NGÀY 23.7, Đà Nẵng ghi nhận kết quả xét nghiệm sàng lọc lần 1 bằng phương pháp RT-PCR đối với 1 nam bệnh nhân (BN) dương tính với SARS-CoV-2. Đáng chú ý, trong 1 tháng trước đó, BN 57 tuổi này sống tại Q.Liên Chiểu này ít đi xa khỏi khu vực lưu trú, không tiếp xúc với người lạ. Ngành y tế đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm chuyển đi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để khẳng định.

Chiều tối 25.7, Bộ Y tế chính thức thông báo ghi nhận đây là ca Covid-19 đầu tiên của Việt Nam sau khoảng 100 ngày kể từ khi làn sóng thứ nhất lắng xuống. BN được “đánh số” 416 theo số thứ tự các ca bệnh được ghi nhận trên cả nước. Nhưng với người dân Đà Nẵng, 416 không chỉ là con số đầu tiên của đợt lây nhiễm mà còn là số mở ra một “cuộc chiến” với “giặc dịch” để đến hôm 25.8, số ca nhiễm tại Đà Nẵng đã 386. Mã số BN 1029 mới nhất cũng là ca bệnh tại Đà Nẵng.

Sau ca bệnh 416, ngày 28.7, ngành chức năng đã phong tỏa khu vực quanh Bệnh viện C

Có lẽ không riêng gì những người là các y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống Covid-19 nhớ nằm lòng con số 416 mà cả với những người dân bình thường ở Đà Nẵng cũng khắc ghi con số này. Bởi từ ca bệnh 416, nhịp sống người dân bắt đầu thay đổi. Bà Ba (một tiểu thương chợ Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà), cho biết bà nhớ số 416 là kể từ sau khi phát hiện BN này, hàng trăm BN khác tiếp tục được phát hiện. Khu chợ nơi bà Ba mưu sinh đã bị phong tỏa 5 ngày để “làm sạch” vì có liên quan đến 3 BN khác. Rồi bản thân bà cùng nhiều người khác phải luân phiên bán hàng vì thực hiện giãn cách…

Lực lượng y tế cật lực làm việc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng

0 GIỜ NGÀY 28.7, các phóng viên thường trú tại Đà Nẵng có mặt tại các chốt được xác định lập hàng rào để ghi nhận cảnh phong tỏa 3 bệnh viện (BV) lớn của Đà Nẵng và cũng là ổ dịch Covid-19, gồm: BV C, BV Đà Nẵng và BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng. Những hàng rào thép lạnh lùng khép lại. Hàng ngàn con người là những BN, người nhà BN, người dân ở các tổ dân phố sống lân cận 3 BV bước vào cuộc sống mới – cuộc sống trong khu phong tỏa kéo dài đến nửa tháng.

Khu vực xung quanh 2 BV C và BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng bị phong tỏa trong vòng nửa tháng. Đến 16 giờ ngày 25.8, BV Đà Nẵng là BV thứ 3 trong khu vực này đã được gỡ phong tỏa gần 1 tháng

Khuya Đà Nẵng thời điểm cuối mùa hè, lẽ ra là lúc các tuyến đường tấp nập xe cộ, hình ảnh du khách trong và ngoài nước dập dìu đổ về các điểm vui chơi, giải trí giờ đây trở nên vắng lặng. Đêm trước thời điểm cách ly xã hội, người dân trong khu phong tỏa như vội vã hơn để trở về với gia đình, sẵn sàng “khép mình” để bước vào cuộc chiến.

Hàng ngàn người dân ở trung tâm Đà Nẵng đã sống trong cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong nửa tháng

Ở góc quán trên đường Ngô Gia Tự, một nhóm thanh niên “tranh thủ” gặp nhau trước giờ cách ly xã hội với lời hẹn, tái ngộ sau 15 ngày nữa cùng lời chúc bảo trọng trong mùa dịch. Có lẽ họ không nghĩ dịch Covid-19 phức tạp đến mức sẽ thêm đợt cách ly xã hội thứ 2 kể từ ngày 12.8.

