>> Đức Nhật

Byầu là tên một ngọn núi ở xã Lơ Pang, H.Mang Yang (Gia Lai), theo tiếng của người Bahnar, Byầu có nghĩa là “ngọn núi cao”. Nơi đây có một bản người đồng bào Bahnar sinh sống hàng chục năm qua. Vì đường xá khó khăn nên chính quyền địa phương đã cho xây dựng một điểm trường và bố trí giáo viên để dạy học cho con em nơi đây.

Sáng thứ 2 tuần nào cũng vậy, 4 thầy cô ở điểm trường Byầu (thuộc trường tiểu học Lơ Pang) hối hả chất lỉnh kỉnh đồ đạc lên xe. Các thầy cô mang từ chai mắm, hủ muối, túi gạo, bịch đường đến quần áo, giày dép để chuẩn bị cho một tuần cắm bản. Đến thứ 7 hàng tuần, các thầy cô mới xuống núi, về với gia đình.

Các thầy cô phải đánh vật với núi cao và thung sâu để gieo chữ

Hẹn chúng tôi ở trung tâm H.Mang Yang, cô Đặng Thị Hiền (30 tuổi, ngụ xã K’Dang, H.Đăk Đoa) kéo khẩu trang chào khách rồi giục: “Ta đi cho kịp giờ thôi chứ các anh!”. Vừa dứt lời, cô Hiền kéo tay ga rồi chạy vụt đi, theo sau là 3 thầy cô cắm bản khác cũng vội vã không kém.

Sau gần 30 km đường nhựa, chúng tôi đến chân núi Byầu. Nhìn từ xa, con đường dẫn lên bản Byầu như sợi dây thừng uốn lượn, vắt ngang qua các dãy núi. Trước khi vượt đèo, cô Hiền căn dặn: “Khi lái xe lên núi mọi người nhớ về số 1 nhé, đi số 2 là tụt cả người lẫn xe xuống chân núi đấy. Cả đoàn phải bám sát nhau mà đi. Nếu có ai bị tụt xuống hay ngã xe thì gọi to lên để cả đoàn biết mà dừng lại hỗ trợ”.

Điểm dừng chân ở lưng chừng núi

Sau “khóa huấn luyện” cấp tốc của cô Hiền, cả đoàn bắt đầu rồ ga leo núi. 5 chiếc xe máy thi nhau gầm rú, ì ạch leo lên những con dốc cao, bên cạnh là vực thẳm hun hút. Con đường trơ cát dựng đứng, chỉ cần sơ xuất, người lái có thể bị trượt xuống bất cứ lúc nào. Sau hơn 30 phút vật lộn với 3 con dốc cao cùng 2 khe suối cạn, chúng tôi cũng đến điểm dừng chân ở lưng chừng núi. Gạt mồ hôi, cô Hiền bảo rằng “Mùa này còn đỡ đấy, mùa mưa chúng tớ còn không bò lên được cơ. Năm 2011, tớ mới ra trường là được phân công lên đây đi dạy. Hồi đầu leo núi còn ít kinh nghiệm, lúc đổ dốc, tớ bóp cả phanh tay lẫn phanh chân mà xe cứ trôi tuột đi rồi ngã nhào xuống đất. Lúc đứng dậy thì tay chân tím tái hết, quần áo cũng lấm lem, đành để vậy mà lên lớp cho kịp giờ. Cũng có hôm tớ ở dưới chân núi lên đến trường thì đứt phanh trước, lúc về thì đứt phanh sau. Không đi xe được nên đành dắt bộ xuống  núi”.

Cơn mưa rừng đêm hôm trước khiến con đường lầy lội

Cơn mưa rừng đêm trước khiến nhiều đoạn đường trở nên sình lầy, trơn tuột. Có nhiều đoạn, đất bùn dính chặt vào bánh xe như níu chân người. Những đoạn như thế, các thầy cô phải xuống xe thay nhau đẩy. Phụ đồng nghiệp đẩy xe, cô Tô Thị Tình, (43 tuổi, TT.Kon Dỡng, H.Mang Yang) tâm sự: “Năm học trước, có hai thầy cô đang trên đường lên điểm trường thì xe bị trượt bánh, đổ kềnh. Chiếc xe đè lên khiến cả hai người không rút chân ra được. Cuối cùng phải nằm đấy chờ người đi đường ngang qua ứng cứu”.

