>> PHONG AN

“Hằng năm, trung bình hai, ba cuộc đấu giá cổ vật ở Drouot về hiện vật châu Á gồm tranh ảnh cổ, đồ nội thất, gốm sứ, đồ gỗ chạm, đồ đồng...”, chuyên gia giám định cổ vật Vincent L’Herrou chia sẻ với PV Thanh Niên về hoạt động thường niên của nhà đấu giá Aguttes trước thềm cuộc đấu giá lớn có tên Mỹ thuật châu Á tại Paris. Trong đó có rất nhiều hiện vật cổ đủ chất liệu, niên đại xuất xứ từ VN.

Nhờ những phiên đấu giá quốc tế, cổ vật Việt ngày càng thêm cơ hội khẳng định giá trị của mình một cách minh bạch, công khai, không phải chui lủi, tù mù với đủ trò thật thật - giả giả như thị trường trong nước.

Giới sưu tầm cổ ngoạn VN từ rất lâu đều mong có những phiên đấu giá công khai để người mua tìm được món đồ ưng ý, người bán hài lòng vì hiện vật được xác định đúng giá trị thị trường và đặc biệt là một trung tâm giám định uy tín, đẳng cấp như ở Thượng Hải, Hồng Kông.

Điều tưởng chừng đơn giản ấy vẫn chưa thể thực hiện bởi những rào cản về luật đấu giá cổ vật, các nghị định liên quan chuyện mang cổ vật đi đấu giá ở nước ngoài. Tại Hà Nội cũng có Trung tâm giám định đồ cổ lập nên cách đây vài năm, nhưng thị trường cổ vật trong nước vẫn tự do vận động, trôi nổi, mất kiểm soát.

Vincent L’Herrou (bên trái) nói về hiện trạng bức tượng cho nhà sưu tập Việt Nam

Tại Pháp, Aguttes là công ty đấu giá cổ vật tư nhân đầu tiên, hiện trong nhóm dẫn đầu thị trường, được Claude Aguttes lập nên từ năm 1974 và chuyển giao cho hai người con gái là Philippine Dupré la Tour và Charlotte Reynier-Aguttes điều hành.

Aguttes cũng là nơi hội tụ, đấu giá thành công nhiều tác phẩm của các danh họa VN xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Gần đây trên họa đàn biết đến phiên đấu giá tác phẩm miêu tả hình ảnh cô gái cầm quạt của họa sĩ Nam Sơn - đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương - với mức giá kỷ lục là 565.040 euro (hơn 14 tỉ đồng).

Khu vực đấu giá của Aguttes ở Drouot chia thành nhiều phòng, tuy cùng chủ đề về nghệ thuật châu Á, nhưng mỗi phòng trưng bày một dòng hiện vật chất liệu khác nhau. Cổ vật VN thuộc nhóm hiện vật đồ nghệ thuật châu Á.

Ba ngày trước phiên đấu giá, cổ vật được trưng bày để khách tham quan

Ngay trong ngày mở cửa đầu tiên đón khách tham quan triển lãm hiện vật trước phiên đấu giá, khách ra vào nườm nượp, tôi nhận ra không ít nhà sưu tập đến từ TP.HCM và Hà Nội, cùng đông đảo kiều bào yêu cổ ngoạn hiện đang sinh sống tại Pháp.

Trong nhóm hiện vật đấu giá, có thể điểm mặt những dòng đồ quen thuộc như chiếc trống đồng Heger III, khí cụ người Mường với hình tượng ba con cóc chồng lên nhau trên mặt trống, bức trướng thêu long - phụng bằng chỉ vàng thời Bảo Đại năm thứ 9 (1934), hay bộ khay trà cẩn ốc đỏ được chạm trổ cầu kỳ theo lối xen lọng trên nền gỗ trắc quý hiếm, bức tượng thờ sơn son thếp vàng kiểu Bắc hơn 300 năm tuổi, cả những chén trà men lam Huế của triều Nguyễn vẽ tích Bá Nha - Tử Kỳ cũng hiện hữu trong buổi trưng bày chờ đấu giá.

Đến ngày đấu giá, các hiện vật không bày trong tủ kính như hai hôm trước, mà được dọn gọn, xếp theo thứ tự, chừa chỗ cho khách tham dự đấu giá và tiện việc vận chuyển lên sàn đấu giá theo thứ tự sắp sẵn. Nhà đấu giá trứ danh Claude Aguttes, người sáng lập Aguttes, cầm búa điều khiển phiên đấu giá. Khán phòng nêm chật người, nhưng tuyệt nhiên im lặng, chỉ có những cánh tay ra dấu liên hồi, mỗi hiện vật không quá một phút để tìm được mức giá gõ búa.

Ngoài những người có mặt trong buổi đấu giá, còn một lượng lớn khách giấu mặt đăng ký đấu giá qua điện thoại. Đây là những người sưu tầm cao cấp, không muốn xuất hiện và thường đem lại nhiều yếu tố bất ngờ cho các phiên đấu giá.

Tay búa trứ danh Claude Aguttes điều khiển phiên đấu giá

Ở góc khán phòng, 8 điện thoại bàn hoạt động hết công suất, phục vụ các nhà sưu tầm ẩn danh, nhân viên trực điện thoại giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Hoa... với khách hàng.

Người cầm trịch Claude Aguttes bắn tiếng Pháp liên thanh, búa vung trong không khí xác nhận mức giá tăng dần sau khởi điểm. Người mua ngồi căng thẳng dõi theo từng giây, khai mở hết các giác quan mới có thể kịp ra giá đúng lúc, phù hợp, chọn về hiện vật ưng ý cho mình. Người chủ hiện vật bán được sẽ phải trích 6,5% giá gõ búa để đóng thuế cho chính phủ trong trường hợp giá hiện vật từ 5.001 euro trở lên.

Tất cả các thao tác chuẩn bị hiện vật, rao giá, gõ búa, làm thủ tục thanh toán, đóng gói, diễn ra chuẩn xác, nhanh như gió. Nhìn quanh giới sưu tầm đến từ VN vẫn án binh bất động, phần vì các hiện vật chưa phải quý hiếm lắm nhưng giá đấu lên thường cao hơn đôi ba lần so với trong nước, chưa kể rào cản ngôn ngữ đấu giá (vốn dĩ rất nhanh và khó nghe), nên dường như dự đấu giá chỉ để học hỏi kinh nghiệm và đong đo giá thị trường của đồ cổ.

Bù lại, những đấu giá cổ vật Việt diễn ra trên các trang mạng nước ngoài, lại được người sưu tầm Việt ưa chuộng hơn, bởi có thể nhìn - hiểu được bằng con số và căn thời gian ra giá hợp lý. Chỉ có điều, chuyện thật giả khi mua bán trên mạng, lại đòi hỏi một trình độ và mánh lới nhất định khác, nếu không sẽ lại ghi danh vào mục “Buôn ngu thì chết” - một cách dịch loạn dựa theo bốn chữ Hán thường thấy trong các hiệu đề gốm sứ mà dân buôn cổ ngoạn bày trò trêu ghẹo những tay buôn và cả người sưu tập non nghề.

Được biết sắp tới, nhà Aguttes sẽ tổ chức phiên đấu giá lớn về đồ mỹ thuật châu Á tại Drouot với rất nhiều cổ vật có xuất xứ từ VN, tiêu biểu là các dòng đồ sứ ký kiểu được triều Nguyễn đặt làm tại Trung Hoa xưa. (còn tiếp)

Đồ hoa: Duy Quang

Báo Thanh Niên
07.05.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.