Cuộc gặp gỡ cuối năm 2020, lần đầu tiên tôi bất chợt hóa giải những lấn cấn về Võ Trọng Nghĩa sau cuộc tranh luận thẳng thắn đến xung đột. Cũng chính thời khắc đó, tôi mới đủ tự tin phác họa chân dung Võ Trọng Nghĩa, kiến trúc sư Việt Nam sở hữu nhiều nhất các giải thưởng danh giá trên thế giới.

Lúc thì mờ sáng, khi quá nửa đêm, Võ Trọng Nghĩa nhắn cho tôi những cái tin đầy tính tự sự: "Công trình nhà ở này lại thắng giải nhất trên toàn thế giới hạng mục nhà ở" (kèm theo mấy cái hình gởi qua Viber); "Nhà tre khổng lồ ở Cúc Phương vừa có ảnh sáng nay, công trình này có thể cao lớn nhất Việt Nam"; "Hôm nay có 3 công trình tre siêu lớn bên anh nằm gần tâm siêu bão, mất ngủ cả đêm"; "Thắng 3 giải quốc tế nữa nhé. Có giải "nội thất của năm", mỗi năm một công trình thắng thôi"... Từ chuyện công ty anh đạt giải thưởng này giải thưởng kia; nỗi lo dự án của anh bị bão thổi bay; sắp ra mấy cuốn sách ở Mỹ, Tây Ban Nha cho đến chuyện anh đặt cọc mua xe, mua tivi... Gần như chuyện gì Nghĩa cũng nhắn cho tôi. Tôi không thân thiết đến mức chia sẻ những việc xảy ra hằng ngày của Võ Trọng Nghĩa. Anh cũng chưa bao giờ nhờ tôi bất cứ điều gì liên quan đến báo chí. Nên những tin nhắn của Võ Trọng Nghĩa, có khi tôi trả lời, có khi không. Anh hình như cũng không mấy quan tâm. Có lần Nghĩa kể, anh tỉnh dậy lúc 3 giờ sáng và nhận được tin công ty thắng giải nhất hạng mục nhà ở trên toàn thế giới. Ở thời khắc đó, tự dưng Nghĩa muốn chia sẻ với ai đó. Nghĩa mở điện thoại, lần theo danh bạ và anh chợt nhận ra... anh không còn ai để bấm máy. "Gọi người nào cũng thấy vô duyên vì đã lâu không liên lạc, thậm chí gần như cắt đứt quan hệ. Tôi đóng điện thoại vào và mở bài nói chuyện của Bill Gates ra luyện nghe tiếng Anh nhưng trong đầu tôi vẫn luẩn quẩn suy nghĩ đó". Thế là Nghĩa nhắn cho tôi. "Tại sao lại là em?" "Dù sao thì em vẫn còn nghe và có thể em sẽ giúp được anh lan tỏa việc giữ giới hành thiền" - Võ Trọng Nghĩa trả lời. Tôi hiểu được nỗi cô độc của Võ Trọng Nghĩa. Chưa nói về con đường anh chọn, đồng hồ sinh học của anh cũng rất khác “người thường”.