Quệt vội mồ hôi đang ướt đầm trên trán, cô Tình nói tiếp: “Cách tốt nhất khắc phục ngã xe là đi xuống dốc không được đạp phanh gấp mà gài số 1 để xe máy từ từ chạy. Phải bình tĩnh, không nhìn xuống vách núi, vì nhìn xuống chỉ khiến mình thêm sợ hãi mà thôi”.

Theo các thầy cô, đây là con đường duy nhất lên núi. Nhiều năm trước nó chỉ là một lối mòn không đủ cho 2 xe máy tránh nhau. Đầu năm học mới, chính quyền địa phương đã cho san ủi con đường này. Thế nhưng, ô tô, công nông chở nông sản cho người dân đã cày nát con đường khiến con đường gieo chữ của các thầy cô nơi đây lại càng gian nan, vất vả.

Thư viện đơn sơn của trường do thầy cô tự làm lấy

Sau hơn 1 giờ vượt hơn 4 km đường núi, chúng tôi cũng đến được bản Byầu, mây mù vẫn còn phảng phất, giăng kín lối đi. Các thầy cô tranh thủ đến từng nóc nhà gọi học trò ra lớp rồi mới về điểm trường.

Điểm trường Byầu là nơi cao nhất trong bản với 4 phòng học (2 lớp đơn và 2 lớp ghép) được xây dựng kiên cố. Bên hông các phòng học là bếp ăn và 2 phòng ngủ cho giáo viên được quây tạm bằng mấy tấm ván cho đỡ mưa, gió.

Thầy Phạm Xuân Nguyên (44 tuổi, xã Đăk Djrăng, H.Mang Yang) cho biết mùa này ở trên núi rất lạnh. Sáng nào cũng vậy, mây mù bao phủ, quấn quanh các dãy núi như bức tranh thủy mặc. Dù chỉ cách nhau vài bước chân nhưng cũng chẳng nhìn rõ mặt người. Đến giữa trưa thì không khí mới ấm hơn một chút. Xế chiều, những cơn mưa rừng lại ập xuống lạnh buốt. Đêm về, gió núi đập trên mái tôn thình thình. “Hồi đầu mới về đây, mình có ngủ được đâu. Gió núi luồn qua các khe hở trên vách gỗ ùa vào phòng lạnh tê tái. Mình là đàn ông con trai còn đỡ. Chứ các cô giáo mới lên dạy thì chả hôm nào chợp mắt nổi. Mỗi người cũng phải quấn 2, 3 lớp chăn mới đủ giữ ấm. Thế rồi chịu lạnh mãi cũng thành quen”,  thầy Nguyên kể.

Cả bản chẳng có trạm xá, những lúc đau ốm, như bao người dân trong bản, các thầy cô chỉ biết nằm chờ… bệnh tự khỏi. Trường hợp ốm nặng quá mới nhờ người đưa xuống trạm xá hay đi bệnh viện cấp cứu. Cô Hiền còn nhớ như in, vào một đêm mùa mưa tháng 9.2011, cô giáo trẻ Võ Thị Lương, bỗng nhiên đau bụng. Lúc đầu mọi người vẫn nghĩ cô Lương bị đau bụng bình thường, nhưng sau đó những cơn đau cứ mỗi lúc một dữ dội hơn, các thầy cô phải nhờ dân bản làm cáng đưa cô giáo đi cấp cứu.