Đà Nẵng, ngày 28.7, đã có tổng cộng 19 dương tính với Covid-19.

Phía sau hàng rào thép khu phong tỏa, người dân được nhận tiếp viện lương thực

11 GIỜ 45 NGÀY 30.7, đường phố Đà Nẵng vắng lặng. Ý thức được tình hình dịch bệnh lúc này đang dần trở nên căng thẳng, phần lớn người dân chủ động đóng cửa “ngồi yên trong nhà”. Thế nhưng, tại chốt cách ly trước BV C Đà Nẵng lại rộn ràng, liên tục nhiều lượt xe chở hàng hóa gồm các nhu yếu phẩm cần thiết để gửi tặng các y bác sĩ, BN trong khu phong tỏa. Bước vào ngày phong tỏa thứ 3, người dân toàn TP đang hướng về “ổ dịch” BV Đà Nẵng với hàng loạt BN được phát hiện có liên quan đến nhiều khoa. “Núi hàng” này vừa thấp xuống thì ở một góc khác đường Ngô Gia Tự, “núi hàng” khác lại cao lên. Nhiều CLB thiện nguyện, nhiều chủ doanh nghiệp… đã đứng ra kêu gọi để hỗ trợ lực lượng chống dịch tuyến đầu từ chai nước, tấm nệm cho đến viên thuốc bổ...; rồi những bữa cơm nghĩa tình tiếp tế cho các bệnh viện, khu cách ly; những chuyến xe miễn phí vận chuyển hàng tiếp tế, chở người đi cấp cứu, đưa sản phụ đi sinh…

Khắp nơi trên cả nước, triệu triệu trái tim hướng về để đóng góp từ vật chất cho đến nhân lực. Cũng trong ngày 30.7, Bộ Y tế thành lập “đội đặc nhiệm” của Bộ với tên gọi Bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. Từ đây, các chuyên gia y tế hàng đầu tại các BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy lần lượt về Đà Nẵng để giúp TP chống dịch. Về mặt hỗ trợ vật chất chung tay Đà Nẵng chống dịch, tính đến tối 24.8, Uỷ ban MTTQ TP đã tiếp nhận hơn 45,3 tỉ đồng và 5.200 USD từ hơn 450 cá nhân, đơn vị; tiếp nhận hàng triệu sản phẩm, thiết bị, mặt hàng từ hơn 150 cá nhân đơn vị, trong đó nhiều nhất là khẩu trang các loại, đồ bảo hộ… Sở LĐ-TB-XH tiếp nhận hàng hóa trị giá khoảng 6,3 tỉ đồng.

Hình ảnh xúc động của một chiến sĩ công an về thăm con nhỏ nhưng không dám vào nhà

SÁNG 31.7, người dân Đà Nẵng không khỏi lo lắng khi chỉ sau 1 tuần xảy ra dịch bệnh, trong ngày, số BN được ghi nhận lên đến con số 45. Suốt những ngày từ 25.7 cho đến 30.7, số BN ghi nhận được mỗi ngày cao nhất chỉ 11 ca. Từ sau khi “lập đỉnh” 45 BN vào ngày 31.7, khoảng 10 ngày sau đó số BN thấp nhất là 15 người/ngày. Đà Nẵng bước vào giai đoạn đối mặt Covid – 19 căng thẳng nhất. Trước nhận định tình hình dịch Covid-19 “đang rất nguy cấp”, chính quyền Đà Nẵng đã đưa ra hàng loạt giải pháp để ngăn dịch bệnh lây lan. Trong đó, TP chú trọng phương pháp dập dịch bên trong, ngăn lây lan ra ngoài. Trong ngày 31.7, Đà Nẵng đã tái lập chốt để ngăn không cho người dân rời khỏi TP. Nỗ lực này đã làm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch ra các địa phương nhưng cũng khiến khoảng 10.000 người kẹt lại Đà Nẵng trong gần 1 tháng qua. 