Một ngày của Võ Trọng Nghĩa bắt đầu lúc 3 giờ sáng, khi đêm chưa kịp qua và bình minh chưa kịp tới. Nghĩa tự học tiếng Anh đến 6 giờ thì thiền, ăn sáng. Từ 7 - 10 giờ Nghĩa luyện tiếng Anh với giáo viên. Từ 10 - 12 giờ anh tới công ty "đã tăng giờ làm theo lời khuyên của em" - Nghĩa nói và cười sảng khoái. Trước kia, Nghĩa chỉ làm việc 1 giờ mỗi ngày. Nói theo cách của Võ Trọng Nghĩa, thiền giúp anh tập trung nên làm việc 1 - 2 giờ hiệu quả bằng làm cả ngày. Tới 14 giờ Nghĩa tiếp tục học tiếng Anh và đi ngủ lúc 20 giờ. "Trời sáng thì dậy, hết sáng thì đi ngủ, thuận theo tự nhiên" - Nghĩa giải thích về thời khóa biểu của mình như vậy. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ, nhưng hiếm hoi. Tôi hỏi Võ Trọng Nghĩa "Có phải giữ giới hành thiền khiến anh cô độc?" "Đúng là tôi gần như không có bạn nhưng tôi không thấy cô độc" - Nghĩa nhấn mạnh và nói: "Trước khi thiền, chưa bao giờ tôi có thể nhìn thấy một dòng sông êm đềm đến thế, đẹp đến thế. Trước khi thiền, cũng chưa bao giờ tôi thấy một người đi qua trong tầm mắt mình đáng cảm thông đến như vậy... Sức chịu đựng của tôi cũng ngày càng lớn. Những thị phi không còn ý nghĩa gì. Bạn sẽ cảm thấy một sự tự do tuyệt vời và sung sướng cực kỳ". "Nhưng không còn ai để chia sẻ, đó cũng là sự trả giá ?" "Không. Sáng ra pha ly trà nhìn dòng sông trôi, tôi thấy cuộc đời bình yên. Chính sự yên ắng, nhẹ nhàng đó khiến tôi tập trung tuyệt đối vào việc mình muốn làm, hiện giờ là cho học tiếng Anh…". "Anh học tiếng Anh để làm gì?" "Tôi muốn chia sẻ về giữ giới hành thiền trên toàn thế giới. Loài người phát triển các thiết bị điện tử, mạng xã hội càng mạnh thì hiểu nhầm giữa con người với con người, giữa các quốc gia khác nhau càng gia tăng. Chỉ giữ giới hành thiền thì những hiểu lầm mới bớt đi vì khi giữ giới hành thiền mỗi người sẽ chỉ chú tâm vào một việc. Chú tâm càng lâu thì càng nhìn rõ bản chất sự việc và sự hiểu nhầm giữa vợ chồng, nhân viên với sếp, giữa những người trong xã hội, giữa các quốc gia sẽ giảm thiểu. Chúng ta càng tĩnh tâm thì càng đỡ khổ. Chính vì thế, tôi muốn giải thích cho mọi người trên thế giới, thiền không phải là cái gì khó cả. Thiền bắt đầu là sự tập trung. Bất kỳ làm cái gì tập trung là sẽ giỏi". "Nhưng tôi vẫn không hiểu anh tốn tiền, thời gian học kiến trúc để rồi giờ lấy thiền làm mục tiêu chính của cuộc đời" "Có nhiều tư tưởng vĩ đại trên thế giới mình cần phải hiểu. Khi tôi nghe Mark Zuckerberg (đồng sáng lập Facebook), Bill Gates (chủ tịch tập đoàn Microsoft), Elon Musk (người sáng lập SpaceX và Tesla) nói trực tiếp bằng tiếng Anh thật thích. Quan trọng hơn, nó phục vụ cho công việc của tôi. Họ có sứ mạng kết nối, tôi cũng mong muốn đi giải thích cho khắp mọi người trên thế giới về việc giữ giới hành thiền. Tôi nghĩ đó là việc lớn. Lớn hơn tất cả các việc khác" - Nghĩa bảo.

Lâu lắm rồi, tôi mới thấy Võ Trọng Nghĩa hứng khởi đến vậy. Có cảm giác Nghĩa như một đứa trẻ con lạc vào khu vườn cổ tích, say sưa khám phá tiếng Anh chứ không đơn thuần là học. Mỗi lần hẹn tôi, trên tay Võ Trọng Nghĩa là cuốn sách tiếng Anh được đánh dấu chi chít. "Chỉ cần luyện IELTS, các chủ đề về biến đổi khí hậu, băng tan thế nào, nguy cơ nguồn nước cho đến nguồn gốc cây cà phê, cao su, nông nghiệp trong đô thị, dịch bệnh... cái gì cũng có. Đó là những kiến thức tuyệt vời mà chỉ biết lớt phớt thì đừng hòng trả lời câu hỏi của họ. Những kiến thức rất căn bản của một con người chân chính (Nghĩa nhấn mạnh chữ chân chính). Họ có một hệ thống kiến thức kỳ diệu để đào tạo con người trước khi vào đất nước họ. Càng học càng ham, ham xỉu luôn" - Nghĩa lý giải. Nhưng sâu xa hơn, học tiếng Anh với Võ Trọng Nghĩa vẫn phục vụ cho mục tiêu lớn nhất của cuộc đời hiện nay, đó là giữ giới hành thiền. "Tôi luôn tự hỏi tại sao tôi không sinh ra vào thời có Đức Phật, tại sao tôi không may mắn đến thế. Nên tôi muốn đọc những gì Đức Phật nói một cách nguyên bản nhất có thể. Đến gần Đức Phật khó khăn lắm, không đơn giản đâu”.

