>> NHƯ LỊCH
Sống trong căn nhà mua được từ tiền trúng độc đắc, bà cụ mù bán vé số Chung Thị Nghĩa (72 tuổi, Q.1, TP.HCM) nhiều lúc vẫn ngỡ đang chiêm bao. Bà cười hỉ hả: “Lúc ngủ, tui mò mò và nói: Trời, sao nhà mình bây giờ rộng quá vậy ta! Lúc trước ở bên kia nằm ngay giò đâu có được, phải nằm xéo xéo tại chật lắm, bề ngang chừng thước rưỡi à”.
Sau khi trúng hai tờ độc đắc, bà Chung Thị Nghĩa (tên thường gọi là Oanh) cùng con trai út sang chỗ ở mới (nằm trong con hẻm đại lộ Võ Văn Kiệt, P.Cô Giang, Q.1).
Từ năm 1983, gia đình bà Nghĩa sống trong căn nhà chỉ 8 m2 nhưng chứa đến chục nhân khẩu ở khu Mả Lạng (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1).
Hơn 30 năm qua, bà Nghĩa bán vé số dạo. Đói khổ, dãi dầu sương gió, nhiều bất trắc rình rập trên đường mưu sinh vẫn không đáng kể so với nỗi lo nhà bị giải tỏa. Bà thổ lộ: “Ở khu Mả Lạng, người ta hăm giải tỏa hoài. Mà giải tỏa thì tui và đám con cháu biết đi đâu khi không có tiền. Vì tụi tui chỉ tạm cư nên nhà nước bảo là hỗ trợ để di dời chứ không phải đền bù. Tui rầu riết rồi ốm nhom ốm nhách”.
Thời gian đi bán, ngày nào bà Nghĩa cũng ráng để dành 2 tờ vé số. Bà vái được trúng số để mua nhà cho con cháu có chỗ ở. Đến tháng 4.2016, bà trúng một lúc hai giải đặc biệt, mỗi giải 2 tỉ đồng. Sau khi trừ thuế, bà lãnh được 3 tỉ 550 triệu đồng và lập tức mua nhà, xe cho hai đứa con hết khoảng 2,3 tỉ.
Từ cảnh khổ đi lên nên gia đình bà cụ mù không quên chia lộc cho những người túng ngặt. Theo bà, tùy từng trường hợp cụ thể, mẹ con bà tặng từ 500.000 - 5 triệu đồng cho những người nghèo khu Mả Lạng, ở H.Cái Bè (Tiền Giang, quê bà Nghĩa), người tàn tật, lang thang cơ nhỡ. Bà còn biếu chủ đại lý Thu Như (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) 500 USD vì nơi đây đã cho bà và những người khuyết tật nhận vé bán gối đầu (bán trước, trả tiền sau), chia sẻ hoạn nạn trong những lần bà bị kẻ bất lương giật vé số.
“Tui tặng bá tánh khoảng 600 triệu. Nói không ai tin, giờ tui chỉ còn cái nhà chứ chẳng còn gì hết. Nhưng con cái có nhà cửa là tui vui rồi”, bà cụ mù xởi lởi. Đôi lúc thấy nhớ nghề, bà tính đi bán lại nhưng con cái gạt đi: “Mẹ đi bán, người ta chửi tụi con sao trúng số mua nhà mà bắt bà già đi bán. Mẹ thoát cảnh dầm mưa dãi nắng là tụi con mừng lắm, cứ an nhàn hưởng tuổi già, cơm nước của mẹ tụi con lo hết...”.
Lâu lâu, bà Nghĩa được con đưa về thăm khu Mả Lạng. Nhiều người thấy bà, kêu: “Tỉ phú tới kìa!”. Bà cười hiền đáp lại: “Tỉ phú không tiền là tui nè!”.
Nhiều gia đình dù không trúng số nhưng đã thoát nghèo, cho con cái ăn học nên người từ những tờ vé số thấm mặn mồ hôi và cả nước mắt.
