Hàng chục năm qua, cuộc sống của người dân làng Hrung Hrang, xã Ayun (H.Chư Sê) vẫn là một trong những nơi nghèo nhất tỉnh Gia Lai và đang đối mặt với đói nghèo, lạc hậu.

>> ĐỨC NHẬT

Cách TP.Pleiku gần 60 km về hướng đông nam, xã Ayun như một lòng chảo nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ. Cũng bởi đường sá khó khăn khiến cho nơi này như một ốc đảo, tách biệt với xã hội bên ngoài. Nhiều năm trước, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng tuyến đường liên xã để kéo Ayun gần hơn với các vùng đất xung quanh nhưng thời gian gần đây, tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng.

Dù đã được nghe kể nhiều về cái xã nghèo nhất Gia Lai, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi mới có dịp ghé thăm. Nhìn từ đỉnh đèo Tung Keng, xã Ayun hiện ra với một màu ảm đạm, héo úa của cỏ cây.

Trong làng hầu hết các nhà không cần dùng đến cửa

Con đường duy nhất đầy sỏi đá nhấp nhô dẫn vào xã như càng làm cho nơi này thêm xa xôi, diệu vợi. Vào đến trung tâm xã, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn vách gỗ dột nát, xập xệ.

Giữa cái nắng như nung người, làng Hrung Hrang vắng tanh, hoang tàn đến khó tin. Khắp làng đa phần là những căn nhà được che tạm bằng gỗ ván lụp xụp. Hay chỉ đơn giản là những căn nhà được dựng tạm bằng mấy lá tôn đã gỉ sét, thủng lỗ chỗ. Hiếm hoi lắm mới có một vài ngôi nhà được xây bằng gạch. Có nhiều ngôi nhà khi được cán bộ xã giới thiệu chúng tôi vẫn không thể tưởng tượng về quy mô của nó: chỉ 3 m2!

Sau một hồi tìm đường, chúng tôi cũng đến được nhà trưởng thôn. Ông Đinh Hem (40 tuổi, trưởng thôn) có khuôn mặt nhàu nhĩ, trông già hơn nhiều so với tuổi của mình. Nghe khách hỏi thăm, ông Hem vội bước ra quên cả xỏ dép. Ông khẽ kéo chiếc móc sắt ở cánh cổng được kết lại với nhau bằng vài ba miếng ván rồi đón khách vào vuông sân nhỏ hẹp.

Ngôi nhà của chị Đinh Trếck được dựng tạm bằng mấy tấm tôn.

Lâu lâu ông Hem lại nhấc chân lên xuýt xoa vì đất nóng. Ngôi nhà của ông Hem là một căn nhà sàn được chắp lại bằng nhiều lớp ván thô sơ. Thế mà nó là ngôi nhà khang trang nhất xứ này.

Điều đặc biệt, hầu như tất cả những ngôi nhà trong làng đều không có cửa. Khi chúng tôi thắc mắc, ông Hem cười: “Trong nhà có gì đâu mà sợ mất. Mỗi gia đình trồng được 2 - 3 sào lúa. Mỗi năm chỉ trồng được một vụ, cứ thu xong lại trả nợ hết. Vụ còn lại trồng mì nhưng nắng quá cũng không có củ. Làm gì có tiền, có của mà phải cần đến cửa?”. 

Giữa trưa, một nhóm phụ nữ gùi củi nối đuôi nhau tiến ra từ bìa rừng. Khi được hỏi chồng con ở đâu mà phải đi làm một mình như thế, họ đều có chung câu trả lời: “Nó đi hái cà phê thuê rồi, khi nào hết mùa mới về nhà”. Đâu đó dưới bóng cây kơ nia, vài ba em bé ở truồng lăn lóc chơi đùa. Những người già lặng lẽ ngồi tựa bậu cửa nhìn ra khoảng trời nắng cháy.

Chúng tôi ghé vội vào căn nhà của gia đình bà Đinh M’Loh (40 tuổi) để tránh cái nắng đang gay gắt. Nói là nhà nhưng chỉ là một cái chòi dựng từ mấy miếng phên đan bằng tre đã mục nát. Bên ngoài treo đủ thứ quần áo cũ nhàu, rách nát. Thấy người lạ, bà Loh bế đứa con từ nhà hàng xóm tất tả chạy về. Bà nói nhà có 5 đứa con nhưng hai vợ chồng chỉ có 1 sào lúa thôi. Chồng bà thường ngày đi làm thuê, cuốc mướn. 

Bà M’Loh bên mấy đứa con nhỏ

“Nó cứ có tiền là nhậu, con cái xin tiền đi học không cho, nhà hết gạo xin tiền mua cũng không cho. Mình hồi trước cũng đi nhặt phân bò, 2 ngày nhặt một bao bán lại cho người ta được 40.000 đồng. Nhưng gần đây người ta không mua phân bò nữa nên mình không đi nhặt. Tiền không có thì đói miết mà”, bà Loh nhìn vào bầy con buồn rầu nói.

Cũng do mùa màng thất bát nên đa số đàn ông trong làng phải đi xa làm thuê, cuốc mướn nuôi gia đình. Chủ yếu họ rủ nhau đi hái cà phê ở các huyện lân cận vài tháng. Khi hết mùa thu hoạch cà phê họ sẽ trở về. Số tiền ít ỏi này dùng để trang trải cuộc sống trong những ngày giáp hạt.