Tôi không hiểu lắm những điều Võ Trọng Nghĩa nói về giữ giới, phát triển thiền định, thiền tuệ, về khả năng quán kiếp này, kiếp khác. Trong kiến thức hạn hẹp của mình, tôi luôn rạch ròi giữa đạo và đời. Với tôi, người tu, giữ giới hành thiền, theo đạo cũng đồng nghĩa với rũ bỏ bụi trần, không còn tham, sân, si. Nhưng Võ Trọng Nghĩa mà tôi biết, đâu đó vẫn rất đời. Chuyện anh thích xe hơi; anh phải tính toán lời, lỗ khi vận hành doanh nghiệp; anh muốn mở rộng quy mô công ty; anh mặc quần jean, áo pool hợp thời trang... Võ Trọng Nghĩa giải thích, nhiều người mặc định đi tu mặc phải thế này, thế kia nhưng giữ giới hay không mới là quan trọng. Anh đang giữ 5 giới cơ bản là không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm (trong cùng một thời điểm chung thủy với một người), không sát sinh (không nhất thiết phải ăn chay) và không uống bia rượu, hút thuốc lá. "Thoát khỏi tham sân si phải đắc tầng thánh rất cao. Còn chuyện một người đi tu nổi cáu là hoàn toàn bình thường, đừng cố gắng không nổi cáu. Cái cần cố gắng là giữ giới, đó là điều Đức Phật dạy, không phải là cái đạo mạo bên ngoài. Nên cũng đừng đòi hỏi họ phải thế này, thế kia. Chỉ cần nhìn họ có giữ giới không, có hành thiền định không, hành thiền tuệ không. Khi đắc thánh thì sẽ tự cắt hoàn toàn với tham, sân, si chứ không phải tu cái là hết liền" - Nghĩa giải thích. Võ Trọng Nghĩa tuân thủ nghiêm ngặt 5 giới mà anh giữ. Thế nên mới có câu chuyện cô con gái 5 tuổi muốn anh đọc chuyện cổ tích cho nghe, Nghĩa trả lời: "Thưa con, chuyện cổ tích người ta hư cấu. Ba đọc có thể phạm giới vì nhồi vào đầu con những chuyện không có thật. Con làm ơn tự đọc lấy đi". "Nhưng tôi thấy anh vẫn còn tham, sân, si ?" - Tôi hỏi thẳng, Nghĩa cũng trả lời thẳng: "Đúng là nhìn thấy xe hơi đẹp, tôi vẫn thích. Tôi đam mê các mẫu thiết kế xe. Vẫn 4 cái bánh đó, chỗ ngồi đó... cứ chỉnh qua, chỉnh lại một tí là nó khác. Hôm nay một mẫu này ra, mình nghĩ là đẹp nhất rồi, chuẩn nhất rồi, không thể hơn được nữa. Nhưng họ chỉnh một tí, nó lại ra một phiên bản khác, đẹp hơn, tinh tế hơn. Vì thế tôi rất tò mò mẫu sau họ thiết kế như thế nào. Ưu điểm xe hơi là thiết kế một mẫu nhưng làm ra hàng ngàn, hàng vạn cái... nên họ đầu tư rất kỹ. Kiến trúc không giống vậy, kiến trúc không thể nhắc lại. Phải đắc thánh tầng cao nhất mới chấm dứt được những cảm xúc này". "Cứ cho là cảm xúc thì chưa thể dứt ngay, còn chuyện công ty anh vẫn gởi hồ sơ tham dự giải thưởng này, giải thưởng kia trên thế giới... không phải vì danh, lợi thì vì cái gì?". "Ở Việt Nam vẫn tồn tại tâm lý tôi là chủ đầu tư, anh phải tìm đến tôi. Ngay cả nhân viên của chủ đầu tư cũng có tâm lý đối tác phải đến cầu cạnh họ. Thế nên, đạt những giải thưởng quốc tế uy tín thường xuyên, liên tục, đều đặn giúp tôi không phải đi đâu, không phải xin xỏ, tiếp khách, ăn nhậu vẫn có thể nhận được hợp đồng, dù chưa nhiều. Còn ở công ty, chúng tôi không mời nhau một ly trà đá vì giải thưởng" - Võ Trọng Nghĩa trả lời.

