>> PHONG AN

Nói đến đồ cổ, phần đông thường ít nghĩ đến  giá trị văn hóa, lịch sử của món đồ, mà chú ý ngay đến giá. Cái gì cổ, luôn được gán giá phải cao. Với dân trong nghề, cổ vật giá trị phải có hai thứ: nhứt cổ - nhì quái. Thí dụ một món binh khí bằng đồng từ thời Đông Sơn (hơn 2.000 năm tuổi) đã hoen gỉ, cổ quái màu thời gian, nhưng để tính giá thị trường thì bèo nhèo, khiêm tốn bằng giá tô phở, sang chảnh hơn tí cũng chỉ đôi trăm ngàn, bởi lẽ thứ ấy có hằng hà sa số. Nhưng với một con dao găm, cũng đồ Đông Sơn, cán hình người, lại có giá tiền tỉ. Các món gốm sứ cũng tương tự.

Chọn mua được hiện vật gốm Việt cổ giá trị để hồi hương là kinh nghiệm xương máu của người sưu tầm

Phong trào chơi đồ sứ tàu lắng dần, cổ vật lưu lạc trong dân gian cũng vơi đi nhiều. Những người chơi cổ ngoạn lão luyện, có nguồn tài chính mạnh dần chuyển hướng, tập trung nhiều vào dòng đồ ta (gốm Lý, Trần, Lê, Mạc…). Rồi cũng đến lúc thị trường trong nước cạn, các tay chơi phải lặn lội ra nước ngoài tìm mua lại, đưa cổ vật trở về. Giới sưu tầm gốm Chu Đậu sẽ chọn Indonesia, bởi đó là “mỏ vàng” đang lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, thậm chí là độc bản trong dòng gốm Chu Đậu xưa.

Lý do gốm Chu Đậu xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới hơn hẳn các dòng gốm Việt cổ khác là bởi ra đời vào thời kỳ giao thương cực thịnh của Đại Việt (thế kỷ 14, 15) với bên ngoài. Kỹ thuật chế tác gốm Chu Đậu cũng mang nhiều điểm nổi trội về kiểu dáng, đặc biệt là lối vẽ trang trí men hoa lam, đề tài đa dạng, kích cỡ phong phú, giá trị mỹ thuật cao.

Chọn mua được hiện vật gốm Việt cổ giá trị để hồi hương là kinh nghiệm xương máu của người sưu tầm

Cái khó đầu tiên của chuyện “đi sứ” (đi mua đồ gốm sứ) ngày nay là tiếp cận được những bộ sưu tập lớn ở nước ngoài. Thêm bất lợi khác, mỗi khi thấy thị trường dịch chuyển qua đồ sưu tầm giá trị cao, đám làm đồ giả cũng gài bán đồ giả đánh vào tâm lý lòng tham. Thế nên, mỗi chuyến săn cổ vật, giới sưu tầm hay rủ vài người có nghề theo cùng để kiểm tra chéo xem món đồ mình chọn mua thật - giả thế nào.

Cận cảnh vẻ đẹp cái chum đời Minh được mua trở lại Việt Nam

Thị trường Indonesia cũng thế. Khoảng 3, 4 năm trở lại đây, khi những nhà sưu tập Việt liên tục quần đảo, săn tìm đồ Chu Đậu giá trị cao, đồ giả cũng xuất hiện, tuy nhỏ giọt nhưng trình chế tác đều vào hạng khủng. Người viết không ít lần tiếp cận hiện vật gốm Chu Đậu phổ thông như hũ, thủy trì, bình tì bà... hàu biển bám chi chít, nước men hoàn hảo, duy chỉ có cốt thai vẫn cứng đanh, không xốp và nhẹ như đồ thật. Hóa ra dân làm đồ giả từ VN đã chuẩn bị sẵn, vì là đồ vớt biển, nên làm giả cũng nhúng xuống biển cho hàu, ốc, thủy sinh bám lít chít.

Đồ giả khi ấy lại âm thầm chuyển sang thị trường Indonesia, cài cắm khắp nơi trong giới buôn cổ vật. Chỉ một sơ sểnh nhỏ, “dính chưởng” cái bình tì bà, hay cái bình uyên ương, có thể đi tong vài ngàn, đến vài chục ngàn USD là chuyện thường. Gặp những món đồ lớn, vẽ lạ, hay tượng người (nhưng là đồ giả), một quyết định sai có giá... tiền tỉ.

