>> NGUYÊN HẰNG

Trăn trở này là lý do khiến ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, tập đoàn xây dựng lớn nhất Việt Nam dồn tâm huyết, thời gian, công sức nghiên cứu, viết và cho ra mắt cuốn "Thập kỷ vàng, trang sử mới" phân tích cơ hội để Việt Nam bứt phá thoát bẫy thu nhập trung bình, vươn tới thịnh vượng thành một cường quốc trong các thập kỷ tới. Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Viết Hải xung quanh cuốn sách này.

Đa phần các doanh nhân đều rất bận rộn, thời gian đối với họ quý hơn vàng. Đứng đầu tập đoàn xây dựng lớn nhất nước, đang quản lý hàng trăm công trình, dự án lớn và luôn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của rất nhiều nhà thầu trong và nước ngoài, điều gì khiến ông phải bỏ gần nửa năm và "mất công" viết sách ? 

Ông Lê Viết Hải: Cơ cấu dân số vàng (số lượng người ở độ tuổi lao động lớn hơn gấp hai lần số lượng người phụ thuộc) là một điều kiện vô cùng quan trọng để một quốc gia nhược tiểu bứt phá và trở thành một cường quốc. Cơ cấu dân số vàng thường kéo dài khoảng 30 năm và nhiều quốc gia trên thế giới đã tận dụng triệt để cơ hội này để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển.

Dự báo cơ cấu dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2034. Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra khi dân số Việt Nam trở nên già, một người sẽ phải gánh gồng nuôi con, nuôi cha mẹ và cả gia đình? Thực tế, mức sinh ở Việt Nam đã giảm nhanh, từ năm 2006 đến nay duy trì mức sinh từ 1 - 2 con. Tôi cảm nhận điều này rất rõ ngay trong chính gia đình mình. Cha mẹ tôi có 11 người con, gia đình bên vợ tôi 12 người con. Thế hệ chúng tôi có một nguồn nhân lực thật dồi dào, trên 10 người con cùng chăm lo cho cha mẹ. Nhưng bây giờ gia đình tôi cũng như các anh chị em tôi chỉ có 2 con. Các thế hệ kế tục chắc chắn sẽ không còn được như trước. Không chỉ gồng gánh gia đình, họ còn phải gánh nợ. Nợ công Việt Nam hiện nay vẫn còn rất lớn. Năm 2019 nợ công là 3,48 triệu tỉ đồng, tương đương 56,1% GDP. Nếu các khoản nợ công này không phát huy hiệu quả thì thế hệ kế tục sau thập kỷ này sẽ phải thêm gánh nặng trả nợ bên cạnh gánh nặng nuôi dưỡng người phụ thuộc. Nghĩa là khó khăn càng chồng chất, vậy lấy gì tích lũy tài chính để phát triển và bứt phá? Các nhà nghiên cứu kinh tế có một nhận định rất chính xác, những nước đang phát triển nếu không bứt phá trong giai đoạn dân số vàng sẽ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc.

Chúng ta đã trôi qua 10 năm đầu của giai đoạn cơ cấu dân số vàng (2009-2019). Thập kỷ thứ ba (2030-2040) nhiều khả năng dân chưa giàu đã già như một số nước mà những hệ lụy như tôi vừa nói trên. Do đó thập kỷ thứ hai (2020-2030) hiện nay là thập kỷ tối ưu, một cơ hội cực kỳ quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước. Đó là lý do tôi "mất công", nói theo cách của bạn.

Thủ tướng mới ban hành QĐ 558 về “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” với mong muốn các thanh niên nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và có nhiều chính sách hỗ trợ cho gia đình sinh đủ hai con trong các thành phố có tỷ suất sinh thấp. Theo tôi hiểu thì chính sách này nhằm kéo dài thời gian dân số vàng của Việt Nam để đất nước có thêm dư địa thực hiện chiến lược phát triển kinh tế? Ông đánh giá thế nào về chính sách này và điều đó có làm thay đổi thời gian "thập kỷ  vàng" mà ông vừa nói hay không?

