img
Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 1.

Tạp chí Fortune (Mỹ) vừa công bố bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất Đông Nam Á (Southeast Asia 500, gọi là Fortune SEA 500). Đây là năm đầu tiên Fortune tổ chức xếp hạng 500 DN lớn nhất Đông Nam Á, sau các bảng xếp hạng nổi tiếng toàn cầu như Fortune 500, Fortune Global 500, top các công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới... Bảng xếp hạng dựa trên tổng doanh thu và chỉ số tài chính của các DN đến từ 7 quốc gia trong khu vực, bao gồm VN, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Campuchia.

Không phải ngẫu nhiên mà Fortune dành sự chú ý cho Đông Nam Á. Khu vực này đang chứng tỏ ngày càng quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu nhờ sự thay đổi chuỗi cung ứng và sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế. Xếp hạng này dựa trên kết quả kinh doanh trong năm 2023 của các DN. Tuy vậy, Fortune cũng cho biết doanh thu và lợi nhuận của 500 công ty trong bảng xếp hạng Fortune SEA 500 bị giảm trong năm qua. Sự thay đổi này bắt nguồn từ thị trường năng lượng yếu kém, che khuất sự tăng trưởng ấn tượng ở nhiều ngành khác.

Trong bảng xếp hạng lần đầu tiên dành riêng cho khu vực này, VN có 70 đơn vị được vinh danh trong Fortune SEA 500 và 13 đơn vị nằm trong Top 100. Có thể kể đến những tập đoàn, DN lớn như Petrolimex, Vingroup, Hòa Phát, Thế giới Di động, Vietnam Airlines, VietjetAir, Vinamilk, Agribank, BIDV, VietinBank…

Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 2.
Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 3.

Nhà máy ô tô điện VinFast ở Hải Phòng

Phạm Hùng

Không kể các DN nhà nước, ở khối DN tư nhân đã xuất hiện nhiều tên tuổi lớn mà dẫn đầu là Vingroup. Tập đoàn này được Fortune xếp vị trí số 1 khối DN tư nhân trong nước và thứ 45 của cả 7 quốc gia trong bảng xếp hạng Fortune SEA 500. Bên cạnh tiêu chí quy mô tài sản, Vingroup được đánh giá cao ở các chỉ tiêu tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh. Năm 2023, Tập đoàn đạt doanh thu hơn 6,77 tỉ USD và lợi nhuận 86,3 triệu USD, tổng tài sản đạt 27.521 triệu USD. Hiện tại, Vingroup hoạt động đa ngành, trải rộng từ công nghiệp - công nghệ, thương mại - dịch vụ đến thiện nguyện xã hội. Trong đó, VinFast - thương hiệu ô tô thuần điện của Vingroup - đã niêm yết thành công cổ phiếu trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ) và đang nhanh chóng mở rộng sự hiện diện tại Bắc Mỹ, châu Âu, châu Phi, Trung Đông và các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan… Mới đây, VinFast cũng được Tạp chí Time (Mỹ) vinh danh trong top 100 công ty có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2024.

Hay như Tập đoàn Hòa Phát được Fortune ghi nhận doanh thu trong năm 2023 đạt 4,99 tỉ USD, lợi nhuận sau thuế 287 triệu USD và tổng tài sản đạt 7,74 tỉ USD. Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất VN và hàng đầu trong khu vực ASEAN. Sắp tới, khi dự án Hòa Phát Dung Quất 2 để phát triển các sản phẩm thép cán nóng (HRC) chất lượng cao, phục vụ sản xuất ô tô; thép hàm lượng carbon thấp sản xuất các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng, kết cấu thép; thép HRC cho sản xuất vỏ container cường độ cao, kháng thời tiết… hoàn thành từ quý 1/2025, đưa Hòa Phát trở thành DN sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á và vào top 30 DN thép lớn nhất thế giới. Sự lớn mạnh của Hòa Phát cũng đưa VN vươn lên đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô trong năm 2023. Hay trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, FPT được xếp hạng đầu và đứng thứ 160 trong danh sách Fortune SEA 500…

Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 4.

Nhà máy VinFast

Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 5.

