Nổi tiếng hơn bằng nghề tay trái - sáng tác và ca hát, thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương khác trước đây thế nào?

- Nguyễn Thái Dương: Bây giờ và trước kia cũng thế thôi! Tôi vẫn là một thầy giáo thích hát, thích dùng âm nhạc để giảng dạy, rất yêu công việc của mình, vẫn luôn nghĩ mình là một người được giao trọng trách và sứ mệnh để giúp những người học trò - đặc biệt là học trò chưa giỏi, có thể cảm thấy tiếng Anh không có gì đáng sợ.

Có nhiều người biết đến hơn cũng vui! Song với công việc và đời sống vẫn vậy, tôi vẫn phải dành rất nhiều thời gian cho giảng dạy vì đây mới chính là tình yêu đích thực của tôi. Riêng với âm nhạc không chuyên, lại là niềm vui khác - có thêm những người bạn tâm giao. Bây giờ, khi tôi chưa sáng tác có người chờ đợi, khi viết nhạc ra có người ủng hộ, chia sẻ, đồng cảm, trong đó có cả những cô chú 5X, 6X. Tôi cảm thấy vinh dự! Vì nhiều năm trước, khi mới ngoài 20 tuổi, tôi từng đi casting để hát ở phòng trà, và bị rớt. Lý do tôi không được chọn vì “còn non, giọng hát chưa sâu sắc, trong khi khán giả phòng trà đa phần trung niên, lớn tuổi…”. Nên bây giờ, khi được các cô chú ủng hộ, tôi bất ngờ và vinh hạnh lắm.

Tết này có lẽ sẽ là mùa xuân đầu tiên TP.HCM bớt huyên náo hơn, bởi ở nơi nào đó trong tim của nhiều người, sẽ dành chốn riêng để tưởng niệm “cho những ai không chung vui được nữa”, như Bài ca tôi viết lần này của bạn. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã bình luận dưới bài hát: “Thầy có một tâm hồn quá đồng cảm với nhân thế, một trái tim yêu thương rộng lớn bao la. Nên bài hát lay động đến cảm xúc tận cùng lòng người. Xoa dịu phần nào những nỗi đau quá lớn”. Bạn nghĩ gì về chia sẻ ấy?

Với rất nhiều người, đây là mùa xuân đầu tiên thật buồn, khi không còn người thân cùng đón tết, khi bàn thờ có thêm di ảnh… và nhiều gia đình chưa chắc năm nay có thể được đoàn tụ dễ dàng khi (lỡ) bị cách ly.

“Một tâm hồn đồng cảm với nhân thế”, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nói vậy, tôi thì nghĩ ai cũng sẽ đồng cảm thôi. Người ta rơi lệ khi nghe nhạc của tôi, đó cũng chính là sự đồng cảm. Và tôi chỉ là người cày mảnh đất để người khác gieo hạt.

Nghe album Saigon 9X và những bài hát dành cho Sài Gòn - TP.HCM trong cơn đại dịch, cảm nhận bạn thích và yêu vùng đất này nhiều lắm, hẳn là “như một chú gấu mùa xuân” trong Rừng Nauy?

Tôi có hơi bật cười khi đọc đoạn này của Rừng Nauy!

Về Saigon 9X, tôi từng nói Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao) chính là bài hát đã truyền cảm hứng cho tất cả sáng tác trong album. Cứ mỗi lần nghe Mùa xuân đầu tiên, một bài hát có điệu valse với giọng ca Thanh Thúy, tôi nhớ lại tuổi thơ của mình, nhớ về ngày xưa… Dù chưa bao giờ tôi nói mình yêu Sài Gòn, nhưng qua những gì tôi làm, có lẽ mọi người cảm nhận được.

Nhưng Saigon 9X không chỉ viết về TP.HCM những năm 90 của thế kỷ trước, mà còn là món quà tôi dành tặng cho tuổi thơ của mình và những người đồng trang lứa, cho cả thế hệ đi trước mình - nó như cơ hội hoài niệm, tìm về những điều gì đó chân phương, mộc mạc. Ngày xưa, nhiều thứ còn thô sơ, khi thô sơ thì sức người tham gia vào nhiều, mà khi có con người xuất hiện nhiều thì có tình người nhiều, nên người ta thường ngóng chờ những khoảng không gian đầy tình người ngày xưa là vậy.

Điều gì khiến bạn đang sống và gắn bó với Sài Gòn - TP.HCM lại thấy nhớ và thương thành phố đến vậy?