Tôi cho rằng đó là một quyết định hết sức đúng đắn và kịp thời. Bài học đắt giá của Nhật Bản và Hàn Quốc là sau khi hóa rồng đã có mức sinh rất thấp đến nỗi phải nhập khẩu lao động từ nước ngoài để duy trì kinh tế. Thế nên tầm nhìn kéo dài cơ cấu dân số vàng là một chiến lược phát triển bền vững của Chính phủ. Việt Nam cần duy trì bền vững tỷ suất sinh trên toàn quốc, tăng mức sinh tại các thành phố đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh tại các tỉnh có mức sinh cao, nhằm thực hiện thành công chiến lược dân số Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế quốc gia.

Thế nhưng dù chính sách khuyến khích sinh đẻ này có thành công hay không thì theo tôi, cơ cấu dân số vàng trong thập kỷ 2020-2030 vẫn là cơ cấu dân số tốt nhất, vô cùng quý giá bởi thời gian qua đi không bao giờ trở lại.

Trong một bài viết mới đây, Giáo sư Trần Văn Thọ nhận định, Việt Nam đang đứng trước thời cơ thứ 3 đến từ thành công trong việc chống dịch Covid-19... sau khi đã bỏ lỡ 2 thời cơ tính từ năm 1975 tới nay. "Vàng" mà ông đề cập trong thập kỷ tới (2020-2030) có phải cũng bắt nguồn từ lý do này? Ông có thể phân tích rõ hơn các lợi thế của Việt Nam trong "thập kỷ vàng", những cơ hội để chúng ta có thể viết nên "trang sử mới" cho kinh tế đất nước?

Đúng như Giáo sư Trần Văn Thọ phân tích, nhờ thành công trong việc chống dịch, hình ảnh Việt Nam là nước an toàn trong cuộc sống và ít rủi ro trong đầu tư làm cho Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các dòng thác FDI mới từ Nhật và các nước Âu Mỹ... Cần nói thêm sau đại dịch Covid-19, Việt Nam không chỉ là điểm đến lý tưởng cho dòng thác FDI mà còn là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch quốc tế. Tôi cho rằng sau đại dịch Covid-19, trật tự kinh tế của thế giới chắc chắn thay đổi. Hình ảnh Việt Nam qua kỳ tích chống dịch đã được thế giới khâm phục và ngưỡng mộ và đây là cơ hội tốt để Việt Nam xác lập một vị trí xứng đáng hơn, viết lên trang sử mới trong thập kỷ vàng.

Nhìn rộng ra các nước, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có sự phát triển thần tốc, chỉ hơn ba thập kỷ họ đã đưa đất nước lên tầm cao mới bằng công nghiệp hóa các ngành kinh tế mũi nhọn. Trung Quốc là nước có sự phát triển kinh tế thần tốc hơn ba thập niên với chiến lược bốn hiện đại hóa. Với lợi thế của người đi sau, Việt Nam cần phải học hỏi những bài học kinh nghiệm đó để phát triển cân đối, hài hòa và thuận với tự nhiên; đảm bảo môi trường, hạnh phúc con người cùng sự phát triển về kinh tế. Theo tôi, Việt Nam cần chọn con đường phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa các lợi ích cá nhân, gia đình, quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại trên thế giới.

Tôi biết ông có tham vọng xuất khẩu xây dựng ra thế giới từ nhiều năm trước, Hòa Bình cũng là tập đoàn tiên phong qua thị trường Malaysia, Myanmar, Kuwait thi công tìm hiểu. Nhưng thực tế thì thị trường xây dựng Việt Nam đang ở giai đoạn có thể nói là “nóng” nhất với mức tăng trưởng năm 2019 đạt khoảng 9-9,2%, chiếm gần 6% cơ cấu GDP cả nước. Rất nhiều nhà thầu lớn của nước ngoài cũng xem Việt Nam là điểm đến tiềm năng. Thay vì trăn trở tìm cách “xuất ngoại”, cứ khai thác thị trường nội địa cũng “ngon” rồi thưa ông?

Đó chỉ hiện tại và tương lai gần, thậm chí là rất gần. Thực tế, người đến tuổi lao động hằng năm tại Việt Nam rất lớn, giải quyết việc làm là bài toán khó cho quốc gia. Mặt khác trong tương lai xa, khi chúng ta đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng và các công trình dân dụng, công nghiệp, đáp ứng tốt cho phát triển kinh tế thì nhu cầu xây dựng sẽ không còn nhiều. Khi đó, nguồn nhân lực đang dư thừa sẽ gặp khó khăn, sẽ phải làm những công việc không đúng chuyên môn, gây lãng phí. Phát triển ngành công nghiệp xây dựng ra nước ngoài chúng ta không chỉ giải quyết được bài toán công ăn việc mà còn bảo đảm thu nhập cao làm cho lực lượng lao động trong hiện tại, tương lai. Hiện tốc độ tăng trưởng của thị trường đã chậm hơn tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Thị trường xây dựng trong nước đã quá chật chội, bão hòa so với năng lực xây dựng của các công ty. Sự bất đối xứng cung-cầu lâu dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành.

