>> Thúy Hằng

Sài Gòn những ngày cuối năm, không khí tết tràn ngập khắp phố phường. Trong một căn hộ cho thuê ở phường Thảo Điền (Q.2, TP.HCM), Amelia Gessey đang tự mình pha nước mắm, làm món bánh xèo Việt Nam mà cô mới học được. Amelia không nói được nhiều từ tiếng Việt nhưng ngoại trừ đôi mắt hơi biếc xanh, bề ngoài cô giống hệt những phụ nữ Việt khác.

“Tôi có tên Việt Nam là Vũ Thị Hoa, sinh ngày 23 tháng 1 năm 1973. Tôi rời Sài Gòn tới Mỹ trên máy bay World Airway MAC 1965 vào ngày 11 tháng  4 năm 1975. Máy bay đáp xuống Los Angeles, California”, Amelia chìa ra cho chúng tôi tờ Đơn xin thông tin từ Sở di trú và quốc tịch, sợi dây duy nhất kết nối cô với Việt Nam, manh mối duy nhất để tìm được mẹ.

Không có bất cứ một thông tin gì về mẹ đẻ, dù chỉ mơ hồ như một cái tên, một tấm ảnh, không biết quê quán thật sự của mình, điều duy nhất Amelia nhớ là có thể mình từng ở một cô nhi viện tên An Lạc, trước khi lên chuyến bay vào ngày 11 tháng 4 năm 1975.

“Tôi lớn lên trong vòng tay ấm áp của gia đình cha mẹ nuôi. Mẹ nuôi rất thương tôi, ngay khi mà tôi nhận thức được mọi điều về thế giới xung quanh, mẹ nuôi đã nói với tôi, quê hương của con là ở Việt Nam, mẹ đẻ của con là một người Việt Nam. Mẹ nuôi cũng nhiều lần nói rằng, ngày bà đón nhận tôi, trên vai của tôi có đóng một cái dấu, đọc thấy hai chữ “An Lạc”, Amelia kể.

Lớn lên ở Pennsylvania (Mỹ), tốt nghiệp Trường York College, là người làm việc tự do (freelancer), lúc nào Amelia cũng có tâm nguyện phải trở về Việt Nam tìm mẹ đẻ của mình. Tháng 3.2018, cô cùng mẹ nuôi về Việt Nam du lịch dài ngày. Họ thuê một người hướng dẫn viên đi tới nhiều tỉnh thành và dừng lại nhiều nơi ở TP.HCM. Amelia nhờ người hướng dẫn đưa tới cô nhi viện tên là An Lạc nhưng chỉ thấy đưa tới một di tích nào đó. “Anh hướng dẫn viên nói nơi chúng tôi đang đứng là cô nhi viện An Lạc ngày xưa. Tôi không biết có đúng hay không nhưng tôi và mẹ nuôi sung sướng vô cùng, ngỡ như mình được quay trở lại nơi mà hơn bốn mươi năm trước tôi đã sống”, Amelia bùi ngùi nói.

Tháng 1.2019, Amelia quyết định về Việt Nam làm việc để có nhiều hơn cơ hội tìm được mẹ đẻ của mình. Cô thuê một căn hộ trên đường Nguyễn Văn Hưởng (P.Thảo Điền, Q.2) nơi mà Amelia có thể gặp được nhiều người, cả người Việt và người nước ngoài, để hỗ trợ cô học tiếng Việt, tiếp thu văn hoá Việt cũng như hy vọng tìm được những manh mối nào đó giúp cô tìm lại người mẹ đẻ hơn 40 năm lưu lạc.

Gặp ai, Amelia cũng giới thiệu, tên mình là Hoa, Vũ Thị Hoa. “Giống như những bông hoa, tên tôi thật đẹp đúng không. Tôi cảm ơn đời đã có một cái tên đẹp như vậy”, Amelia bảo.

Chưa từng biết đến mẹ đẻ là ai, chưa được mẹ ôm hôn, hát ru lấy một lần, nhưng trong tâm khảm của cô gái Mỹ, cô chưa có một phút giây giận hờn, oán trách mẹ.

“Tôi không biết mẹ đẻ năm nay bao nhiêu tuổi. Có thể bà gần 70 tuổi, hoặc hơn. Tôi không bao giờ oán trách mẹ đẻ tôi, chắc chắn mẹ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trong quá khứ. Tôi chỉ muốn tìm được mẹ, để biết mẹ như thế nào, biết nguồn cội của mình, tôi sẽ chạy đến ôm mẹ, nói cảm ơn mẹ. Tôi đã chờ giây phút này lâu lắm rồi”, Amelia nói bằng tiếng Anh nhưng riêng hai từ “cảm ơn” cô nói bằng tiếng Việt.

“Kho” tiếng Việt của Amelia mỗi ngày một nhiều hơn, nhờ những người hàng xóm và người chủ nhà tốt bụng. Những người biết hoàn cảnh của Amelia, ai cũng muốn giúp một tay để cô có thể nói được nhiều tiếng Việt nhất có thể, biết đâu một ngày gần đây, cô tìm thấy mẹ đẻ, để ôm mẹ và khóc trên vai mẹ, nói với mẹ cô đã nhớ mẹ biết chừng nào.

Cô gái với nụ cười rạng rỡ bảo, gần đây cô có những giấc mơ tìm thấy mẹ: “Tôi thấy có một cái bóng nào đó, không rõ hình dáng, nhưng trong tôi cứ nghĩ rằng đó là mẹ của mình rồi. Tôi chạy theo nhưng không chạm được vào mẹ. Mẹ đẻ có thể già yếu, bệnh tật, nhưng miễn được tìm thấy mẹ, biết tổ tiên, cội nguồn của mình đã là hạnh phúc nhất của tôi, tôi chẳng còn gì mong ngóng hơn. Dù mẹ là ai, là người như thế nào, tôi cũng phải cảm ơn, vì mẹ cho tôi được làm người, được có ngày hôm nay”, Amelia xúc động.

Amelia thích món ăn Việt Nam, cô phát âm từ “nước mắm”, “bánh xèo” khá chuẩn và bảo, cứ lúc nào có thời gian rảnh, cô sẽ học nấu món ăn Việt. Khác với nhiều người sống ở nước ngoài lâu năm, Amelia rất thích hương vị nước mắm, món ăn nào cũng phải nêm một chút.

Amelia chỉ nghe thấy người ta nhắc đến Tết nguyên đán của Việt Nam nhưng chưa từng được trải nghiệm, năm nay cô đón một cái tết đầu tiên ở quê hương, nơi mình đã sinh ra. Nhiều người bạn Việt mà Amelia quen trong chuyến du lịch hồi tháng 3.2018 đã hẹn mời cô về ăn tết trong gia đình họ. Tết, là đoàn viên. Trong những giấc mơ, Amelia vẫn thấy mình được ôm mẹ, đoàn tụ với gia đình. Khi tìm thấy mẹ đẻ, lúc đó với Amelia mới là mùa xuân thật sự…

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Thúy Hằng, NVCC

Báo Thanh Niên
08.02.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.