Không chỉ các DN Việt ngày càng lớn mạnh và lọt vào các bảng xếp hạng thế giới ngày càng tăng mà số lượng doanh nhân được ghi nhận là tỉ phú USD trên thế giới cũng nhiều hơn trước. Năm 2022, số lượng tỉ phú USD của VN được Tạp chí Forbes (Mỹ) lần đầu được ghi nhận là 7 người. Năm 2024, số tỉ phú USD của VN giảm xuống còn 6 người, gồm ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air; ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank; ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group; và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco Group). Dù vẫn còn khiêm tốn nhưng số lượng doanh nhân tỉ phú USD đã nhiều hơn các năm trước đó.

Đặc biệt, vào đầu tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66 nhằm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ mới. Theo đó, chương trình đặt ra từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân VN lọt vào danh sách tỉ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn. Số lượng DN được xếp vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm… Điều này càng cho thấy DN và doanh nhân Việt đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung.

Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 6.

Trong lĩnh vực tiêu dùng - bán lẻ nhu yếu phẩm tại VN, Masan Group là công ty đứng đầu trong bảng xếp hạng của Fortune

TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng khi nhìn lại lịch sử suốt mấy chục năm qua, chúng ta đã làm nên một câu chuyện kỳ diệu về sự phát triển vượt bậc của đội ngũ DN, doanh nhân Việt. Từ chỗ không có tên trên bản đồ kinh tế nước nhà, nhưng nhờ công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đã thổi bùng khát vọng và làn sóng khởi nghiệp đầu tiên trong nền kinh tế, để ngày nay chúng ta có được trên 6 triệu chủ thể kinh doanh bao gồm gần 1 triệu DN; 5,2 triệu hộ kinh doanh và cả chục triệu doanh nhân đang chèo lái con thuyền kinh tế, và chỉ riêng khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 45% GDP.

Doanh nhân là lực lượng chủ công làm nên một công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa được hàng chục triệu đồng bào mình thoát khỏi đói nghèo, đưa đất nước thành nước có thu nhập trung bình và đang vững bước trên con đường giàu mạnh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn quá ít DN cỡ lớn và vừa. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của DN Việt nhìn chung còn chưa cao. Chúng ta chưa có nhiều DN và thương hiệu ngang tầm thế giới. Quy mô nền kinh tế của chúng ta lớn, nhưng tỷ trọng khu vực phi chính thức còn cao, chiếm tới 30% GDP của nền kinh tế.

"Tôi tin rằng các DN Việt sẽ thành công trong công cuộc khởi nghiệp và tái thiết mới khi nền kinh tế toàn cầu đang được cơ cấu lại, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển và VN với vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi. Với sự ổn định chính trị - xã hội, với năng lượng và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, VN đang được lựa chọn là điểm đến của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ số, công nghệ cao (trong đó có công nghệ chip bán dẫn), năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn…", TS Vũ Tiến Lộc nói.

Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 7.


Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 8.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét danh sách 500 công ty lớn nhất trong khu vực chỉ mới dựa theo doanh thu của năm tài chính 2023, có thể chưa thể hiện một bức tranh tổng thể, nhưng qua đó giúp chúng ta có cái nhìn nghiêm túc hơn trong việc phát triển mạnh đội ngũ doanh nhân, DN Việt theo tinh thần Nghị quyết 41 của Chính phủ.

Xét về tiềm năng, VN với thị trường lao động dồi dào, dân số vàng với trên 100 triệu dân, xã hội có lượng người trẻ cao, nhu cầu tiêu thụ lớn, nhu cầu việc làm, khát vọng khởi nghiệp, làm giàu lớn… thì số DN nằm trong danh sách 500 DN mạnh của khu vực Đông Nam Á như thế là vẫn khiêm tốn. Bởi với quy mô dân số của VN hiện nay thì số lượng DN chưa đến 1 triệu là vẫn thấp. Chính vì số DN còn ít nên lao động VN - vốn được coi là tiềm lực của quốc gia - luôn trong tình trạng dôi dư, phải ra nước ngoài để kiếm việc. Phổ biến trong thời gian qua là người trẻ Việt sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc để lao động rất nhiều. Thậm chí mấy năm gần đây, xuất khẩu lao động VN sang các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… cũng rất phổ biến; trong khi đó là các thị trường đang cạnh tranh với VN về thu hút đầu tư do có tiềm năng nguồn lao động phổ thông phong phú.

Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 9.
Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 10.
Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 11.