Trong khi đó, ngành xây dựng toàn cầu có thể nói là “khổng lồ” và đầy tiềm năng cho chúng ta khai thác. Tổng sản lượng ngành xây dựng của thế giới năm 2018 là 11.400 tỉ USD, tương đương 750 lần tổng sản lượng toàn ngành xây dựng Việt Nam năm 2019. Dự báo năm 2022 là 12.900 tỉ USD. Ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đang làm dịch vụ cho gần 100 triệu dân tại thị trường trong nước, khi phát triển ra thị trường quốc tế, chúng ta sẽ có cơ hội phục vụ cho hơn 7 tỉ người. Khối lượng khách hàng của chúng ta nâng lên hơn 70 lần nhưng giá trị thu về không chỉ dừng lại con số 70 lần mà sẽ nâng lên rất cao, vì tổng sản lượng của ngành công nghiệp xây dựng toàn cầu như tôi vừa nói, lớn hơn Việt Nam rất nhiều.

"Không bao giờ là thất bại! Tất cả là thử thách", nhan đề cuốn tự truyện, cũng được coi là câu châm ngôn bất hủ của Chung Ju Yung về những gì ông đã trải qua trong suốt cuộc đời để có được một Hyundai ngày này và cho thấy, ngành xây dựng đã đóng vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng kinh tế Hàn Quốc. Tài nguyên, khoáng sản khan hiếm lại trải qua nhiều cuộc chiến tranh loạn lạc nhưng Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc trở thành một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong đó có một phần nỗ lực không hề nhỏ của Tập đoàn Hyundai. Trong cuốn "Thập kỷ vàng, trang sử mới" ông cũng khẳng định, ngành này giữ vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành một cường quốc. Thế nhưng lấy thành công của Hyundai từ gần 40 năm trước để lựa chọn ngành xây dựng trong bối cảnh hiện nay liệu có còn phù hợp hay không ?

Tôi khẳng định, chỉ có phát triển thị trường xây dựng tốc độ cao mới có khả năng thay đổi thu nhập của doanh nghiệp và người lao động. Bởi bên cạnh chuỗi cung ứng trực tiếp như sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất trang thiết bị thi công, dịch vụ tư vấn, thiết kế, dịch vụ B.I.M thì công nghiệp xây dựng liên quan mật thiết với các ngành kinh tế khác như ngân hàng, tài chính, vận tải, bảo hiểm… Nên ngành này phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác phát triển, tạo nên tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia. Tôi nhấn mạnh rằng, chỉ phát triển tốc độ cao và đúng trong thời cơ vàng mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta phải hết sức quyết liệt và mạnh dạn, bởi đây là cơ hội ngàn vàng, con đường tốt nhất đóng góp cho sự phát triển quốc gia. Mỗi cá nhân sẽ đưa thu nhập của ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam ngang bằng với thu nhập quốc tế. Từ công nhân, giám sát cho đến kiến trúc sư, kỹ sư sẽ có mức lương tương xứng. Sự đóng góp của mỗi công dân, mỗi doanh nghiệp sẽ giúp cho quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Về lý thuyết thì đúng là như vậy nhưng thực tế ngành xây dựng trong nước cả về tài chính, kinh nghiệm, công nghệ, thương hiệu... khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia trên sân chơi toàn cầu. Tất nhiên đó chỉ là cảm nhận của cá nhân tôi, là người trong nghề, ông đánh giá thế nào về năng lực xây dựng của Việt Nam? liệu chúng ta có cơ hội thành công khi ra biển lớn không?

