="" div="">

>> Mai Thanh Hải

Giữa năm 1992, thấy vợ đi khám thai, về nhà cứ khóc, anh Hiển gặng hỏi mãi mới biết: “2 thai nhi dính vào nhau nên không rõ giới tính”. Chắc mẩm là con gái, anh Hiển đặt sẵn tên là Quỳnh Trang và Quỳnh Trâm. Ngày 14.2.1993, anh Hiển mới tá hỏa bởi đó là 2 cậu con trai và lúng ta lúng túng khi bác sĩ hỏi tên, ghi giấy chứng sinh. “Lúc ấy tôi chợt nhớ Sư đoàn Không quân 370 ở cạnh Tân Sơn Nhất có 3 cái cổng Phi Long, Phi Hổ, Phi Hùng tên rất đàn ông, nên lấy đại cái tên Phi Long đặt cho đứa ra đầu, đứa sau đổi lại là Long Phi”, đại tá Hiển nhớ lại: “2 đứa giống nhau mọi chuyện. Thằng này sốt thì vài tiếng sau là đến thằng kia. Ra ngoài mua thuốc cảm sốt, cứ phải mua 2 liều. Đứa này tè dầm, phải dí bô ngay đứa kia vì vài giây sau nó phun tồ tồ”…

3 bố con cùng là phi công tiêm kích của sư đoàn 370, quân chủng phòng không – không quân: Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển (giữa), trung úy Nguyễn Phi Long (trái), thiếu úy Nguyễn Long Phi (phải).

Hoàn cảnh gia đình của anh Hiển quá đặc biệt, nên từ khi sinh 2 con trai hầu như chỉ một tay anh chăm sóc nuôi dạy. Thời điểm 1998 - 2000, anh Hiển ra Hà Nội theo học tại Học viện Quốc phòng, anh em Long - Phi cũng theo bố ra thủ đô học cho hết lớp 3. Khi bố học xong về lại miền Nam, cả 2 cũng phải chuyển về TP.HCM học đến lớp 5, sau đó lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) học tiếp dưới sự chăm sóc của bác ruột bởi trung tá Nguyễn Ngọc Hiển được bổ nhiệm chỉ huy phi đội 1 (Trung đoàn 937), ít có thời gian từ Phan Rang vào TP.HCM thăm con. Tháng 10.2006, trung tá Nguyễn Ngọc Hiển được bổ nhiệm Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 937 và cuối năm 2008, ông đưa 2 cậu con trai (lúc này đang học kỳ đầu của lớp 10) xuống Phan Rang học hết lớp 12.

Những cô bác của 2 anh em Long - Phi giờ gặp 2 phi công cao trên 1,7 m vẫn nhắc lại chuyện: Hồi học lớp 2 ngoài Hà Nội, nghỉ hè bố Hiển đưa về quê Đoan Hùng (Phú Thọ) gửi bà nội và phải làm mọi việc nhà. Có lần, bố sai 2 anh em quét nhà, bà nội thấy vậy giằng chổi: “Chúng nó không cầm nổi cái chổi. Việc nhỏ thế này anh để tôi” nhưng anh Hiển ôn tồn: “Các cháu phải tự giác và tự làm từ việc nhỏ thế này, sau mới cứng cáp ra đời”. Cũng vì tự lập “từ trong trứng”, nên quãng đời học sinh của 2 anh em như trong quân ngũ, thực hiện y xì 11 chế độ trong ngày của bộ đội, từ giờ dậy đến phút đi ngủ.

Anh em Phi Long – Long Phi với ước mơ làm phi công quân sự từ khi ra nghỉ hè với bố Nguyễn Ngọc Hiển (phải) tại sân bay quân sự Phan Rang. (Hình: tư liệu gia đình)

Hỏi 2 anh em “tuổi thơ ở đâu?”, anh Hiển cười vui: “Tôi cứ bảo chúng nó là… lang thang cơ nhỡ” và trầm giọng: “Từ khi con bé tí học lớp 1 cho đến khi thanh niên lớp 9, lúc nào cũng đau đáu lo chúng nó ăn học sinh hoạt hằng ngày. Chỉ mấy tháng nghỉ hè mới bớt lo vì 2 anh em lên đơn vị ở cùng bố”. Đến giờ, bộ đội Trung đoàn Không quân 937 đóng ở miền cát nắng Phan Rang thời điểm 1998 - 2011 vẫn nhớ cảnh 2 cậu con trai giống nhau như đúc, ở liền tù tì với phi công Nguyễn Ngọc Hiển suốt 3 tháng hè, nghe kẻng cơm là thoắt ngồi nghiêm trong bếp hoặc khệ nệ bưng suất ăn của bố về phòng, ăn thêm với mấy món cải thiện tự nấu bằng bếp dầu mù mịt khói. Sáng sớm, 2 bóng lít nhít cũng đứng cuối hàng quân tập thể dục, hô dõng dạc: “Khỏe! Bảo vệ Tổ quốc! Khỏe! Xây dựng quân đội”. Chiều, cả 2 lăn ra hít đất, đánh côn dưới sự giám sát của bố.