Trong Chỉ thị về phòng, chống dịch Covid-19 ban hành ngày 1.8, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu giám sát việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP.Đà Nẵng “một cách nghiêm ngặt hơn”. Đúng như nhận định về sự “nguy cấp”, những ngay sau đó, Đà Nẵng ghi nhận mỗi ngày có từ 15 – 34 ca mắc mới. Lực lượng quân đội được huy động vào cuộc để phun thuốc sát khuẩn. Lần đầu tiên, Q.Sơn Trà được phun thuốc sát khuẩn trên diện rộng với hàng chục tuyến phố lớn nhỏ mà đặc chủng đi qua. Bệnh viện dã chiến Hòa Vang được thành lập, tiếp nhận hàng chục và đến hôm qua 25.8, đây vẫn là nơi điều trị cho trên 100 BN nhiễm Covid-19.

BV dã chiến Tiên Sơn được thi công thần tốc trong vòng 72 giờ đồng hồ để sẵn sàng ứng phó với Covid-19

CHIỀU 1.8, BV dã chiến Tiên Sơn, quy mô giai đoạn 1 là 300 giường được triển khai thi công trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng lên. Đơn vị thi công nhận “lệnh” phải cấp tập thi công, đảm bảo BV đủ cơ sở vật chất vận hành càng sớm càng tốt. Bằng mọi nỗ lực, nhà thầu đã huy động hàng trăm tấn vật chất, hàng trăm công nhân thi công suốt 24/24. Cuối cùng, BV dã chiến được đánh giá là lớn nhất và hiện đại bậc nhất cả nước đã hoàn thành chỉ sau 72 giờ, rút ngắn 48 giờ so với mục tiêu ban đầu. 

Qua hai chuyến thị sát của lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng là Bí thư Trương Quang Nghĩa và Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đủ để thấy vị trí quan trọng của BV này. Và từ những cuộc thị sát này cho thấy, Đà Nẵng cũng đang rất “khát” nhân lực y tế, bởi hàng trăm y bác sĩ tại 3 BV lớn của TP đang vướng cách ly y tế. Để bổ sung cho nguồn lực, ngày 4.8, Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ đã gửi “tâm thư” đề nghị “chi viện”. Đáp lời, TP.Hải Phòng, Bình Định, Thừa Thiên – Huế, Nghệ An đã cử đội y bác sĩ vào giúp Đà Nẵng chống dịch.

Trên mạng xã hội, nhiều người dí dỏm cho biết đã “lập đàn cầu ế” cho BV ngày không có BN nào nhập viện. Đến hôm nay, đã 20 ngày từ khi thi bàn giao, BV này chưa tiếp nhận ca bệnh nào bởi số ca Covid-19 đang được khống chế, trong khi số ca ra viện tăng lên.

NGÀY 5.8, sau nhiều lần họp bàn, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, Bộ Y tế, Đà Nẵng bắt đầu triển khai phương pháp xét nghiệm gộp nhóm trước áp lực phải tăng tốc xét nghiệm, lấy mẫu để tìm ra các ca lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn biến phức tạp. Tối 4.8, trao đổi với PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói: “Đối với một số khu vực cộng đồng dân cư có số lượng mẫu xét nghiệm lớn thì áp dụng phương pháp xét nghiệm nhóm (group test). Theo đó sẽ bỏ nhiều mẫu vào ống xét nghiệm để cho ra xét nghiệm gộp. Phương pháp này sẽ cho ra kết quả nhanh hơn rất nhiều so với xét nghiệm từng mẫu. Việc này cũng được triển khai để tăng cường tốc độ xét nghiệm”.

Việc tăng tốc thông qua phương pháp này đã phát huy hiệu quả khi các ca dương tính không biểu hiện đã được tìm thấy. Đà Nẵng liên tiếp tiếp lập các khu phong tỏa là các khu chung cư, khu dân cư có từ 2 ca nhiễm trở lên. Lực lượng y tế các quận, huyện đã nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm đối với cộng đồng như dân cư, như: cả khu chợ, cả khu chung cư… Và việc trả kết quả cũng được thực hiện nhanh chóng hơn. Tính từ ngày 24.7 đến 18 giờ ngày 25.8,  số người được lấy mẫu xét nghiệm là 200.370 người. Nếu tính “cơ học”, con số này chiếm khoảng 17,6% dân số Đà Nẵng (tổng dân số 1,134 triệu người).

