img
- Ảnh 1.

Năm 2023, chip 5G DFE - thành phần phức tạp nhất trong hệ sinh thái thiết bị 5G - do Tập đoàn Viettel phát triển, gây bất ngờ không chỉ trong nước mà còn với cộng đồng công nghệ quốc tế như Hội nghị Di động Thế giới (MWC). Synopsis, nhà cung cấp công cụ thiết kế chip và là một trong các đối tác về bán dẫn của Viettel, đánh giá đây là kết quả khó tưởng tượng trong khu vực Đông Nam Á.

Tương tự, Nokia cũng ngạc nhiên khi một nhà khai thác viễn thông có thể làm chủ toàn trình hệ thống thiết bị 5G - điều chưa có tiền lệ. Chip 5G, cùng với hệ sinh thái thiết bị 5G từ mạng lõi đến vô tuyến do Viettel làm chủ, khẳng định khả năng tham gia vào các ngành công nghệ cao của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một trong những thành tựu mới nhất, chứng minh cho văn hóa dám mạo hiểm, dám làm của Viettel.

- Ảnh 2.

- Ảnh 3.

Lũy kế trong 35 năm, tổng doanh thu hợp nhất của Viettel đạt trên 2,2 triệu tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 540 nghìn tỉ đồng. Viettel luôn là doanh nghiệp hàng đầu trong đóng góp cho ngân sách, lũy kế đến nay đạt hơn 433 nghìn tỉ đồng, và là một trong những doanh nghiệp nhà nước hiệu quả nhất.

Nhưng ít ai biết khi bắt đầu năm 1989, Viettel chỉ ở trong một căn nhà cấp bốn với 10 người lính thông tin mới chuyển sang làm kinh doanh. Làm thế nào để Sigelco tí hon ngày ấy trở thành doanh nghiệp tỉ đô, chinh phục 10 thị trường quốc tế?

Hơn 30 năm trước, được cấp 2 sợi quang không sử dụng trên đường dây 500KV, Viettel đã thực hiện dự án xây dựng đường trục cáp quang quân sự Bắc - Nam dài 2.300 km mang tên 1A. Vấn đề là để xây dựng một đường trục liên lạc thường cần 4 sợi cáp, một thu, một phát và 2 dự phòng.

Để làm được, Viettel buộc phải tìm hiểu một công nghệ chưa từng được ứng dụng trên thế giới khi đó: thu - phát sóng trên cùng một sợi quang, sợi còn lại dùng làm dự phòng. Chưa kể, để đảm bảo bí mật quân sự, dự án 1A không được phép có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài. Hai năm ròng rã với hàng nghìn cuộc thử nghiệm làm đi làm lại, nhiệm vụ đã hoàn thành.

- Ảnh 4.

Việc khó mang tính bước ngoặt tiếp theo là kinh doanh di động. Thông lệ vào đầu những năm 2000, kinh doanh di động đồng nghĩa với liên doanh - doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tiền, doanh nghiệp Việt "góp vốn" bằng giấy phép viễn thông và khả năng tiếp cận thị trường. Thế nhưng Viettel quyết định tự xây dựng mạng di động mặc dù vốn liếng trong tay khi đó chỉ đủ cho 150 trạm thu phát sóng ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, chưa có kinh nghiệm thiết kế trạm và triển khai mạng lưới, với nhân sự vỏn vẹn 100 người.

Đội ngũ kỹ thuật Viettel đã phát triển thành công việc thiết kế trạm kiểu mẫu cho từng vùng miền - giải bài toán chi phí thiết kế hàng chục nghìn USD cho mỗi trạm riêng lẻ, và triển khai theo hình mắt lưới - giải bài toán triển khai mạng lưới. Với việc tự chủ về thiết kế, lắp đặt, trong vòng 2 năm Viettel đã sở hữu số trạm lớn hơn tổng tất cả các nhà mạng khác khác triển khai trong 10 năm trước đó. Điều này góp phần đưa mật độ di động Việt Nam từ 4% tăng lên 90% năm 2007 và hiện là 130%.

Mới làm di động được 2 năm, năm 2006, Viettel lại tự chọn một việc khó khác là đầu tư ra nước ngoài. Từ Campuchia, Lào rồi bước sang Haiti, Mozambique, Đông Timor, Brundi, Tazania, Peru và mới nhất là Myamar, Viettel lần lượt phủ cờ lên châu Á, châu Mỹ La tinh và châu Phi. Với cách làm viễn thông khác biệt, thương hiệu Việt đã cạnh tranh và chiến thắng chiếm lĩnh thị phần, đứng top đầu thị phần viễn thông của 7/10 thị trường quốc tế.

Năm 2023, doanh thu dịch vụ từ hoạt động viễn thông đầu tư nước ngoài của Viettel đạt hơn 3 tỉ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới, đem lại nguồn thu ngoại tệ hằng năm chuyển về Việt Nam lên tới 500 triệu USD.

Nếu không có những lần tự tìm việc khó, tự lực chiến đấu để trưởng thành, có lẽ giờ này Viettel vẫn chỉ là một đơn vị đi dựng cột, kéo cáp thuê trong một thị trường không còn dư địa, hay nói cách khác là "chết".

