>> Hoàng Sơn

Số phận chiếc thuyền thúng ở các làng chài Đà Nẵng chưa biết sẽ về đâu khi chủ trương xả bản tàu nhỏ, thuyền thúng thực hiện được 2 năm thì dừng lại...

Chiều, bãi biển Xuân Hà (Q.Thanh Khê) nằm trong vịnh Đà Nẵng bình yên, sóng ì oạp vỗ bờ. Những con thuyền thúng giơ tấm lưng tròn, nằm im trên bãi cát làm nhiều du khách thích thú kéo đến tạo dáng, chụp hình. Ngồi một góc trên trảng cỏ, ngư dân Nguyễn Phúc Long (50 tuổi) cứ thế ngắm chiếc thúng của mình vừa mới “vô keo” (phủ keo chống thấm lên bề mặt - PV). Đoạn có bạn đến hỏi han, ông Long cười, gật gật: “Hai hôm nữa, cái thúng này ra biển bắt ghẹ ngon ơ rồi!”.

Đề án xóa bỏ thuyền thúng khiến nhiều người lo ngại một nét đẹp miền biển sẽ… “tuyệt chủng” trong nay mai

Hơn 30 năm gắn với nghiệp đi biển, ông Long từng bám những ngư trường truyền thống ngoài khơi xa như Hoàng Sa, Trường Sa trên tàu công suất lớn. Ông bảo, trai trẻ thì ngư trường nào cũng có thể vươn tới đánh bắt. “Nhưng khi có tí tuổi thì khác. Tui lui về gần bờ hơn để vừa sức với mình hơn. Thế là mua chiếc thuyền thúng, rạng sáng loanh quanh vịnh Đà Nẵng bắt hải sản rồi mang về cho vợ con chạy chợ. Rứa mà vui...”, ông kể.

Hơn 20 năm qua, cứ từ đầu năm âm lịch đến cỡ tháng 6, ông Long đưa thuyền thúng rong ruổi khắp vịnh Đà Nẵng thả lưới bắt ghẹ. Hết tháng 6 đến cuối năm, lại thấy ông đánh bắt cá gần bờ. Mùa này, mỗi ngày ông kiếm được dăm ba cân ghẹ đi bỏ nhà hàng. Ít lắm thì 300.000 đồng, nhiều thì 500.000 - 700.000 đồng. Ngày trúng mánh, có khi thu được tiền triệu. “Cả gia đình tui phụ thuộc vào cái thúng này đấy. Giờ bỏ biển bữa nào là thấp thỏm bữa đó”, ông trải lòng.

“Nhưng TP đã có chủ trương giảm tàu công suất nhỏ, thuyền thúng bằng cách hỗ trợ. Thuyền thúng cũng nằm trong số “xẻ thịt”. Ông biết thông tin này chưa?” - tôi hỏi. Ông Long thở dài: “Tui không những biết mà còn bày tỏ thái độ không đồng tình. Tui không ký nhận tiền hỗ trợ. Anh tính mà xem, như thuyền thúng của tui tiền hỗ trợ chừng 20 triệu đồng. Tiền bao nhiêu rồi ăn cũng hết, nhưng không quan trọng bằng việc xả bản thuyền thúng và mãi mãi không ra biển nữa...”.

Ngư dân Nguyễn Phúc Long khẳng định ông sẽ không nhận hỗ trợ để rồi phải bỏ nghề biển gắn bó mấy chục năm qua

Ông Long kể, nhiều người trong làng chài giờ ngồi không vì trót nhận tiền hỗ trợ để TP mua lại tàu nhỏ, thuyền thúng xả bản. Nhiều người quay quắt vì không biết làm việc gì. Cái tay quen chèo, cái chân thích lội, giờ lên bờ rồi làm việc gì cũng được ba bữa vì tay chân lóng ngóng. Nhìn “bài học” của những bạn chài, ông Long đúc kết: xả bản thuyền thúng thì lấy cái gì để sống?

“Những người già họ có ý bỏ biển thì khác, chứ tui thì không. Tui lên làm phụ hồ chắc chắn không được. Vả lại cái nghề của mình, mình mê rồi, ghiền rồi. Giờ có thu nhập tốt hơn tui cũng không đổi được. Đổi nghề mà nhớ biển thì làm răng? Khổ rứa chứ phải...”, ông Long nói.