Ngày 5.8, lần đầu tiên tại Đà Nẵng triển khai việc lấy mẫu trên diện rộng để xét nghiệm gộp

Cũng từ xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng mà mới đây vào các ngày 18, 21 và 22.8, Đà Nẵng đã xác định được 5 ca nhiễm Covid-19 là tiểu thương, nhân viên quản lý chợ có liên quan đến 6 khu chợ lớn. Theo đó, số trường hợp F1 cũng được “khoanh lại” kịp thời để lấy mẫu xét nghiệm và đem đi cách ly. Tính đến tối 24.8, Đà Nẵng đã xác định được 11.424 các trường hợp F1 và 14.867 các trường hợp F2. Tổng cộng đã cách ly 26.291 trường hợp.

0 GIỜ NGÀY 12.8, trên cơ sở đánh giá thực trạng dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực hiện Chỉ thị số 16 từ 0 giờ ngày 28.7, Đà Nẵng dự báo diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh nên yêu cầu việc tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội trong thời gian tới cần quyết liệt và hiệu quả hơn. Đà Nẵng chính thức bước vào chu kỳ 2 cách ly xã hội với các biện pháp thắt chặt đặc biệt việc thực hiện gia đình cách ly với gia đình. Cũng từ chủ trương này, lần đầu tiên trong lịch sử của TP “23 tuổi đời” chứng kiến cảnh người dân sử dụng 2 chiếc thẻ xanh, đỏ để vào chợ. Đây là giải pháp được đánh giá là hữu hiệu nhằm giãn cách điểm “khó giãn cách nhất” là các chợ và cũng mang lại nhiều cảm xúc khó tả cho người dân Đà Nẵng, khiến nhiều người liên tưởng đến cuộc sống thời ky bao cấp, tem phiếu…

Thắt chặt cách ly xã hội tại các chợ, Đà Nẵng đã thực hiện việc giám sát thân nhiệt và phát thẻ xanh, đỏ để kiểm soát người ra vào chợ từ ngày 12.8

Mỗi hộ dân tại Đà Nẵng được phát 5 thẻ đi chợ với 2 màu xanh, đỏ. Quy định thẻ  xanh dùng cho ngày lẻ, thẻ đỏ dùng cho ngày chẵn và được sử dụng trong 15 ngày. Đồng nghĩa với việc mỗi hộ dân sẽ đi chợ 3 ngày/1 lần với mỗi thẻ dùng cho 1 lần/chợ bất kỳ của TP. Bà Lê Thị Hòa (45 tuổi, trú tại P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) cho rằng, đây là cách làm rất hay của chính quyền nhằm thay đổi thói quen đi chợ của người dân để giãn cách xã hội chống dịch Covid-19. “Đến hôm 24.8, Đà Nẵng đã thay đổi thành thẻ trắng và in sẵn ngày lên thẻ nhưng nhà tôi vẫn chưa dùng hết số thẻ xanh, đỏ. Cách làm này đã kiểm soát tốt người đi chợ để tránh sự đông đúc rất đáng lo ngại tại các chợ”, bà Hòa chia sẻ.

NGÀY 14.8, Đà Nẵng đạt “điểm mốc” gần 100.000 người được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 (tính từ ngày 24.7). Sau khoảng 10 ngày thực hiện xét nghiệm gộp nhóm (Group Test), năng lực xét nghiệm của ngành y tế đã nâng lên vượt bậc, với khoảng 25.000 người (ngày 5.8) lên gần 100.000 người được xét nghiệm (vào ngày 14.8).