Sản xuất thép HRC tại Tập đoàn Hòa Phát - HPG

Ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: Nếu VN có nhiều DN lớn, nổi tiếng hơn, sẽ tạo nên năng lực cạnh tranh tốt hơn, qua đó tạo công ăn việc làm nhiều hơn thì con số DN Việt có vị thế trên khu vực Đông Nam Á cải thiện đáng kể. Đặc biệt, tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới giúp DN mạnh lên được. Từ đó, ông Doanh cho rằng muốn DN vững mạnh, có tiếng nói và vị thế nhất định trong khu vực và trên toàn cầu, trước hết phải có lượng DN lớn đủ để cạnh tranh, cần phải đẩy mạnh việc nâng hạng hộ gia đình lên. Chính vì hoạt động cò con kiểu hộ gia đình nên chính các chủ hộ kinh doanh không nỗ lực nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế, cải tiến để tham gia vào thị trường xuất nhập khẩu.

"Trong khi nền kinh tế VN đang có lợi thế trên thị trường quốc tế rất lớn, VN đã tham gia ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), làm bạn với 5 châu bốn bể, lẽ ra hàng hóa được sản xuất tại đây, do chính Việt sản xuất, dưới thương hiệu VN phải phủ sóng toàn cầu và ngành hàng được thị trường quốc tế biết đến. Nhưng nguồn lợi xuất khẩu VN mang về dành cho DN nước ngoài là chủ yếu. Lý do, chúng ta thiếu đội ngũ DN Việt vững mạnh, thiếu DN tầm cỡ quốc tế. Muốn vậy, cần phải sửa đổi chính sách dành cho DN, mục đích là tạo sự công bằng với DN, nâng vị thế DN lên. Bên cạnh đó, có khung pháp luật nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, cạnh tranh một cách bình đẳng với đối tác khác tham gia trong thị trường khu vực", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 12.

Toàn cảnh lễ công bố đạt 1 tỉ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT

Đồng tình, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển DN, bày tỏ sự sốt ruột khi đội ngũ DN Việt chưa thể lớn mạnh như kỳ vọng. Ông lưu ý, năm 2023 là một năm kinh tế buồn trên toàn cầu. Nhiều DN "ngã ngựa" và cũng có nhiều DN trụ vững phát triển. Thực tế, VN có phần may mắn giữa biến động kinh tế toàn cầu thì khả năng ứng phó của chúng ta ổn hơn do nền kinh tế nông nghiệp, có nhiều DN phát triển dựa trên nguồn lực tự nhiên. "Trong chuỗi giá trị, nông sản VN đứng đầu chuỗi từ trồng trọt đến thu hoạch, xuất sang các nước, qua đó tăng doanh thu đáng kể. Đặc thù của mặt hàng lương thực thực phẩm là dù có chiến tranh, xung đột đến đâu, người dân cũng cần phải ăn, thế nên xuất khẩu nhóm hàng nông sản Việt tăng trưởng tốt, qua đó DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và các dịch vụ liên quan phát triển tốt, đó là lợi thế. Vậy khi kinh tế toàn cầu trở lại bình thường, liệu chúng ta có thực lực để tiếp tục lớn mạnh không?", ông Quân đặt vấn đề.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Quân, doanh số bán hàng, doanh thu của một DN chỉ là 1 chỉ tiêu trong 26 nhóm chỉ tiêu để đánh giá về một DN. Muốn xây dựng và phát triển những DN có tầm vóc, quy mô lớn mạnh, có tầm ảnh hưởng trong khu vực thì cần nhiều yếu tố. Trong đó có năng lực quản trị tài chính, điều hành, hiệu quả sử dụng nguồn lực… Do đó cần có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng DN lớn mạnh hơn mà không phải để họ đơn độc trên hành trình này. Chẳng hạn, lợi thế lớn nhất của VN là nguồn nhân lực, song đầu tư của DN liên quan nhân lực lại khá mờ nhạt. Cho đến nay, các chính sách phát triển nguồn nhân lực Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn cũng đã được triển khai rầm rộ. Thế nhưng việc cộng đồng DN ngành công nghệ tham gia phát triển nguồn lực để đón nhận cơ hội này vẫn còn rất thấp, có chăng chỉ nổi trội tại một vài công ty lớn có thể đếm trên đầu ngón tay. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, gợi mở để DN tận dụng mọi nguồn lực sẵn có, đừng để họ phải mang tiền ra nước ngoài đầu tư, thuê nhân công nước ngoài chỉ vì nguồn nhân lực yếu…

Doanh nghiệp Việt tăng tốc- Ảnh 13.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.