>>Lam Ngọc


Bà Võ Thị Thương

Đêm thứ 7 dừng chân ở nhà bà Võ Thị Thương (90 tuổi, nạn nhân trong vụ cướp vàng năm 1979) tại H.Dầu Tiếng, Bình Dương, tôi không thể nào chợp mắt. Trong lúc bà Thương nhốt mấy con gà vào cái chúm ở phía đuôi giường, gạt cơm thừa cho con chó gầy guộc ăn thêm, tôi nhẩm tính kể từ ngày bị bắt oan đến giờ, bà Thương và các thành viên còn lại trong gia đình đã trải qua hơn 14.000 ngày sống với thân phận bị can.

14.000 ngày ấy đủ biến Nguyễn Thị Kim Chung, cháu ngoại bà Thương, người phải theo mẹ là bà Nguyễn Thị Lan ở tù lúc mới 2 tháng tuổi, từ một đứa trẻ ngây thơ thành một người đàn bà lam lũ, thất bại trong cuộc sống hôn nhân vì cái tiếng “con của kẻ cướp”..

Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ)

14.000 ngày ấy đã biến ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) từ một thanh niên tròn 18 tuổi, với sức vóc, tương lai rộng mở trở thành người đàn ông thất thế, thất nghiệp, thất thểu trên đường đời không thể kiếm được một việc làm ổn định chỉ vì lý lịch không trong sạch.

Cũng chừng ấy thời gian đã biến bà Nguyễn Thị Lan và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan từ người đàn bà hạnh phúc, có gia đình đầm ấm thành những người mẹ đơn thân, cô độc, quạnh quẽ. Họ phải chứng kiến con cái mình thất học, bị bạn bè chế giễu suốt nhiều năm tháng của cuộc đời.

Còn ông Nguyễn Văn Chiến đã làm gì trong 14.000 ngày đó? Ông một mình trong căn chòi xập xệ mượn của người em gái, gặp nhấm nỗi đau thể xác và tinh thần. Đôi chân lồi lõm do những lần bị bức cung khi ở tù của ông mỗi khi trái nắng trở trời lại nhức nhối. Sự âm ỷ của bệnh tật đã khoét sâu hận thù trong lòng ông với cơ quan gây oan sai. Không ít lần ông gào lên thảm thiết sao không phải là ai khác mà gia đình ông bỗng nhiên dính vào lao lý?

Ông Nguyễn Văn Chiến sống nhờ trong căn nhà lụp xụp của người em gái ruột suốt gần 40 năm nay. Sức khoẻ của ông cũng dần suy kiệt vì những vết thương do bị dùng nhục hình trong tù vẫn luôn âm ỉ trong người.

Và cũng chừng ấy thời gian đã cướp đi thời son trẻ của ông Nguyễn Văn Dũng khiến ông ở cái tuổi lục tuần vẫn chơ vơ, không biết ngày mai sẽ thế nào?

Trước khi qua đời, ông Nguyễn Thành Nghị (chồng bà Thương), để lại di nguyện cho con không gì ngoài lời trăng trối: “Giải oan cho ba!”. Còn bà Võ Thị Thương, nay đã ở cái tuổi gần đất xa trời mà vẫn hỏi hoài một câu hỏi mà bao năm qua vẫn chưa có lời đáp “Bao giờ gia đình tôi mới được minh oan?”

40 năm. Gần nửa thế kỷ, thời gian đủ để người ta làm lên sự nghiệp, đủ để một người có thể sống hạnh phúc viên mãn. Thế nhưng, với ông Dũng, bà Thương, ông Nghị, bà Lan… 40 năm của đời người đã mất trắng.


“Nếu được minh oan, điều đầu tiên bà yêu cầu chính quyền làm là gì?”, tôi hỏi bà Lan. Bà Lan ngay lập tức trả lời: “Bắt tôi ở Bùng Binh thì về ngay đó đó, trước mặt những người dân địa phương, họ phải xin lỗi để trả lại danh dự cho chúng tôi”.