Saigon 9X có 2 luồng cảm xúc: tôi yêu TP.HCM, nơi tôi sinh ra và lớn lên cho tới tận bây giờ; và cảm xúc dành cho những điều giản dị chân phương ngày xưa mà nay dường như không còn.

Đối với thành phố này, đơn giản “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở, khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên). Dù tôi vẫn ở đây, nhưng tôi đã đi cùng thời gian và năm tháng, thành phố này cũng đi cùng thời gian và năm tháng. Nó nhanh đến nỗi khi nhìn lại thành phố ngày xưa - thời tôi còn nhỏ, cảm nhận được sự khác biệt lớn. Thành ra, giống như tôi đã đi xa thành phố ngày xưa của mình rồi. “Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”. Chính vì lẽ đó mà tâm hồn của tôi được trỗi dậy và kết thành những giai điệu, lời ca như các bạn đã biết. Nói tới đây, tôi muốn hát một câu của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh “và cũng đã đủ lớn để mong bé lại như ngày hôm qua”. Nó thật đúng với hoàn cảnh của tôi...

Trong lần giao lưu với sinh viên, bạn nói “Mình từng đam mê nghiên cứu và tìm ra cái mới nên thi ngành công nghệ sinh học công nghiệp. Nhưng sau đó thấy mình không hợp và rẽ hướng sang giảng dạy”. Điều gì khiến người trẻ như bạn lúc bấy giờ tự tin, mạnh dạn thay đổi, khi mà môi trường rất khác biệt vì nghiên cứu thường độc lập còn giảng dạy là công việc của kết giao?

Thật ra bây giờ tôi cũng chẳng biết tại sao mình tự tin như vậy. Tôi nghĩ là do được phù hộ (cười). Tôi từng chia sẻ, có những thứ mình nghĩ do bản thân mình giỏi, mình hơn người, nhưng suy đến tận cùng thì tất cả đều là sự may mắn mà Thượng đế đã sắp đặt. Tôi nghĩ tôi may mắn được ban cho sự tự tin và mạnh dạn để có thể thay đổi. Tôi có cảm giác lúc bấy giờ mình có niềm tin mãnh liệt lắm, nó mạnh đến mức biến thành đam mê, tình yêu và khiến mình có thể làm tất cả mọi thứ lẫn tin rằng nếu làm giáo viên tôi sẽ làm rất tốt. Tốt ở đây có nghĩa là tôi sẽ tạo ra được giá trị cho nhiều người.

Việc nghiên cứu thường độc lập, giảng dạy là nghề của kết giao, đúng vậy! Rõ ràng tôi là người hướng nội, nhưng chắc nhiều người không nghĩ thế khi thấy tôi hay làm diễn giả, tự tin nói trước đám đông, hát hò và có nhiều học trò. Nhưng, tôi là người thích độc lập. Tôi giảng dạy, đó là công việc; song đằng sau bài giảng, tôi chỉ làm việc được khi tôi một mình. Hoặc tôi có gặp người này người kia thì chỉ ngồi nghe họ nói, tôi lắng nghe rất tốt. Đó cũng là một dạng của nghiên cứu. Và tôi thấy mình vẫn giữ được phong thái của một cử nhân khoa học. Bằng chứng là tôi nói gì cũng phải có sách mách có chứng, phải lớp lang, logic và dễ hiểu. Tôi nghĩ nó vận vào cách giảng dạy của tôi để học trò cảm thấy thích bài học.

Giảng dạy (hay viết nhạc) cũng là công việc nghiên cứu và tạo ra cái mới đấy chứ? Ngay cả cách bạn gọi học trò là “Mentros”, hay những bài thơ/ bản nhạc bạn chế để học trò dễ thuộc từ vựng đã cho thấy điều đó?

Tôi hoàn toàn đồng ý!

Riêng về cách tôi gọi học trò là các Mến trò (Mentros), thì sao nhỉ… Đây là câu chuyện khá dài.

Mentros là từ do tôi tạo ra, vì chưa ai nói như vậy. Đơn giản vì mến là từ thuần Việt, trò - tức học trò, cũng vậy. Tôi sử dụng một cụm từ thuần Việt theo kiểu của Hán Việt - tức đặt yếu tố phụ đứng trước. Mến trò, tuy nó sai và không tự nhiên, nhưng khi mình dùng đủ lâu thì trở thành dấu ấn mà nay nếu nhắc đến “Mến trò” sẽ biết đó là học trò của thầy giáo 9X Thái Dương.

