực - một khả năng bẩm sinh, đối với em nó là một thứ gì đó chính bản thân mình vẫn chưa hiểu được, nên em xin phép chưa dám chia sẻ về năng lực này.

Việt Hoàng: Em không đi theo hướng rèn luyện để phát triển năng lực đặc biệt của bản thân, mà thường tích hợp với những đam mê, sở thích của mình. Ví dụ ngày còn bé em rất thích tìm hiểu về quốc kỳ cũng như thủ đô của các quốc gia, lớn hơn một chút thì về bóng đá, rồi về lịch sử - tất cả đều dựa trên những lĩnh vực mà mình thích. Em cũng nuôi ước mơ tham gia Đường lên đỉnh Olympia từ năm lớp 1, chính vì vậy, chặng đường 10 năm tích lũy kiến thức để đến với Olympia cũng đóng vai trò rất lớn trong thành công của em ở phần thi Bách khoa siêu ô chữ tại Siêu trí tuệ VN.

Hai bạn đã vận dụng những phương pháp trí tuệ này trong ngành học của mình và trong cuộc sống ra sao?

Tuấn Phi: Em đã vận dụng khả năng ghi nhớ của mình vào con đường học thuật - dành thời gian để đọc nhiều sách vở, khai thác những thông tin, kiến thức cần thiết cho công việc lẫn cuộc sống. Còn với khả năng chân thực ảnh, em dành thời gian để tìm cách áp dụng nó một cách hữu ích, ví dụ như giám định tranh ảnh nghệ thuật, tìm kiếm tang chứng, vật chứng trong ngành pháp y…

Việt Hoàng: Em khá thích tư duy cũng như liên kết thông tin, vì thế em cũng định hướng cho bản thân từ trước là sẽ học một khối ngành kỹ thuật. Em cũng rất thích lắp ráp và lập trình, vì vậy em chọn khối ngành Công nghệ thông tin, Điện tử - Viễn thông, Toán tin khi thi đại học, và may mắn là giờ em đã trở thành sinh viên ngành Điện tử - Viễn thông của Đại học Bách khoa Hà Nội. Còn trong cuộc sống, nếu gặp điều gì thú vị, em sẽ lấy điện thoại và lên Google ngay.

Bên cạnh học tập, hai bạn có kế hoạch nào “phát sinh” sau cuộc thi?

Tuấn Phi: Em có kế hoạch để đi du học. Ngoài ra, em cũng cố gắng học tập và dự định sẽ xác lập một kỷ lục trí nhớ thế giới vào thời gian tới.

Việt Hoàng: Có lẽ kế hoạch lớn nhất của em vẫn là hoàn thành thật tốt chương trình đại học. Em cũng sẽ dành thời gian để học ngoại ngữ, tham gia các hoạt động Đoàn - Hội của trường, đồng thời nếu có duyên với một cuộc thi nào khác thì sẵn sàng thử sức.

Ảnh: Vie Channel, NVCC | Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
03.02.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.