Chia sẻ với Thanh Niên, chị Nguyễn Lê Thị Túy Hạnh, doanh nhân đang sinh sống tại Bali (Indonesia), cho biết khi mới theo chồng sang nước bạn vào năm 2003, chị gần như không biết “mùi vị” tết Việt là gì. Nhiều năm sau, khi cộng đồng người Việt tại Bali được thành lập, chị Hạnh trở thành trưởng nhóm và dần nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.

“Cứ mỗi dịp tết, nhóm người Việt ở Bali lại tập trung ở nhà mình để đón giao thừa, làm các món ăn ngày tết như bánh chưng, dưa món. Các bé cũng được xếp hàng nhận lì xì, được chơi lô tô. Không khí hệt như ở Việt Nam”, chị Hạnh chia sẻ. Với chị Hạnh, cộng đồng người Việt ở Bali như một liều thuốc tinh thần. “Được gặp đồng hương, nói tiếng Việt khiến mình cảm thấy như còn ở nhà”, chị nói thêm.

Cộng đồng người Việt ở thành phố Melbourne (bang Victoria, Úc) cũng khá đông và thường có nhiều hoạt động tưng bừng khi xuân đến. Anh Nguyễn Tấn Khoa, chuyên viên marketing tại Úc, hay cùng vợ và bạn bè ra các khu có nhiều người Việt tham gia hội chợ tết. Cùng sinh sống tại Melbourne, anh Võ Lý Hoài Vinh, nghiên cứu sinh tiến sĩ, có cách ăn tết trầm lắng hơn. “Tôi thường đi chùa rồi quay lại làm việc tiếp vào mùng 1 tết. Vì tôi chỉ sống một mình nên cũng không bày mâm cỗ hay làm gì cầu kỳ. Tôi cũng ăn chay vào ngày đầu năm để nhớ về ngày tết ở Việt Nam”, anh Vinh kể.

Tại Phần Lan, kỹ sư phần mềm Nguyễn Hồng Ngọc luôn dành ra vài tuần trước tết để chuẩn bị cho đêm giao thừa. “Tết nào mình cũng bày mâm ngũ quả, trang trí nhà cửa và thỉnh thoảng tổ chức tiệc cùng bạn bè. Trước đó, mình sẽ làm dần các món như bánh tét, dưa chua, thịt kho. Dù người Phần Lan không ăn tết âm lịch, nhưng ngày cuối năm, mình thường cắp giỏ đi chợ và cảm thấy đó như ngày 30 tết vậy”, chị Ngọc nói.

Chị Nguyễn Lê Minh Phương, giáo viên tiếng Anh tại Mỹ, cho biết khi ở Denver (bang Colorado), chị ăn tết khá “tưng bừng” vì cộng đồng người Việt ở đó tổ chức rất nhiều hoạt động. Mỗi dịp tết, chị đều trang hoàng nhà cửa, làm bữa cơm cúng gia tiên với các món cầu kỳ và đi chùa vào mùng 1. “Mình muốn làm những điều này để mang đến không khí ấm cúng, vui vẻ cho gia đình, nhớ lại những kỷ niệm và giúp con gái được trải nghiệm văn hóa Việt Nam”, chị Phương tâm sự.

Chị Hạnh cho biết đầu năm 2021, chị chỉ có thể làm một bữa ăn nhỏ và mời vài gia đình đến vào đêm giao thừa chứ không đón tết chung với cả cộng đồng vì quy định phòng dịch của Indonesia. Các sự kiện tại Melbourne, thành phố nổi tiếng nhiều lễ hội, cũng bị hủy toàn bộ do dịch Covid-19 khiến anh Khoa và anh Vinh chỉ có thể ở nhà trò chuyện với gia đình. Trong khi đó, tại Phần Lan, chị Ngọc không thể gặp bạn bè và tổ chức tiệc ngày tết do lệnh phong tỏa.

Vì vậy, khi nhiều nước bắt đầu phủ vắc xin và gỡ bỏ các lệnh phong tỏa trong năm nay, người Việt ở nước ngoài đều mong có một cái tết náo nhiệt, trọn vẹn hơn.