Bên cạnh đó, đây còn là tâm niệm của tôi: những học trò yêu mến! Mình gọi như vậy tự nhiên thấy rất thân thương, như một đại gia đình. Vì lẽ đó, tôi cảm thấy được hậu thuẫn rất nhiều từ cộng đồng “Mentros” của mình. Khi bị “ném đá” hay gặp chuyện không vui, tôi luôn có bãi cỏ êm đềm để tựa lưng vào - đó là các “Mến trò”.

Và cuối cùng, nó là câu chuyện về yếu tố tổ chức nữa. Ca sĩ có fan club, FC của họ sẽ có tên, đó không phải ngẫu nhiên mà là cách để tổ chức. Giống như khi bạn là học sinh của trường nào đó thì phải mặc đồng phục vậy. Một cộng đồng không có tên tuổi hay danh phận sẽ khó có sự gắn kết.

Chính vì vậy khi ai đó theo dõi tôi, tham gia những hoạt động tôi tổ chức, được gọi là “Mến trò”, thì người ta cảm thấy như là thành viên của một gia đình, được thầy Dương quan tâm cũng là một niềm vui đối với họ, hơn là việc họ không có một cái tên nào.

Bố mẹ bạn đã ảnh hưởng, tác động hay can thiệp ra sao đối với những sự lựa chọn (học hành, nghề nghiệp, gia đình…) của bạn?

Người ảnh hưởng tôi nhiều nhất chính là ba tôi. Ba tôi, phải nói là một thần tượng, chuẩn mẫu cho tôi đi theo, tới nỗi cái đẹp tôi cũng hỏi ý ba (cười). Có vẻ tiêu chuẩn cái đẹp, với tôi, không còn tùy thuộc vào mắt người nhìn nữa mà tùy thuộc vào mắt của ba tôi. Nói vậy để thấy ba đã ảnh hưởng tôi rất nhiều.

Nhưng, ngặt nỗi những quyết định rẽ ngành tôi đều làm trái ý ba hết (cười). Tất nhiên ba tôi thể hiện sự lo lắng, vì con đường học của con mình đang tốt như thế, tốt nghiệp thủ khoa được tuyển thẳng cao học mà lại bỏ ngang như thế… Không chỉ riêng ba tôi, tôi nghĩ phụ huynh nào cũng sẽ như vậy, họ lo lắng chứ. Nhìn thấy điều đó, nó còn hơn việc bạn bị la mắng. Nhưng ba tôi chỉ lo lắng thôi, đó cũng là áp lực rất lớn đối với tôi. Dù sao đi nữa, ba vẫn là người đồng hành với tôi đến tận bây giờ, và mẹ tôi cũng vậy.

Một thầy giáo 9X, với những gì đang có: gia đình nhỏ ổn định kinh tế, công việc yêu thích, cả nghề tay trái cũng thú vị, có thể gọi là quá suôn sẻ? Bạn nghĩ gì về sự may mắn?

Khi nhìn vào, rõ ràng mọi người có thể nghĩ tôi có những thứ mà nhiều người đồng trang lứa khác chưa có. Âu cũng là một sự may mắn. Tôi không nghĩ là suôn sẻ, vì đã trải qua những thăng trầm, thậm chí rất trầm, thất bại rất nhiều… Nhưng nhìn chung tôi vẫn thấy mình may mắn khi có được tinh thần lạc quan, có niềm tin vào bản thân.

Bây giờ tôi sẽ trả ơn cuộc đời bằng cách làm được gì tôi sẽ làm, truyền đạt kiến thức, những suy nghĩ tích cực, những niềm tin tốt đẹp mà mình may mắn có được để lan tỏa cho thế hệ sau. Với thế hệ trước, tôi sẽ mang họ về với những hoài niệm, những gì tốt đẹp để nếu chúng ta không thay đổi được thì vẫn còn một tâm hồn đẹp, và tâm hồn đẹp sẽ hướng ta tới những cách sống tốt đẹp. Còn với người đồng trang lứa, tôi hy vọng mình có thể làm gương ở mặt này: mình đã dám từ bỏ, dám làm những gì mà mình nhiệt huyết (nói vậy thôi chứ tôi biết nhiều bạn đồng trang lứa của tôi giỏi lắm).

Nếu hỏi vì sao tôi được may mắn? Tôi không thể phủ nhận điều tôi đã nói, là được sự phù hộ. Thứ hai, tôi nghĩ là do mình tử tế. Đôi khi tôi chấp nhận thiệt thòi chứ không nỡ hại đến ai. Mình luôn gửi đến vũ trụ sự yêu thương, cố gắng sống tốt phần của mình, tử tế được bao nhiêu thì tử tế. Và tôi nghĩ những gì tôi có, là cách mà vũ trụ đã đền đáp cho mình.

Báo Thanh Niên
20.01.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top