>> Phạm Anh
Khi vừa chuẩn bị vào lớp 1 thì cơn sốt quái ác quật xuống, làm cậu bé Tú bại liệt chân. Nhìn chúng bạn đến trường, cậu buồn lắm. Nhờ được ba mẹ động viên, hỗ trợ để tập đi đứng và quyết tâm đến trường, Tú dần đi được nhưng bước chân xiêu vẹo rất khó khăn. Thời gian thoi đưa, với nỗ lực không mệt mỏi, cậu học trò tật nguyền phố núi đã thi đỗ đại học, ngành quản trị kinh doanh. Năm 1999 ra trường, Tú là một trong 29 sinh viên xuất sắc nhất được tỉnh Kon Tum tuyển vào công chức nhà nước nhưng anh lại chọn ngã rẽ khác.
"Tôi muốn thử thách khác nên đến một doanh nghiệp xuất nhập khẩu của TP.HCM có chi nhánh ở Kon Tum để xin việc. Tôi nói mấy tháng đầu tôi xin làm không lương, khi thấy có năng lực thì ông chủ trả lương cho tôi cũng chưa muộn", anh Tú nhớ lại.
Mới đầu, chủ doanh nghiệp nhìn Tú ái ngại. Sau vài ngày hỏi thăm, biết chuyện học hành của anh nên gọi đến làm việc ngay. Sau 2 tháng thử việc, doanh nghiệp này chính thức giao việc và trả lương cao hơn so với người cùng trình độ. Hai năm sau, doanh nghiệp nói trên giao luôn nhà máy xuất khẩu ở tỉnh Kon Tum với trên 300 cán bộ, công nhân cho anh Tú quản lý, làm việc trực tiếp với đối tác nước ngoài.
Trải nghiệm và lao động cật lực, anh Tú thấy kiến thức của mình vẫn chưa đủ, nhất là về luật. Vậy là anh đi thi và đỗ vào ngành luật. Đến năm 2004, anh Tú chính thức thành lập doanh nghiệp của riêng mình ở TP.Kon Tum, đó là Công ty tư vấn kinh doanh Hoàng Nguyên Bách.
15 năm qua, anh Tú lăn lộn, miệt mài với công việc, chưa có một ngày ngơi nghỉ. Đáng nói là, những đơn vị được anh Tú tư vấn luôn làm ăn được nên uy tín của công ty anh tăng thêm mỗi ngày. Vì vậy, anh Tú được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum.
Đưa chúng tôi đến trang trại ở xã Hòa Bình, TP.Kon Tum, anh Tú nói đây là nơi tâm huyết nhất của mình: Hợp tác xã Đồng hành nhà nông Hoàng Bách Kon Tum. Bước vào sau cánh cổng, anh Tú hướng dẫn chúng tôi sát trùng trên hố nhỏ đựng vôi trắng. Sau đó chúng tôi vào bên trong, thấy hàng ngàn con gà đang tập trung dưới tán cây cao su hóng mát.
"Đây là trang trại nuôi gà bằng dược liệu. Đố anh em ngửi thấy mùi hôi", anh Tú khoe. Thông thường chỉ vài chục, vài trăm con gà nuôi tập trung đã khó chịu, còn ở đây có hàng ngàn con gà nhưng đi khắp khu chăn nuôi, chỉ nghe mùi thuốc nam thoang thoảng. Quan sát, chúng tôi thấy chuồng nuôi gà được lót đệm sinh học, có khu chế biến thức ăn trộn dược liệu riêng và có một lò xông thuốc, có đường ống dẫn xung quanh các chuồng trại.
"Giống gà ít nhất có 27 loại bệnh. Mỗi lần bệnh, người nuôi cứ tiêm tân dược cho gà. Khi xuất bán ra thị trường, cơ thể gà vẫn tồn dư nhiều chất kháng sinh. Trăn trở vậy nên tôi đầu tư 2 tỉ đồng xây dựng chuồng trại; trồng thảo dược để nuôi gà, giúp nó kháng được 27 loại bệnh và hoàn toàn không dùng tân dược", anh Tú giới thiệu.
Để có thảo dược nuôi gà, anh Tú đã nghiên cứu rất kỹ sách Cây thuốc và vị thuốc VN của GS-TS Đỗ Tất Lợi. Cách đây hơn 3 năm, anh Tú và những lao động trong trang trại trồng 2 ha các loại như: bồ kết, lá mơ lông, sả, gừng, nghệ, húng quế, hương nhu, củ riềng, cỏ lào, trầu không, đinh lăng và mua nhiều thảo dược khác có sẵn tại địa phương. Khi thảo dược có sẵn, anh Tú tiến hành chế biến thức ăn, có loại xay nghiền trộn với bắp, gạo, cám; có loại nấu ra nước, xác thì trộn vào thức ăn, nước thì cho gà uống hằng ngày, tương thích theo hai mùa khô và lạnh. Hai năm đầu, anh Tú nuôi thử nghiệm, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 400 con gà, giống lấy từ Viện Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT.