Thành phố Melbourne vừa trải qua đợt phong tỏa dài nhất thế giới, vì vậy anh Khoa hy vọng các lễ hội tết sẽ quay trở lại. “Thời gian qua, mọi người chỉ có thể ở nhà nên không giải quyết được nhu cầu giải trí. Tôi nghĩ các hoạt động ngày tết ở đây sẽ rất đông đúc”, anh Khoa nói. Trong khi đó, anh Vinh cho biết anh sẽ sắp xếp thời gian để gặp họ hàng, bạn bè. “2 năm qua, tôi không gặp được ai cả, nên cảm xúc cũng bị dồn nén”, anh Vinh chia sẻ.

Với chị Hạnh, năm nay sẽ lại là một cái tết đầm ấm với cộng đồng người Việt ở Bali. “Người Việt ở đây ai cũng đều nhớ nhà, nhớ tết nên mọi người đang mong chờ các hoạt động sắp tới”, chị Hạnh cho biết. Phần Lan cũng gỡ bỏ các biện pháp hạn chế nên chị Ngọc sẽ tiếp tục tổ chức tiệc giao thừa với bạn bè.

Trong khi đó, kỷ niệm về ngày tết là điều những người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài không thể quên dù xa nhà đã nhiều năm.

6 năm ở Mỹ là 6 cái tết chị Mai Trần, họa sĩ tranh in tại bang Minnesota, không có gia đình bên cạnh. Chị cho biết thời điểm tết thường rơi vào mùa đông ở thành phố Mankato, nơi chị sinh sống. “Khi đó bão tuyết dữ dội lắm, nhìn đâu cũng chỉ thấy trắng xóa. Vì vậy, tôi thèm cái nắng ấm, cây cối đâm chồi, nảy lộc, hoa mai nở vàng rực khắp nơi như ở Việt Nam”, chị Mai chia sẻ với Thanh Niên.

Với anh Lê Hoàng Bình Nguyên, kỹ sư của Công ty Robert Bosch tại Đức, hình ảnh rõ nét nhất trong tâm trí khi nghĩ về ngày tết là những kỷ niệm lúc bé. “Nhà tôi ở Biên Hòa, Đồng Nai. Tết đến, xóm tôi sẽ cùng gói bánh chưng, nấu chung trong cái nồi to và cho con nít nhóm lửa. Dù chỉ ngồi nhìn nồi bánh chưng đến sáng thôi nhưng vui lắm. Giờ tôi ở Đức rồi nên đâu còn làm vậy được nữa”, anh Nguyên tâm sự.

Anh Đinh Tùng, kỹ sư tại Na Uy, lại nhớ nhất món bánh tét của mẹ. “Nhà chỉ mình tôi thích ăn nếp nên tôi về thì mẹ mới gói bánh tét”, anh Tùng cho biết. Anh cũng muốn được đi chợ hoa tết, vì đây là điều anh làm cùng ba mỗi năm khi còn ở quê nhà.

Chia sẻ với Thanh Niên, bạn Nguyễn Lê Uyên Phương, đang theo học thạc sĩ tại Anh, cho biết gia đình mình có một nhóm trò chuyện để bàn về kế hoạch ăn tết. “Nhìn mọi người nói về việc đi chơi tết, mình thấy lạc lõng lắm vì không thể ở bên cả nhà. Nhưng mình không buồn vì thấy mọi người háo hức, mình cũng vui theo”, Phương nói.

Với anh Nguyễn Mẫn Huy, chuyên viên phân tích ở Hà Lan, thời gian tuyệt vời nhất là giai đoạn chuẩn bị cho ngày tết và anh rất thích sự vui vẻ, nhộn nhịp lúc đó. Cùng suy nghĩ, bạn Nguyễn Trần Minh Khôi, phiên dịch viên tại Canada, cho biết mình muốn lại được đắm chìm vào không khí náo nức của tết Việt và ăn những món đặc trưng của dịp tết.

Cả chị Mai, anh Nguyên, anh Tùng, anh Huy, Phương và Khôi, đều không thể đoàn tụ với người thân vào mùa xuân này. Khi được hỏi sẽ chọn “phần” nào của tết Việt để mang sang nước ngoài, họ đều mong muốn có gia đình bên cạnh. Vì “có gia đình là có tết”.

Báo Thanh Niên
24.01.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top