BCĐ Phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng vào ngày 10.8 thông tin, từ năng lực 700 mẫu/ngày đã tăng năng suất khoảng 7.000 mẫu/ngày. Và đúng dự kiến của TP, những ngày tiếp theo, TP đã nâng lên có thể lên đến 10.000 mẫu/ngày. Được sự tư vấn của các chuyên gia Bộ Y tế, Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm gộp mẫu (3 - 5 mẫu bệnh phẩm chung trong 1 ống môi trường) cho các đối tượng các trường hợp nguy cơ cao, đối tượng F1 đang được cách ly tập trung…Kế hoạch xét nghiệm diện rộng trên địa bàn TP được triển khai rất thuận lợi với mức tăng số lượng xét nghiệm khá nhanh. Trong 10 ngày gần đây, số ca xét nghiệm đã tăng lên khoảng 80.000 người. 

Cụ thể, vào ngày 15.8 số ca xét nghiệm là 112.789 người. Ngày 16.8, tăng thêm 13.000 người được xét nghiệm với gần 126.000 người. Ngày 17.8, tổng số người được lấy mẫu xét nghiệm hơn 136.000 người (tăng hơn 10.500 người). Từ ngày 18 -24.8, số người được xét nghiệm tại Đà Nẵng tăng thêm từ 5.000 – 12.000 người/ngày. Tính đến tối qua (25.8), số người được lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng là 200.370 người. Nhờ tăng năng lực xét nghiệm mà công tác rà soát, lấy mẫu xét nghiệm đối với khoảng 17.000 người liên quan đến ổ dịch BV Đà Nẵng đã được triển khai hiệu quả.

Từ chỗ chỉ thực hiện được 700 người xét nghiệm/ngày, trong khoảng 20 ngày qua, Đà Nẵng đã nâng lên thành 10.000 người/ngày

NGÀY 19.8, người dân Đà Nẵng phấn khởi khi sau 26 ngày xảy ra dịch bệnh số BN được ghi nhận trong ngày “chạm đáy” với 2 ca. Đà Nẵng chứng kiến chuỗi ngày các ca bệnh được khống chế khoảng 10 ngày (từ ngày 10 – 19.8) với mức thấp nhất là 2 BN và cao nhất là 15 BN (ngày 14.8). 

Ngày 20.8, Bộ phận thường trực đặc biệt chống Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu loan báo một tin đáng mừng: dịch Covid-19 “bước đầu được kiểm soát”. Ông Sơn đánh giá, với sự tăng cường lực lượng và trang thiết bị y tế, về cơ bản Đà Nẵng đã đảm nhận tốt và nâng cao đáng kể năng lực giám sát, xét nghiệm và điều trị… đồng thời đưa ra các khuyến cáo, chính quyền và nhân dân TP không được chủ quan, tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch như Chính phủ, địa phương đã ban hành trong thời gian qua. 

Ngày 21.8, bộ phận chuyên môn khác vẫn tiếp tục ở lại để hỗ trợ cho TP.Đà Nẵng, trong khi đó lãnh đạo Bộ phận thường trực được T.Ư rút về Hà Nội, chính thức rời tâm dịch sau 20 ngày xông pha ra tuyến đầu để chỉ đạo công tác chống dịch.

NGÀY 21.8, sau gần 1 tháng kẹt lại Đà Nẵng do dịch Covid-19, khoảng 400 công dân tỉnh Quảng Ngãi đã được chính quyền 2 địa phương hỗ trợ xe để rời TP.Đà Nẵng. Đây là tỉnh đầu tiên trong số nhiều tỉnh, thành khác có công dân kẹt lại tổ chức việc đưa đón lao động, sinh viên về lại địa phương. Trao đổi với Thanh Niên, bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng, cho biết qua thống kê sơ bộ có khoảng 9.000 người có nhu cầu rời khỏi TP.Đà Nẵng để về quê, nhập học… Theo bà Linh, qua liên hệ với các địa phương, Sở thấy khó khăn hiện nay là các địa phương chưa sẵn sàng tiếp nhận người từ Đà Nẵng trở về cách ly, đặc biệt là các địa phương có số lượng người lao động (LĐ) làm việc tại Đà Nẵng lớn, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Do dịch Covid-19, hàng ngàn lao động đã kẹt lại Đà Nẵng trong khoảng 1 tháng qua

Ngày 22.8, UBND TP.Đà Nẵng có công văn gửi Bộ GTVT nêu: để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các công dân trên (dự kiến 10.000 người), UBND TP đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt VN mở 2 tuyến tàu xuất phát từ ga Đà Nẵng đi Hà Nội và từ ga Đà Nẵng đi TP.HCM (được đỗ tại các ga theo quy định).

