Là người sáng lập CLB tình nguyện Hành trình tuổi trẻ - Journey Of Youth (JOY), với 11 năm thực hiện các dự án thiện nguyện, Nguyễn Siêu Hạnh đã làm nhiều công trình nước sạch và chăm sóc y tế trên vùng cao, giúp hơn 44.000 người thụ hưởng. PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với anh về hành trình tình nguyện ý nghĩa này.

Tôi theo học ngành công nghệ thông tin Trường NIIT (liên kết với ĐH Hoa Sen) và phải học chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Từ năm thứ nhất ĐH, tôi thấy không đủ vốn tiếng Anh, nên tìm hiểu và tham gia một số CLB tiếng Anh ở TP.HCM. Tại đây, tôi quen một bạn làm tình nguyện viên cho một tổ chức bảo vệ trẻ em đường phố. Bạn rủ tôi đi theo để dạy học cho mấy đứa nhỏ. Lúc tới thì tôi thấy mấy bé sống dưới gầm cầu và thiếu thốn đủ thứ; ngủ lay lắt ở vỉa hè. Chúng tôi đã mở lớp dạy học cho mấy bé ở đó.

Trong quá trình dạy, tôi dần tìm hiểu về các dự án công tác xã hội và cũng ngay ở lớp học đó, tôi có cơ duyên gặp được một bạn làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Đức. Bạn hỏi có muốn tham gia không, tôi thấy hay nên viết bài về trẻ em đường phố gửi cho họ xem, vừa là luyện tiếng Anh, vừa tìm cơ hội hỗ trợ cho trẻ em đường phố. Sau một thời gian viết bài, khoảng 1 năm, họ gọi tôi qua Đức tham gia trại hè của tổ chức đó. Sau đó, họ gợi ý tôi thành lập một dự án ở VN và họ sẽ hỗ trợ từ xa.

Thời điểm đó, dự án dạy học cho trẻ em đường phố cũng không được triển khai nữa vì các bé đã được đưa về trung tâm bảo trợ xã hội. Vì vậy, tôi tách ra làm một dự án riêng để hỗ trợ trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa, và tổ chức JOY ra đời.

Khi thành lập dự án (năm 2009), chúng tôi có 3 người. Với sự hỗ trợ ban đầu của bên Đức, chúng tôi thành lập nhóm và bắt đầu đi trao học bổng, trao quà cho trẻ em nghèo ở Tây Ninh. Năm 2012, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về Tây nguyên và năm 2013, dự án bắt đầu lên làm chương trình trung thu cho em. Thời gian ở trên đó, chúng tôi có những trải nghiệm không ổn về nguồn nước. Chúng tôi ở đó có mấy ngày thôi mà khi về TP.HCM đều bị bệnh về da, thậm chí có bạn còn bị bệnh đường tiêu hóa. Chúng tôi đi khám bệnh, phát hiện ra nguồn nước sử dụng ở trên đó không đảm bảo vệ sinh.

Khi ấy, tôi nghĩ rằng, mình trên đó có một thời gian đã gặp vấn đề về sức khỏe, trong khi người dân sống cả cuộc đời như vậy. Thậm chí, bản thân họ cũng không biết nguồn nước đang dùng bẩn thế nào. Vì vậy, chúng tôi làm dự án nước sạch nhỏ ở trường học để học sinh và thầy cô có nước sạch để uống. Sau khoảng 2-3 công trình nước sạch trường học thì các mạnh thường quân bắt đầu quan tâm đến dự án của chúng tôi. Họ nói sẽ ủng hộ nhiều hơn để có thể làm được công trình to hơn, phục vụ cho cộng đồng nhiều hơn. Từ đó, chúng tôi bắt đầu làm các công trình lớn hơn, cung cấp nước sạch cho cả thôn, làng.

Năm 2018, chúng tôi bắt đầu triển khai dự án y tế ở Tây nguyên với việc khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân và tổ chức các buổi giáo dục về sức khỏe cho bà con. Tới thời điểm này, dự án của chúng tôi đã có 25 công trình nước sạch, trị giá mỗi công trình từ 180 - 230 triệu đồng, cho khoảng 44.000 người được thụ hưởng và 6 chương trình y tế, với sự tham gia của 1.000 tình nguyện viên.