Chồng mất sớm, bà Phấn (quê ở Tuy Hòa, Phú Yên) một mình bươn chải nuôi bốn con. Hơn 10 năm nay bà vào TP.HCM bán vé số dạo, tá túc trong đại lý vé số, chấp nhận kham khổ để tiết kiệm tiền. Bà tâm sự: “Mệt hay bệnh, tui cũng ráng lết nuôi con. Mỗi lần nhớ con về thăm quê, tui chỉ dám ở vài ngày vì nghỉ lâu chi phí hằng tháng mấy đứa con ai lo cho?”.
Nhắc chuyện con cái, bà Phấn vui vẻ cho biết con gái đầu lòng đã có chồng và hai con. Mấy đứa kế cũng đang học đại học và có việc làm. Bà khoe: “Thấy mẹ khổ cực nên mấy đứa con không chơi bời mà chí thú làm ăn, chăm chú học hành và đó là niềm vui lớn nhất đời tui”.
Trong khi đó cách đây 8 năm, một vụ nổ bình gas mini khiến chị Trịnh Lan Anh (32 tuổi, quê Thanh Hóa) bị bỏng toàn thân, gương mặt biến dạng. Chị nhớ lại: “Lúc tôi mới bị phỏng, nhìn ghê rợn. Có người bảo tôi bán vé số chi cho cực, cứ ra cột đèn đỏ ngồi một ngày có khi kiếm cả triệu bạc nhưng tôi không chọn cách đó”.
Dù không ít lần cay đắng, tủi hờn nhưng chị Lan Anh vẫn biết ơn nghề bán vé số. Nó giúp chị băng qua những ngày giông bão, lấy cực nhọc để quên đi đớn đau thể xác với hàng chục lần phẫu thuật. Nó cũng cho chị thấy lòng hào hiệp của người dân Sài Gòn qua mấy lần họ mua hết số vé còn lại (có khi gần 200 tờ, chưa kể cho thêm tiền) để đứa con nhỏ mà chị phải ẵm theo được về nhà ngủ sớm…
“Tôi bán vé số mấy năm có tiền cho bố mẹ trả nợ, làm lại cái sân, xây phòng vệ sinh, có chỗ ở tươm tất…”, chị khoe.
Hôm tôi nhập vai bán vé số dạo sống trong đại lý của bà Hai (đường Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM), chồng bà Hai kể cho tôi nhiều trường hợp đổi đời nhờ bán vé số. Ông động viên tôi nếu đeo đuổi nghề này sẽ sống khỏe. Chợt một phụ nữ đồng hương Phú Yên của ông xen vào: “Sao tui ở đây mười mấy năm vẫn khổ miết vậy?”. Ông chủ nửa đùa nửa thật: “Vậy đứa nào đã cất nhà trên nhà dưới đàng hoàng ở quê, có phải mày không?”. Chị kia cười lỏn lẻn.
Ông Hai cho hay “lính” ăn cơm ở đại lý này lâu nhất chừng 20 - 22 năm, thấp nhất cũng 2 - 3 năm. Có người ăn cơm ở đại lý này từ hồi chưa có vợ mà nay con đã 16 - 17 tuổi (người con cũng theo nghề bán vé số). Nghề này nuôi biết bao người con thành đạt. Trong đó, có cô sinh viên đang học năm nhất, cứ cuối tuần lên đây bán vé số với mẹ. Đặc biệt, có chàng trai từng vô bán vé số, giờ về quê làm đại gia, giám đốc.
“Nói đâu xa, tui bán vé số dạo từ thời giá 2.000 đồng/tờ. Cưới bả xong mở được đại lý này để nhiều người dựa vào nhau mà sống”, ông dẫn chứng bản thân mình rồi khẳng định: “Bán vé số không phải là nghề cao sang trong xã hội nhưng lương thiện, lao động đổ mồ hôi, kiếm đồng tiền xứng đáng. Chỉ cần mình kiên trì, không tự ái là theo được”.
Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Như Lịch