Ngày 31.7, Đà Nẵng tái lập các chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ TP khiến khoảng 10.000 người bị “mắc kẹt”
Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức chuyến xe đưa 400 lao động, sinh viên về quê

NGÀY 24.8, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng có thông báo cho biết, kết quả xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống dịch (số liệu từ ngày 27.7 đến chiều ngày cùng ngày) đã lên đến 1.517 trường hợp, với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng. Thực hiện việc cách ly xã hội nghiêm ngặt, Đà Nẵng đã xử phạt các hành vi vi phạm không đeo khẩu trang theo quy định, tụ tập đông người, sử dụng ma túy trái phép, đánh bạc... ngay từ khi có “lệnh” vào ngày 27.7. Trong đó, vụ việc mang tính răn đe điển hình là Công an P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà) lập hồ sơ đề nghị xử phạt nhóm 7 thanh niên tụ tập ăn nhậu vào khuya 31.7, tổng số tiền đề nghị xử phạt là hơn 52 triệu đồng. 

Người ra đường khi không có lý do cần thiết như đạp xe tập thể dục bị xử phạt

Sau khoảng nửa tháng xử phạt các hành vi vi phạm về phòng chống dịch, đến tối 12.8, các địa phương đã xử phạt 401 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, với số tiền gần 500 triệu đồng. Và con số này trở nên tăng nhanh hơn, sau khi Sở Tư pháp Đà Nẵng có văn bản trả lời về cơ pháp lý để xử phạt những người ra đường khi không có việc cần thiết, như: câu cá, đi bộ, đạp xe tập thể dục… (ban hành ngày 15.8). Tiếp tục thực hiện các giải pháp thặt chặt cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ trong vòng 10 ngày sau khi có văn bản mang tính hướng dẫn của Sở Tư pháp, số tiền xử phạt đã tăng lên đến 1,4 tỉ đồng như đã nêu.

Nhóm thanh niên bị phạt hơn 52 triệu đồng vì tụ tập ăn nhậu bất chấp lệnh cách ly xã hội

TỐI 24.8, BCĐ Phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng yêu cầu các ngành liên quan chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm, đảm bảo y tế cho kỳ thi THPT sắp tới. Trước đó,  qua trao đổi với Bộ GD-ĐT, Đà Nẵng đã “chốt” được lịch thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào ngày 3 và 4.9, theo đúng đề xuất của Đà Nẵng. Theo đó, cùng với hơn 15.000 học sinh tại 27 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hơn 10.000 học sinh THPT của Đà Nẵng sẽ bước vào kỳ thi “đợt 2 lịch sử”. 

Công tác chống dịch đã có nhiều bước tiến triển khi TP.Đà Nẵng tháo dỡ lệnh cách ly đối với nhiều khu phong tỏa

Vào ngày 4.8, UBND TP.Đà Nẵng chính thức thông báo hoãn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, do diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cũng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng. Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...

Ngành giáo dục Đà Nẵng cũng bước vào “kỳ thi lịch sử” khi lần đầu tiên TP sẽ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 100% thí sinh; được 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên... làm công tác thi. Có thể tin tưởng rằng, với năng lực xét nghiệm trên 10.000 mẫu/ngày, Đà Nẵng sẽ kịp thời có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 để thí sinh và giáo viên coi thi có thể an tâm bước vào kỳ thi chưa từng có tiền lệ này.

Bài viết: Hoàng Sơn
Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
26.08.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top