Đúng như bạn nói, về tài chính, công nghệ, thương hiệu... chúng ta chưa thể sánh được với các "ông lớn" trên thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể cạnh tranh với họ. Từ hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh và cấm vận, Việt Nam có cơ hội quý giá mà không một quốc gia nào trên thế giới trải qua. Nhờ vào quá trình Đổi mới, nhu cầu xây dựng bùng phát, hàng ngàn nhà đầu tư, nhà cung cấp, tư vấn thiết kế, tư vấn quản lý dự án quốc tế đến Việt Nam. Các nguồn vốn quốc tế viện trợ cho Việt Nam đã được nối lại, giao thương quốc tế ngày càng mở rộng. Cũng nhờ có thời kỳ Đổi mới, hàng trăm ngàn công ty tư nhân Việt Nam được thành lập và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Công nghiệp xây dựng Việt Nam đã góp phần làm thay da đổi thịt hoàn toàn bộ mặt phát triển của Việt Nam. Các công trình nhà ở dân dụng, các nhà máy công nghiệp hay hệ thống giao thông cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển không ngừng. Song song với nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào là tinh thần học tập và khả năng nắm bắt công nghệ, kỹ thuật hiện đại của người Việt Nam ngày một tăng cao. Các công ty xây dựng Việt Nam qua đó đã phát triển mạnh mẽ, từng bước chinh phục các nhà đầu tư quốc tế để thi công các công trình quy mô lớn, yêu cầu kỹ mỹ thuật cao và dần thay thế các nhà thầu ngoại, giảm đáng kể chi phí xây dựng, tăng năng lực cạnh tranh chung của cả nền kinh tế. Các công ty xây dựng Việt Nam đã và đang làm chủ công nghệ mới trong thi công xây dựng qua hàng ngàn công trình đạt chất lượng cao, tốc độ nhanh và an toàn. Một số ít công ty đã xây dựng thành công hệ thống quản lý trên nền công nghệ 4.0, bước đầu áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý dự án. Từ làm chủ thị trường xây dựng trong nước đến vươn ra thị trường toàn cầu là bước đi tất yếu của quy luật vận động phát triển.

Cụ thể thì năng lực của các doanh nghiệp trong nước thế nào khi rất nhiều dự án lớn, trọng điểm đều có bóng dáng nhà thầu ngoại. Nhà thầu nội đa số, vẫn chỉ làm thầu phụ ngay tại chính sân nhà?

Trong số mười nhà thầu hàng đầu trên toàn cầu, doanh thu quốc tế đã tăng nhanh hơn doanh thu nội địa. Điều này minh chứng cho chiến lược phát triển ra thị trường quốc tế là hướng đi chính yếu của tập đoàn đa quốc gia. Ý tôi muốn nói là việc họ có mặt tại Việt Nam và làm tổng thầu ở nhiều công trình cũng là chuyện bình thường. Cũng như chúng ta, khi đã làm chủ thị trường xây dựng trong nước thì cũng đến lúc phải vươn ra thị trường toàn cầu. Đó là quy luật tất yếu của hội nhập nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh.

Bạn có thừa nhận với tôi, khó có thể tưởng tượng, một dự án hiện đại hàng đầu thế giới sản xuất ô tô của Vingroup tại Hải Phòng chỉ hoàn thành trong 21 tháng, một kỷ lục toàn cầu về tốc độ thi công và triển khai sản xuất ô tô. Hay Nhà máy thép Hòa Phát tại Dung Quất với quy mô hàng triệu tấn/năm được hoàn thành trong 18 tháng; Hầm Đèo Cả do nhà thầu Việt Nam thi công với chi phí bằng một nửa nhà thầu nước ngoài; Cầu dây văng Bãi Cháy, cầu dây văng dự ứng lực một mặt phẳng dây, cũng do nhà thầu Việt Nam tham gia thiết kế, thi công... Trong quá khứ chúng ta đã có những công ty làm nên các công trình thủy điện tầm cỡ như nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Lai Châu và Sơn La. Đặc biệt, nhà máy Thủy điện Sơn La với công suất lớn nhất khu vực 2.400 MW do Việt Nam thiết kế thi công (Tổng thầu EPC).

Chúng ta cũng có các công ty cung ứng sản phẩm và dịch vụ xây dựng xuất khẩu uy tín. Ngành gạch ốp lát vị trí thứ 4 trong top 10 nước sản xuất, ngành xi măng thứ hạng 3, ngành xuất khẩu sản phẩm gỗ thứ 5, ngành sắt thép thứ 17... Có thể nói, chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đầy đủ năng lực cạnh tranh trên thế giới.