Là kiến trúc sư Việt Nam đạt nhiều nhất các giải thưởng lớn trên thế giới, được nhiều nước xuất bản sách nhưng với Võ Trọng Nghĩa "nếu kiến trúc mọi người cho là tôi có một vài kết quả nào đó thì thiền tôi tốt hơn nhiều. Ví dụ quán các kiếp quá khứ, tương lai... là những việc rất khó với người hành thiền nhưng tôi đã đạt được". Nghĩa luôn nói vậy nhưng đâu đó trong câu chuyện giữa chúng tôi, khát vọng về thương hiệu kiến trúc Việt Nam vẫn cháy trong Võ Trọng Nghĩa. Sau hàng loạt giải thưởng uy tín, Vo Trong Nghia Architects nhận được khá nhiều hợp đồng ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Sáng ngồi với tôi, Võ Trọng Nghĩa có 3 buổi phỏng vấn với các công ty của Mỹ, Ấn Độ và Thuỵ Sĩ. Trước đó, rất khó để chen chân vào những thị trường này bởi Việt Nam chưa có một thương hiệu kiến trúc được thế giới biết đến. "Nên mình là tốt cỡ nào thì cũng chưa có được sự tin cậy của họ. Các giải thưởng đã khiến họ hết băn khoăn và các hợp đồng ở nước ngoài ngày càng nhiều hơn. Chính cái đó lại giúp mình càng rảnh rỗi vì họ liên lạc qua mail là chủ yếu" - Nghĩa lại cười sảng khoái.

Bên cạnh các giải thưởng quốc tế danh giá, năm nay có 6 cuốn sách về Võ Trọng Nghĩa được xuất bản ở nhiều nước như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật... "Hy vọng những cái này sẽ tiếp tục xóa nhòa khoảng cách giữa kiến trúc sư Việt Nam và quốc tế. Thiền nó kỳ diệu ở chỗ đó. Làm cứ làm, học tiếng Anh cứ học, mọi cái đều rất rõ ràng, rất tốt. Không phải làm là thôi học và ngược lại" - Nghĩa nói. Đó cũng chính là khoảnh khắc tôi nhận ra sự đồng nhất giữa một Võ Trọng Nghĩa kiến trúc sư và một Võ Trọng Nghĩa đang muốn lan tỏa giữ giới hành thiền trên toàn thế giới. Đó cũng là khoảnh khắc cái cảm giác "sai sai" về Võ Trọng Nghĩa trong tôi chính thức được hóa giải. Và tôi mở máy viết về Võ Trọng Nghĩa.

Sau các loạt bài về Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, nhiều bạn đọc gởi mail cho tôi nhờ kết nối với Vũ, không ít trong số đó, xuất phát từ các biến cố trong cuộc sống. Võ Trọng Nghĩa cũng không phải ngoại lệ. Đó là những năm 2012, kiến trúc của Võ Trọng Nghĩa chưa được chấp nhận trong khi khát vọng làm ra những công trình đẹp, khát vọng xanh hóa thành phố đốt cháy anh. Cộng thêm những căng thẳng đời tư, Võ Trọng Nghĩa rũ bỏ tất cả, tìm đến thiền. Một cách bất ngờ, thiền giúp anh cân bằng dần. Không còn cảm giác bất lực, không còn nổi nóng đập bàn - đạp ghế khi mọi việc “chệch” ra ngoài mong muốn. Người ta không thuê anh vẽ thì anh làm miễn phí những công trình nhỏ cho thỏa nỗi khát nghề. Nhưng cuộc đời vốn luôn tiềm ẩn những bất ngờ. Khi không nghĩ tới, Võ Trọng Nghĩa lại nhận được giải thưởng lớn trên thế giới từ chính các công trình này. Những vướng mắc tự cởi, những nút thắt tự tháo... Võ Trọng Nghĩa đón nhận một xúc cảm hoàn toàn mới mẻ về chính bản thân mình. "Tôi phát hiện ra mình bớt nóng tính, mình không còn ghen tị chuyện người khác làm, một cảm giác sung sướng không sao tả xiết xâm chiếm con người tôi. Cứ hình dung, nếu bạn vẫn cáu giận, bạn làm được gì? Nhờ thiền, tôi cân bằng dần, năng lực phát huy gấp bội. Thiền thật kỳ diệu". Năm 2017- năm thành công nhất của Vo Trong Nghia Architects nhưng Võ Trọng Nghĩa quyết định qua Myanmar thiền vì với anh giờ đây, không có gì quan trọng hơn. "Ban đầu thiền giúp tôi thành công vì tập trung và cân bằng hơn. Nhưng nội dung chính của thiền là giác ngộ và tôi muốn đi theo con đường đó. Tôi nhận ra trước đây, làm gì đó tôi cũng không bằng lòng, không đồng ý và chỉ khi tới với thiền, tôi mới thấy thật sự thích, thật sự đam mê". Đến với thiền ban đầu cũng từ sự thất vọng về bản thân mình nhưng Võ Trọng Nghĩa khẳng định, coi thiền là một nơi dựa dẫm khi thất bại, đau khổ... là hoàn toàn không đúng. "Tôi bắt đầu thiền để cân bằng cuộc sống nhưng đó là một nỗ lực khủng khiếp. Sáng từ 4 giờ 30 thiền và nghe pháp thoại 12 tiếng/ngày không hề đơn giản. Nên đừng nhầm tưởng con đường tu tập là dễ dàng. Không thể có chuyện đau khổ rồi vào đó dựa dẫm được đâu. Nó đòi hỏi sự dũng cảm, trí tuệ và dấn thân nghiêm túc. Người ta còn phải đau khổ rất nhiều trên con đường giác ngộ. Nên đã đắc thiền rồi quay ra làm kiến trúc thấy quá đơn giản. Bởi nỗ lực có sẵn, kham nhẫn có sẵn, sự tập trung có sẵn..." - Nghĩa nói.