Khi bắt tay vào nuôi, từ gà con đến 50 ngày cho ở chuồng lót đệm sinh học, cho dược liệu kháng sinh vào thức ăn, nước uống và bổ sung rau xanh giàu dinh dưỡng như: dền đỏ, rau muống, lá đậu, củ hành tây, lá hẹ... Gà 51 ngày đến trưởng thành (150 ngày) được thả ra sân vườn. Lúc này, thức ăn, nước uống bằng thảo dược được tăng cường, ngoài nông sản (bắp, lúa, cám, gạo, đậu) xay nghiền chiếm 50% khẩu phần ăn, trang trại cho ăn phụ phẩm bã đậu nành, khô dầu lạc, khô dầu dừa (5%); rau xanh xay nghiền (20%); bột thảo dược dinh dưỡng như lá chùm ngây, lá đậu phộng, so đũa, đậu ván, sâm đất, lá đinh lăng, lá đương quy, lá chè đại. Ngoài ra các loại thức ăn khác như bột xương, vỏ sò, tro bếp và các loại vitamin tự nhiên như chanh dây, bụp giấm, chanh...
Điều đáng nói, các loại thức ăn nói trên đều được ủ lên men để giúp gà tiêu hóa triệt để, phân thải ra ít và giảm mùi hôi tuyệt đối. Chị Võ Thị Lệ (31 tuổi), công nhân chế biến thức ăn của trang trại, cho biết một công thức: sả, gừng, tỏi, hành tây xay lên rồi ủ với rượu khoảng từ 20 - 30 ngày, sau đó vắt lấy nước cho gà uống, xác thì trộn với thức ăn. Trời nắng ấm thì không cần cho gà uống, trời lạnh cho gà uống nhiều hơn.
Chưa kể, cứ sau 5 ngày một lần, trang trại lại xông khói thảo dược từ bếp lò để khử trùng, phòng các loại bệnh cúm gà. "Dược liệu là bồ kết, lá mơ lông, ngải cứu, bột nghệ, bột sả. Khi xông khói vào chuồng nuôi, gà hít khói vào thì sẽ kháng được các loại cúm gia cầm H5N1, H7N9.
3 năm qua, trang trại của tôi chưa có con gà nào chết vì các loại cúm gia cầm", anh Tú khẳng định.
Để tạo niềm tin cho khách hàng, anh Tú đã tạo kiểm chứng của khách hàng qua việc thiết kế loại tem truy xuất nguồn gốc gà dược liệu. Có tem này buộc vào chân gà, khách hàng dùng điện thoại thông minh quét vào tem, có thể truy xuất, biết được toàn bộ quy trình chăn nuôi. Đây cũng là cách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sản phẩm gà dược liệu của trang trại.
Anh Tú cho biết, sau 2 năm nuôi thử nghiệm, đến năm 2018, trang trại nuôi gà số lượng lớn với 4 lứa, cứ 3.000 con gà/lứa. Bình quân mỗi tháng xuất 1.000 con gà, chủ yếu cho thị trường Đà Nẵng, TP.HCM, Gia Lai và Kon Tum, với giá 150.000 - 170.000 đồng/kg. Theo anh Tú, gà nuôi trong vòng 5 tháng, mỗi con nặng từ 1,5 - 2 kg là tối đa. "Ai đã ăn sẽ thấy gà nuôi dược liệu thơm khác gà thường, vì đã khử được mùi tanh của thịt", anh Tú nói.
Ông chủ trại gà cũng tâm sự, đây chỉ là bước đầu thành công xây dựng mô hình nuôi gà kiểu này. Bởi bắt đầu từ nay trở đi, trang trại của Hợp tác xã Đồng hành nhà nông Hoàng Bách Kon Tum sẽ làm đầu tàu phổ biến ra xung quanh cho nông dân chăn nuôi, nhất là với đồng bào thiểu số địa phương.
"Hợp tác xã sẽ đầu tư cho hộ nuôi từ con giống đến kỹ thuật, có cả camera theo dõi, chỉ cần hộ nuôi tuân thủ theo đúng phương pháp nuôi, hợp tác xã sẽ thu mua lại sản phẩm. Một khi tạo sản phẩm ổn định, người nông dân bản địa có thể thoát nghèo từ mô hình này", anh Tú khẳng định.
Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Phạm Anh