“Do trời mưa, đường sá lầy lội, có những đoạn trơn trượt khiến mọi người xém té ngã. Nhưng vì tính mạng của cô giáo, dân làng đều cố gắng đi một cách nhanh nhất. May mắn, cô Lương cũng được đưa đến bệnh viện kịp thời để phẫu thuật ruột thừa. Bác sĩ bảo may mà đưa cô Lương xuống kịp nếu không thì chẳng thể cứu được nữa. Chúng tôi ở trên này bị đau ốm là chuyện bình thường, cứ để vậy rồi tự khỏi. Khi nào bị nặng mới nhờ người đưa xuống trạm xá dưới chân núi để khám”, cô Hiền quay đi, giấu tiếng thở dài.

Sau khi đã nghỉ ngơi lấy lại sức, các thầy cô phân công nhau nấu nướng, dọn dẹp lại căn phòng sau vài ngày bỏ trống. Ngày đầu tuần nên thức ăn của các thầy cô cũng có phần đủ đầy hơn những ngày sau đó. Nói là đủ đầy nhưng bữa ăn cũng chỉ là miếng thịt hay con cá được kho mặn để ăn dần. Những ngày tiếp theo là điệp khúc cá khô, trứng chiên. Nhiều hôm rảnh rỗi, để cải thiện bữa ăn, thầy Nguyên cùng một số người dân đi bắt cá suối. Nhưng lâu lâu cũng chỉ bắt được một bữa nên thực phẩm tươi sống đối với thầy cô là những thứ xa xỉ phẩm.

Rửa vội con cá để chuẩn bị bữa trưa, cô Lê Thị Hằng (27 tuổi) cho biết nhà cô ở huyện K’bang. Từ nhà lên đến nơi cô đang công tác khoảng hơn 100 km. Cô Hằng mới lập gia đình hơn 4 năm nay và đã có 2 con nhỏ, bé lớn gần 4 tuổi, con út mới lên 2.  “Ông bà nội ở Quảng Ngãi nên cứ mỗi lúc lên trường mình lại giao các cháu cho bố và bà ngoại trông. Thương chồng, nhớ các con lắm nhưng đành chịu, biết làm sao được”, cô Hằng tâm sự.

Vừa nhóm bếp nấu cơm, cô Hiền vừa kể, cô cũng đã có hai con nhỏ, bé lớn vừa đi mẫu giáo, bé nhỏ vừa lên 3 tuổi. Chồng là bộ đội, công việc bận rộn nên cô Hiền để đứa lớn cho bố đưa vào đơn vị chăm sóc. Còn đứa út cô gửi về tận Thanh Hóa cho ông bà ngoại trông nom. “ Mỗi lần gọi điện về quê nghe tiếng con gái hờn dỗi “Mẹ quên con rồi!” mà thương, không khóc mới lạ. Đâu phải dễ gì mà bỏ con được đâu. Nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, vì công tác, vì nhiệm vụ cả mà. Nhiều hôm nhớ con, nhớ chồng muốn gọi điện về nghe giọng con mà không được, trên này sóng điện thoại cũng chập chờn lắm”.

Đường lên núi khó khăn, hiểm trở, cuộc sống của bà con nơi đây nghèo nàn. Nhìn những đứa trẻ áo quần phong phanh, ngồi co ro trong lớp học, các thầy cô chẳng đành lòng. Thương các em, cứ cuối tuần về dưới xuôi, các thầy cô lại gõ cửa từng nhà xin quần áo cũ, sách báo cũ rồi hì hục vác lên núi cho các con. Có sách báo nhưng lại thiếu nơi sinh hoạt, học tập. Các thầy cô lại vào bản xin gỗ đem về dựng thư viện. Thư viện là một căn nhà tuềnh toàng không có vách, được lợp tạm bằng mấy tấm tôn đã hoen gỉ.

Bữa cơm đơn sơ của các thầy cô cắm bản

Thầy Nguyễn Văn Đắc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lơ Pang, cho biết tại điểm trường Byầu có 63 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Trong đó có 2 lớp ghép với 4 giáo viên được điều động từ các điểm chính Trường tiểu học Lơ Pang lên đây dạy chữ cho các em. Thầy Đắc cho hay các thầy cô dạy tại điểm trường này mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng. Các thầy cô đều có con nhỏ nên rất vất vả và khó khăn trong quãng thời gian dạy học trên Byầu.

Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
20.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.