Khi mới quen, Võ Trọng Nghĩa nói với tôi rất nhiều về hành thiền giữ giới. Nhưng sau nhiều cuộc tranh luận, tôi vẫn bảo lưu quan điểm về việc mỗi người nên đóng góp cho đời theo cách của mình, bằng công việc của mình, không phải chỉ có hành thiền giữ giới, Nghĩa không nói nhiều nữa. Nhưng tôi biết, anh vẫn không từ bỏ ý định nếu có cơ hội. Nghĩa bảo, một người dù làm lớn đến đâu, uyên bác đến đâu, giàu có đến đâu, thành công đến đâu... cũng có những đau buồn. Loài người bất kỳ là ai đều phải trải trải qua các cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố; sinh, lão, bệnh, tử. "Mọi người cứ nói sống cho hiện tại. Đúng. Cũng nhiều người nói, cứ hưởng thụ cuộc sống này đi, bận gì phải hành thiền giữ giới cho khổ. Nhưng muốn sống như vậy, cũng không đơn giản. Biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên từng ngày, ngập mặn xâm lấn..." - Nghĩa cáu khi tôi vẫn ngoan cố lập luận theo quan điểm của mình. "Nếu em xem clip tảng băng khổng lồ tan và rơi xuống biển em sẽ thấy, con người không thể chống đỡ nổi, không có sinh vật nào có thể sống nổi. Hay đợt bão vừa rồi ở miền Trung, cấp 17 là không thể tưởng tượng nổi, mà cuộc đời thì ngắn lắm. Năm nay tôi 46 tuổi. Nếu cứ "tua" một vòng là hết 365 ngày thì chỉ "tua" vài chục vòng nữa là hết một đời người rồi. Nên tu tập, tích lũy qua nhiều kiếp mới giải thoát con người khỏi khổ đau. Hay ít nhất, nó cũng khiến mỗi người thay đổi về chất" - Võ Trọng Nghĩa tận dụng cơ hội để tranh luận với tôi, ý rằng sự thay đổi trong chính con người anh, là minh chứng rõ nhất. "Trước khi thiền, với tôi làm ra những công trình đẹp, xanh hóa thành phố... nhờ sự nỗ lực vĩ đại. Đến nay tôi vẫn theo đuổi nhưng trên cơ sở kết quả tất yếu của sự chú tâm. Sự nỗ lực vĩ đại bây giờ là học tiếng Anh để chia sẻ những lợi ích của thiền cho những người khác. Đó mới là việc thực sự quan trọng cho xã hội chứ không phải kiến trúc. Còn kiến trúc, đương nhiên làm tốt hơn nhờ kết quả của việc thiền tốt" - loanh quanh với Võ Trọng Nghĩa vẫn là hành thiền, giữ giới. Cũng vì mục tiêu này, Võ Trọng Nghĩa đã quyết định tháo bỏ quy định giới hạn quy mô công ty để tránh áp lực cơm áo gạo tiền trước đây. "Nhiều người đến công ty vì họ muốn thiền, muốn được ở trong môi trường giữ giới. Càng nhiều người muốn hành thiền, giữ giới là điều kỳ diệu trong xã hội, tại sao mình lại giới hạn" - Nghĩa giải thích bằng một mệnh đề.