Trong chuyến đi Indonesia cuối năm 2019 theo tin nhắn một lô gốm Chu Đậu 6 món gồm đĩa, bình tì bà đắp tổ ong, và giá trị nhất là bức tượng cô gái, đang chào bán chưa đến 50.000 USD. Theo thị trường, đây là mức giá khá... bình dân, bởi chỉ tính riêng bức tượng đã có giá trị cao hơn thế. Giờ xem đồ được sắp xếp khá muộn, gần 11 giờ khuya với lý do để đi lại tránh kẹt xe (nỗi kinh hoàng khi di chuyển trong nội đô Jakarta). Tiếp cận được hiện vật trong ánh đèn tù mù, ai nấy mệt nhoài, tâm trạng nhìn gà hóa cuốc, và phải thật tinh ý lắm nhóm săn cổ vật hôm ấy mới phát hiện ra bức tượng là đồ gài (đồ giả cổ) với chi tiết nhận diện là cốt gốm khá đanh, tượng nặng tay hơn nhiều so với những hiện vật từng sở hữu.

Mua được đồ thiệt ở thị trường xa lạ đã khó, chuyển về nước cũng gian nan bội phần, không phải vì tiền mà vì thủ tục, nhũng nhiễu. Nguyễn V. thuật lại câu chuyện về chiếc chum đời Minh, hơn 30 năm trước được P.C thương lái đồ cổ có tiệm ở Đồng Khởi, mua từ ngôi làng dân tộc Cơtu (vùng núi Đông Giang, Quảng Nam) với giá quy đổi đương thời là 20 cây vàng dùng mua đàn trâu bò 200 con đổi ngang cho người làng. Cách đây hơn 5 năm, V. sang nhượng chiếc chum cho một nhà sưu tập từ Singapore với mức giá ngót tỉ đồng. Theo nhận định, đây là chiếc chum hiếm gặp, kích cỡ lớn với chiều cao gần 6 tấc.

Từ Singapore, chum lưu lạc sang Hàn Quốc, ngự vào bảo tàng tư nhân của tu sĩ tại gia, cách Seoul khoảng 3 giờ xe chạy. Khi hay tin thương lái Trung Quốc đang quanh co ép giá, muốn mua lại, V. lên đường sang Hàn, ngã giá, đưa chiếc chum Minh hồi hương với mức cao hơn 4 lần lúc bán. Nguyễn V. kể: “Bán đi thì dễ, khách họ tự vận chuyển, cũng bằng đường hàng không. Nhưng lúc mua về, vì kích cỡ lớn nên cứ bị lôi ra săm soi, hải quan đòi giữ lại, phải gọi điện rồi lót tay mới đem ra được”.

V.nói thêm: “Dù theo quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của Bộ Tài chính, mặt hàng cổ vật độ tuổi trên 100 năm, có thuế nhập khẩu bằng 0% nhưng nếu trình báo là đồ cổ, phải giấy tờ kê khai, đồ bị giữ lại kiểm định, chờ lập hội đồng xác minh niên đại, rồi sẽ được mời lên mời xuống, biết bao giờ mới xong. Trong khi đồ có giá trị, lỡ trong lúc giữ làm bể vỡ, re nứt, ai chịu trách nhiệm? Có bồi thường cũng biết thế nào là đủ vì đâu dễ tìm được món thứ hai. Nên thôi cứ thêm chục triệu theo yêu cầu, lấy đồ về cho lành”.

Những chuyến săn đồ Chu Đậu ở Indonesia khi chuyển về cũng gặp tình trạng tương tự. Đồ giá trị cao nên luôn được gói ghém rất kỹ, cả thùng xốp to nhiều khi chỉ để đúng một cái đĩa, bức tượng. Nhân viên hải quan soi qua biết đồ giá trị, bị ngoắc lại làm luật ngay. Về đến VN cũng tương tự, phần vì gói kỹ, phần hiện vật gốm Chu Đậu đã hơn 500 năm tuổi, qua thời gian chìm trong nước biển hoặc chôn sâu đất liền, nhìn sơ đã thấy nét cổ, chịu thêm lần làm luật nữa, hiện vật ấy mới có thể ung dung trong thị trường của giới sưu tầm.

Để đưa được chiếc chóe Khang Hy đẹp hoàn hảo, cao 60 cm về Việt Nam là một thử thách không nhỏ

Báo Thanh Niên
09.05.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.