Đúng là năng lực trong ngành xây dựng của chúng ta đã tiến một bước rất dài so với trước đây. Nhưng để cạnh tranh ở sân chơi toàn cầu, chúng ta có lợi thế gì so với các thương hiệu nhà thầu lớn trên thế giới thưa ông?

Khi tôi đi tham quan nước ngoài, ngay cả Mỹ, Canada, Úc hay châu Âu, khó tìm được một công ty có khả năng thi công cả trăm tòa nhà cao tầng trong một năm. Thế nhưng hiện nay Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã và đang làm như vậy. Hơn nữa, giá thành xây dựng nhà cao tầng cho giới trung lưu của nước ta rất cạnh tranh, nằm trong khoảng từ 400 - 600 USD/m2, trong khi các nước phát triển dao động từ 1.800 - 3.000 USD/m2. Đặc biệt, có những nước rất nghèo nhưng giá xây dựng vẫn rất cao vì họ không đủ năng lực để xây dựng đội ngũ và sở hữu công nghệ xây dựng hiện đại nên phải sử dụng dịch vụ tổng thầu của nước ngoài. Tại các quốc gia phát triển, giá xây một mét vuông lên đến hàng ngàn đô la, chúng ta có thể mang về hàng tỉ USD cho quốc gia. Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm được điều đó. Tại sao Việt Nam không thể làm được?

Chưa kể trong một số ngành mà Việt Nam đang có lợi thế trên thị trường toàn cầu, xây dựng không chỉ có triển vọng nhất với tính cạnh tranh rất cao mà còn là ngành có thị trường toàn cầu lớn nhất. Xây dựng Việt Nam cũng là ngành có tỷ lệ nội địa hóa lớn nhất, tận dụng được chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp nội địa nhiều nhất... Như vậy, nếu thành công trong việc mở rộng thị trường ra toàn cầu thì ngành xây dựng sẽ mang về một nguồn lợi ngoại tệ to lớn, làm tăng tổng thu nhập quốc gia. Tôi nhấn mạnh, chiến lược phát triển ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu là hoàn toàn khả thi, đem lại những lợi ích kinh tế to lớn, góp phần xứng đáng giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thập kỷ vàng và tạo tiền đề để Việt Nam trở thành một cường quốc trong những thập kỷ tiếp theo nếu chúng ta có một chiến lược đúng, có sự quyết tâm, đoàn kết, hợp tác tất cả các nguồn lực.

Thú thực thì tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục với những điều ông nói về năng lực, lợi thế của ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam. Thế nhưng ra "biển lớn", các yếu tố đó liệu đã đủ hay chưa? Còn tiềm lực tài chính, công nghệ, sự hậu thuẫn của Chính phủ trong cơ chế chính sách, trong đàm phán các hiệp định thương mại, thậm chí là trong việc thương thảo các dự án mang tầm quốc gia...?

Chính xác, hiện đa số các công ty xây dựng có vốn chủ sở hữu nhỏ, năng lực tài chính chưa đủ mạnh, nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp lớn lại thường bị chiếm dụng vốn từ các nhà đầu tư nên khả năng tích lũy vốn thấp. Nguồn nhân lực của chúng ta dồi dào về số lượng nhưng chất lượng chưa theo kịp với yêu cầu của thế giới (ngoại ngữ, trình độ và kỹ năng theo chuẩn quốc tế). Nhà thầu Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm thi công xây dựng quốc tế...Đặc biệt, thiếu sự hợp lực và quyết tâm cho mục tiêu chiến lược mang tầm quốc gia.

Nhưng chúng ta có thể khắc phục được. Tỉ phú Warren Buffett đã viết “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Tôi rất tâm đắc với câu nói này, đặc biệt là trong chiếc lược đi ra thế giới của ngành xây dựng. Khi tiến ra thị trường nước ngoài, cần tập hợp các công ty xây dựng, công ty tư vấn thiết kế, quản lý dự án, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị, ngoại nội thất của Việt Nam. Dù vậy, điều quan trọng nhất là chúng ta phải phát triển với tốc độ cao để nhanh chóng khai thác tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng. Thời gian vốn là vàng, trong thập kỷ vàng thời gian còn quý hơn gấp bội.

