Ngày 6.1, Quốc hội Mỹ sẽ họp để đếm phiếu đại cử tri và dự kiến công bố người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Dù mang tính thủ tục, nhưng đây là bước quan trọng trước khi tổng thống nhiệm kỳ mới tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1.

Đáng chú ý, đương kim Tổng thống Donald Trump đang muốn “lật kèo” dù khả năng đảo ngược kết quả bầu cử được giới quan sát cho rằng sẽ rất khó. Theo kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại các bang, ứng viên Dân chủ Joe Biden chiến thắng trước Tổng thống Donald Trump với số phiếu 306/232.

Cuộc bầu cử diễn ra theo trình tự: sau khi bỏ phiếu vào ngày 3.11.2020, công tác đếm phiếu công bố tại các bang, kiện tụng và giải quyết, bỏ phiếu đại cử tri vào ngày 14.12.2020, Quốc hội họp vào ngày 6.1 để đếm và công bố người thành chiến thắng với số phiếu quá bán (270 trở lên), sau đó tổng thống nhiệm kỳ mới tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1. Tại cuộc họp quốc hội, dự kiến quy trình đếm phiếu chính thức sẽ bắt đầu lúc 13 giờ ngày 6.1 (giờ địa phương, 1 giờ ngày 7.1 theo giờ VN).

Theo trang Politifact, quy trình của ngày 6.1 sẽ bắt đầu với việc chủ tịch thượng viện, vị trí luôn do đương kim phó tổng thống đảm nhiệm, sẽ chủ trì phiên họp lưỡng viện, được tổ chức tại hội trường của hạ viện. Do đó, Phó tổng thống Mike Pence sẽ chủ trì cuộc họp sắp tới.

Nếu phó tổng thống không thể tham dự vì bất cứ lý do gì, chủ tịch thượng viện tạm quyền sẽ chủ trì chứ không phải chủ tịch hạ viện. Vị trí chủ tịch tạm quyền khi đó sẽ do thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley đảm nhiệm.

Tiếp đó, chủ tịch thượng viện sẽ tháo các phong bì chứa kết quả phiếu đại cử tri được chứng nhận từ các bang, theo trình tự tên mỗi bang dựa theo bảng chữ cái. Chủ tịch sẽ trao các lá phiếu cho ban kiểm phiếu, gồm 2 người từ thượng viện và 2 người từ hạ viện. Những người này sẽ đọc và công bố kết quả phiếu đại cử tri từ các bang.

Chủ tịch thượng viện sẽ thông báo kết quả sau cùng. Nếu không có gì thay đổi, quy trình này thường chỉ mất 20-25 phút. Quy trình hoàn tất sau khi chủ tịch thượng viện công bố người chiến thắng. Thời điểm đó, kết quả bầu cử chính thức được quyết định và chỉ còn chờ đến ngày tuyên thệ nhậm chức.

Vào ngày 3.1, cả thượng viện lẫn hạ viện đều thông qua một loạt quy định về đếm phiếu đại cử tri, với các nội dung giống như tại các kỳ bầu cử trước. Theo đó, quy trình kiểm phiếu có thể bị gián đoạn nếu xảy ra phản đối và quốc hội buộc phải tiến hành phiên tranh luận trong 2 giờ nếu có ít nhất 1 thượng nghị sĩ và 1 hạ nghị sĩ phản đối.

Sau đó, lưỡng viện cần bỏ phiếu riêng về việc chấp nhận phản đối đó hay không. Theo ông Aseem Mulji, chuyên gia tại tổ chức Campaign Legal Center (Mỹ), nếu việc bỏ phiếu tại Thượng viện và Hạ viện về sự phản đối trên đem lại kết quả khác nhau, hoặc lưỡng viện đều bác bỏ, phản đối sẽ trở nên vô hiệu và tất cả các lá phiếu đại cử tri sẽ được đếm.

Còn nếu lưỡng viện đều bỏ phiếu ủng hộ sự phản đối (quá bán ở mỗi viện), những lá phiếu đại cử tri bị phản đối sẽ không được tính.

Chuyên gia nghiên cứu về chính trị Steven Smith tại Đại học Washington ở St. Louis cho biết mỗi viện có tối đa 2 giờ để tranh luận và bỏ phiếu về một đơn phản đối. “Nếu thực hiện đối với nhiều đơn phản đối (tại từng bang), quy trình này có thể mất rất nhiều thời gian”, ông giải thích.

Tại kỳ kiểm phiếu đại cử tri tại Quốc hội lần này, có khả năng khoảng 140 hạ nghị sĩ Cộng hòa và ít nhất 12 thượng nghị sĩ cam kết phản đối công nhận kết qủa. Giới quan sát dự báo sẽ có tối thiểu một phản đối kết quả phiếu đại cử tri tại một bang nào đó, nhưng nhiều khả năng sẽ có phản đối với kết quả ở nhiều bang.

Dự kiến các cuộc biểu tình lớn cũng sẽ diễn ra tại Washington vào ngày 6.1 với sự tham gia của những người ủng hộ Tổng thống Trump, trong đó có các nhóm cực hữu. Viết trên Twitter, Tổng thống Trump cho hay sẽ có mặt trong cuộc biểu tình phản đối “gian lận bầu cử” tại thủ đô Washington D.C vào ngày 6.1, khi quốc hội họp đếm phiếu đại cử tri.

Trước đó, vào ngày 2.1, Tổng thống Trump đã kêu gọi người ủng hộ biểu tình vào ngày 6.1 để ngăn chặn việc xác nhận kết quả cuộc bầu cử bị coi là gian lận và cáo buộc đối thủ đã “cướp đi chiến thắng” của ông.

Hôm 5.1, Tổng thống Trump khi đến Georgia vận động cử tri bỏ phiếu cho các thượng nghị sĩ Cộng hòa, đồng thời khẳng định ông sẽ tiếp tục nỗ lực tại vị.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hầu như không có cơ hội nào các phản đối sẽ dẫn đến đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020. “Họ sẽ không lấy được Nhà Trắng này. Chúng ta sẽ đấu tranh hết mình”, ông phát biểu tại thành phố Dalton, nơi tập trung nhiều người theo đảng Cộng hòa tại phía tây bắc Georgia.

Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng đặt áp lực lên Phó tổng thống Mike Pence, người chủ trì cuộc họp Quốc hội vào ngày 6.1, nhằm hành động ủng hộ ông. Tuy nhiên, theo quy định, Phó tổng thống Pence cũng sẽ không thể làm gì để thay đổi kết quả.

Chưa hết, khả năng một đơn phản đối đưa ra cũng rất khó được chấp nhận, vì Hạ viện hiện do Dân chủ kiểm soát, trong khi không ít thượng nghị sĩ Cộng hòa cho rằng việc phản đối kết quả bầu cử sẽ tiếp tay gây cản trở quá trình chuyển giao quyền lực cũng như nền dân chủ.

Báo Thanh Niên
06.01.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.