Cũng đi biển từ cái thời lên đôi mươi, 30 năm qua, ông Lê Văn Thành (tổ 57, P.Xuân Hà) chưa một ngày rời biển. Có khác là trẻ thì đi khơi xa, già đi thì về gần bờ mà thôi. Bởi vậy, con thuyền thúng gắn bó với ông Thành không khác gì người bạn đã hơn 10 năm qua. Cũng nhờ chiếc thuyền thúng mà ông đã nuôi sống gia đình với 3 người con. “Tui không rành lắm chủ trương xóa bỏ thuyền thúng nhưng thấy ngư dân đã bỏ làm nghề lên bờ làm bảo vệ, phụ hồ cũng nhiều. Làm nghề từ thuở theo ông nội đến giờ, xa biển là nhớ biển liền. Nghe có hỗ trợ chuyển đổi nghề nhưng tui không ham...”, ông Thành tâm sự.

Ngư dân Lê Văn Thành có được nguồn thu nhập ổn định nhờ nghề lưới ghẹ để nuôi sống gia đình

Tháng 7.2016, TP.Đà Nẵng thực hiện đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20 CV (tàu cá, thuyền thúng gắn máy) trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, TP không còn thuyền thúng gắn máy hoạt động ven bờ; số lượng tàu vỏ gỗ công suất nhỏ hơn 20 CV, sức chở tối đa 0,5 tấn trở xuống còn khoảng 150 tàu. Theo Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, sau 2 năm thực hiện, TP đã xả bản 130 phương tiện, với 330 lao động được hưởng chính sách, tổng mức hỗ trợ hơn 5,4 tỉ đồng.

Và như đã ghi nhận, mặc dù đã nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nhưng nhiều ngư dân không biết mưu sinh bằng nghề gì một khi tách khỏi biển. Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho hay TP.Đà Nẵng đã có Công văn 3867 về việc dừng thực hiện chính sách xả bản tàu cá, thuyền thúng nhỏ. “UBND TP tạm dừng thực hiện đề án đến khi có văn bản chỉ đạo mới của UBND TP”, ông Tám nói. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, thẳng thắn nhìn nhận thực tế một bộ phận ngư dân Đà Nẵng không có khả năng làm được việc gì khác sau khi tàu cá xả bản. Họ thất nghiệp ngay trong làng chài của mình. Đấy là nguyên nhân khiến chính quyền TP.Đà Nẵng phải xem xét cho tạm dừng thực hiện đề án khởi sự một đề án mới ưu việt, khả thi hơn.

Là một nhà nghiên cứu văn hóa địa phương, ông Tiếng nhận thấy bảo vệ nguồn lợi thủy sản như một biểu hiện văn hóa kinh doanh ngư nghiệp, cũng là yêu cầu chung cho cả đánh bắt gần bờ lẫn đánh bắt xa bờ. Nếu được hỗ trợ những kiến thức cần thiết, như: mùa cá đẻ, kỹ thuật định vị tầm ngư... thì ngư dân vẫn có thể bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, không đánh bắt theo kiểu hủy diệt.

Bãi biển Sơn Trà đẹp khác lạ trong mắt du khách bởi thuyền thúng truyền thống trong không gian hiện đại

“Hình ảnh thuyền thúng ở các làng chài ven biển là hình ảnh được nhiều du khách lựa chọn để chụp hình kỷ niệm, chứ không phải những con tàu công suất lớn... Cho nên ý tưởng về dùng thuyền thúng như một sản phẩm du lịch là hoàn toàn khả thi. Đương nhiên sẽ hấp dẫn hơn nhiều khi đó là những chiếc thuyền thúng nằm bờ nghỉ ngơi sau khi vừa đồng hành với con người trong sóng gió chứ không phải được lưu giữ ở “bảo tàng ngoài trời” như một hoài niệm về quá khứ”, ông Tiếng gợi mở. Theo ông, du lịch dựa vào làng chài hiện có của TP.Đà Nẵng sẽ hấp dẫn du khách hơn nhiều khi đó là những “làng chài đang sống”. Nghĩa là “những làng chài có ngư dân” với mùi vị đặc trưng của làng cá, làng mắm, chứ không phải là những “làng chài không ngư dân”, những “làng chài chỉ có thuyền thúng trên cạn...”.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Hoàng Sơn

Báo Thanh Niên
15.07.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top