>> Quang Nhiên (từ Toronto, Canada)
Dẫu có rơi vào thứ mấy trong tuần thì Tết với người mình bên này cũng là mấy ngày cuối tuần. Dễ hiểu quá mà: có được nghỉ làm, nghỉ học đâu mà ăn Tết. Cuối tuần mới rảnh để mà nấu nướng cúng kiếng ông bà, để mà chạy về nhà cha mẹ, anh chị ăn bữa cơm sum vầy cuối năm.
Chuyện đi chùa chiền, nhà thờ cũng đành thế. Cho nên năm nào ngày ba mươi rơi vào cuối tuần thì thấy Tết hơn.
Sau mùa Giáng sinh và ngày đầu Năm mới quá tưng bừng thì Tết ta đến vào những ngày Toronto lạnh nhất. Tuyết nhiều hôm trắng xóa, chẳng mai chẳng đào, chẳng có không khí hừng hực sắm Tết, nôn nao gì nổi. Tôi không biết người khác chợt nhận ra Tết đang đến bằng “dấu hiệu” gì, chứ với tôi, là một ngày cuối tuần đi chợ Tàu, thấy bày bán bánh mứt, mấy bà mấy chị xúm xít chọn lựa. Mấy hộp mứt xanh xanh đỏ đỏ, bây giờ bên nhà có vẻ đã bị “thất sủng”, vậy mà bà con người Việt mình bên này lại ưa. Nhiều khi sợ ngọt nhưng vẫn mua về cúng ông bà, hay nhấm nháp với trà để nghe những mùa Tết cũ tràn về…
Cái tập tục đáng yêu đi chúc Tết sang bên này bị đánh mất rồi, nên nghe mấy bà, mấy chị gặp nhau trong buổi chợ đông, lao xao chúc nhau “Năm mới, chúc bác/cô/chị…” sao mà thương lạ.
Thật ra, thiếu là thiếu cái không khí nôn nao khó tả của những ngày giáp Tết, thiếu đêm trừ tịch thiêng liêng, thiếu ba ngày Tết buông hết lo toan, vất vả của một năm, chứ chuyện ăn Tết, nếu muốn, vẫn có thể tươm tất. Muốn có mâm ngũ quả thì cầu, dừa, đu đủ, xoài, thơm, dưa hấu… bán ê hề. Trái cây nhiệt đới của Nam Mỹ qua Canada mùa nào cũng có. Nhiều nhà siêng lắm, gói bánh tét, bánh chưng, nấu bằng bếp gas trong garage. Chút khói tỏa giữa ngày đông giá, không cay mà có khi làm bà bác rưng rưng. Bận bịu thì đặt mua, hay chạy ra mấy tiệm bánh mì Việt Nam (kiểu như bánh mì N.L, bánh mì H.N ở Sài Gòn) lủ khủ tha về bánh chưng, bánh tét, nem chua, giò chả, dưa món, dưa kiệu, dưa chua… Thứ gì cũng có, nhưng có ngon không? Ngon chứ, cộng đồng người Việt ở Toronto ngày càng đông, cạnh tranh cũng dữ. Thứ gì cũng có nên mâm cỗ tết cũng tươm tất chẳng kém gì bên nhà. Một bà bác tỉ mẩn “kiểm kê” rồi nói chắc nịch: chỉ thiếu mỗi bún tươi!
Mai vàng ở xứ tuyết là giấc mơ không chạm tới được, hoa đào thì còn đang ngủ đông, nên chỉ còn cách săn (ở tiệm bán hoa người Á châu) dăm chậu cúc đại đóa be bé, mua bó lay ơn đỏ rực để mang Tết về nhà. Bà con mình cũng hay lắm, nhớ mai vàng, bày nhau chuyện giữa đông mà cắt cành cây forsythia - có hoa mãn khai vàng rực vào mùa xuân - cắm vào bình nước nóng, ép ra nụ rồi nở hoa. Cứ một tuần trước Tết là tôi lại hăm hở sang nhà hàng xóm (Tây) xin cắt dăm nhánh forsythia mọc ngoài hàng rào. Giờ thì họ chẳng còn thắc mắc tôi xin chi mấy cành cây khô ấy nữa, họ biết “Lunar New Year lại đến rồi”.
Toronto có đông người Việt nhất rồi mà vẫn không có một khu phố Việt như khu Phước Lộc Thọ bên Cali để rộn ràng sắm sửa, tưng bừng đón năm mới. Để thấy “trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết”, nhiều người thích đi Hội chợ tết được tổ chức hằng năm, suốt cả ngày. Bỏ qua những khác biệt về ý thức hệ, có thể tìm thấy ở đó những cố gắng lưu giữ hình bóng quê nhà cho thế hệ trẻ, cái Tết cổ truyền cho những người càng đi lâu càng nhớ quê.
Còn dịp nào hợp hơn, nơi nào hợp hơn để các bà các cô khoe tà áo dài, duyên dáng chụp ảnh với cội mai (giả) vàng rực đong đưa bao lì xì đỏ. Cũng ở đó, lũ nhỏ xúng xính áo dài, chạy theo đoàn lân, hay thích thú leo cầu khỉ, nhìn xuống con rạch (khô) thấp thoáng sen hồng; khu chợ quê được tái hiện tuy đơn sơ mà gợi nhớ, sạp thả thơ ồn ả chuyện văn chương, bàn cờ tướng níu chân các ông cho mấy bà du xuân…
Thế đó, Tết của người xa xứ cứ lặng lẽ đến rồi nhàn nhạt trôi qua. Cho nên người ta mới ki cóp, để dành phép cả năm để về Việt Nam ăn Tết, có người còn mua vé trước 8 tháng, đâu từ hồi tháng… tư! Vẫn biết cái không khí Tết như Việt Nam thì chẳng đâu có được, nhưng có đi xa mới thấm…
Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Quang Nhiên