Chúng tôi đi từ những ngày đầu tiên với số tiền rất nhỏ để xây dựng uy tín và niềm tin đối với cộng đồng. Chúng tôi là tổ chức tự phát, nên đi quyên góp từng đồng, thậm chí có những bạn sinh viên chỉ đóng góp vài ngàn thôi. Nhưng chúng tôi luôn luôn khuyến khích dù chỉ là đóng góp nhỏ, cũng nên tham gia đến trực tiếp nơi tài trợ, để cảm nhận được đời sống của người dân. Từ đó, họ thấy được những khoản tiền đóng góp của mình đã mang lại giá trị như thế nào. Họ về sẽ lan tỏa tới cộng đồng và nhiều người tham gia hơn. Điều quan trọng là xây dựng niềm tin dần dần theo năm tháng, để mọi người tham gia đóng góp với mình nhiều hơn.

Chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều vì khi mới bắt tay vào làm thiện nguyện, tôi còn là sinh viên mới 19 - 20 tuổi, kinh nghiệm sống chưa có gì, kể cả khả năng giao tiếp và trao đổi với chính quyền cũng rất hạn chế, nên khó xây dựng niềm tin. Lúc đó, cũng khó tiếp cận với các mạnh thường quân vì họ cũng không biết tụi nhỏ làm những gì. Thời điểm mới bắt đầu gây quỹ, được có 6 - 7 triệu đồng. Tôi phải bỏ tiền túi để đủ tiền mua quà cho các bé.

Khi sang Đức, tôi làm các dự án xã hội và là sinh viên VN duy nhất đoạt giải thưởng World Summit Youth Award - cho dự án công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Sau đó, tôi được giữ lại ở Đức làm việc. Nhưng lúc đó đặt ra cho tôi một sự lựa chọn, vì VN là nơi nuôi dưỡng mình, cho mình trưởng thành và lớn lên, nên tôi quyết định quay về VN làm một cái gì đó, để có thể đóng góp cho cộng đồng.

Lựa chọn về VN nhưng tôi bị thất nghiệp một thời gian dài (khoảng 2 năm). Tôi có xin làm việc ở một số doanh nghiệp nhưng kinh nghiệm của tôi không phù hợp với những gì mà họ cần. Lúc đó, tôi thực sự chới với, vì mình quay về trong tâm thế hừng hực muốn có việc làm để có thể tiếp tục dự án cộng đồng của mình, nhưng đã không như mong muốn, nên tôi thất vọng về bản thân rất nhiều. Khi ấy, tôi phải làm đủ nghề không tên để có thể duy trì dự án và sống được như: đi chụp ảnh theo nhu cầu, hay bán hàng qua mạng… Tôi đã tự ti vì thấy mình không làm được trò trống gì, không nuôi sống được bản thân. Mang tiếng có ăn có học, lại ở nước ngoài về mà 1 tháng kiếm được 2 - 3 triệu, trong khi các bạn cùng lớp thu nhập thấp nhất đã gần 10 triệu rồi.

Sau đó, tôi được làm công tác xã hội ở một công ty bảo hiểm, nhưng sau 2 năm, tôi thấy không phù hợp với môi trường văn phòng, nên xin nghỉ việc. Một lần lên Sa Pa (Lào Cai), tôi đi lạc xuống dưới bản, được những người dân nơi đây cho ăn, ngủ và tôi ở lại với họ một vài tháng, rồi quyết định đầu tư ở đây. Tôi mua nhà và kết hợp với người dân trong bản để mở dịch vụ homestay. Dự án này đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, đồng thời tôi cũng có tiền để duy trì hoạt động tình nguyện.

Có những thời điểm tôi muốn bỏ cuộc nhưng lại có những câu chuyện xảy ra, khiến cho tôi có niềm tin để đi tiếp con đường này. Những ngày đầu tiên đi tình nguyện, tôi bị chẩn đoán mắc ung thư. Lúc đó, tôi sốc nặng vì còn quá trẻ, còn đang giai đoạn muốn làm nhiều việc đóng góp cho xã hội. Tôi nghĩ phải bỏ cuộc thôi vì chỉ sống được vài năm nữa thì làm được gì đâu. Thậm chí, tôi còn nghĩ đến việc tự kết liễu cuộc đời, để không làm gánh nặng cho gia đình.

Sau đó, bác sĩ cho biết tôi biết là đã chẩn đoán nhầm. Trong khoảng thời gian ngắn đó cho tôi suy nghĩ giữa sự sống và cái chết rất rõ ràng. Rồi tôi quay lại công việc bình thường và nhận thấy cần sống hết mình.

Lúc tôi thất nghiệp, dự án cũng gặp khó khăn, nhưng có 3 lần muốn bỏ cuộc lại có 3 người xuất hiện giúp đỡ. Vì thế, tôi thấy mình như có duyên nợ rồi. Có lẽ, cuộc đời chọn mình làm công việc này rồi nên tôi không thể bỏ cuộc. Tôi nghĩ rằng, tình nguyện đã là lẽ sống của đời mình rồi.

Bài viết: Vũ Thơ
Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
12.07.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top