- Ảnh 5.

- Ảnh 6.

"Từ một doanh nghiệp rất nhỏ, với khát vọng, niềm tin, tinh thần dám nhận những việc không tưởng, Viettel trở thành một Tập đoàn lớn, mỗi năm đóng góp hàng nghìn tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Đây là câu chuyện gây cảm hứng cho rất nhiều người, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ số để nhận cho mình một sứ mệnh quốc gia", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, cũng là nguyên Tổng giám đốc đã gắn bó với Viettel từ những ngày đầu tiên, nói. Những việc khó đã trở thành điều bình thường và là động lực phát triển cho Viettel.

- Ảnh 7.

Năm 2010, Tập đoàn bắt đầu tham gia vào lĩnh vực Công nghiệp Quốc phòng với việc nghiên cứu hệ thống cảnh giới vùng trời. Ngày đó, trong lĩnh vực này trên thế giới chỉ có 8 nước sở hữu các tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn có năng lực thực hiện.

Công nghiệp quốc phòng là bí mật của mỗi quốc gia, Viettel không thể tìm một đối tác bên ngoài chuyển giao công nghệ hay hợp tác kinh doanh. Vượt qua khó khăn từ sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, sự khan hiếm nguyên vật liệu trong 2 năm Covid và cuộc xung đột Nga - Ukraina, những nỗ lực nghiên cứu phát triển đã đem về cho Viettel kết quả như mong đợi.

Đến nay, Viettel có hơn 60 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành Vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao theo mô hình tác chiến hiện đại nhất trên thế giới với doanh thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Từ lĩnh vực quân sự, Viettel đã làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị viễn thông, thiết bị dân sự…

- Ảnh 8.

Trước khi con chip 5G "Made by Vietnam" thành hình, vào năm 2022, Viettel cũng đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia đầu tiên trên thế giới làm chủ công nghệ 5G - bước nhảy vọt với độ trễ siêu thấp, tốc độ siêu cao và đảm bảo mật độ hàng triệu kết nối trên mỗi kilomet vuông.

Làm chủ được công nghệ 5G, Viettel là cái tên hàng đầu trong công cuộc xây dựng nền tảng số, tạo cơ sở cho các dịch vụ số quan trọng để phát triển nền kinh tế số và xây dựng xã hội số tại Việt Nam cũng như các thị trường nước ngoài.

- Ảnh 9.

Khi kinh doanh di động, dịch vụ số, đầu tư cho nghiên cứu sản xuất công nghệ cao… các công ty đều cần nguồn vốn rất lớn và nhân sự nghiên cứu hùng hậu. Nhưng bởi không có nhiều nguồn lực, Viettel phải dùng công thức khác lạ.

Những người được giao nhiệm vụ chỉ biết rằng: Khi có mục tiêu rõ ràng, không gì là không thể. Trước những yêu cầu của đất nước - đảm bảo thông tin quân sự, để phổ cập viễn thông đến mọi người hay tham gia công nghệ cao để tạo động lực phát triển mới, Viettel phải tìm ra những con đường mới, làm những điều chưa ai làm, làm nhiều hơn và nhanh hơn.

- Ảnh 10.

Ở cuộc chạy đua 5G, Huawei, Ericsson đã phải đầu tư hàng tỉ đô, 5.000 - 10.000 nhân sự nghiên cứu. Nhưng quân số tham gia nghiên cứu của Viettel chỉ 150 người. Các hãng trên thế giới chọn một nền tảng để phát triển, còn Viettel chọn cả 3 nền tảng lớn nhất thế giới để phát triển cùng lúc: Qualcomm, Intel, AMD.

Năm 2023, Viettel làm chủ hoàn toàn các thiết bị trong hệ sinh thái 5G bao gồm thiết bị truy nhập vô tuyến, thiết bị truyền dẫn, hệ thống mạng lõi. Trong năm, Viettel vận hành chính thức 300 trạm trên mạng lưới tại Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận. Kết quả đo kiểm cho thấy, thiết bị 5G do Viettel sản xuất đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu kỹ thuật theo tiêu chuẩn của thế giới và Việt Nam.

- Ảnh 11.

Trước đây, Việt Nam là một nước đi sau về viễn thông, còn giờ đã có thể sánh vai với 4 quốc gia khác trong việc cung cấp thiết bị 5G. Viettel là nhà cung cấp thứ 6, cùng với Ericsson, Huawei, Samsung, ZTE, Nokia.

Cuối năm 2023, hệ thống 5G dùng riêng (5G Private) hoàn chỉnh của Viettel được xuất khẩu sang Ấn Độ. Đến tháng 5.2024, thiết bị 5G Viettel tiếp tục được phân phối tại 9 quốc gia Trung Đông. 5G Make in Vietnam và Made by Viettel đã sẵn sàng cho một cuộc bùng nổ viễn thông mới.

Với đường trục cáp quang 1A, công nghiệp công nghệ cao hay 5G, tìm được lời giải cho những việc khó và làm chủ những thách thức là cách Viettel mới tiếp tục thực hiện vai trò tiên phong, chủ lực về công nghệ của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.