Vo Trong Nghia Architects nổi tiếng với quy định bắt buộc phải thiền và giữ 5 giới. Những người vào làm việc tại đây phải qua một khoá thiền 14 ngày, mỗi ngày thiền 4 tiếng. Sau đó hằng ngày, mọi người đều dành 2 tiếng để thiền, không có ngoại lệ. Thậm chí với Võ Trọng Nghĩa, người nào thiền được nhiều hơn, có thể giảm giờ làm xuống. "Nếu có những người vì mưu sinh nên họ miễn cưỡng phải hành thiền giữ giới để vào công ty chứ thực tâm họ không muốn thì sao?" "Vì chuyện mưu sinh mà họ giữ giới hành thiền, đó cũng là cái phước của họ. Nhưng giữ giới hành thiền kỳ diệu ở chỗ nếu không tự tâm, tự nguyện, nếu chống đối sẽ không có kết quả. Trước đây cơ cấu nhân sự tại Vo Trong Nghia Architects là 40% người nước ngoài, 60% người Việt để giao thoa và sáng tạo. Nhưng sau khi áp dụng về thiền thì người Việt lại giỏi hơn trong khi lương chỉ bằng một nửa. Thế là tôi tăng lương cho người Việt và giờ công ty chỉ còn một người Nhật và một người Đức gốc Việt, còn chủ yếu là kiến trúc sư học nước ngoài về. "Giỏi hơn là sao, tôi vẫn không hiểu" "Như tôi đã nói, thiền là một sự chú tâm. Bạn cứ hình dung thế này, động cơ của mình là 100 phân khối, thiền nó làm thành 1.000 phân khối, 10.000 phân khối. Như ánh sáng mặt trời, nếu nó chiếu như thế này, nó không có năng lực gì cả. Nhưng nếu có một cái kính lúp khổng lồ hội tụ lại một điểm thì nó sẽ đốt cháy mục tiêu" - Nghĩa nhẫn nại giảng giải.

Khi quyết định viết về Võ Trọng Nghĩa, tự trong lòng tôi, những thắc mắc, những câu hỏi, những nghi ngờ... đã phần nào đó có câu trả lời (theo cách mà tôi nghĩ). Nhưng có một việc đến giờ tôi vẫn không đồng ý, đó là anh quyết định cho cô con gái 6 tuổi của mình tự học ở nhà thay vì đến trường. Thực ra trước khi đưa gia đình về Việt Nam cuối năm 2019, Võ Trọng Nghĩa đã nói với tôi về việc đi học của con gái anh. Thế nhưng hiện anh đã thay đổi  quyết định. "Con bé còn quá nhỏ để hiểu việc này quan trọng thế nào với cuộc đời một con người, anh không thể quyết thay con bé một việc như vậy" - tôi phản đối.