Bà Lan cay đắng cho hay khi bị bắt, bà là cựu chiến binh; ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) là quân nhân; ông Nguyễn Thành Nghị là bộ đội phục viên; ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) là du kích. Với họ, tư cách và danh dự người lính quan trọng hơn tất thảy những thứ vật chất có thể đọc tên. Điều họ cần hơn hết trong thời điểm này chính cơ quan gây oan sai nhanh chóng nhận sai, trả lại quyết định đình chỉ vụ án để giải oan cho họ.

Sau gần 40 năm ông Nguyễn Văn Chiến cùng 2 người em bị bắt đêm 26.7.1979 mới về thăm lại hàng xóm ngày xưa... hầu hết mọi người vẫn mơ hồ về việc gia đình ông bị oan.

8 phận người mang trên mình 2 chữ “bị can”, ròng rã suốt 40 năm qua, họ cần một buổi xin lỗi công khai tại nơi mà họ từng bị bắt. Bà Lan, ông Dũng, ông Nghị… những người đã mất 3/4 đời người sống trong sự khinh khi. Hơn tất thảy, họ cần một buổi xin lỗi công khai, cần trả lại cho họ sự trong sạch.


Suốt những ngày ở lại Tây Ninh, chúng tôi đã đi tìm gặp hàng chục cán bộ trại giam H.Trảng Bàng công tác thời kỳ từ năm 1979 - 1983. Trong số những người chúng tôi gặp, từ ông Nguyễn Phước Lần (cán bộ trại giam H.Trảng Bàng), ông Phan Văn Trợn (Trưởng công an xã Đôn Thuận vào năm 1979) và hàng chục người khác, họ hầu hết vẫn còn nhớ vụ án cướp vàng năm đó vì đây là vụ án quá đặc biệt. Nhiều người trong số họ khẳng định trong suốt quá trình công tác, họ chưa từng chứng kiến vụ án nào mà cả gia đình, người già, con nít đều kéo nhau một lượt vào tù. Hơn ai hết, họ cũng mong vụ án sớm được làm rõ để kết thúc một thảm kịch oan sai đã kéo dài quá lâu…

Sau gần 40 năm ông Nguyễn Văn Dũng ( Dũng lớn) cùng những người bị bắt đêm 26.7.1979 tới tận nhà điều tra viên Phùng Văn Tiết (nguyên cán bộ thuộc công an H. Trảng Bàng) để tìm hiểu về quyết định đình chỉ vụ án và lú do ông dùng nhục hình với toàn bộ các thành viên trong gia đình bị bắt năm đó... Tuy nhiên, không nhận được câu trả lời thoả đáng.

Thế nhưng khi tìm gặp Viện KSND tỉnh Tây Ninh, Viện KSND H.Trảng Bàng… chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu. Đại diện Viện KSND tỉnh hướng dẫn người bị oan làm đơn xin cấp lại quyết định đình chỉ vụ án. 7 bị can hồi hộp mong chờ. Tuy nhiên, ngày 22.10, Viện KSND tỉnh Tây Ninh lại ra văn bản trả lời là không có cơ sở để cấp lại quyết định này. Cánh cửa con đường tìm công lý của những phận người mang trên mình 2 chữ “bị can” suốt 40 năm qua lại hẹp, hẹp dần…

Hơn 14.000 ngày, 40 năm, cả nhà 8 người, thứ họ mất là cả cuộc đời, là cơ hội được sống một cuộc sống bình yên, là danh dự, là nhân phẩm, là quyền công dân… Ai phải trả lại những điều đó cho họ? Khi nào sẽ trả? Và trả bằng cách nào? Những câu hỏi ấy vẫn đằng đẵng, đằng đẵng như 14.000 ngày đã qua.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Lam Ngọc

Báo Thanh Niên
18.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.