Cũng đúng như bạn nói, muốn thành công, phải có sự hậu thuẫn của Chính phủ. Khi ký các hiệp định thương mại quốc tế, Chính phủ cần chú trọng đưa vào điều khoảncho phép doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu khác ở nước sở tại; công nhận bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành được cấp bởi các tổ chức giáo dục đào tạo chính quy của Việt Nam; Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu lao động, vật tư, phương tiện thi công, tránh đánh thuế hai lần khi hoạt động ở nước sở tại... Tất nhiên bên cạnh đó là các giải pháp khắc phục các điểm yếu mà tôi vừa nói trên.

Trong cuốn "Thập kỷ vàng, trang sử mới" ông đã đặt lên vai Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhiệm vụ thực hiện mục tiêu chiến lược đưa công nghiệp xây dựng Việt Nam vươn tầm thế giới "bằng lòng yêu nước nồng nàn, bằng nỗ lực lao động sáng tạo không mệt mỏi, bằng niềm đam mê, lòng yêu nghề cháy bỏng cùng quyết tâm kiến tạo những giá trị cao đẹp không chỉ cho Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mà còn cho cả Việt Nam và cho nhân loại trên toàn thế giới". Tôi thì nghĩ đơn giản, mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp cứ sống tốt, làm tốt nhiệm vụ của mình là đã đóng góp rất lớn cho đất nước rồi. Có cần thiết phải gắn các sứ mệnh cao cả trong khi mục tiêu quan trọng nhất của một doanh nghiệp vẫn là tối đa hóa lợi nhuận không thưa ông?

Bạn có quyền đặt câu hỏi, thậm chí nghi ngờ nhưng mỗi sáng thứ hai trên mọi miền của Tổ quốc, các thành viên của Tập đoàn Hòa Bình đều cất lên lời ca: “Ta hăng hái bước tới với trái tim thiết tha yêu đời và với giấc mơ tuyệt vời. Hòa Bình đến khắp trên toàn thế giới, thịnh vượng đến với muôn nhà muôn nơi và ta ước mơ tổ ấm đến cho muôn người. Ta đi khắp thế giới với trái tim thiết tha yêu đời và với giấc mơ tuyệt vời. Một Việt Nam sẽ muôn đời đẹp tươi, một thế giới có muôn người được vui và ta ước mơ một Trái đất luôn xanh ngời...". Không phải bây giờ chúng tôi mới đặt ra vấn đề đó nhưng đây chính là thời điểm, thời cơ, cơ hội. Qua hơn ba thập kỷ hình thành và phát triển, trong sử mới của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vào đúng lúc khởi đầu thập kỷ vàng của Việt Nam và khúc quanh lịch sử của nhân loại sau đại dịch Covid-19. Tôi cho rằng, vấn đề của nhân loại sau biến cố lịch sử của đại dịch Covid-19 không còn của riêng ai. Mỗi chúng ta đều có phần trách nhiệm với tư cách là một công dân toàn cầu.

Cụ thể thì Tập đoàn sẽ làm gì, đóng góp thế nào vào chiến lược này?

Chúng tôi sẽ là nhà thầu tiên phong xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra thị trường toàn cầu trong các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp và hạ tầng. Xa hơn nữa thông qua phát triển kinh tế, Tập đoàn phấn đấu trở thành “đại sứ” cho người Việt Nam văn minh nhân ái và vị tha, đưa thương hiệu quốc gia Hòa Bình thành biểu tượng đẹp của Việt Nam. Với vai trò tiên phong xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp ra toàn cầu, Hòa Bình mong muốn kéo theo các nhà thầu khác, các chuỗi cung ứng dịch vụ khác cùng ra nước ngoài. Một điều chắc chắn, khi phát triển tại nước ngoài, Tập đoàn sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế quốc gia. Ví dụ, một năm Tập đoàn đầu tư xây dựng 30 tỉ USD trong nước thì giá trị sản lượng trong nước chỉ 30 tỉ USD. Tại Việt Nam theo tính toán, 30 tỉ USD xây dựng được 10 triệu m2 và tối đa chỉ 15 - 20 triệu m2. Nếu xuất khẩu được dịch vụ xây dựng tổng thầu và sản phẩm ra nước ngoài, con số thu về cho ngân sách quốc gia sẽ rất lớn.

Đồ họa: Duy Quang

Báo Thanh Niên
10.07.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.