"Tôi đang tìm cách giữ tuổi thơ cho nó. Hình ảnh của trẻ em bây giờ mà tôi thấy rất nhiều là béo phì, đeo kính cận, vác cái ba lô thật nặng đi học. Gia đình 2 bên cũng tạo sức ép rằng phải đi học cho có bạn nhưng đi học bây giờ cũng làm gì có bạn. Suốt ngày cắm đầu vào làm bài tập, không còn thời gian ra công viên chơi, đi bơi, thả diều, bắt chim, bắt dế. Ở nhà mới có tivi Nghĩa mới mua phục vụ việc học tiếng Anh nhưng không có mạng nên muốn giải trí bắt buộc con phải học chữ để đọc truyện cổ tích. Thế là hắn đọc hết cả truyện ngắn, truyện dài. Trẻ con 6 tuổi, tiếng Việt chỉ cần biết đọc, biết viết là được rồi. Tương tự với tiếng Anh, học mấy tháng là hắn đã tự đọc Chuyện Frozen-Elsa bằng tiếng Anh ngon lành" - Nghĩa lý giải. Võ Trọng Nghĩa kể, tuổi thơ của anh ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có ai được học nhiều đâu. Trường nằm trong rừng, lớp dựng từ mấy cây bạch đàn, mỗi lần bão đến lại đổ sập nên học sinh nghỉ học hoài. "Mọi người cứ ép học kiến thức cho nhiều nhưng ngay chính trong gia đình tôi đây có 7 anh chị em, ba mất, có mỗi mẹ thì bị suy nhược, gần như không có bữa nào no. Chúng tôi còn phải lo làm, thời gian đâu mà học nhiều. Cũng nhờ thế mà sau này tôi mới còn sức mà học. Hồi ở Nhật, tôi nổi tiếng là ít học nhưng vẫn học giỏi vì trước kia không có thời gian học, giờ mỗi học có gì mà không giỏi. Học lúc nào cũng được, thiếu cái gì, cần cái gì thì học cái đó, đừng bắt học dàn đều ra. Con gái tôi cũng vậy, sau này lớn thấy cần học gì thì lại học thôi. Có sao đâu" - Nghĩa nói, thoải mái và đơn giản. Dù không đồng tình, tôi không tranh luận nổi với Võ Trọng Nghĩa. Chỉ hy vọng đến một lúc nào đó con gái anh tự đề đạt đến lớp, đến trường, anh chắc chắn sẽ tôn trọng ý nguyện của con gái, như anh đã từng làm với đề nghị muốn xuất gia của cô bé.

"Vấn đề không phải là tôi muốn. Khi con gái mới 3 tuổi, tôi đưa cả gia đình qua Myanmar thiền. Một ngày, con bảo muốn xuất gia, tôi không thể cấm dù biết xuất gia con sẽ không được ăn tối, kể cả uống sữa. Tôi nói rõ và bạn ấy vẫn quyết định xuất gia. Tôi tôn trọng ý muốn của con gái, tôi không ép con cái điều gì".- Nghĩa kể

Khoảng hơn 1 năm trước, tôi có gặp con gái Võ Trọng Nghĩa khi cô bé mới 5 tuổi. Ngoài vóc dáng gầy guộc, đầu cạo trọc và nói rất rành rọt về chuyện muốn xuất gia, con chạy nhảy tinh nghịch và hồn nhiên như những cô cậu bé cùng trang lứa. "Con nhịn ăn tối có đói không?" - tôi hỏi. "Đói thì con uống nước là hết đói" - cô bé trả lời, trong veo. Tôi thuyết phục con, nếu đói thì cứ ăn, đừng nhịn. "Ăn là phạm giới" - giọng con lảnh lót, hồn nhiên nhưng tôi vẫn không thấy thoải mái. Với một “người thường” như tôi, trẻ con cần được ăn, học, vui chơi đầy đủ.

Việc giáo dục con trong gia đình Võ Trọng Nghĩa cũng chỉ có một tôn chỉ: Việc đó có phạm giới hay không? có thất kính với ai không? Nếu không thì bỏ qua. Việc không thất kính, không phạm giới nhưng làm sai một lần, đã được nhắc nhở vẫn tái phạm thì sẽ bị phạt bằng cách ngồi thiền. "Nên con gái tôi có sự tự do khủng khiếp. Nhờ sự tự do đó, nó tự học, đọc tiếng Anh, tiếng Việt siêu đẳng luôn. Hắn đọc về đất nước Ý, về thành London, về Việt Nam. Ba nghe những bài phát biểu của Tổng thống Trump bằng tiếng Anh, hắn cùng ngồi xem cùng và nhận xét, bình luận bằng tiếng Anh. Học thế thôi chứ học gì nữa" - Nghĩa nói.

Võ Trọng Nghĩa mới nhận được lời mời thỉnh giảng của trường Đại học Columbia (Mỹ) và anh coi đó là cơ hội để thực hiện mục tiêu lan tỏa việc hành thiền giữ giới trên toàn cầu…

Nghĩa vẫn thế. Tới cuộc hẹn với quần Jeans, áo Pool đơn giản nhưng hợp thời trang và vẫn tranh thủ mọi cơ hội để nói về giữ giới hành thiền với người đối diện. Chỉ là cảm giác sai sai trong tôi thì không còn nữa...

Báo Thanh Niên
15.02.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.