Chia tay bà Loh, chúng tôi ghé vào căn nhà tồi tàn không kém của gia đình chị Đinh Trếck. Dưới căn nhà được dựng tạm bằng mấy tấm tôn cũ mục, những đứa trẻ lầm lũi chơi bời trước vuông sân bụi mù. 5 - 7 người đàn bà ngồi quây lại với nhau bên ché rượu cần. Mồi nhắm chỉ là nồi canh lá mì lõng bõng nước. Thấy có khách tới nhà, những người phụ nữ vội dọn cuộc vui qua một bên để lấy chỗ cho khách ngồi. Trong hơi thở đã nồng nặc mùi rượu, họ bắt đầu kể chuyện gia đình mình.

Chị Trếck cho hay, nhà có ít nương rẫy nên sau khi thu hoạch lúa xong chồng chị đã đi hái cà phê thuê. Còn chị ở nhà chăm sóc mấy con nhỏ. Những lúc rảnh rỗi các chị lại rủ nhau uống rượu giết thời gian và cho vơi nỗi nhớ chồng.

Vừa hút xong một hơi rượu cần, bà Đinh Tríck (chị gái Đinh Trếck) liền xen vào. Bà chẳng nhớ nổi cái tuổi của mình, hình như là gần 40 cái mùa rẫy. Bà bảo, mình cũng có 5 người con, con lớn nay đã 17 tuổi đi làm xa nhà, 4 đứa còn lại vẫn đang tuổi ăn tuổi học. Trước đây, những khi rảnh rỗi hết vụ mùa, bà cùng các con vẫn đi nhặt phân bò và mò cua bắt ốc bán lấy tiền. Tuy nhiên năm nay không ai thu mua phân bò nữa, con cua mớ ốc ngoài suối cũng dần cạn kiệt nên chẳng có việc làm. 

Nhà bà Phạm Thị Ngoan (54 tuổi) là một hộ buôn bán hàng hóa ở làng Hrung Hrang. Buổi trưa vắng khách, chủ nhà uể oải dọn lại mấy thứ hàng treo trên sợi dây vắt qua cửa nhà. Thấy chúng tôi, bà Ngoan gấp vội quyển sổ ghi nợ rồi mang nước ra mời.

Bà kể nhà chỉ có tí vốn còm, mà bà con còn mua nợ từ đầu năm đến cuối năm mới trả. “Thôi thì ai cũng nghèo, nên cũng đành cho họ khất. Năm nay thời tiết khắc nghiệt, dân làng trồng cây gì chết cây đó nên mọi người đói cái ăn lắm. Mấy năm trước cứ đến mùa gặt là dân làng lại mang lúa ra để trả nợ. Thế mà năm nay lúa vừa gặt về đến sân phơi đã hết. Dân chẳng trả được bao nhiêu, nợ cũ vẫn còn chất đống trong kia. Ít hôm nữa hết gạo, dân làng lại kéo nhau đi bắt ốc để ăn hoặc bán lấy tiền mua gạo”, bà Ngoan đưa ánh mắt về phía mảnh ruộng cháy nắng buồn rầu.

Nơi đây là một vùng đất cằn khô, khắc nghiệt

Ông Đinh Hem cho hay, hiện cả thôn có 72 hộ dân và gần 300 khẩu. Trong đó, có khoảng 45 hộ nghèo, những gia đình khác kinh tế cũng chẳng khá giả hơn là bao.

Theo ông Hem, người làng nghèo đói quá, con em cũng chẳng còn chú tâm đến việc học nữa. Nên mấy chục năm qua, cả làng chỉ có 2 em theo học đến đại học. Vừa qua, gia đình khó khăn quá, một em cũng phải nghỉ học vì không đủ tiền trang trải nơi phố thị.

Ông Đinh Gák, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun, cho biết nhà nước và các cấp chính quyền vẫn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ đồng bào nơi đây. Tuy nhiên, các hộ gia đình rất đông con, mỗi gia đình có từ 4 - 5 đứa. Thêm vào đó người làng lười lao động, làm ít, nhậu nhiều. Do đó cuộc sống đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn.

Người làng Hrung Hrang ngoài cái ăn cái mặc, còn ngày ngày đối mặt với mối lo thiên tai hạn hán. Toàn xã luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nơi đây là một vùng đất cằn khô, khắc nghiệt. Giữa lòng chảo này người dân không thể trồng được bất cứ loại cây gì ngoài lúa một vụ, ngô và củ mì cao sản. Theo ông Gák, trước đây chính quyền địa phương đã có kế hoạch di dời người dân đến vùng khác thuận lợi hơn để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Thế nhưng người dân chẳng chịu rời đi vì muốn sống trên mảnh đất mà cha ông họ để lại. Người dân đã xin chính quyền địa phương ở lại và được chấp nhận. Vậy là cuộc sống của người dân tiếp tục xoay quanh đói nghèo và lạc hậu.

Cũng theo ông Gák, sắp tới để ổn định cuộc sống người dân, chính quyền địa phương sẽ cho xây dựng đập thủy lợi Pleikeo, cung cấp nước tưới cho 700 ha lúa và nhiều loại cây trồng khác ở xã Ayun.

Chúng tôi chia tay chảo lửa Hrung Hrang ra về, những đứa trẻ vẫn trần truồng đùa giỡn dưới chân nhà sàn đầy bụi đất. Bên hàng rào một nhà nào đó, những phân bò chất đống ế khách. Chẳng biết đến bao giờ cuộc sống bà con nơi đây mới thôi chông chênh, lạc điệu?

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: ĐỨC NHẬT

Báo Thanh Niên
11.12.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top