Quen sống quân ngũ nên cả 2 anh em từ bé đã biết tự chăm sóc bản thân, nấu ăn giặt quần áo và bảo nhau học bài. Trước năm học, anh Hiển lại dành dụm đồng lương sắm sửa sách vở. Tuy nhiên, không bao giờ mua mới hộp bút mà mang ra kỳ cạch sửa. Cả Long - Phi xúm lại hỏi: “Nhà mình hết tiền hả bố?” và từ đó không bao giờ đòi hỏi mua sắm như nhiều bạn khác, cho dù thiếu sự chăm sóc của mẹ.

Hồi học THCS, mọi người hỏi 2 anh em: “Lớn lên thích nghề gì?”, cả 2 đồng thanh: “Phi công quân sự”. Bố Hiển thấy cả 2 ốm yếu, chẳng tin con mình có thể vượt qua cửa ải khám tuyển, nhưng vẫn… lợi dụng để dạy con: “Muốn làm phi công quân sự phải có chức năng tiền đình tốt, thị lực 10/10, sức chịu đựng trong môi trường giảm áp”. Nghe vậy, cả 2 anh em bỏ chơi điện tử, hạn chế xem ti vi và cả sáng, chiều hì hục tập xà đơn xà kép. Hè lên đơn vị ở với bố, cả 2 đều đặn vào khu tập của phi công, ngồi đu quay, vòng quay trụ, bàn xoay ly tâm… luyện tập như thật khiến các chú bộ đội tròn mắt.

Đầu năm học lớp 12, anh Hiển hỏi: “Thi trường nào đây?”. 2 cậu con một mực: “Sĩ quan không quân, làm phi công tiêm kích như bố”. Thuyết phục mãi không được, anh Hiển nhượng bộ: “Vậy 1 đứa đi phi công quân sự. 1 đứa thi hàng không, vẫn được lái máy bay dân sự, lại thu nhập cao, có gì còn giúp đỡ kinh tế cho đứa kia đỡ vất vả”. Chưa nói hết câu, anh trai Nguyễn Phi Long đã cắt lời: “Chúng con thích đi theo nghề thì bố phải tôn trọng chúng con. Anh em đã ở bên nhau từ bé đến giờ, vui cùng vui, khổ cùng khổ”. Em Nguyễn Long Phi láu táu: “Làm phi công dân sự, tiền có nhiều nhưng sau này cũng chỉ vợ tiêu. Phi công tiêm kích mới đúng bản lĩnh đàn ông”. Anh Hiển gặng hỏi: “Quân sự vất vả hy sinh, sao các con lại thích?”, Nguyễn Phi Long tâm sự: “Con thấy bố với các chú đi bay về là quây quần bên nhau. Có chuyện gì cũng chia sẻ động viên giúp đỡ, như anh em ruột thịt trong nhà” và cương quyết: “Ngày xưa bằng tuổi chúng con, bố cũng vào bộ đội để thực hiện lý tưởng bảo vệ người thân, đất nước. Tại sao chúng con lớn hơn bố ngày ấy, giờ không được thực hiện lý tưởng của mình?”.

Cuối năm 2010, đại tá Nguyễn Ngọc Hiển đưa 2 cậu con trai ra TP.Nha Trang khám tuyển phi công. Mấy y bác sĩ trẻ đọc kết quả, tròn xoe mắt hỏi: “Anh làm nghề gì mà cả 2 cháu đều mạnh khỏe, đạt mọi chỉ số yêu cầu ở các vòng khám?”. Giữa năm 2011, cả 2 anh em trúng tuyển Trường Sĩ quan không quân.

Tháng 10.2011, đại tá Nguyễn Ngọc Hiển đưa 2 cậu con trai vào trường nhập học. Đơn vị quản lý học viên ngay lập tức làm biển tên ngực áo phát cho 2 anh em với lời dặn: “Lúc nào cũng phải mặc quân trang cấp phát có in, gắn biển tên để thầy cô không nhầm”. (còn tiếp)


Đồ họa: Lâm Nhựt |  Ảnh: Hải An

Báo Thanh Niên
13.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.